Đại Ca-diếp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Đời Ngài Kassapa là cả một bài thơ, một bài thơ sống động giải thoát, một bài thơ đầy những hình ảnh khả ái, khả kính của một đại nghệ sĩ, một đại Thiền sư.

(Tiếp theo TSPL.3)

Trường hợp ở Sàvatthi, đức Thế Tôn đã lấy Tôn giả Mahà Kassapa để làm thí dụ điển hình mà giáo giới chúng Tỷ-kheo.

Thế Tôn đã lấy Tôn giả Mahà Kassapa để dụ như mặt trăng khi khuyên bảo các thầy Tỷ-kheo khi đi đến các gia đình. Thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường dột xông xáo giống như người nhìn một cái giếng cũ, hay sườn núi dốc, hay thác nước.

Thế Tôn lấy Tôn giả Kassapa dụ như bàn tay giữa hư không, để dạy các vị Tỷ-kheo khi đi đến các gia đình không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc và luôn luôn nghĩ rằng: “Những ai được lợi hay làm lợi, những ai muốn công đức, hay làm công đức!” như “mình hoan hỷ, thỏa mãn khi mình được lợi, hãy hoan hỷ, thỏa mãn khi người khác được lợi”.

Thế Tôn lấy Tôn giả Kassapa điển hình cho người thuyết pháp thanh tịnh, đức Thế Tôn bảo các thầy Tỷ-kheo có hai cách thuyết pháp:

* Thứ nhất là thuyết pháp không thanh tịnh: “Người nào thuyết pháp với tâm mong cầu chúng nghe được pháp ta giảng và sau khi nghe pháp mong chúng được hoan hỷ mong chúng làm cho ta hoan hỷ, này các thầy Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy, thuyết pháp không thanh tịnh”.

* Thứ hai là thuyết pháp thanh tịnh: “Người nào thuyết pháp với tâm: Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng được người có trí tự mình giác hiểu. Ai mong chúng nghe ta giảng, và sau khi nghe pháp, mong chúng được hiểu rõ pháp, và sau khi hiểu rõ pháp, mong chúng như vậy thực hành. Duyên pháp thiện pháp tánh, thuyết pháp cho các người khác. Duyên lòng từ bi, duyên lòng từ mẫn, khởi lòng lân mẫn thuyết pháp cho các người khác. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy là vị Tỷ-kheo thuyết pháp thanh tịnh”.

Với Kassapa này các Tỷ-kheo ta sẽ giáo giới các ngươi, hãy lấy đó mà thọ trì.

Cũng ở tại Sàvatthi, Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo: “Người như thế nào xứng đáng là người đi đến các gia đình và người như thế nào không xứng đáng để đi đến các gia đình”.

Bạch Thế Tôn: “Đối với chúng con các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì”.

Vậy các Tỷ-kheo hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo vâng lời Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau: “Hãy lấy Tôn giả Kassapa làm gương là người xứng đáng đi đến các gia đình để khất thực. Này các Tỷ-kheo, người nào mang tâm niệm như thế này đi đến các gia đình mong chúng hãy cho ta, chớ có không cho. Mong chúng cho ta nhiều, chớ có ít. Mong chúng cho ta đồ tốt, chớ cho đồ xấu. Mong chúng cho ta mau chớ có cho chậm. Mong chúng kính trọng ta, chớ có không kính trọng.

Nếu những điều trên không đáp ứng mà bực phiền. Do nhân duyên ấy, cảm thọ khổ ưu. Những vị Tỷ-kheo như vậy không xứng đáng là người đi đến nhà các gia đình”. Và ngược lại Tôn giả Kassapa khi đi đến các gia đình: “Đối với các gia đình người khác, làm sao có thể mong như vậy, trường hợp nếu không cho, hay được cho người khác với ý muốn Tôn giả; Tôn giả không vì vậy mà bực phiền, không do nhân duyên ấy cảm thọ khổ ưu”.

“Với Kassapa này các Tỷ-kheo, ta sẽ giáo giới các ngươi, hay với ai như Kassapa, và được giáo giới các người hãy noi gương ấy mà thọ trì”.

Cuộc đời của Ngài tuy sống theo hạnh đầu đà ít giao thiệp nhưng qua những cuộc hội thoại giữa Ngài và các vị đại đệ tử, chúng ta thấy không vì thế mà Ngài cách biệt mọi người. Nếu nói rằng Ngài luôn luôn sống cách biệt với mọi người thì hơi quá. Chúng ta theo dõi qua tiếng rống sư tử của Ngài thì biết:

“Ta hầu hạ Bổn sư
Gánh nặng đã đặt xuống
Lời Phật dạy làm xong
Gốc sanh hữu nhổ sạch”.

Như vậy đối với Phật, Ngài là một đệ tử và nhiệm vụ của một đệ tử đối với bậc Đạo sư không thể thiếu. Chính Ngài đã nói ra điều đó qua kệ trên, như thế Ngài đã làm tròn sứ mạng của một đệ tử. Không như người hầu hạ Thế Tôn để đáp đền muôn một, mà điều đó ngay chính đức Thế Tôn có lẽ không bao giờ trách mắng Ngài, vì theo bản nguyện mà đâm ra thiếu sót, những điều quan trọng muốn đáp đền phải là lời Phật dạy phải làm cho xong, và điều đó chính Ngài đã làm xong. Đó chính là gánh nặng của kẻ muốn cầu giải thoát. Mà gánh nặng này Ngài đã đặt xuống rồi. Tức là mọi gốc rễ sanh hữu đã bị Ngài nhổ sạch tận gốc rễ đó chính là điều đức Thế Tôn mong muốn nơi Ngài nói riêng và tất cả hàng đệ tử nói chung.

