Thức ăn để tồn tại - Trang 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Một hôm, Thế Tôn ôm bát vào thành khất thực. Bấy giờ, có một Ni-kiền Tử, tu theo phép khổ hạnh, nhịn đói, gặp Thế Tôn ở cổng thành, hỏi: “Giáo lý của Ngài có gì đặc biệt?” Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều tồn tại do thức ăn”. Ni-kiền Tử nghe thế, bèn nói: “Điều đó thì trẻ nhỏ cũng biết, có gì là cao siêu?”

Ăn để mà sống, tất nhiên là sự thực tầm thường. Từ sinh vật hạ đẳng nhất, chỉ tồn tại với một quan năng duy nhất là ý chí tồn tại, trong từng khoảnh khắc cũng phải khổ nhọc tìm kiếm thức ăn để duy trì sự sống. Loài người, để tồn tại như mong muốn, cũng phải không ngớt tìm kiếm và tích lũy tài nguyên trong thiên nhiên làm thức ăn cho tồn tại ngày nay và ngày mai. Từ tích lũy mà phải cạnh tranh. Do cạnh tranh mà xung đột lẫn nhau, gây khổ cho nhau, cho mọi sinh vật khác. Đó cũng là sự thực tầm thường.

Ăn để mà sống. Sống là một quá trình chuyển biến để trở thành một cái khác, hoặc thấp hơn hoặc cao hơn. Quá trình ấy luôn luôn cần năng lượng để vận chuyển. Các sinh vật thấp hơn chỉ nhu cầu một loại năng lượng vật chất. Loài người, sinh vật cao cấp, cần nhiều hình thái năng lượng khác nhau. Nếu có sinh vật cao hơn loài người, như các sinh vật tồn tại trên các Thiên đường của các tôn giáo, tất nhiên có nhu cầu các loại thức ăn hay năng lượng khác với những gì đang được loài người tích lũy và dung nạp. Do suy đoán và tưởng tượng, một số đông cho rằng các chúng sinh trên các cõi Thiên cần những thức ăn như vậy, cho nên ngay từ bây giờ, ta phải tích lũy những thứ như vậy. Những thứ tích lũy ấy sẽ làm hài lòng đấng Tối Cao ngự trị trên Thiên giới, do vậy những ai sở hữu những cái đó sẽ được nhận vào Thiên quốc. Nếu đấng Tối Cao ngự trị trên đó, do bởi thịnh nộ mà muốn hủy diệt những thứ hay những loài mà Ngài cho là làm trái ý mình, thì những ai muốn sinh lên đó phải giết, phải thiêu, phải hủy diệt sinh vật khác, như là hành vi tích lũy tài sản để sau này có thể trao đổi với thức ăn tồn tại trên Thiên quốc.

Vậy, những loại thức ăn để tồn tại đó là những thứ gì?

Nói đến thức ăn hay thực phẩm, thì nó bao gồm hai phần: vật chất và tinh thần. Sự tu tập được xem như là món ăn tinh thần. Đa số chúng ta thường hiểu món ăn tinh thần như sự giải trí, nên cho rằng nó có cũng được, không có cũng được. Nhưng nhớ rằng, tất cả chúng sanh tồn tại là nhờ vào thức ăn, nghĩa là không có thức ăn thì chúng sanh không phát triển được. Song nếu chỉ được ăn thức ăn vật chất thôi thì sự phát triển của chúng sanh chỉ trong phạm vi nào đó, như trẻ con nếu chỉ được ăn những thức ăn như cơm, cháo mà không có những thức ăn khác, như không có xúc chạm, không được thương yêu, không được giáo dục, v.v… thì đứa trẻ đó sẽ bị còi cọt, v.v… ngay cả như nuôi mèo, chó, người ta cũng không chỉ cho nó thức ăn mà còn phải vuốt ve  nó nữa. Vì vậy, để phát triển toàn diện, chúng sanh ngoài thực phẩm vật chất, tất nhiên còn cần phải có những thực phẩm khác. Những thực phẩm khác đó là gì sẽ được giải thích sau. Bây giờ, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về tính chất của thực phẩm (ahāra). 

