Thức ăn để tồn tại

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ăn để mà sống, tất nhiên là sự thực tầm thường. Từ sinh vật hạ đẳng nhất, chỉ tồn tại với một quan năng duy nhất là ý chí tồn tại, trong từng khoảnh khắc cũng phải khổ nhọc tìm kiếm thức ăn để duy trì sự sống(TS)

Tiếp theo TSPL - số 33

Vậy, những loại thực phẩm nào trưởng dưỡng, đưa đến trạng thái điều hòa giữa nội giới và ngoại giới, là điều kiện tất yếu cho sự phát triển của sinh vật trong nấc thang tiến hóa?

Khế kinh nói có bốn loại thực phẩm:

1. Đoàn thực hay đoạn thực
2. Xúc thực
3. Ý tư thực
4. Thức thực

Tùy trình độ phát triển của từng bậc mà thực phẩm được chia thành bốn loại như vậy. Thức ăn nào cũng cần sự tiêu hóa, nghĩa là thực phẩm sau khi được dung nạp phải qua một quá trình chuyển hóa thì mới thành thức ăn thật sự.

Đối với các Thánh như A-la-hán thì các loại thức ăn này không cần thiết nữa. Tuy nhiên, các vị Phật, các vị Thánh giả khi chưa nhập Niết-bàn, còn tồn tại thân xác, vẫn cần đến bốn loại thức ăn này.

1- Đoàn thực hay Đoạn thực

Tiếng Phạn là kavaḍikārāhāra. Trong đó, từ kavaḍa, nghĩa là một miếng; và kavaḍi-kārā: làm thành một miếng. Trong chữ Hán, chữ đoàn có nghĩa là vo tròn lại. Gọi là đoàn thực vì ở Ấn Độ có cái tục ăn bốc, người Ấn Độ thường vo tròn thức ăn lại rồi bốc ăn, nên các vị ngày xưa mới dùng hình tượng ăn bốc để chỉ chung cho tất cả thức ăn vật chất. Ngay cả nước thường là uống bằng ly nhưng nước dưới sông cũng có thể vốc vào tay rồi uống; do vậy, nói thức ăn (thực phẩm) là bao gồm cả thức uống. Nhưng ý nghĩa này không phù hợp với phong tục, tập quán người Hán, nên ngài Huyền Trang dịch lại là đoạn thực, chỉ thức ăn bằng phiến đoạn, có thể chỉ cắt thành từng phần đoạn.

Nói chung, đoàn thực hay đoạn thực là loại thực phẩm vật chất được tác thành bằng bốn đại chủng; chúng hợp thành ba loại đối tượng của giác quan: hương, vị và xúc. Xúc được dung nạp qua xúc giác, hương được dung nạp qua khứu giác, và vị được dung nạp qua vị giác. Cả ba yếu tố này, sau khi được dung nạp phải trải qua quá trình chuyển hóa mới trở thành dưỡng chất để làm năng lượng duy trì và tiến hóa của sự sống. Cơ bản, tất cả chúng sinh đều cần đến loại thức ăn là thức mà ta có thể gọi là bản năng sinh tồn, nhưng trong quá trình tiến hóa của sinh vật, có loài chỉ có đoạn thực là thức ăn duy nhất được biết đến. Chẳng hạn, loại chúng sinh chỉ có một căn, tức mạng căn là quan năng duy trì sinh mạng tồn tại, vì thức thực thuộc về bản năng tự nhiên của sinh vật nên không được xét đến. Loại chúng sinh này vì không có các quan năng khác nên không có xúc thực; chúng cũng không có ý thức nên không có ý tư thực.

Tất cả chúng sanh trong Dục giới, kể cả chư Thiên cho đến một phần chúng sinh trong địa ngục đều cần có đoạn thực.

Đoàn thực có hai loại: thô và tế. Thô là thức ăn, thức uống. Tế là sự tắm rửa, áo quần che chắn… Nhưng thô tế còn tùy theo loại, vì đối với loại này là thô nhưng lại là tế đối với loại kia. Đối với chúng ta, cơm, gạo là thô; nước và những cái khác là tế; đó là tính cách tương đối của thô, tế. Ở đây, chúng ta không bàn luận về tính chất thô tế của thực phẩm mà chỉ chú trọng bản chất của nó thôi.