Bấy giờ thì Ngài có quyền rống lên tiếng rống của một con sư tử. Tiếng rống này không phải là tiếng rống của một con khỉ đội lốt sư tử, mà tiếng rống đích thực của một con sư tử oai vệ trong hang động núi rừng:

“Trong đám ruộng đệ tử
Ngoại trừ bậc Tối tôn
Ta ưu việt đầu đà

“Không nhiễm dính y phục
Không thể trắc lường được
Như hoa sen trong sạch
Ý thiên về xuất ly.

“Với bậc đại ẩn sĩ
Tay dựa trên đức tin
Bậc đại trí luôn luôn
Những vị theo đức Phật
Đại ẩn sĩ Mâu-ni
Không ai bằng ta được.

“Chỗ nằm và chỗ ăn
Là bậc Gotama!
Không thể dính trước vào
Thoát ly cả ba giới.

“Cổ riêng trên niệm xứ
Với đầu là trí tuệ
Hành trì thật thanh lương”.

Phải chăng tiếng rống của Ngài là tiếng rống của kẻ kiêu mạn đội lốt sư tử của con khỉ chăng? Xin thưa, đó chính là tiếng rống của một con sư tử thật sự, là tiếng rống của “như thật”, tiếng rống của bậc đạt đạo. Điều này chính đức Thế Tôn đã minh thị trước hàng Tỷ-kheo ở tại trú xứ Sàvatthi; khi đức Đạo sư nói về chín thứ đệ định và năm thắng trí mà đức Thế Tôn đã chứng đạt; thì chính Tôn giả Mahà Kassapa cũng đã đạt được như Thế Tôn.

Khi đức Thế Tôn còn tại thế, mặc dù các đệ tử được Ngài thương yêu bình đẳng như nhau; nhưng đặc biệt Ngài rất thương yêu và chú trọng đến ngài Mahà Kassapa nhiều hơn vì ba lẽ: thứ nhất, ngài Kassapa là người sống gương mẫu về đạo hạnh vì nếp sống đầu đà của Ngài; thứ hai, vì nếp sống nhàn tịnh một mình không người giúp đỡ những khi đau yếu và nhất là khi về già; đức Thế Tôn thường an ủi và dỗ dành: “Này Kassapa, ngươi đã già rồi. Đồ cũ nát là những vải gai thô phấn tảo này của ngươi, đáng được quăng bỏ. Vậy, này Kassapa hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên ta”. Thứ ba, mặt dù các đại trưởng lão có chỗ sở tu, sở chứng độc đáo riêng. Nhưng theo đức Thế Tôn, tất cả đều không thể sánh đức hạnh với ngài Kassapa.

Vì ba lý do trên, cho nên đức Thế Tôn đã trao truyền Chánh pháp nhãn tạng cho ngài Kassapa trong hội Linh Sơn. Đức Thế Tôn vì thấy nhân duyên hóa đạo của Ngài đã mãn, và tất cả những gì có thể giảng dạy thì Ngài đã dạy cho hàng đệ tử xong rồi. Riêng chỉ có “Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm; thật tướng vô tướng vi diệu pháp môn”, Ngài chưa chọn được người trao truyền. Hôm nay, nhân trong hội này, mặc dù trước đó đức Thế Tôn đã có ý định chọn Tôn giả Mahà Kassapa, nhưng Ngài vẫn đưa ra thử nghiệm sở chứng của mỗi người. Đức Thế Tôn bèn cầm cành hoa thị chúng tất cả đều không thấu hiểu, tất cả đều im lặng; duy chỉ có ngài Mahà Kassapa mỉm cười. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn mới tán thán ngài Mahà Kassapa rằng: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm thật tướng vô tướng vi diệu pháp môn nay ta phó chúc cho ngươi khéo mà giữ gìn. Ta nay sắp vào Niết-bàn dùng pháp sâu xa này phó chúc cho nhà ngươi. Nhà ngươi sau này nên kính thuận theo ta, mà truyền bá rộng rãi đừng để đoạn tuyệt”. Lúc ấy ngài Kassapa bạch rằng: “Con xin nhận lãnh lời dạy của Như Lai mà phụng trì Chánh pháp để làm cho đời vị lai được nhiều lợi ích, mong rằng Thế Tôn đừng lo lắng suy nghĩ”. Kể từ đó ngài Kassapa là vị Tổ thứ nhất thiền tông và sau này truyền lại cho Tôn giả Ànanda.

Khi đức Thế Tôn vào Niết-bàn, trong lúc ấy Tôn giả Kassapa đang ngồi thiền tại núi Kỳ-xà-quật, thì thấy những hiện tượng lạ xảy ra; hào quang chiếu khắp nơi đại địa chấn động. Ngài liền nghĩ rằng có lẽ đức Thế Tôn sắp vào Niết-bàn chăng? Tại sao có hiện tượng như vậy? Ngài nhập đại định tam muội dùng thiên nhãn quán sát và thấy đúng như vậy.

Ôi thôi! Thế Tôn đã vào Niết-bàn rồi. Lòng Ngài buồn rầu vô hạng. Ngài liền cùng chư Tỷ-kheo hướng về thành Câu-thi-na làm lễ. Xong Ngài cùng các thầy Tỷ-kheo ra đi. Trên đường đi Ngài gặp một Phạm chí tay hữu cầm cành hoa mạn đà la. Kassapa hỏi rằng: “Người từ đâu đến, có biết thầy ta chăng?”. Người ấy đáp rằng biết. Thầy của Tôn giả đã nhập Niết-bàn cách đây bảy ngày. Tất cả trời người đang bày biện để cúng dường. Tôi lấy được hoa này ở nơi đó. Lúc ấy các vị Tỷ-kheo nghe nói như vậy tất cả đều khóc lóc khổ sở nằm lăn xuống đất kêu trời kêu đất như mưa. Sau đó đoàn Tỷ-kheo do ngài Kassapa dẫn đầu đi đến rừng Ta-la song thọ nhiễu quanh ba vòng rồi làm lễ mà nói rằng: “Mong rằng bậc Tôn thắng trời người, hiện ra thân sắc vàng khiến cho mọi người thấy để khởi vô lượng nguyện”. Lúc ấy, Thế Tôn ở trong kim quan ló chân sắc vàng ra ngàn trượng ánh sáng chiếu tỏa như ban ngày. Tất cả mọi người thấy như vậy đều buồn rầu ảo não kêu khóc không thôi. Lúc bấy giờ ngài Kassapa ôm chân Phật mà làm lễ. Sau đó ngài Kassapa dùng dầu tưới lên cỗ quan tài và dùng gỗ chiên đàn làm lễ hỏa táng. Sau khi hỏa táng xong, ngài Kassapa đứng ra phân chia xá lợi của Phật để dựng tháp thờ phụng.

