Trong cơn nguy khốn biết tình bạn thân

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cũng như những câu chuyện Tiền thân khác, đức Phật kể câu chuyện này nhằm minh chứng rằng giữa đời sống hiện tại và đời sống quá khứ luôn có những sự nối kết với nhau, luân hồi tái sinh là một định luật tất yếu đối với con người và muôn vật.(QS)

Câu chuyện này, trong khi trú tại tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), đức Thế Tôn kể về Đề-bà-đạt-đa. Khi nghe Đề-bà-đạt-đa đang mưu tính giết hại mình, đức Thế Tôn nói:

– Này các Tỳ-kheo, chính điều này đời trước đã từng xảy ra. Thuở đó, Đề-bà-đạt-đa đã cố giết ta giống như đang cố làm bây giờ vậy.

Rồi Ngài kể cho họ câu chuyện này.

***

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua nước Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh vào đời làm một chú Linh Dương sống trong một bụi cây gần bên hồ nước ở trong cánh rừng. Cách hồ ấy không xa, có con chim Gõ Kiến xây tổ trên chóp ngọn cây. Còn trong hồ, có một con Rùa sinh sống. Ba sinh vật này kết bạn và sống với nhau trong tình thân hữu.

Một gã thợ săn lùng sục khắp trong rừng và nhìn thấy dấu chân của Bồ-tát đi xuống hồ nước. Gã ta bèn đặt ở đấy một cái bẫy dây da cứng chắc giống như một sợi dây xích sắt rồi ra về. Vào canh một, Bồ-tát đi xuống uống nước và bị mắc bẫy, vội kêu lên cầu cứu. Ngay sau đó, chim Gõ Kiến ở trên ngọn cây bay xuống, Rùa từ dưới nước bò lên, cả hai cùng bàn bạc tìm cách cứu Linh Dương.

Gõ Kiến nói với Rùa:

– Bạn Rùa, bạn có răng, bạn hãy cắn đứt cái bẫy này ra. Còn tôi sẽ đi đến chỗ ở của gã thợ săn, tìm cách ngăn cản không để gã đến đây. Nếu cả hai chúng ta cố gắng, người bạn của chúng ta sẽ không bị mất mạng.

Để làm rõ nghĩa này, Gõ Kiến đọc lên bài kệ:

Rùa hỡi, hãy xé cái bẫy da
Và cắn cho nó đứt rời ra
Còn tôi canh chừng gã săn thú
Giữ gã cách rời bạn thật xa.

Rùa bắt đầu gặm sợi dây da. Còn Gõ Kiến bay đến chỗ ở của gã thợ săn. Vào lúc rạng đông, gã thợ săn cầm lấy con dao và ra đi. Khi nhìn thấy gã rời cửa trước, Gõ Kiến đập cánh kêu lên và đá vào mặt gã. “Một con chim điềm xấu đá ta!” Gã thợ săn suy nghĩ và quay trở lại, nằm xuống đợi một lát. Sau đó, gã lại đứng dậy và cầm lấy con dao. Chim suy luận: “Lần đầu gã đi ra bằng cửa trước, vì thế lần này gã sẽ rời bằng cửa sau,” và chim nhìn thấy gã ngồi ở sau nhà. Gã thợ săn cũng suy luận như thế: “Khi ta đi ra bằng cửa trước, ta gặp phải một điềm xấu, nên bây giờ ta sẽ đi ra bằng cửa sau!” Và gã đã làm như vậy. Nhưng khi gã thợ săn vừa rời cửa sau để ra đi, Gõ Kiến lại kêu lên và đá vào mặt gã. Thấy một con chim điềm xấu lại đá mình, gã thợ săn nghĩ, “chắc con vật này không muốn cho ta đi!” nên quay trở lại và nằm xuống cho đến khi mặt trời mọc. Đến khi mặt trời đã lên cao, gã cầm lấy con dao và bắt đầu lên đường.

Gõ Kiến bay nhanh trở lại chỗ những người bạn của mình, kêu lên:

- Gã thợ săn đang đến đấy!

Lúc này, Rùa đã cắn đứt gần hết những sợi dây da, chỉ còn lại một sợi dây chắc. Răng của Rùa dường như muốn rụng ra ngoài, còn miệng thì bê bết máu. Bồ-tát nhìn thấy gã thợ săn tay cầm con dao đang lao đến như chớp, liền giật phăng sợi dây và biến mất vào rừng. Gõ Kiến thì bay lên đậu trên đầu ngọn cây. Còn Rùa vì quá yếu, đành phải nằm lại đó. Gã thợ săn thấy Rùa liền bắt lấy và ném vào trong một cái túi rồi buộc nó vào một nhành cây.

Bồ-tát thấy Rùa bị bắt, bèn quyết định cứu mạng người bạn của mình. Vì thế, giả vờ như yếu lắm, Linh Dương để cho gã thợ săn nhìn thấy mình. Gã thợ săn nhìn thấy và nghĩ rằng Linh Dương yếu thật, nên cầm lấy dao đuổi bắt. Bồ-tát giữ gã cách xa đúng tầm tay, dụ đưa gã vào rừng. Và khi thấy đi đã xa, Linh Dương vội tẩu thoát khỏi gã và như một cơn gió, đã quay nhanh trở lại hồ nước bằng một con đường khác. Linh Dương dùng sừng nhắc cái túi lên, ném nó xuống đất, xé toạc ra và cứu lấy Rùa. Từ trên cây, chim Gõ Kiến cũng bay xuống.

