Những nét đẹp hiện đại trong kinh Sa-môn quả

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Đây là kinh số 2 thuộc Trường bộ kinh, với văn phong mộc mạc nhưng cao đẹp, có giá trị vượt không gian và thời gian, thể hiện tính siêu việt của đức Phật.

(Tiếp theo TSPL.2)

Một lần khác vua Ajàtasattu đến chiêm bái và yết kiến Đạo sư Makkhali Gosàla và cũng đặt câu hỏi trên, vị Đạo sư này đã trả lời: “Này đại vương, không có nhơn, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô vô nhân, vô duyên v.v... các loài hữu tình được thanh tịnh vô nhân, vô duyên v.v... không có tự tác, không có tha tác, không có nhân tác, không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố của người. Tất cả hữu tình, tất cả sinh vật, tất cả sinh loại, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Chúng bị dắt dẫn chi phối bị định mệnh, bởi điều kiện bộ loại của chúng, bởi cá tánh của chúng hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại của chúng v.v... Trong thời gian ấy, kẻ ngu cũng như người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Không có lời nguyện với giới hạnh này, với kỉ luật này, với khổ hạnh này, hay với phạm hành này, tôi sẽ làm cho chín muồi những nghiệp chưa được thuần thục, hay trừ diệt những nghiệp đã thuần thục bởi những nhẫn thọ liên tục, không thể đo lường, trong khi luân hồi không có giảm tăng, không có thặng dư, thiếu thốn. Ví như một cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến một mức độ nào đó. Cũng như vậy kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau.” (Sđd)

Cũng giống như Đạo sư Pùrana Kassapa, vị Đạo sư này trả lời câu hỏi của vua mà lại trình bày quan điểm của mình, đó là thuyết Luân hồi tịnh hóa.

Qua triết lý thuyết Luân hồi tịnh hóa Makkhali Gosàla, ta cũng thấy được triết thuyết này phản ảnh, một phần lớn những quan điểm của các tôn giáo đương thời Makkhali Gosàla cho rằng: “Chúng bị dắt dẫn chi phối bởi định mệnh”. Thuyết định mệnh quan niệm rằng mỗi chúng sanh nói chung hay con người nói riêng đều có một định nghiệp sẵn không thể cải đổi được mà chỉ cúi đầu nhận lấy số phận của mình v.v... Với những triết thuyết bi quan như thế, con người sẽ như thế nào, xã hội sẽ ra sao nếu như chấp nhận những triết thuyết đó?

Ở đây ta chỉ đơn cử hai triết thuyết, còn những quan điểm nhất thần giáo Brahma sáng tạo, đầy quyền năng của Bà la môn giáo, có quyền ban phước giáng họa, thì ngày nay cũng có những tôn giáo chủ trương một vị trời chúa tể nào đó tạo nên muôn loài, cũng có quyền ban phước giáng họa, nếu tin theo cầu cạnh sẽ được lên thiên đàng hưởng phước đời đời, bằng ngược lại sẽ bị đày vào hỏa ngục mãi mãi v.v... Quả thật là bất công khi một vị nào đó cho mình là siêu nhiên, là chân lý lại chỉ cứu giúp cho những ai cung phụng mình khen ngợi mình v.v... và đày đọa những ai không cùng quan điểm hay trái ý của mình. Thật vô lý và phản khoa học khi mà nhân loại phải chấp nhận những giáo lý, những quan điểm phi chân lý như vậy.

Hay những quan điểm ép xác khổ hạnh cùng cực, đày đọa thân thể của trường phái Nigantha Nàtaputta để mong hưởng phước báo ở một cõi trời xa xăm nào đó. Hoặc quan điểm cứ buông lung hưởng thú vui ngũ dục của trần gian cho bản thân mình, mặc kệ những ai sướng khổ, đọa đày v.v... qua triết thuyết của Ajita Kesakambàli v.v...

Sau khi nghe mọi quan điểm của các triết gia, những Đạo sư nổi tiếng đương thời, đức Thế Tôn đã không tán thán hay vội vàng phê bình. Tuy nhiên, vì lòng bi mẫn Ngài cũng trình bày những tri kiến siêu việt của mình qua những giáo lý giải thoát và an lạc, để lại cho nhân loại:

Giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi v.v... đã xô dẹp mọi quan điểm sai lầm, thiên kiến như: thuyết Vô nghiệp, thuyết Vô nhân vô duyên, thuyết Nhất thần giáo, thuyết Luân hồi tịnh hoá, pháp môn khổ hạnh, hay buông lung trong thú vui ngũ dục v.v... Ngài khuyên mọi người hãy chuyển hoá tam nghiệp của mình bằng cách gây những thiện nghiệp để đem lại an lạc cho mình, cho tha nhân, cho đời này và cho vô lượng kiếp về sau.

Giáo pháp Vô ngã, Duyên khởi, Bát chánh đạo v.v... đã nói lên sự tương quan tương duyên của vạn pháp, dứt bỏ ngã chấp của mình, thực hành những con đường chơn chánh trong mọi hành động của mình, đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và mọi người, bảo vệ cuộc sống gia đình và xã hội, thực hành sự thanh tịnh, vô ngã vị tha, đem lại định tĩnh trong tâm hồn, phát sinh trí tuệ siêu thoát luân hồi.

Quả thật giáo pháp của đức Thế Tôn giữa những luận lý, triết thuyết đương thời giống như những đóa hoa kiên cường tuyệt mỹ và bất diệt, giữa rừng gai kiến chấp rối ren trong các triết lý thời bấy giờ.