Phật nhập Niết-bàn rồi. Trong hàng đệ tử của Phật sinh ra kiến giải bất đồng về giáo pháp và giới luật của Ngài, vì sự nghiệp tối quan trọng của Phật giáo, nên ngài Mahà Kassapa liền thống lãnh 500 vị A-la-hán, họp khoáng đại hội nghị tại thành Sàvatthi để kết tập lại lời giáo huấn của đức Thế Tôn. Lần kiết tập này không có bút ký mà chỉ họp tụng. Lần kiết tập này là lần kiết tập thứ nhất (cũng gọi là Vương Xá thành kiết tập, hay Ngũ bách kiết tập).

Nguyên vì, sau khi Thế Tôn diệt độ, trong hàng Tỷ kheo, có ông thốt ra rằng: “Trong thời Thế Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc. Trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do, ngày nay đức Thế Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không còn bị giới luật ràng buộc”. Ngài Kassapa nghe thấy thế liền nghĩ rằng đức Thế Tôn mới diệt độ 7 ngày mà trong hàng Tỷ-kheo đã thốt ra những lời phá hoại Chánh pháp như vậy. Ngài sợ giáo pháp của Thế Tôn sẽ bị tà thuyết pha trộn, nên quyết định triệu tập hội nghị để trùng tuyên lại những lời đức Thế Tôn đã dạy. Trong kỳ kiết tập này được vua A-xà-thế, nước Ma-kiệt-đà (Magadha) ủng hộ. Hội này được kiết tập tại hang Thất Diệp. Thành phần hội nghị gồm có ngài Kassapa làm thượng thủ. Ngài Upàli (trì luật đệ nhất) được cử tụng các điều giới luật. Ngài Ànanda (đa văn đệ nhất) cử tụng pháp và cùng 500 vị A-la-hán. Sau khi tụng xong tất cả đều thừa nhận là đúng với lời Phật. Vậy hai tạng Kinh và Luật có bắt nguồn từ đây. Thời kỳ kiết tập này chỉ trong thời gian là 7 ngày.

Sau kỳ kiết tập kinh điển này, ngài Kassapa bèn nhập nguyện trí tam muội quán xét lại việc kết tập pháp tạng này có chỗ nào khiếm khuyết hay không. Sau khi thấy không có điều chi thiếu sót. Ngài mới tự nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn là bậc Thiện tri thức của ta vì thế ta nên báo đền ân đức đó trong muôn một. Việc mà đức Thế Tôn đã trao truyền cho ta thì nay ta đã làm xong, ta đã dùng Chánh pháp vì chúng sanh mà làm những lợi ích lớn lao”. Giờ đây thân tứ đại đã mỏi mòn sắp hoại diệt, Ngài cũng sắp vào Niết-bàn. Ngài Kassapa kêu Tôn giả Ànanda bảo rằng: “Trưởng lão Ànanda, đức Thế Tôn đã dùng pháp tạng phó chúc cho ta, ta nay muốn vào Niết-bàn nên đem pháp này phó chúc lại cho ông. Ông nên khéo mà hộ trì”. Tôn giả Ànanda chấp tay đáp rằng: “Tôi xin thọ lãnh lời dạy của Tôn giả”, và sau đó Tôn giả Kassapa nói bài kệ sau đây:

“Pháp pháp bổn lai pháp 
Vô pháp vô phi pháp 
Hà ư nhất pháp trung
Hữu pháp hữu phi pháp”.

(Xưa nay pháp pháp vốn là
Không pháp không cả cái mà pháp không
Làm gì còn có mảy lông?
Có pháp cả cái không pháp trần).

Sau khi ngài Kassapa phó pháp cho Tôn giả Ànanda rồi. Tôn giả Ànanda sợ nếu không ở bên cạnh Tôn giả Kassapa thì lúc Ngài vào Niết-bàn thì sẽ không gặp mặt, cho nên Tôn giả Ànanda luôn ở bên cạnh Ngài. Tôn giả Kassapa nói với Tôn giả Ànanda rằng: “Tôn giả nên một mình vào thành Vương Xá mà khất thực. Ta cũng sẽ đi một mình vào thành khất thực”. Tôn giả Ànanda vâng lời đi. Và Tôn giả Kassapa cũng đi, trên đường đi Tôn giả nhớ rằng vua A-xà-thế muốn gặp ta trước khi ta vào Niết-bàn. Ta nay nên đến vua A-xà-thế, và nói với người giữ cửa: “Vào thưa lại với vua rằng có ngài Mahà Kassapa ở ngoài cổng muốn gặp vua”. Người giữ cổng nói rằng nhà vua đang ngủ. Tôn giả nói rằng nhà ngươi nên đánh thức vua dậy. Người giữ cửa thưa không dám đánh thức, nếu không khi nào nhà vua thức dậy thưa lại dùm là có Mahà Kassapa đến nói là Ngài muốn vào Niết-bàn.