Ahāra trong Pāli cũng thường dùng với nghĩa là duyên, giống như điều kiện. Duyên là điều kiện; ahāra hay thực phẩm, thức ăn, cũng vậy, nó là điều kiện để duy trì sự sống và phát triển sự sống. Nói một cách phổ thông, nó là dưỡng chất để duy trì và phát triển sự sống. Như vậy, thực phẩm phải mang tính chất trưởng dưỡng, vì trưởng dưỡng là duy trì và nuôi lớn; là trưởng dưỡng phát ích (các căn), trưởng dưỡng tăng ích (các căn) hay là tích lũy và làm tăng thêm lên. Trong từ “trưởng dưỡng”, chúng ta nên thêm vào từ “tăng ích” nữa cho rõ nghĩa tức là “trưởng dưỡng và tăng ích”. Còn các căn ở đây là năm căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Trưởng dưỡng có hai ý nghĩa trên hai phương diện: 

- Thứ nhất, trưởng dưỡng là duy trì sự sống và phát triển sự sống (trưởng dưỡng và tăng ích), giống như mình ăn nhiều chất bổ thì càng ngày càng khỏe hơn và mập lên; đây là phương diện tích cực. 

- Thứ hai, trưởng dưỡng là không tổn hại, tức không tạo ra những tác hại chất gây nguy hiểm cho các căn; đây là phương diện tiêu cực. Thí dụ, hằng ngày, chúng ta vẫn ăn đều đặn, không thêm không bớt gì cả, khối lượng hay trọng lượng của cơ thể cũng không tăng, nghĩa là thực phẩm mà chúng ta ăn vào không có tính tăng ích nhưng cũng không gây tổn hại, không gây ra nguy hiểm cho sự sống. Nếu như trọng lượng giảm dần theo sự ăn hằng ngày, lúc bấy giờ thức ăn ấy là món độc hại, không những không tăng ích mà còn tổn hại, thì những thực phẩm đó không có trưởng dưỡng tức không duy trì cũng không nuôi lớn. Trong tính chất của thực phẩm, chúng ta chỉ nói đến ý nghĩa tích cực của trưởng dưỡng mà thôi. 

Ta hãy nói đến sự sống bắt đầu từ côn trùng, bò, bay, máy cựa, cho đến thiên thần cõi Phi tưởng Phi phi tưởng, tất cả đều cần phải có dưỡng chất mới tồn tại và phát triển. Nói cách khác, chúng ta gọi là nạp năng lượng để tồn tại. Không một sinh vật nào tồn tại mà không nạp năng lượng (dưỡng chất), cũng như không một hệ thống máy móc nào không nạp năng lượng mà có thể vận hành được. 

Vấn đề thực phẩm này, trong chuỗi lý luận, nó phải đi sau phần chứng minh sự tồn tại của danh sắc. Bởi vì, trước hết có thân rồi mới cần đến sự ăn để nuôi thân. Chỉ duy có thân, phần tồn tại vật chất, chưa đủ để cấu tạo thành sự sống. Nói chung, vật chất và tinh thần, hay thân và tâm, là những khái niệm cơ bản để hiểu sự sống là gì. Trong Kinh gọi đó là danh và sắc. Vậy, danh sắc hình thành và tồn tại như thế nào? 

Đời sống hiện tại là sự tiếp nối của đời sống quá khứ. Yếu tố hình thành đời sống hiện tại ngay trong sát-na thứ nhất được gọi là kết sanh tương tục, Nó nối liền hai đời sống quá khứ và hiện tại. Kết sanh tương tục là tổ hợp gồm ba chi phần: cha, mẹ và nghiệp cảm đời trước. Thiếu một trong ba chi phần trên thì sát-na tương tục không thể kết thành. 