Vậy, bản chất này là gì? Theo định nghĩa kinh điển, cái gì làm trưởng dưỡng và tăng ích các căn, thì cái đó mới được gọi là thực phẩm (dưỡng chất).

Trong ba yếu tố tạo thành đoạn thực, xúc là cái được nạp thọ bởi thân. Đói và khát là 2 trong 11 loại xúc. Đói là muốn ăn, khát là muốn uống (định nghĩa của Câu-xá). Yếu tố thứ hai là hương, tức mùi hương. Hương có tác dụng tăng ích nếu đó là mùi thơm. Mùi thối thường gây tổn hại nên không được kể là thực phẩm. Thứ nữa là vị; thực phẩm có 6 vị: mặn, nhạt, chua, cay, đắng, ngọt. Những thứ chúng ta ăn vào như ngũ cốc, rau trái các thứ, chưa được kể là thực phẩm, mà các yếu tố hương, vị, xúc hàm chứa trong đó mới đáng nói đến.

Thật ra cả ba yếu tố xúc, hương và vị cùng được nạp thọ một lần như là một tổ hợp, nhưng để cho dễ hiểu nên chúng ta phân tích thành xúc riêng, hương riêng và vị riêng. Cụ thể, khi chúng ta đưa thực phẩm vào miệng (thân căn), thì lưỡi là phần thứ nhất của thân căn xúc chạm thức ăn, với cảm xúc là cứng hay mềm, nóng hay lạnh; thứ đến ta có cảm giác mặn, lạt, chua, cay, ngọt, đắng... đó là vị; đồng thời cũng cảm nhận được mùi của nó là thơm hay thối, khó ngửi hay dễ chịu, đó là hương.

Xúc, hương và vị sau khi được dung nạp phải biến hoại thì khi đó mới trở thành dưỡng chất. Biến hoại ở đây không phải là tiêu hoại theo nghĩa vô thường mà là tiêu hóa                  (metabolism). Nếu không tiêu hóa được, thì cái được ăn vào không những không trưởng dưỡng và tăng ích các căn mà có khi còn gây tác hại. Do vậy, chúng ta sau khi ăn tuy cảm thấy hết đói, nhưng thực phẩm đó cũng chưa chắc trở thành dưỡng chất, nếu nó không được tiêu biến.

Cần lưu ý, xúc của đoạn thực chỉ là xúc của thân căn thôi. Do vậy, sắc xứ không phải là đoạn thực.

Sắc xứ là gì? Nói riêng biệt, sắc xứ chỉ cho những gì là đối tượng của mắt nhìn. Duyên mắt (căn) và sắc (cảnh) mà thức con mắt phát sinh. Tai và tiếng, cho đến thân và cái được xúc chạm cũng vậy. Tổ hợp ba gồm căn, cảnh và thức là xúc. Xúc này không phải là yếu tố trong đoạn thực. Chính nó là xúc thực. Con mắt cần xúc thực để tồn tại và tăng trưởng; vì nó cần phải nhìn những gì thích hợp mà không bị tổn hại, như đối tượng không sáng quá hoặc tối quá. Các cõi từ Sơ thiền trở lên có xúc nhưng không có hương và vị, tức là không có khứu giác và vị giác, do đó không có đoạn thực. Mặc dù chúng sanh ở đó được nói là vẫn có mũi và lưỡi nhưng chỉ là hình thức để trang trí cho đẹp chứ không có tác dụng gì cả. Điều này có nghĩa là đoạn thực chỉ có trong Dục giới mà thôi, còn từ Sắc giới trở lên không còn cần đến nó nữa.

2- Xúc thực

Thức ăn do tiếp xúc, do xúc chạm. Hình thái của xúc là tiếp xúc ngoại cảnh, tức căn và cảnh tiếp xúc nhau ngay khi đó nhận thức khởi lên. Căn, cảnh, thức, ba thứ này hòa hiệp thành tổ hợp xúc.

Căn-cảnh-thức hoạt động theo hướng tích lũy. Nói chung, tất cả các loại thực đều do tích lũy mà có tác dụng tăng ích – bản chất sự vật là như vậy. Nhưng sự tích lũy cũng có giới hạn của nó; hơn nữa vật chất có sanh diệt, chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi hủy. Cái này diệt là điều kiện (duyên) cho cái khác sinh. Hiện tượng áp suất là một minh họa cụ thể. Xúc thực cũng vậy, vì bản chất của nó là vật chất. 