Sau đó Tôn giả Kassapa đi thẳng đến núi Kê Túc ngồi kiết già nghĩ rằng: “Nay ta mặc y phấn tảo của Phật và bình bát mang theo phải giữ thế nào đến đức Di Lặc cho khỏi hư hoại và khiến cho đệ tử Di Lặc thấy ta sanh lòng yểm ác”. Trước khi vào đại định Tôn giả nghĩ rằng: “Nếu Ànanda và vua A-xà-thế đến núi này thì núi phải mở ra cho họ vào, lúc họ ra về rồi thì núi phải tự đóng lại”. Lúc ấy Thích Đề Hoàn Nhơn cùng muôn vạn chư thiên dùng hoa trời mạn đà la và mạc hương cúng dường xá lợi Tôn giả Mahà Kassapa rồi thì núi tự nhiên khép lại. Nhìn cảnh phóng xả thân mạng ngài Mahà Kassapa, Thích Đề Hoàn Nhơn lòng lo buồn bã vô cùng, vì đức Thế Tôn mới vào Niết-bàn; nỗi buồn chưa vơi, nay kế đến Tôn giả Ca Diếp cũng vào Niết-bàn nỗi khổ đau chồng chất khó nguôi. Trong khi đó thần núi Tất-bát-la cũng hay tin Tôn giả vào Niết-bàn mà không được thấy bèn nghĩ như vầy: “Bắt đầu hôm nay hang động này sẽ vắng tanh và nước Ma-kiệt-đà điều không tịch”. Kẻ giàu sang nghèo hèn đều rơi lệ buồn thương vì họ nghĩ rằng từ nay không còn ai là người hướng dẫn dìu dắt ban vui cứu khổ cho họ, giáo pháp từ nay cũng lu mờ. Trong khi đó thiên ma đang cười vui trên nỗi đau khổ của chúng sanh vì tất cả người trời ai ai cũng đều rơi lệ.

Nói về Tôn giả Ànanda sau khi đi khất thực trở về đang ngồi tư duy thì trong lúc ấy vua A-xà-thế cũng đang nằm mộng thấy một chiếc cầu lớn bị sụp đổ, thức dậy lòng rất lo sợ. Khi đó người giữ cửa vào báo: “Khi nãy có Tôn giả Mahà Kassapa đến báo tin vua là Tôn giả sắp vào Niết-bàn”. Vua liền nghe khóc òa lên và đi đến Trúc Lâm tìm Tôn giả Ànanda thưa rằng: Tôn giả Ca Diếp nay muốn vào Niết-bàn? Tôn giả Ànanda đáp rằng: Ngài đã vào Niết-bàn rồi. Vua hỏi hiện tại thân Tôn giả Kassapa ở đâu ta muốn cúng dường. Rồi hai người cùng hướng về núi Kê Túc thẳng đến. Hai vị vừa đến thì núi tự mở ra, vua cùng Ànanda thấy được Tôn giả. Bấy giờ vua A-xà-thế dùng gỗ chiên đàn và các loại hương hoa định hỏa táng Tôn giả Kassapa. Tôn giả Ànanda can không cho hỏa táng vi Tôn giả dùng định trụ thân đợi Phật Di Lặc ra đời để trao lại y bát của Thế Tôn cho Ngài. Sau khi hai vị cúng dường cả hai cùng lui về trú xứ mình và từ từ núi khép lại. Giờ đây thân ngài Kassapa đã cách biệt thế gian bỏ lại tất cả ở bên ngoài vào đại định. q

Long Tường. (Hết)
[Tập san Pháp Luân - số 4]


 

(Tiếp theo TSPL.2)

Vì thương hại những Tỷ kheo giới luật chưa thuần, thiền quán chưa tinh, mà chạy theo thế tục thì sẽ chìm đắm vào thế tục không thể thoát ly được. Ngài dùng uy tín của Ngài, dùng cuộc sống thanh tịnh giải thoát của mình, mà khuyên giải các thầy Tỷ kheo. Chỉ vì lòng từ rộng lớn của Ngài đối với các Tỷ kheo đồng môn nói riêng và đối với sự nghiệp giải thoát chúng sanh nói chung.

“Có tuệ nói như thật
Khéo định tỉnh trong giới
Đạt được tâm an chỉ   
Người ấy kẻ trí khen”.

“Không cống cao không động
Thận trọng, căn chế ngự
Chói sáng với tấm y
Được lượm từ đống rác
Chẳng khác con sư tử
Trong hang động núi rừng”.

Vì lòng từ đối với các vị Tỷ kheo và Tỷ kheo ni, đôi khi Ngài cũng bị các vị này không hoan hỷ không bằng lòng vì những lời nói ngay thật quá. Trường hợp Tỷ kheo ni Thullatissa đã phàn nàn rằng tại sao Tôn giả Mahà Kassapa lại kêu Ànanda, bậc thánh Vedeha là “đứa trẻ?” Rồi Tỷ kheo ni Thullatissa thốt ra những lời không hoan hỷ: “Sao Tôn giả Mahà Kassapa trước kia là người theo ngoại đạo lại nghĩ có thể không hài lòng và gọi Tôn giả Ànanda, bậc thánh Vedeha là đứa trẻ!” Hoặc trường hợp những Tỷ kheo ni Thullatissa khi Tôn giả Ànanda đến mời Tôn giả Mahà Kassapa đi đến giáo giới trụ xứ Tỷ kheo ni. Sau ba lần cầu thỉnh Tôn giả Kassapa mới đi, và lúc đến các Tỷ kheo ni này quanh Tôn giả Kassaapa đảnh lễ, Tôn giả Kassapa với pháp thoại giảng cho các vị Tỷ kheo ni đang ngồi một bên ấy khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Rồi Tôn giả Kassapa sau khi giảng cho các vị Tỷ kheo ni xong từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sau đó nhóm Tỷ kheo ni Thullatissa không bằng lòng nói lên những lời không hoan hỷ: “Làm sao Tôn giả Mahà Kassapa trước mặt Vehedamuni Ànanda lại nghĩ đến thuyết pháp. Ví như một người bán kim lại nghĩ có thể bán kim cho người làm kim? Cũng vậy Tôn giả Kassapa trước mặt Vedehamuni Ànanda lại nghĩ đến thuyết pháp”. Tôn giả Kassapa nghe được những lời này mới nói với Tôn giả Ànanda: “Thế nào hiền giả Ànanda, ta là người bán kim, ngươi là người làm kim, hay ta là người làm kim, ngươi là người bán kim?”