4) Kết quả hiện tại thiết thực của hạnh Sa môn:

Ta trở lại với câu hỏi của vua Ajàtasattu sau những lần tham kiến chiêm bái học hỏi các vị Đạo sư đương thời và khi nghe những câu trả lời của những vị này. Vua Ajàtasattu đã thưa lại với đức Thế Tôn như sau:

“Bạch đức Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả thiết thực của hạnh Sa môn (Các vị Đạo sư) đã trả lời những quan điểm triết thuyết của mình. Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ: “Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa môn hay Bà la môn ở trong nước con không được vui lòng?” Vì vậy bạch Thế Tôn, con không dám tán thán cũng không cật nạn lời nói (của các vị Đạo sư), không tán thán không cật nạn dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.” (Sđd)

Qua sự trình bày của vua Ajàtasattu, ta thấy được sự khôn ngoan khéo léo tế nhị của một bậc đế vương. Vì vậy nhà vua cũng xin đức Thế Tôn giải đáp câu hỏi thắc mắc chưa được tháo gỡ của mình. Đức Phật vì lòng bi mẫn đã giải đáp cho vua, chỉ cho vua thấy những kết quả vô cùng thiết thực của hạnh Sa môn từ thấp đến cao qua những ví dụ đơn giản và sinh động.

Ví như một vị nô bộc, một nông phu, một gia chủ, một đại thần v.v... sau khi nhận chân được tánh khổ của cuộc đời, tính vô thường giả tạm của thế gian, quả dị thục của các công đức v.v… Vị ấy đã phát nguyện: “Cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống an tịnh”. (Sđd)

Sau khi nêu những hình ảnh như vậy, đức Phật hỏi vua Ajàtasattu, nếu vua biết những vị ấy xuất gia như thế Đại vương có nói: “Ngươi hãy lại với ta, hãy làm lại người nô bộc, làm lại công việc, dậy sớm thức khuya thi hành mệnh lệnh v.v... Làm lại người nông phu, người gia chủ v.v... nạp thuế má làm giàu công khố v.v...?” (Sđd)

Vua đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không như vậy, trái lại con kính nể người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như: y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh. Và con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở cho người ấy đúng theo pháp luật.” (Sđd)

Qua câu hỏi đức Phật, vua Ajàtasattu đã tự trả lời lợi ích thiết thực thấp nhất thuộc thế gian của quả vị Sa môn.

Tiếp đó đức thế Tôn đã chỉ cho vua thấy những chánh hạnh của một bậc Sa môn: Vị ấy xuất gia cạo bỏ râu tóc, lìa gia đình, sống không gia đình, chế ngự thân khẩu ý, thân không sát sanh hại vật, không trộm cắp không dâm dật. Miệng không nói lời độc ác, không nói sai sự thật, không nói lời gây chia rẽ, không nói lời thêu dệt v.v... Ý không tham lam, không sân hận, không si mê. Ngược lại, vị ấy biết trải lòng thương đến muôn loài, cứu giúp chúng sanh, luôn nói những lời mang lại sự đoàn kết, có tính chất xây dựng bảo vệ sự sống, bảo vệ muôn loài, đem lại lợi ích cho tự thân và tha nhân, cũng như vạn loại chúng sanh v.v... vị ấy sống chế ngự bằng giới luật, sống với giới luật, luôn giữ thân tâm trong chánh niệm, chánh định v.v... có lòng tin bất thối vào chánh pháp, nỗ lực áp dụng chánh pháp trong cuộc sống, trong mọi hành động của tam nghiệp. Vị ấy thành tựu giới, định, tuệ, trí tuệ phát sanh, chứng đắc tứ thánh quả Sa môn (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán) v.v... thân tâm an tịnh, thoát khỏi mọi tham, sân si, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh, già, bệnh, chết v.v... hoàn toàn siêu việt luân hồi, đạt đến Niết bàn giải thoát. Vị ấy tự tâm đã biết rõ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời này sẽ không còn thọ thân nữa”.

Đó là những kết quả thiết thực của hạnh Sa môn, và đức Thế Tôn đã khẳng định: “Này đại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực của hạnh Sa môn này.” (Sđd)

Nghi vấn xưa nay của vua Ajàtasattu đã được đức Thế tôn làm sáng tỏ, sau khi nghe được kết quả hy hữu thiết thực của hạnh Sa môn. Với tâm hân hoan và tán thán chánh pháp, vua đã xin qui y Tam bảo đến trọn đời, đồng thời vua cũng tự bày tỏ lỗi lầm của mình với đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội, vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh để đạt vương quyền. Mong Thế tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chặn về tương lai.” ( Sđd )

Đức Thế tôn đã chứng nhận sự sám hối của vua, và xác định sự sám hối ấy là đúng chánh pháp. Sau khi vua Ajàtasattu đảnh lễ đức Thế Tôn và từ biệt, đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ kheo:

“Này các Tỳ kheo tâm vua ấy rất ăn năn. Này các Tỳ kheo tâm vua ấy rất hối lỗi. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chánh thì ngay tại chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được Pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế.” (Sđd)

Bài kinh Sa Môn Quả đã khép lại qua sự quy ngưỡng của vua Ajàtasattu về với Tam bảo và trở thành một trong những vị vua hộ pháp đắc lực nhất. Những nét đẹp hiện đại trong kinh được phơi bày, đặc biệt là quả vị thiết thực của hạnh Sa môn đã mở ra cho hàng con Phật nói chung và hàng xuất gia nói riêng luôn nỗ lực tu tập để đạt được những quả vị cao đẹp đó.

Trí Lộc. (Hết)
[Tập san Pháp Luân - số 3]