Xúc có hai loại: xúc hữu lậu và xúc vô lậu. Tất cả chúng sanh từ Dục giới cho đến Vô sắc giới đều tồn tại bằng xúc thực. Với hạng phàm phu, khi con mắt nhìn cảnh thì nhãn thức khởi lên, và tạo thành tổ hợp xúc hữu lậu, nhưng với một vị A-la-hán thì tổ hợp này là xúc vô lậu.

Thai nhi chỉ có thân xúc và ý xúc, còn các xúc kia chưa có vì các căn chưa phát triển đầy đủ. Thân xúc của thai nhi là những điều kiện bảo vệ của người mẹ như nhiệt độ nóng, lạnh điều hòa, ăn uống những chất bổ dưỡng; đây là xúc thuận ích. Nếu điều kiện bảo vệ (thân xúc) này thiếu hay không điều hòa hoặc người mẹ bị va chạm mạnh thì thai nhi sẽ không trưởng thành hoặc sẽ bị hủy; đây là xúc tổn hại.

Tuy các căn chưa phát triển đầy đủ nhưng thai nhi cũng có ý xúc, vì ý lúc này chính là ý tiềm tàng từ trong chủng tử phát khởi, nó gồm có hai phần: thức mạt-na và thức thứ sáu. Thức thứ sáu dựa trên thân thức. Như vậy, khối vật chất danh sắc tồn tại tối thiểu bốn thức: Thức A-lại-da (thức thứ tám), thức mạt-na (thức thứ bảy), thức thứ sáu (ý thức) và thân thức (năm thức trước). Nói chung, khối vật chất danh sắc chứa đựng ba tầng hoạt động của thức. Tầng sâu nhất là thức thứ tám, tầng trung gian là thức thứ bảy, tầng ngoài cùng là thức thứ sáu và năm thức trước. Chính xúc thực đã làm cho các tầng thức này phát triển. Sự phát triển này chung cho tất cả chúng sanh từ Dục giới cho tới Vô sắc giới. Đối với thai nhi chỉ có sự xúc chạm là những điều kiện bảo vệ,  cho đến khi phát triển đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi. Thai nhi sau khi được sinh ra, các căn đều cần có xúc, bấy giờ tự nó xúc (xúc chạm) lấy để phát triển.

Giai đoạn phát triển của khối vật chất chỉ có sáu xúc vì sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý phải luôn luôn có xúc mới tồn tại và phát triển. Nếu tính cả chu kỳ phát triển của sự sống thì phải đủ cả tám xúc.

Nói rộng, bất cứ cái gì cũng cần có xúc để phát triển, như cây cối cũng cần sự xúc chạm của nhiệt độ ấm, nóng hay thậm chí cả âm nhạc để phát triển, nhưng sự phát triển này không thuộc loại chấp thọ đại chủng, mà xúc ở đây là sự tích lũy trong trạng thái quan hệ hòa hiệp của các pháp. Các pháp hòa hiệp nhau thì phát triển tồn tại, nếu nghịch nhau thì nó rã ra. Tụ và tán, đó là của quy luật tồn tại, chứ không phải là xúc thực. Xúc trong căn, cảnh, thức mới là xúc thực.

Trong bốn loại thực phẩm, thức ăn của con mắt thuộc loại xúc thực chứ không phải đoạn thực. Khi con mắt nhìn sắc, sắc này đương nhiên cũng biến hoại vì bản chất của nó là như vậy. Nhưng nó không biến hoàn toàn như vật thực được tiêu hóa trong dạ dày. Cho nên, sắc xứ như xanh, vàng, đỏ, trắng các thứ không thể thành thực phẩm như dạng vật thực, mà thành thực phẩm theo dạng xúc. Đây là chỗ cần phân biệt giữa đoạn thực và xúc thực.

Căn-cảnh-thức hiệp lại tạo thành xúc. Xúc đưa tới thọ. Thọ là cảm giác, trong thọ có khổ thọ, lạc thọ và xả thọ (phi khổ phi lạc thọ).