Từ tử tâm, trạng thái hay sát-na cuối cùng của một đời sống, đến khi tái sanh trở lại, quá trình này diễn ra như thế nào để trở thành kết sanh tương tục? Điều cần thừa nhận ở đây là tất cả hành vi chúng sanh làm trong đời này, được thúc đẩy bởi động lực là ý chí, được tích lũy trong nội thân hay nội tâm, vẫn tồn tại cho đến khi hội đủ điều kiện cần thiết được xử lý để trở thành một cái khác. Những hành vi hay động tác của thân và miệng trong quá trình tạo nghiệp là quá trình vận động và chuyển biến của khối năng lượng, mà thuật ngữ duy thức học gọi là công năng chủng tử, được điều động bởi động lực ý chí (tư tâm sở). Khi sự tạo tác nghiệp đến giai đoạn quyết định, thí dụ trong trường hợp tạo nghiệp sát khi đối tượng bị giết đã chết, khối công năng chủng tử ấy được định hình và được tích lũy trong nội tâm. Đó là sự tồn tại của nghiệp sau khi đã được thực hiện. Nếu chưa hội đủ điều kiện, khối nghiệp tích lũy đó không được xử lý thì nó chưa thể phát sanh tác dụng; tức là nghiệp chưa trở thành dị thục.

Dị thục là gì? Nghĩa đen, đó là sự nấu chín. Thí dụ, thóc được xử lý để nấu chín thành cơm. Quá trình xử lý ấy bao gồm việc gặt hái, xay, giã, vo, nấu, với các yếu tố nước, lửa v.v... Sau khi đã xử lý thành cơm, sự tồn tại của thóc được tích lũy trong kho bấy giờ được thấy là biến mất, nhưng không mất hẳn, mà là biến thái để trở thành cái khác. Từ cái khác này mà về sau qua nhiều lần xử lý và biến thái nữa, để rồi trở thành yếu tố cấu thành sự xuất hiện của hạt lúa mới. Đó là quá trình lưu chuyển hay luân hồi trong trạng thái vật chất. Nhưng nghiệp được tạo tác không thuần túy vật chất, mà được điều động bởi ý chí; cho nên nghiệp được tích lũy như hạt giống tồn tại gồm cả sắc và tâm, mà thuật ngữ gọi là sắc tâm chủng tử. Cả hai là hai thực thể cá biệt, nhưng tồn tại bất khả phân, là hai lực tương tác không thể phân ly nhau, hợp thành một chỉnh thể thống nhất, làm căn bản cho sự sống hiện tại và tương lai. Nói tóm lại, danh hay yếu tố tinh thần, nguyên lý tâm, tồn tại y trên sắc; và do lực tương tác, sắc tồn tại được duy trì bởi tâm. 

Khi sắc bị tan rã, nghĩa là khi chết, khối nghiệp được tích lũy mất đi phần sở y vật chất. Nhưng vì nó chưa được xử lý để trở thành cái khác nên nó vẫn tồn tại như một khối chưa tan rã theo sắc. Ngay lúc vừa mất chân đứng đó, mà ở một nơi nào đó đang phát sanh sự kết hợp của sắc, nếu sự kết hợp này tương thích với khối nghiệp tích lũy, bấy giờ nghiệp được hấp dẫn về phía đó, và gá ngay lên đó mà tồn tại. Sự kết hợp này, trong giới thai sinh, như loài người, là tinh huyết của cha mẹ. Như vậy, tinh cha, huyết mẹ, và nghiệp cảm quá khứ, đó là ba yếu tố cấu tạo thành sự sống đầu tiên của sinh vật. Yếu tố đó là một tổ hợp danh sắc. Danh sắc, ngay sát-na đầu tiên, là kết quả của yếu tố quá khứ, kết hợp với các yếu tố hiện tại. Quá trình kết hợp như vậy, ta gọi là quá trình xử lý, và được hiểu theo thuật ngữ Phật giáo là dị thục, tức là quá trình nấu chín. 

Như vậy, khi ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) này rã và tiếp tục qua đời sống khác thì cái phần nghiệp tức phần thọ, tưởng, hành, thức (bốn cái uẩn này tồn tại dưới cái dạng nghiệp) quá khứ sau khi rã ra rồi phát sinh cái mới thì cái mới này lại bắt đầu tìm chỗ khác để gá vào, khi gá vào cái mới thì ngay lúc đó (sát-na thứ nhất kết sanh tương tục) nó trở thành dị thục, nghĩa là gạo bây giờ đã trở thành cơm. Dị thục này có hai khả năng: chấp trì và chấp thọ. Và ngay sát-na thứ nhất dị thục định hướng liền, tức là khi gá vào chỗ mới là nghiệp cảm định hướng luôn. 