- “Hằng kham nhẫn, thưa Tôn giả Kassapa, ngu si là đàn bà” “Hằng đến, Hiền giả Ànanda, chớ để cho chúng Tăng truy cứu thêm về người”.
- “Hiền giả Ànanda, nhà ngươi nghĩ thế nào?”
- “Có phải trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tăng, người được đề cập đến như sau: Tùy theo mong muốn, này các Tỷ kheo, ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú nơi sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ kheo, Ànanda cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú nơi sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ?”
- “Thưa Tôn giả, không phải vậy”.

Tùy theo mong muốn, ta diệt tầm tứ v.v... thiền thứ hai thuộc trạng thái do định sanh không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
..., ta ly hỷ, trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự thọ lạc. An trú thiền thứ ba.
..., ta xả lạc, xả khổ v.v... thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Tùy theo ước muốn, ta vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không có tác ý với dị tưởng, ta nghĩ rằng: Hư không là vô biên, chứng đạt và an trú không vô biên xứ.

Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi thứ, không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên” chứng đạt và an trú thức vô biên.

Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì” chứng đạt và an trú vô sở hữu xứ.

Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi vô sở hữu xứ, chứng đạt và an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Tùy theo mong muốn, ta vượt lên mọi phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú diệt thọ tưởng định.

Tùy theo tâm mong muốn, ta chứng đạt các loại thần thông một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình biến hình đi ngang qua vách qua tường, qua núi, đi ngang qua hư không, độn thổ đi ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim. Với bàn tay ta chạm rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

Tùy theo mong muốn, ta với thiên nhĩ thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư thiên và loài người xa gần.

Sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh của loài người với tâm của mình, ta có thể biết như sau: “Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham, tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân v.v... tâm có si v.v... tâm không si v.v... tâm chuyên chú v.v... tâm vô thượng v.v... tâm thiền định v.v... tâm giải thoát v.v...

Ta nhớ đến đời sống quá khứ như một đời, 2, 3, 4, 5, 10, 20, 30, 40, 50, 100, 200, 300, 100.000.000 đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp, và nhớ ra rằng: Tại chỗ kia ta có tên thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia ta được sinh nhà nọ, ta được sinh ra ở đây. Như vậy ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Ta với Thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy các chúng sanh những kẻ hạ liệt, kẻ giàu sang, người đẹp kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Những bậc chúng sanh ấy làm những ác hạnh vế thân, ngữ, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những bậc chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý. Không phỉ báng các vị Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời. Trên đời với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân ta thấy sự sống chết của chúng sanh và ta. Này các Tỷ kheo, với đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí, ta chứng được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát chứng đạt và an trú”.

- “Thưa Tôn giả, không phải vậy”.
- “Chính ta này Hiền giả, trước mặt Thế Tôn và giữa chúng Tỷ kheo được đề cập đến như vậy”.

Một đời Tôn giả Mahà Kassapa trú tại Ràjagaha (Vương Xá) Veluvana (Trúc Lâm) tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ànanda đang đi du hành ở Pakhinàgine (Nam Sơn) cùng với đại chúng Tỷ kheo.

Lúc bấy giờ có độ 30 Tỷ kheo đệ tử của Tôn giả Ànanda, phần lớn còn trẻ tuổi, từ bỏ sự tu học, và hoàn tục.

Sau khi đi du hành về, và đi đến Tôn giả Mahà Kassapa đảnh lễ. Tôn giả Kassapa nói với Tôn giả Ànanda: “Duyên bao nhiêu lợi ích. Thế Tôn chế đặt điều luật ‘chỉ 3 người ăn’ đối với các gia chủ, để ngăn chận các người phá giới, vì sự lạc trú của các Tỷ kheo chánh hạnh, chớ để cho ai dựa vào bọn ác tưởng phá hoại chúng Tăng, và vì lòng từ mẫn đối với các gia đình. Thưa Tôn giả Kassapa vì duyên 3 lợi ích này nên Thế Tôn chế đặt điều luật ‘chỉ 3 người ăn’ đối với các gia chủ”.

- “Thời vì sao, nhà ngươi lại cùng du hành với những tân Tỷ kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết lộ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác? Ta nghĩ người hành động thật là kẻ giẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ người hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của ngươi đang sụp đổ! Đồ chúng niên thiếu của ngươi đang tan rã! Đứa trẻ này không lượng sức mình”.
- “Thưa Tôn giả Kassapa, trên đầu tôi, tóc bạc đã sanh! Tuy vậy hôm nay, Tôn giả gọi tôi là đứa trẻ, chúng tôi không có phật lòng”.

Chúng ta thấy mặc dù Tôn giả Ànanda được mệnh danh là người đa văn đệ nhất nhưng làm việc gì đi ra ngoài phạm vi giải thoát đều được ngài Kassapa chiếu cố dạy bảo ngay. Và chính Tôn giả Ànanda cũng thấy được việc làm của mình là không phải; trái với điều luật mà Phật đã dạy. Ngay đến Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) là người trí tuệ đệ nhất; cũng phải nhờ Tôn giả Kassapa giải tỏa những thắc mắc của mình. Trong Tương Ưng kinh có đề cập đến điều đó khi Tôn giả Sàriputta hỏi ngài Kassapa về sau khi chết: “Này hiền giả Kassapa, có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết không?” “Này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố “Như Lai có tồn tại sau khi chết” Như vậy này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không?”