Lạc thọ là cảm giác thoải mái, đưa tới sự phát triển, gọi là tăng ích thọ và xúc đưa tới sự phát triển là thuận ích xúc, tức là xúc làm cho vật chất hài hòa. Khổ thọ là trạng thái khó chịu, luôn gây tổn hại, làm cho các căn va chạm nhau rồi dẫn đến tan rã. Khổ thọ thật ra là trạng thái không điều hòa giữa vật chất và tinh thần, tức trạng thái mất quân bình, không cân bằng giữa căn, cảnh khi tiếp xúc với nhau. Trạng thái không cân bằng này tạo ra sự thoái hóa, ban đầu các căn (phần vật chất) bị hỏng nhiều hay ít. Như khi chúng ta ăn phải chất độc (đoạn thực), cơ thể sẽ phản ứng làm chúng ta buồn nôn khó chịu hay bị ngộ độc; đây gọi là ngộ độc thức ăn. Con mắt cũng có sự ngộ độc bởi xúc, nhưng vì nó chịu ảnh hưởng tác hại bên trong, không thể nhìn thấy. Xả thọ cũng gồm hai phần: xả thuận ích (xả bình thường) và xả tổn hại (không khổ không lạc).

Cảm thọ lạc đưa đến sự tiến hóa. Như người thiền định, thì cảm thọ lạc trong thiền định càng ngày càng tăng. Lạc thọ của thiền định là một loại thức ăn nuôi dưỡng cơ thể. Nhưng, vật chất có giới hạn, nên cơ thể con người phát triển cao và nặng tới mức nào đó thôi, nếu như phát triển quá mức thì sẽ trở thành bệnh, như bệnh béo phì. Trái lại, khi cảm thọ trong thiền định tăng lên sẽ phát triển khả năng duy trì thân thể đó nên không cần ăn mà vẫn tồn tại, đồng thời cảm thọ còn phát sinh thêm một loại khác nữa mà chúng ta không thấy, đó là quan năng của giác quan phát triển đến mức mắt có thể nhìn thấy những vật rất tinh vi mà không cần kính hiển vi; đây là sự khuếch trương căn mà chúng ta gọi là thiên nhãn. Điều này nghe có vẻ thần bí nhưng trong lý luận chúng ta thấy thích hợp với sự phát triển tự nhiên của quy luật tiến hóa, giống như con vật bốn chân có thể đứng được trên hai chân, để rồi chạy nhảy và dần dần tiến hóa lên có thể bay được.

Như đã giải thích, thức nào khởi lên cũng đều có xúc cả, A-lại-da thức cũng có xúc. Do vậy, có tất cả tám xúc, nhưng ý nghĩa thực phẩm (xúc thực) của ý thức là nổi bật hơn hết. Năm thức trước hoạt động có giới hạn. Trong quá trình tiến hóa, từ sơ thiền trở lên năm thức trước bị mất dần, còn thức thứ sáu thì tồn tại trong cả ba cõi. Lại nữa, khi tiếp xúc với cảnh thô hiển bên ngoài, ý thức thu nhận cảm thọ hỷ, lạc và xả thuận ích, mà cả ba loại cảm thọ này đều có khả năng duy trì và phát triển, trong khi thức thứ bảy lấy đối tượng là thức thứ tám quá vi tế và thức thứ tám chỉ tương ưng với xả thọ.

Do tính chất phổ biến trong ba cõi và ý nghĩa dinh dưỡng của thức thứ sáu nổi bật hơn các thức khác nên ý nghĩa thực phẩm (xúc thực) của nó cũng nổi bật hơn cả. Ở đây chỉ nói đến sáu xúc vì chỉ giới hạn trong ba cõi. Xúc thực lên cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Vô sắc giới, lên một bậc nữa là Diệt tận định, xúc này không còn. Vô sắc giới tuy không có con mắt nhưng vẫn còn ý phân biệt, tức là trong cảm thọ của tầng thiền định cao nhất vẫn còn xả thọ, song xả thọ này là thuận ích, tức cảm thọ đưa đến sự điều hòa để duy trì tồn tại. Vô sắc giới không có sắc nên đây là tồn tại với ý thức và căn của ý thức.