Thế rồi Bồ-tát nói với hai bạn thế này:

– Hai bạn đã cứu mạng tôi, đã thể hiện một tình bạn chân thành đối với tôi. Bây giờ gã thợ săn sắp quay trở lại để bắt các bạn. Các bạn hãy làm theo lời tôi: bạn Gõ Kiến, bạn hãy đi dời tổ của mình đến một chỗ khác. Còn bạn Rùa, bạn hãy lặn sâu vào trong nước đi.

Chúng đã làm theo như vậy.
Rùa lặn vào hồ nước
Linh dương vào rừng già
Từ trên cây Gõ Kiến
Dời tổ mình đi xa.

Gã thợ săn quay trở lại và không còn thấy một ai cả. Nhìn thấy cái túi của mình đã bị xé toạc, gã nhặt nó lên và buồn bã trở về nhà. Từ đó, ba người bạn này sống trọn đời trong tình thân hữu không gì phá vỡ, rồi sau khi mạng chung, đã tái sanh tùy theo hành nghiệp của mình.

***

Khi kết thúc pháp ngữ này, đức Thế Tôn nhận diện tiền thân:

– Vào thuở đó, Đề-bà-đạt-đa là gã thợ săn, Xá-lợi-phất là chim Gõ Kiến, Mục-kiền-liên là con Rùa, còn Ta là Linh Dương.

Lời bình:

Đề-bà-đạt-đa là anh trai của Tôn giả A-nan, là đệ tử của đức Phật. Ông là người rất thông tuệ, nhưng do lòng tham cầu lợi dưỡng và đam mê danh vọng nên đã có những việc làm sai trái, độc ác đối với đức Phật và Tăng chúng.

Theo đức Phật, những việc làm của Đề-bà-đạt-đa đối với Ngài không phải chỉ xảy ra trong đời hiện tại, mà còn xảy ra nhiều đời trong quá khứ, Đề-bà-đạt-đa cũng đã từng có những hành vi như vậy. Trong Tiểu Bộ kinh, phần chuyện Tiền thân, đức Phật đã kể lại nhiều câu chuyện đời quá khứ có liên quan đến những hành vi bất thiện của Đề-bà-đạt-đa. Câu chuyện này là một trong số những câu chuyện đó.

Vào một đời quá khứ, khi đức Phật thọ sanh làm một chú Linh Dương, thì Đề-bà-đạt-đa là một gã thợ săn. Gã thợ săn đặt bẫy để bắt Linh Dương. Linh Dương mắc bẫy, kêu cứu, và được hai người bạn của mình là Rùa và Gõ Kiến đến cứu giúp. Bằng lòng can đảm và trí thông minh, chúng đã cứu Linh Dương thoát khỏi nguy nạn. Rồi đến khi Rùa bị bắt, Linh Dương cũng lại dùng kế để cứu lấy Rùa. Cuối cùng cả ba thoát khỏi tai nạn, về sau tình bạn của họ càng trở nên thắm thiết hơn.

Cũng như những câu chuyện Tiền thân khác, đức Phật kể câu chuyện này nhằm minh chứng rằng giữa đời sống hiện tại và đời sống quá khứ luôn có những sự nối kết với nhau, luân hồi tái sinh là một định luật tất yếu đối với con người và muôn vật. Nhưng ở câu chuyện này ngoài việc dùng nó để chứng minh cho học thuyết nhiều đời sống ra, chúng ta có thể tìm thấy ở đây một giá trị giáo dục rất cao. Câu chuyện đã đưa ra một mối quan hệ tình bạn thật đẹp, những người bạn đã biết cứu giúp nhau trong lúc hoạn nạn. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thấy có những tình bạn chỉ thực sự tồn tại trong những lúc bình yên, còn khi gặp hoạn nạn lại bỏ rơi nhau, thậm chí có người còn đổ tội cho bạn để tìm lấy sự an ổn cho riêng mình. Hy sinh vì bạn, tìm cách cứu giúp bạn trong cơn nguy khốn là việc làm cao cả, biểu lộ một tình bạn chân thật. Ngạn ngữ Tây phương nói: “Ta biết ai là bạn chân thực không phải lúc ở nơi bàn ăn, mà lúc ở trong chốn lao tù”. Câu nói này ngẫm nghĩ thấy thật chí lý.

Lúc còn nhỏ, tôi đã có đọc một câu chuyện thế này: Có hai người bạn nhỏ rủ nhau vào rừng chơi. Đang lang thang, họ bất ngờ nhìn thấy một con gấu đen to lớn đi đến. Một người bạn, vì quá sợ hãi nên đã bỏ rơi bạn mình và chạy leo lên cây. Người bạn còn lại, trong lúc nguy khốn không biết phải làm thế nào nên giả vờ nín thở nằm chết, vì biết rằng loài gấu sẽ không bao giờ ăn thịt những sinh vật khi đã chết. Con gấu đi đến, ngửi vào đầu cậu bé, thấy đã tắt thở nên bèn bỏ đi. Khi gấu đi rồi, cậu bé trên cây tụt xuống, đến chỗ người bạn của mình và hỏi: Gấu nói gì với cậu thế? Cậu bé này trả lời: À, gấu bảo rằng ai bỏ rơi bạn trong lúc hoạn nạn là người không tốt!

Quang Sơn.
[Tập san Pháp Luân - số 6]