- Cũng vậy này Hiền giả, Thế Tôn không tuyên bố: “Như Lai không tồn tại sau khi chết” “Như vậy này Hiền giả, có phải Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết không?”
- “Này Hiền giả, Như Lai cũng không tuyên bố: Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”. “Vậy này Hiền giả, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết không?”
- “Cũng vậy này Hiền giả, Thế Tôn không tuyên bố: Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”
- “Và vì sao này Hiền giả, Thế Tôn không có tuyên bố như vậy! Vì không đưa đến lợi ích, không đưa đến cứu cánh phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy Thế Tôn không tuyên bố như vậy.”
- “Vậy này Hiền giả, Thế Tôn tuyên bố cái gì?”
- “Đây là khổ,” Thế Tôn đã tuyên bố. “Đây là khổ tập,” Thế Tôn đã tuyên bố. “Đây là khổ diệt,” Thế Tôn đã tuyên bố. “Đây là con đường đưa đến khổ diệt,” Thế Tôn đã tuyên bố.”

Vì sao Thế Tôn tuyên bố như vậy? Vì đưa đến lợi ích, đưa đến cứu cách phạm hạnh, đưa đến yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy Thế Tôn đã tuyên bố như vậy.

Một hôm, Tôn giả Sàriputta từ thiền định độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa.

Sau khi chào đón thăm hỏi và nói lên những tán thán Tôn giả Sàriputta liền ngồi xuống một bên và nói Tôn giả Mahà Kassapa rằng: “Thế nào là không nhiệt tâm với nhiệt tâm? Thế nào là không biết sợ và biết sợ?”.

Tôn giả Kasapa đáp: “Người không nhiệt tâm là không biết sợ sẽ không có giác ngộ, không có Niết-bàn, không thể đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”.

Vì sao? “Vì các ác, bất thiện pháp không khởi lên nơi ta, nếu chúng khởi lên chúng có thể đưa đến bất lợi”. Vì chúng khởi lên mà không có nhiệt tâm để đoạn diệt chúng. Ngược lại. “Nếu các thiện pháp không khởi lên, nếu chúng không khởi lên nơi ta, có thể đưa đến bất lợi”. Vì không khởi nhiệt tâm. Ngược lại “Nếu các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, có thể đưa đến bất lợi”, vì không khởi nhiệt tâm để tăng trưởng.

Cũng vậy, “Người nhiệt tâm và biết sợ, sẽ đưa đến giác ngộ; có thể có Niết-bàn”.

Vì sao? “Vì các ác pháp bất thiện, không khởi lên nơi ta”. Nếu chúng khởi lên ta có nhiệt tâm, ta có biết sợ để đoạn diệt chúng. Ngược lại “các thiện pháp không khởi lên nơi ta nếu chúng khởi lên ta có nhiệt tâm để làm tăng trưởng chúng”.

Qua những mẫu pháp thoại giữa ngài Mahà Kassapa và Tôn giả Ànanda và Tôn giả Sàriputta. Chúng ta thấy Ngài vì lòng ưu ái đối với những vị đồng môn mà chỉ dạy hoặc mở gút thắc mắc cho họ. Đó là chúng ta chỉ đề cập đến những vị đại đệ tử của Phật đã mang trong mình một sở học, sở tu, sở chứng, đặc biệt còn phải nương vào Tôn giả Kasapa để học hỏi thêm cho mình, huống chi những vị tân Tỷ kheo hoặc những người trong Tăng đoàn chưa có những sở hữu đặc biệt nào cho mình. Ngoài đức Thế Tôn ra, Tôn giả Kassapa và các Tôn giả nổi tiếng trong hàng đại đệ tử của Thế Tôn phải cáng đáng công việc dạy dỗ thay đức Thế Tôn những khi vắng Ngài. Đặc biệt, Tôn giả Kassapa được đức Thế Tôn nêu lên làm thí dụ điển hình để dạy các thầy Tỷ kheo trong chúng hội, và cũng thường được Thế Tôn ưu ái bảo Ngài giáo giới các Tỷ kheo cùng đức Thế Tôn.

Thích Đức Thắng.
[Tập san Pháp Luân - số 3]


 

(Tiếp theo TSPL.1)

Cho đến khi tuổi đã già, sức mòn mỏi mà Ngài vẫn giữ quy luật sinh hoạt ấy. Mặc dầu đức Thế Tôn vẫn biết, và vẫn giữ tôn trọng bản nguyện của mỗi người, nhưng đức Thế Tôn không cầm lòng được khi thấy tuổi già sức yếu của Kassapa mỗi ngày mỗi mỏi mòn. Một hôm, đức Thế Tôn cho gọi Tôn giả Kassapa đến để dỗ dành Ngài, nên về trường trú tại tinh xá Kỳ Viên thì Ngài bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử rất cảm động trước lòng từ mẫn ưu ái chăm sóc của Thế Tôn. Đệ tử tự nghĩ rằng từ mạng của Thế Tôn không thể không vâng, song bản nguyện của đệ tử không thể không theo cho trót, vì nếu vâng mệnh Thế Tôn về trường trú nơi Kỳ Viên này, đệ tử không thể không theo nếp sinh hoạt chung của đoàn thể, và nếu theo nếp sống của đoàn thể thì bản nguyện của đệ tử đành phải đứt ngang. Xin Thế Tôn từ bi hoan hỷ để bản nguyện của đệ tử được hoàn thành. Nơi an trú của đệ tử cảnh trí hoàn toàn an vui gió mát trăng thanh, chim hót hoa cười, mỗi ngọ ăn xong là kinh hành hoặc nhập định tham thiền, mũi không tiếp xúc với mùi xú uế của thây ma, mắt không trông thấy một mảnh xương nhỏ, thì e rằng khó có thể tu theo các phép quán: Vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Đệ tử chỉ thấy thân tâm hoàn toàn an lạc khi được ngồi giữa bãi tha ma, hoặc nơi đồng vắng, hoặc dưới gốc cây, hoặc nơi đồi cao hoang vắng hay trên những tảng đá cheo leo. Mình mặc áo phấn tảo, bụng đói tùy ý khất thực, chân tự do ra vô cửa thành, không phiền lụy một ai, cũng chẳng ai phiền lụy mình, mệt không đi khất thực được thì no lòng với trái cây củ rừng, không bận lòng về áo cơm đắc thất của cuộc đời”.