Hiện tại, chúng ta được nuôi dưỡng bằng thực phẩm cơ bản là đoạn thực và có thể có đủ khôn ngoan để lựa chọn loại đoạn thực thích hợp, vừa ngon vừa bổ dưỡng, nhưng với xúc thực thì chúng ta chỉ như trẻ nít cho gì ăn nấy, không phân biệt tốt xấu. Cho nên kinh sách Hán nói: “Nhãn bị sắc khiển quy ngạ quỹ; nhĩ tùy thanh khứ nhập A-tỳ” (Mắt bị sắc lôi vào đường ngạ quỷ; tai bị tiếng dẫn xuống địa ngục A-tỳ). Những ai đã từng có kinh nghiệm lạc thọ của thiền định đều có thể biết rõ ý nghĩa tăng ích và tổn hại của loại xúc thực này.

Tuệ Sỹ (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.34, 2007]


 

Một hôm, Thế Tôn ôm bát vào thành khất thực. Bấy giờ, có một Ni-kiền Tử, tu theo phép khổ hạnh, nhịn đói, gặp Thế Tôn ở cổng thành, hỏi: “Giáo lý của Ngài có gì đặc biệt?” Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều tồn tại do thức ăn”. Ni-kiền Tử nghe thế, bèn nói: “Điều đó thì trẻ nhỏ cũng biết, có gì là cao siêu?”

Ăn để mà sống, tất nhiên là sự thực tầm thường. Từ sinh vật hạ đẳng nhất, chỉ tồn tại với một quan năng duy nhất là ý chí tồn tại, trong từng khoảnh khắc cũng phải khổ nhọc tìm kiếm thức ăn để duy trì sự sống. Loài người, để tồn tại như mong muốn, cũng phải không ngớt tìm kiếm và tích lũy tài nguyên trong thiên nhiên làm thức ăn cho tồn tại ngày nay và ngày mai. Từ tích lũy mà phải cạnh tranh. Do cạnh tranh mà xung đột lẫn nhau, gây khổ cho nhau, cho mọi sinh vật khác. Đó cũng là sự thực tầm thường.

Ăn để mà sống. Sống là một quá trình chuyển biến để trở thành một cái khác, hoặc thấp hơn hoặc cao hơn. Quá trình ấy luôn luôn cần năng lượng để vận chuyển. Các sinh vật thấp hơn chỉ nhu cầu một loại năng lượng vật chất. Loài người, sinh vật cao cấp, cần nhiều hình thái năng lượng khác nhau. Nếu có sinh vật cao hơn loài người, như các sinh vật tồn tại trên các Thiên đường của các tôn giáo, tất nhiên có nhu cầu các loại thức ăn hay năng lượng khác với những gì đang được loài người tích lũy và dung nạp. Do suy đoán và tưởng tượng, một số đông cho rằng các chúng sinh trên các cõi Thiên cần những thức ăn như vậy, cho nên ngay từ bây giờ, ta phải tích lũy những thứ như vậy. Những thứ tích lũy ấy sẽ làm hài lòng đấng Tối Cao ngự trị trên Thiên giới, do vậy những ai sở hữu những cái đó sẽ được nhận vào Thiên quốc. Nếu đấng Tối Cao ngự trị trên đó, do bởi thịnh nộ mà muốn hủy diệt những thứ hay những loài mà Ngài cho là làm trái ý mình, thì những ai muốn sinh lên đó phải giết, phải thiêu, phải hủy diệt sinh vật khác, như là hành vi tích lũy tài sản để sau này có thể trao đổi với thức ăn tồn tại trên Thiên quốc.

Vậy, những loại thức ăn để tồn tại đó là những thứ gì?

Nói đến thức ăn hay thực phẩm, thì nó bao gồm hai phần: vật chất và tinh thần. Sự tu tập được xem như là món ăn tinh thần. Đa số chúng ta thường hiểu món ăn tinh thần như sự giải trí, nên cho rằng nó có cũng được, không có cũng được. Nhưng nhớ rằng, tất cả chúng sanh tồn tại là nhờ vào thức ăn, nghĩa là không có thức ăn thì chúng sanh không phát triển được. Song nếu chỉ được ăn thức ăn vật chất thôi thì sự phát triển của chúng sanh chỉ trong phạm vi nào đó, như trẻ con nếu chỉ được ăn những thức ăn như cơm, cháo mà không có những thức ăn khác, như không có xúc chạm, không được thương yêu, không được giáo dục, v.v… thì đứa trẻ đó sẽ bị còi cọt, v.v… ngay cả như nuôi mèo, chó, người ta cũng không chỉ cho nó thức ăn mà còn phải vuốt ve  nó nữa. Vì vậy, để phát triển toàn diện, chúng sanh ngoài thực phẩm vật chất, tất nhiên còn cần phải có những thực phẩm khác. Những thực phẩm khác đó là gì sẽ được giải thích sau. Bây giờ, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về tính chất của thực phẩm (ahāra). 

