Đại Ca-diếp - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

(Tiếp theo TSPL.1)

Cho đến khi tuổi đã già, sức mòn mỏi mà Ngài vẫn giữ quy luật sinh hoạt ấy. Mặc dầu đức Thế Tôn vẫn biết, và vẫn giữ tôn trọng bản nguyện của mỗi người, nhưng đức Thế Tôn không cầm lòng được khi thấy tuổi già sức yếu của Kassapa mỗi ngày mỗi mỏi mòn. Một hôm, đức Thế Tôn cho gọi Tôn giả Kassapa đến để dỗ dành Ngài, nên về trường trú tại tinh xá Kỳ Viên thì Ngài bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử rất cảm động trước lòng từ mẫn ưu ái chăm sóc của Thế Tôn. Đệ tử tự nghĩ rằng từ mạng của Thế Tôn không thể không vâng, song bản nguyện của đệ tử không thể không theo cho trót, vì nếu vâng mệnh Thế Tôn về trường trú nơi Kỳ Viên này, đệ tử không thể không theo nếp sinh hoạt chung của đoàn thể, và nếu theo nếp sống của đoàn thể thì bản nguyện của đệ tử đành phải đứt ngang. Xin Thế Tôn từ bi hoan hỷ để bản nguyện của đệ tử được hoàn thành. Nơi an trú của đệ tử cảnh trí hoàn toàn an vui gió mát trăng thanh, chim hót hoa cười, mỗi ngọ ăn xong là kinh hành hoặc nhập định tham thiền, mũi không tiếp xúc với mùi xú uế của thây ma, mắt không trông thấy một mảnh xương nhỏ, thì e rằng khó có thể tu theo các phép quán: Vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Đệ tử chỉ thấy thân tâm hoàn toàn an lạc khi được ngồi giữa bãi tha ma, hoặc nơi đồng vắng, hoặc dưới gốc cây, hoặc nơi đồi cao hoang vắng hay trên những tảng đá cheo leo. Mình mặc áo phấn tảo, bụng đói tùy ý khất thực, chân tự do ra vô cửa thành, không phiền lụy một ai, cũng chẳng ai phiền lụy mình, mệt không đi khất thực được thì no lòng với trái cây củ rừng, không bận lòng về áo cơm đắc thất của cuộc đời”.

Vì sống hạnh đầu đà như vậy, nên ngài Kassapa rất ít quan hệ với ai, nếu có cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ; có chăng cũng chỉ là quan hệ thuộc phạm vi phải có của hạnh đầu đà mà thôi, như trường hợp đi khất thực chẳng hạn, hay mỗi tháng hai lần về trú xứ của Thế Tôn hay trú xứ Tăng đoàn gần nhất để Bố-tát. Ngoài ra mọi giao thiệp với đời đều bị cắt đứt. Tuy thế, song việc độ sanh đối với Ngài không phải không có. Chính hạnh khất thực là một hành động độ sanh của Ngài rồi. Vì Ngài là kẻ bán giàu mua nghèo. Cách truyền giáo độ sanh theo Ngài trái hẳn với hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Lối giáo hóa của Ngài rất đặc biệt, Ngài dùng thân giáo nhiều hơn. Đó là lối giáo dục thực tiễn nhất và lôi cuốn nhất. Không một hành vi nhỏ nhặt nào của Ngài mà không mang lòng từ bi rộng lớn nhằm để xoa dịu nỗi khổ đau của thế gian. Sự tích ghi chép rằng: Một hôm, Ngài vào thành Vương Xá khất thực, thấy một bà lão ăn mày gầy còm ốm yếu đang nằm rên rỉ bên vệ đường. Ngài đến gần hỏi rằng:

- Này lão bà! Nhìn tình cảnh của lão bà tôi thấy rất đau xót, theo tôi nghĩ, sở dĩ có tình cảnh như vậy là vì kiếp trước lão bà rất keo kiệt không chịu bỏ một đồng xu nhỏ nào để bố thí cho ai. Tôi đây là đệ tử của Phật, là ruộng phước của nhân gian. Rất mong lão bà bố thí cho tôi chút đỉnh thức ăn, tôi xin nhường lại cho lão bà tất cả các món phước điền của tôi có được, để kiếp sau lão bà thoát khỏi cảnh khốn cùng này.

