Thư gởi sư đệ !

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Lời Phật dạy rất là hay và thật là vi diệu vì nó luôn phù hợp với trình độ, căn cơ của tất cả chúng sanh. Mọi người dù ở bất cứ trình độ nào cũng đều có thể áp dụng ngay vào trong đời sống hàng ngày những lời đức Phật dạy.(TH)


Sư đệ ơi !

Đầu thư huynh chúc đệ với câu mà huynh đã thường dùng để chúc cho mọi người con Phật, đó là chúc sư đệ “luôn được an lành trong ánh hào quang của đức Phật”.

Sư đệ biết đấy, lời Phật dạy rất là hay và thật là vi diệu vì nó luôn phù hợp với trình độ, căn cơ của tất cả chúng sanh. Mọi người dù ở bất cứ trình độ nào cũng đều có thể áp dụng ngay vào trong đời sống hàng ngày những lời đức Phật dạy. Ví dụ như Phật dạy chúng ta không nên nói dối thì chúng ta nên thực hiện và thực hiện một cách sáng suốt, nghĩa là chẳng những không nói dối mà còn luôn luôn nói lời chân thật với tất cả mọi người. Chúng ta cẩn trọng trong lời nói, không vì đùa vui một tý mà làm hại người rồi hại cả đến mình nữa. Vì sao? Vì lời mình nói ra một khi làm hại người khác thì sau này hễ mình có nói gì thì ai cũng lo sợ và không tin. Sống trong cuộc đời mà không có ai tin mình hết thì mình còn sống được với ai đây hả sư đệ!

Hơn nữa, mình đã không nói dối và luôn nói lời thành thật đã đành nhưng cần thiết là mình cũng nên khuyên các bạn bè xung quanh mình cũng thực hiện không nói dối như mình, ngõ hầu mang lại lợi ích thiết thực hay nói khác hơn gọi là chia sẻ sự hiểu biết cho nhau. Mọi người tin tưởng với nhau rồi mới cùng nhau hợp tác làm ăn đôi bên cùng có lợi, tạo điều kiện cho cuộc sống được ấm no, gia đình hạnh phúc yên vui.

A! Nãy giờ huynh nói chuyện với đệ mà ví dụ có vẻ như áp dụng cho người đời hay chỉ cho người cư sĩ tại gia không thôi. Nhưng mà huynh tin tưởng rằng đệ hiểu và có thể áp dụng vào cuộc sống hiện tại của chính mình và có ích thật sự. Bởi vì, nếu ở trên là ví dụ cho người tại gia hay cư sĩ  thì đối với mình là người xuất gia lại càng cố gắng tinh tấn thực hiện lời Phật dạy một cách nghiêm túc hơn. Đệ nghĩ thử xem có đúng không?

Như vậy, huynh đệ chúng ta cùng nhau sách tấn lẫn nhau vươn lên và tự nỗ lực học hỏi nhiều điều đức Phật dạy, để từ đó đem áp dụng ngay trong cuộc sống hôm nay. Sáng sớm thức dậy tụng kinh, chấp tác, xong rồi chúng ta lại nghĩ sáng nay mình được ăn gì nhỉ? Cả hai thường nghĩ giống nhau. Cho nên chúng ta cùng nhắc nhở nhau rằng:

Tu mau kẻo trễ người ơi,
Kiếp sau biết có làm người hay không!
Hôm nay đứng giữa tang bồng,
Dẹp ngay cái chuyện tơ hồng thảnh thơi.

Thơ trên có thể đệ cho là thơ con cóc cũng được nhưng điều quan trọng đệ hiểu ý huynh là được. Trong đó có một chữ huynh muốn giải thích một tý đó là chữ ‘tơ hồng’ là chỉ cho ‘ái’ mà ái là một trong mười hai chi phần nhân duyên. Như vậy, ngay trong đời này mà chúng ta có thể dẹp được “ái” thì chúng ta sẽ được giải thoát. Huynh đệ mình hãy hiểu như vậy mà cố gắng tiến lên hướng về bến bờ giác ngộ giải thoát đệ nhé!

Huynh tạm biệt đệ đây.

Thông Hải.
[Tập san Pháp Luân - số 6]