Ahāra trong Pāli cũng thường dùng với nghĩa là duyên, giống như điều kiện. Duyên là điều kiện; ahāra hay thực phẩm, thức ăn, cũng vậy, nó là điều kiện để duy trì sự sống và phát triển sự sống. Nói một cách phổ thông, nó là dưỡng chất để duy trì và phát triển sự sống. Như vậy, thực phẩm phải mang tính chất trưởng dưỡng, vì trưởng dưỡng là duy trì và nuôi lớn; là trưởng dưỡng phát ích (các căn), trưởng dưỡng tăng ích (các căn) hay là tích lũy và làm tăng thêm lên. Trong từ “trưởng dưỡng”, chúng ta nên thêm vào từ “tăng ích” nữa cho rõ nghĩa tức là “trưởng dưỡng và tăng ích”. Còn các căn ở đây là năm căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Trưởng dưỡng có hai ý nghĩa trên hai phương diện: 

- Thứ nhất, trưởng dưỡng là duy trì sự sống và phát triển sự sống (trưởng dưỡng và tăng ích), giống như mình ăn nhiều chất bổ thì càng ngày càng khỏe hơn và mập lên; đây là phương diện tích cực. 

- Thứ hai, trưởng dưỡng là không tổn hại, tức không tạo ra những tác hại chất gây nguy hiểm cho các căn; đây là phương diện tiêu cực. Thí dụ, hằng ngày, chúng ta vẫn ăn đều đặn, không thêm không bớt gì cả, khối lượng hay trọng lượng của cơ thể cũng không tăng, nghĩa là thực phẩm mà chúng ta ăn vào không có tính tăng ích nhưng cũng không gây tổn hại, không gây ra nguy hiểm cho sự sống. Nếu như trọng lượng giảm dần theo sự ăn hằng ngày, lúc bấy giờ thức ăn ấy là món độc hại, không những không tăng ích mà còn tổn hại, thì những thực phẩm đó không có trưởng dưỡng tức không duy trì cũng không nuôi lớn. Trong tính chất của thực phẩm, chúng ta chỉ nói đến ý nghĩa tích cực của trưởng dưỡng mà thôi. 

Ta hãy nói đến sự sống bắt đầu từ côn trùng, bò, bay, máy cựa, cho đến thiên thần cõi Phi tưởng Phi phi tưởng, tất cả đều cần phải có dưỡng chất mới tồn tại và phát triển. Nói cách khác, chúng ta gọi là nạp năng lượng để tồn tại. Không một sinh vật nào tồn tại mà không nạp năng lượng (dưỡng chất), cũng như không một hệ thống máy móc nào không nạp năng lượng mà có thể vận hành được. 

Vấn đề thực phẩm này, trong chuỗi lý luận, nó phải đi sau phần chứng minh sự tồn tại của danh sắc. Bởi vì, trước hết có thân rồi mới cần đến sự ăn để nuôi thân. Chỉ duy có thân, phần tồn tại vật chất, chưa đủ để cấu tạo thành sự sống. Nói chung, vật chất và tinh thần, hay thân và tâm, là những khái niệm cơ bản để hiểu sự sống là gì. Trong Kinh gọi đó là danh và sắc. Vậy, danh sắc hình thành và tồn tại như thế nào? 

Đời sống hiện tại là sự tiếp nối của đời sống quá khứ. Yếu tố hình thành đời sống hiện tại ngay trong sát-na thứ nhất được gọi là kết sanh tương tục, Nó nối liền hai đời sống quá khứ và hiện tại. Kết sanh tương tục là tổ hợp gồm ba chi phần: cha, mẹ và nghiệp cảm đời trước. Thiếu một trong ba chi phần trên thì sát-na tương tục không thể kết thành. 