- Bạch Tôn giả! Lão bà đáp. Tôi rất cảm động lòng ưu ái của Tôn giả đối với già này, nhưng thưa Tôn giả, thú thật với Tôn giả rằng; đã từ ba hôm nay, già này chưa hề có hột cơm nào để bỏ bụng, thì làm sao già này có gì để cúng dường Tôn giả. Hiện tại già chỉ có chút ít nước mã đã nặng mùi của người đem đổ mà già đã xin lại được. Chả lẽ lại đem nước mã mà cúng dường Tôn giả sao?

- Có quan hệ gì đâu! Ngài Kassapa đáp. Tôi đây chính là Đại Ca Diếp, kẻ bán giàu mua nghèo đây. Vì mục đích mua nghèo, tôi rất sung sướng được tiếp thọ sự cúng dường ấy của lão bà.

Bà già cảm động hai tay run run dâng bình nước mã cho Tôn giả. Tôn giả đón lấy và uống ngay trước mặt lão bà.

Chính hành vi nhỏ nhặt trên đã nói lên đầy đủ và thể hiện được lòng từ bi rộng lớn của Ngài đối với mọi người, chính vì Ngài đã thể hiện được hành vi thân giáo cho nên Ngài đến đâu cũng được quần chúng ở đấy kính mến tôn trọng. Xung quanh thân Ngài như có hào quang soi chiếu thu hút mọi ánh sáng khác, cho nên tên Ngài còn được dịch là Ẩm Quang (uống ánh sáng).

Với hạnh tu như vậy, mặc dù Ngài ít tiếp xúc với anh em đồng môn Tỷ kheo, nhưng Ngài vẫn thường quan tâm đến lối sinh hoạt của mọi người. Tuy rằng một tháng hai kỳ gặp mặt, hoặc những khi cần đức Thế Tôn để giải tỏa những khuất mắc trong lòng, và tất cả những sinh hoạt của anh em đồng môn Tỷ kheo, Ngài đều biết rõ. Vì lợi ích cho cá nhân anh em nói riêng hay lợi ích chung của đoàn thể, Ngài không thể yên lặng trước những tai tiếng hay những va chạm không hay đối với Tăng đoàn. Những con sâu ưa sống với quần chúng, hay đến nhà Cư sĩ hoặc những chỗ đông người, thích thú các tục sự và để thỏa mãn những dục vọng trong việc ăn uống, tham lam các vật cúng dường mà bỏ quên mất đi những điều cơ bản đưa đến việc giải thoát. Những Tỷ kheo này theo Ngài vì những lợi dưỡng không đâu, mà quên mất đi con đường mình đang đi để chạy theo thế tục. Mục đích của họ là muốn thoát khỏi những ràng buộc của tam giới, đạt đến an vui Niết-bàn. Nhưng thử hỏi việc làm của họ không những không ích lợi gì cho chính bản thân họ mà còn kéo họ vào đám bùn nhơ trói buộc. Ngài khuyên các Tỷ kheo:

“Chớ du hành đi đâu   
Do quần chúng tôn xưng
Tâm ý bị loạn động       
Thiền định khó tu chứng
Quần chúng tụ là khổ    
Thấy vậy tránh quần chúng”

“Bậc ẩn sĩ không đi    
Đi đến các gia đình
Tâm ý bị loạn động       
Thiền định khó tu chứng
Ai hăng say tham vị   
Bỏ đích đem an lạc”