Có bao nhiêu định hướng? Thứ nhất là định hướng thú sinh, nghĩa là tùy theo chuỗi gen (gen cha, gen mẹ) của loài nào thì dị thục trở thành loài đó; gen đen thì dị thục thành đen; gen người, gen cọp, gen sư tử, gen trâu, gen bò, v.v… thì dị thục định hướng thành người, thành cọp, sư tử hay trâu, bò, v.v… Dị thục giống như mũi tên được bắn ra theo một định hướng nào đó. Sau khi định hướng thú sinh rồi, dị thục định luôn cả tuổi thọ tức thời gian tồn tại của dị thục. Dị thục này là chân dị thục, chân dị thục lúc này chưa phát triển, chưa có tay chân, các thứ. Trong sát-na thứ nhất của kết sanh tương tục, là giai đoạn đã trở thành chân dị thục rồi, từ cái dị thục này mới bắt đầu phát triển… Qua sát-na thứ hai, chân dị thục này phát triển thành danh sắc. Danh sắc lúc này chỉ là một khối vật chất, với hai chức năng: chấp trì và chấp thọ. Do lực mà dị thục phóng ra mà nó được chấp trì. Nói khác, dị thục duy trì sự tồn tại cái khối đó để phát triển thành các căn, tức là cái kết sanh đó duy trì làm cho chuỗi AND nó không bị hủy, khi duy trì như vậy nó biến thái liền, và hai cái chuỗi đó bây giờ trở thành sự sống tức là có chấp thọ. 

Nhưng làm thế nào để phát triển danh sắc này? Khi thành một sinh vật qua đời sống mới thì tất cả yếu tố dị thục đã có rồi, nhưng đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều do thức ăn mà tồn tại”. Vậy thì từ sát na thứ nhất trở đi đều phải có thức ăn, tức từ sinh hữu cho đến tử hữu phải có thức ăn, rồi sau đó vẫn phải có thức ăn nhưng ở đây lấy một giai đoạn tồn tại này thôi còn giai đoạn khác chưa nói đến. Tóm lại, từ sát-na thứ nhất kết thành sự sống cho đến sát-na cuối cùng tử hữu tức là chết, chúng sanh phải luôn luôn nạp năng lượng, nạp thức ăn, không lúc nào là không nạp năng lượng. Cho nên sát-na thứ nhất, kết sanh thức nó nạp năng lượng gì để phát triển thành sát-na thứ hai là danh sắc, rồi danh sắc nạp năng lượng gì nữa tức là những dưỡng chất để từ đó phát triển thành mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân, v.v… chứ không thể tự nó phát triển; mà phải có nạp từ bên ngoài. Điều này chúng ta thấy rõ, như con nít (trong bào thai) phát triển thì phải ăn những dưỡng chất. Nó hấp thụ những dưỡng chất của bà mẹ ăn vào. Tất nhiên là dưỡng chất có mặt tăng ích và mặt tổn hại; nếu không tổn hại là trưởng dưỡng, nếu tổn hại thì nguy hiểm. Người mẹ nếu nạp thứ tổn hại thì cái thai sẽ bị hủy. Cho nên thực phẩm được định nghĩa một cách tổng quát là tất cả thức ăn, và thức ăn thì đều có tăng ích và tổn hại. 

Tăng ích và tổn hại đối với sinh mệnh của một sinh vật là hướng tiến hóa hay thoái hóa của nó trên các cấp bậc tồn tại. Trong thế giới quan Phật giáo, cấp bậc tồn tại được phân chia theo trình độ cảm thọ lạc. Cảm thọ lạc là trạng thái điều hòa khi diễn ra sự tiếp xúc giữa nội thân tâm và ngoại cảnh. Ăn là quá trình dung nạp thực phẩm, cũng là quá trình tiếp xúc giữa nội giới và ngoại giới của một sinh vật. Sự tiếp xúc diễn ra với trạng thái điều hòa, bấy giờ cảm thọ phát sinh. 

(Còn tiếp)

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,19.2006]