Từ tử tâm, trạng thái hay sát-na cuối cùng của một đời sống, đến khi tái sanh trở lại, quá trình này diễn ra như thế nào để trở thành kết sanh tương tục? Điều cần thừa nhận ở đây là tất cả hành vi chúng sanh làm trong đời này, được thúc đẩy bởi động lực là ý chí, được tích lũy trong nội thân hay nội tâm, vẫn tồn tại cho đến khi hội đủ điều kiện cần thiết được xử lý để trở thành một cái khác. Những hành vi hay động tác của thân và miệng trong quá trình tạo nghiệp là quá trình vận động và chuyển biến của khối năng lượng, mà thuật ngữ duy thức học gọi là công năng chủng tử, được điều động bởi động lực ý chí (tư tâm sở). Khi sự tạo tác nghiệp đến giai đoạn quyết định, thí dụ trong trường hợp tạo nghiệp sát khi đối tượng bị giết đã chết, khối công năng chủng tử ấy được định hình và được tích lũy trong nội tâm. Đó là sự tồn tại của nghiệp sau khi đã được thực hiện. Nếu chưa hội đủ điều kiện, khối nghiệp tích lũy đó không được xử lý thì nó chưa thể phát sanh tác dụng; tức là nghiệp chưa trở thành dị thục.

Dị thục là gì? Nghĩa đen, đó là sự nấu chín. Thí dụ, thóc được xử lý để nấu chín thành cơm. Quá trình xử lý ấy bao gồm việc gặt hái, xay, giã, vo, nấu, với các yếu tố nước, lửa v.v... Sau khi đã xử lý thành cơm, sự tồn tại của thóc được tích lũy trong kho bấy giờ được thấy là biến mất, nhưng không mất hẳn, mà là biến thái để trở thành cái khác. Từ cái khác này mà về sau qua nhiều lần xử lý và biến thái nữa, để rồi trở thành yếu tố cấu thành sự xuất hiện của hạt lúa mới. Đó là quá trình lưu chuyển hay luân hồi trong trạng thái vật chất. Nhưng nghiệp được tạo tác không thuần túy vật chất, mà được điều động bởi ý chí; cho nên nghiệp được tích lũy như hạt giống tồn tại gồm cả sắc và tâm, mà thuật ngữ gọi là sắc tâm chủng tử. Cả hai là hai thực thể cá biệt, nhưng tồn tại bất khả phân, là hai lực tương tác không thể phân ly nhau, hợp thành một chỉnh thể thống nhất, làm căn bản cho sự sống hiện tại và tương lai. Nói tóm lại, danh hay yếu tố tinh thần, nguyên lý tâm, tồn tại y trên sắc; và do lực tương tác, sắc tồn tại được duy trì bởi tâm. 

Khi sắc bị tan rã, nghĩa là khi chết, khối nghiệp được tích lũy mất đi phần sở y vật chất. Nhưng vì nó chưa được xử lý để trở thành cái khác nên nó vẫn tồn tại như một khối chưa tan rã theo sắc. Ngay lúc vừa mất chân đứng đó, mà ở một nơi nào đó đang phát sanh sự kết hợp của sắc, nếu sự kết hợp này tương thích với khối nghiệp tích lũy, bấy giờ nghiệp được hấp dẫn về phía đó, và gá ngay lên đó mà tồn tại. Sự kết hợp này, trong giới thai sinh, như loài người, là tinh huyết của cha mẹ. Như vậy, tinh cha, huyết mẹ, và nghiệp cảm quá khứ, đó là ba yếu tố cấu tạo thành sự sống đầu tiên của sinh vật. Yếu tố đó là một tổ hợp danh sắc. Danh sắc, ngay sát-na đầu tiên, là kết quả của yếu tố quá khứ, kết hợp với các yếu tố hiện tại. Quá trình kết hợp như vậy, ta gọi là quá trình xử lý, và được hiểu theo thuật ngữ Phật giáo là dị thục, tức là quá trình nấu chín. 

Như vậy, khi ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) này rã và tiếp tục qua đời sống khác thì cái phần nghiệp tức phần thọ, tưởng, hành, thức (bốn cái uẩn này tồn tại dưới cái dạng nghiệp) quá khứ sau khi rã ra rồi phát sinh cái mới thì cái mới này lại bắt đầu tìm chỗ khác để gá vào, khi gá vào cái mới thì ngay lúc đó (sát-na thứ nhất kết sanh tương tục) nó trở thành dị thục, nghĩa là gạo bây giờ đã trở thành cơm. Dị thục này có hai khả năng: chấp trì và chấp thọ. Và ngay sát-na thứ nhất dị thục định hướng liền, tức là khi gá vào chỗ mới là nghiệp cảm định hướng luôn. 