Vì sống hạnh đầu đà như vậy, nên ngài Kassapa rất ít quan hệ với ai, nếu có cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ; có chăng cũng chỉ là quan hệ thuộc phạm vi phải có của hạnh đầu đà mà thôi, như trường hợp đi khất thực chẳng hạn, hay mỗi tháng hai lần về trú xứ của Thế Tôn hay trú xứ Tăng đoàn gần nhất để Bố-tát. Ngoài ra mọi giao thiệp với đời đều bị cắt đứt. Tuy thế, song việc độ sanh đối với Ngài không phải không có. Chính hạnh khất thực là một hành động độ sanh của Ngài rồi. Vì Ngài là kẻ bán giàu mua nghèo. Cách truyền giáo độ sanh theo Ngài trái hẳn với hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Lối giáo hóa của Ngài rất đặc biệt, Ngài dùng thân giáo nhiều hơn. Đó là lối giáo dục thực tiễn nhất và lôi cuốn nhất. Không một hành vi nhỏ nhặt nào của Ngài mà không mang lòng từ bi rộng lớn nhằm để xoa dịu nỗi khổ đau của thế gian. Sự tích ghi chép rằng: Một hôm, Ngài vào thành Vương Xá khất thực, thấy một bà lão ăn mày gầy còm ốm yếu đang nằm rên rỉ bên vệ đường. Ngài đến gần hỏi rằng:

- Này lão bà! Nhìn tình cảnh của lão bà tôi thấy rất đau xót, theo tôi nghĩ, sở dĩ có tình cảnh như vậy là vì kiếp trước lão bà rất keo kiệt không chịu bỏ một đồng xu nhỏ nào để bố thí cho ai. Tôi đây là đệ tử của Phật, là ruộng phước của nhân gian. Rất mong lão bà bố thí cho tôi chút đỉnh thức ăn, tôi xin nhường lại cho lão bà tất cả các món phước điền của tôi có được, để kiếp sau lão bà thoát khỏi cảnh khốn cùng này.

- Bạch Tôn giả! Lão bà đáp. Tôi rất cảm động lòng ưu ái của Tôn giả đối với già này, nhưng thưa Tôn giả, thú thật với Tôn giả rằng; đã từ ba hôm nay, già này chưa hề có hột cơm nào để bỏ bụng, thì làm sao già này có gì để cúng dường Tôn giả. Hiện tại già chỉ có chút ít nước mã đã nặng mùi của người đem đổ mà già đã xin lại được. Chả lẽ lại đem nước mã mà cúng dường Tôn giả sao?

- Có quan hệ gì đâu! Ngài Kassapa đáp. Tôi đây chính là Đại Ca Diếp, kẻ bán giàu mua nghèo đây. Vì mục đích mua nghèo, tôi rất sung sướng được tiếp thọ sự cúng dường ấy của lão bà.

Bà già cảm động hai tay run run dâng bình nước mã cho Tôn giả. Tôn giả đón lấy và uống ngay trước mặt lão bà.

Chính hành vi nhỏ nhặt trên đã nói lên đầy đủ và thể hiện được lòng từ bi rộng lớn của Ngài đối với mọi người, chính vì Ngài đã thể hiện được hành vi thân giáo cho nên Ngài đến đâu cũng được quần chúng ở đấy kính mến tôn trọng. Xung quanh thân Ngài như có hào quang soi chiếu thu hút mọi ánh sáng khác, cho nên tên Ngài còn được dịch là Ẩm Quang (uống ánh sáng).

Với hạnh tu như vậy, mặc dù Ngài ít tiếp xúc với anh em đồng môn Tỷ kheo, nhưng Ngài vẫn thường quan tâm đến lối sinh hoạt của mọi người. Tuy rằng một tháng hai kỳ gặp mặt, hoặc những khi cần đức Thế Tôn để giải tỏa những khuất mắc trong lòng, và tất cả những sinh hoạt của anh em đồng môn Tỷ kheo, Ngài đều biết rõ. Vì lợi ích cho cá nhân anh em nói riêng hay lợi ích chung của đoàn thể, Ngài không thể yên lặng trước những tai tiếng hay những va chạm không hay đối với Tăng đoàn. Những con sâu ưa sống với quần chúng, hay đến nhà Cư sĩ hoặc những chỗ đông người, thích thú các tục sự và để thỏa mãn những dục vọng trong việc ăn uống, tham lam các vật cúng dường mà bỏ quên mất đi những điều cơ bản đưa đến việc giải thoát. Những Tỷ kheo này theo Ngài vì những lợi dưỡng không đâu, mà quên mất đi con đường mình đang đi để chạy theo thế tục. Mục đích của họ là muốn thoát khỏi những ràng buộc của tam giới, đạt đến an vui Niết-bàn. Nhưng thử hỏi việc làm của họ không những không ích lợi gì cho chính bản thân họ mà còn kéo họ vào đám bùn nhơ trói buộc. Ngài khuyên các Tỷ kheo:

“Chớ du hành đi đâu   
Do quần chúng tôn xưng
Tâm ý bị loạn động       
Thiền định khó tu chứng
Quần chúng tụ là khổ    
Thấy vậy tránh quần chúng”

“Bậc ẩn sĩ không đi    
Đi đến các gia đình
Tâm ý bị loạn động       
Thiền định khó tu chứng
Ai hăng say tham vị   
Bỏ đích đem an lạc”

“Đảnh lễ cúng dường này   
Xuất phát từ gia đình
Nên biết chúng thật sự   
Là một đám bùn lầy    
Như mũi tên tế nhị        
Rất khó rút ra khỏi
Kẻ xấu rất khó lòng   
Từ bỏ sự cung kính”

Với những Tỷ kheo này, thật sự họ chưa được chứng đạt, khi chưa được chứng đạt thì tâm hồn thường bị dao động bởi những phỉnh phờ giả tạo của bề ngoài. Hầu hết đều bị sa đọa vì vật chất, nếu không khéo thúc liễm thân tâm bằng cách thiểu dục tri túc, thì e rằng những hoàn cảnh đó dễ lôi kéo họ vào con đường sa lầy vì dục vọng của họ chưa được từ bỏ.