“Đảnh lễ cúng dường này   
Xuất phát từ gia đình
Nên biết chúng thật sự   
Là một đám bùn lầy    
Như mũi tên tế nhị        
Rất khó rút ra khỏi
Kẻ xấu rất khó lòng   
Từ bỏ sự cung kính”

Với những Tỷ kheo này, thật sự họ chưa được chứng đạt, khi chưa được chứng đạt thì tâm hồn thường bị dao động bởi những phỉnh phờ giả tạo của bề ngoài. Hầu hết đều bị sa đọa vì vật chất, nếu không khéo thúc liễm thân tâm bằng cách thiểu dục tri túc, thì e rằng những hoàn cảnh đó dễ lôi kéo họ vào con đường sa lầy vì dục vọng của họ chưa được từ bỏ.

Tại sao ngài Kassapa khuyên các Tỷ kheo không nên làm việc quá nhiều? (Vì dục vọng chưa được từ bỏ cho nên việc gì có lợi cho cá nhân họ thì họ làm). Vì khi đã làm việc thì vị Tỷ kheo phải chung đụng với người thế tục, phải tranh đua-tranh đua thì mất đạo nghĩa và nhiều chuyện khác sẽ xảy ra. Nó sẽ trói buộc họ vào trong công việc và khi công việc đã trở thành miếng mồi ngon của lòng tham, thì sẽ bị chìm đắm trong hương vị lợi danh; lúc đó, không còn cách chi để kiềm chế nữa và từ đó tội lỗi cũng bắt đầu kéo họ xuống đám bùn lầy khổ đau, không cách chi thoát ra được.

Chớ làm quá nhiều việc
Tránh quần chúng đua tranh
Người siêng tham đắm vị
Bỏ đích đem an lạc

Hoặc những vị Tỷ kheo, ưa chọn nơi hình thức bề ngoài, mục đích nhằm đánh lừa quần chúng Phật tử cung phụng để được nhiều hơn, rằng ta thấy cái này, hoặc chứng được cái nọ, thật sự ngay đến tự ngã của họ, họ chưa thấy rõ được. Họ ưa phô diễn trước đám đông hoặc bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ miễn sao làm chú ý được đến những người chung quanh là ăn chắc.

“Chỉ lắp bắp cái môi
Không thấy được tự ngã
Cứng cổ để nó đi
Nó nghĩ: Ta tốt hơn”

“Tỷ kheo cống cao động
Đầu đắp như đống rác
Như con khỉ đội lốt
Với da con sư tử
Người vậy không có thể
Chói sáng nhờ y đó”

Cũng có những vị Tỷ kheo lợi dụng chiếc áo len lỏi vào hàng Tăng chúng phá hoại uy tín của Tăng già đủ nhiều hình thức. Đại loại chúng ta có thể liệt kê ở đây một ít:

Lợi dụng chiếc áo để cầu lợi dưỡng, không lo tu tập cầu giải thoát.

Lợi dụng lòng tin yêu của Phật tử để phạm trai phá giới.

Loại thứ ba dựa vào uy thế của Phật kết giao với bọn quyền quý đài sa kiêu mạn đê hèn.

Loại thứ tư lợi dụng Tăng đoàn giao thiệp buôn bán để cầu danh lợi...

Sự hiện diện của họ ở trong Tăng đoàn chính là những con sâu làm hư hoại đạo Pháp. Đại diện cho nhóm Tỷ kheo này chính là lục quần Tỷ kheo mà người đứng đầu là Đề-bà-đạt-đa, họ làm bất cứ việc gì mà họ có thể làm được miễn sao phá sự hòa hợp Tăng, hay làm giảm uy tín của đức Phật là được.

Mặc dầu Ngài ít sinh hoạt với Tăng đoàn, nhưng tất cả mọi sinh hoạt ấy không qua khỏi đôi mắt của Ngài–vì thương kính Phật, vì muốn thanh tịnh Tăng đoàn.

Long Tường. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.16]