Có bao nhiêu định hướng? Thứ nhất là định hướng thú sinh, nghĩa là tùy theo chuỗi gen (gen cha, gen mẹ) của loài nào thì dị thục trở thành loài đó; gen đen thì dị thục thành đen; gen người, gen cọp, gen sư tử, gen trâu, gen bò, v.v… thì dị thục định hướng thành người, thành cọp, sư tử hay trâu, bò, v.v… Dị thục giống như mũi tên được bắn ra theo một định hướng nào đó. Sau khi định hướng thú sinh rồi, dị thục định luôn cả tuổi thọ tức thời gian tồn tại của dị thục. Dị thục này là chân dị thục, chân dị thục lúc này chưa phát triển, chưa có tay chân, các thứ. Trong sát-na thứ nhất của kết sanh tương tục, là giai đoạn đã trở thành chân dị thục rồi, từ cái dị thục này mới bắt đầu phát triển… Qua sát-na thứ hai, chân dị thục này phát triển thành danh sắc. Danh sắc lúc này chỉ là một khối vật chất, với hai chức năng: chấp trì và chấp thọ. Do lực mà dị thục phóng ra mà nó được chấp trì. Nói khác, dị thục duy trì sự tồn tại cái khối đó để phát triển thành các căn, tức là cái kết sanh đó duy trì làm cho chuỗi AND nó không bị hủy, khi duy trì như vậy nó biến thái liền, và hai cái chuỗi đó bây giờ trở thành sự sống tức là có chấp thọ. 

Nhưng làm thế nào để phát triển danh sắc này? Khi thành một sinh vật qua đời sống mới thì tất cả yếu tố dị thục đã có rồi, nhưng đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều do thức ăn mà tồn tại”. Vậy thì từ sát na thứ nhất trở đi đều phải có thức ăn, tức từ sinh hữu cho đến tử hữu phải có thức ăn, rồi sau đó vẫn phải có thức ăn nhưng ở đây lấy một giai đoạn tồn tại này thôi còn giai đoạn khác chưa nói đến. Tóm lại, từ sát-na thứ nhất kết thành sự sống cho đến sát-na cuối cùng tử hữu tức là chết, chúng sanh phải luôn luôn nạp năng lượng, nạp thức ăn, không lúc nào là không nạp năng lượng. Cho nên sát-na thứ nhất, kết sanh thức nó nạp năng lượng gì để phát triển thành sát-na thứ hai là danh sắc, rồi danh sắc nạp năng lượng gì nữa tức là những dưỡng chất để từ đó phát triển thành mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân, v.v… chứ không thể tự nó phát triển; mà phải có nạp từ bên ngoài. Điều này chúng ta thấy rõ, như con nít (trong bào thai) phát triển thì phải ăn những dưỡng chất. Nó hấp thụ những dưỡng chất của bà mẹ ăn vào. Tất nhiên là dưỡng chất có mặt tăng ích và mặt tổn hại; nếu không tổn hại là trưởng dưỡng, nếu tổn hại thì nguy hiểm. Người mẹ nếu nạp thứ tổn hại thì cái thai sẽ bị hủy. Cho nên thực phẩm được định nghĩa một cách tổng quát là tất cả thức ăn, và thức ăn thì đều có tăng ích và tổn hại. 

Tăng ích và tổn hại đối với sinh mệnh của một sinh vật là hướng tiến hóa hay thoái hóa của nó trên các cấp bậc tồn tại. Trong thế giới quan Phật giáo, cấp bậc tồn tại được phân chia theo trình độ cảm thọ lạc. Cảm thọ lạc là trạng thái điều hòa khi diễn ra sự tiếp xúc giữa nội thân tâm và ngoại cảnh. Ăn là quá trình dung nạp thực phẩm, cũng là quá trình tiếp xúc giữa nội giới và ngoại giới của một sinh vật. Sự tiếp xúc diễn ra với trạng thái điều hòa, bấy giờ cảm thọ phát sinh. 

(Còn tiếp)

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,19.2006]