Tại sao ngài Kassapa khuyên các Tỷ kheo không nên làm việc quá nhiều? (Vì dục vọng chưa được từ bỏ cho nên việc gì có lợi cho cá nhân họ thì họ làm). Vì khi đã làm việc thì vị Tỷ kheo phải chung đụng với người thế tục, phải tranh đua-tranh đua thì mất đạo nghĩa và nhiều chuyện khác sẽ xảy ra. Nó sẽ trói buộc họ vào trong công việc và khi công việc đã trở thành miếng mồi ngon của lòng tham, thì sẽ bị chìm đắm trong hương vị lợi danh; lúc đó, không còn cách chi để kiềm chế nữa và từ đó tội lỗi cũng bắt đầu kéo họ xuống đám bùn lầy khổ đau, không cách chi thoát ra được.

Chớ làm quá nhiều việc
Tránh quần chúng đua tranh
Người siêng tham đắm vị
Bỏ đích đem an lạc

Hoặc những vị Tỷ kheo, ưa chọn nơi hình thức bề ngoài, mục đích nhằm đánh lừa quần chúng Phật tử cung phụng để được nhiều hơn, rằng ta thấy cái này, hoặc chứng được cái nọ, thật sự ngay đến tự ngã của họ, họ chưa thấy rõ được. Họ ưa phô diễn trước đám đông hoặc bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ miễn sao làm chú ý được đến những người chung quanh là ăn chắc.

“Chỉ lắp bắp cái môi
Không thấy được tự ngã
Cứng cổ để nó đi
Nó nghĩ: Ta tốt hơn”

“Tỷ kheo cống cao động
Đầu đắp như đống rác
Như con khỉ đội lốt
Với da con sư tử
Người vậy không có thể
Chói sáng nhờ y đó”

Cũng có những vị Tỷ kheo lợi dụng chiếc áo len lỏi vào hàng Tăng chúng phá hoại uy tín của Tăng già đủ nhiều hình thức. Đại loại chúng ta có thể liệt kê ở đây một ít:

Lợi dụng chiếc áo để cầu lợi dưỡng, không lo tu tập cầu giải thoát.

Lợi dụng lòng tin yêu của Phật tử để phạm trai phá giới.

Loại thứ ba dựa vào uy thế của Phật kết giao với bọn quyền quý đài sa kiêu mạn đê hèn.

Loại thứ tư lợi dụng Tăng đoàn giao thiệp buôn bán để cầu danh lợi...

Sự hiện diện của họ ở trong Tăng đoàn chính là những con sâu làm hư hoại đạo Pháp. Đại diện cho nhóm Tỷ kheo này chính là lục quần Tỷ kheo mà người đứng đầu là Đề-bà-đạt-đa, họ làm bất cứ việc gì mà họ có thể làm được miễn sao phá sự hòa hợp Tăng, hay làm giảm uy tín của đức Phật là được.

Mặc dầu Ngài ít sinh hoạt với Tăng đoàn, nhưng tất cả mọi sinh hoạt ấy không qua khỏi đôi mắt của Ngài–vì thương kính Phật, vì muốn thanh tịnh Tăng đoàn.

Long Tường. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 2, tr.16]


 

Đại Ca-diếp (Māha Kassapa)

Māha Kassapa là người làng Bà-la-môn mahā-Tiṭṭha, gần thành Rājagaha (Vương Xá) thuộc nước Magadha (Ma-kiệt-đà), Ngài còn có tên là Pippali-mānava, con bà vợ chánh của Bà-la-môn Kanila. Vị Bà-la-môn này tuy giàu có địch quốc (chỉ có thể đem so sánh với Bình Sa Vương, nước Ma-kiệt-đà), ông ta cùng kết giao với Bình Sa Vương, tạo ra rất nhiều tội ác. Mặc dù, Ngài sống trong cảnh giàu sang phú quí, nhưng tâm niệm lúc nào cũng nghĩ đến việc thoát ly gia đình. Tâm niệm này chúng ta tìm thấy trong cuộc đối thoại giữa Ngài và ngài Ananda trong kinh Tương Ưng: “Này Hiền giả, trong khi ta còn là gia chủ, ý nghĩ sau đây được khởi lên: Thật đẹp thay đời sống tại gia, đầy những bụi đời; còn xuất gia như đời sống lộ thiên. Thật không dễ dàng ở trong gia đình mà có thể sống phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo râu tóc, đắp ca sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”. Mặc dù Ngài có ý nghĩ như vậy, nhưng đối với song thân, Ngài là con nên mọi việc điều tùy thuận ở cha mẹ. Ngay đến việc lập gia đình, ban đầu không chịu nhưng rốt cuộc rồi ngài cũng chịu theo ý cha mẹ để làm vừa lòng song thân khi còn tại thế. Ngài cho làm một tượng thiếu nữ bằng vàng trẻ đẹp, mặc áo đỏ và đeo đồ trang sức. Ngài nói với song thân rằng, nếu cha mẹ tìm cho con được một thiếu nữ như vậy thì con sẽ chịu lập gia đình. Bà mẹ liền sai các Bà-la-môn đem tượng vàng ấy đi khắp nước, làm sao phải tìm cho được một thiếu nữ giống như vậy cho bà. Sau những ngày lặn lội tìm kiếm, một hôm, họ đến bên cạnh bờ sông nọ tại Sagāla ngồi nghỉ và đặt tượng vàng xuống cạnh bờ sông. Bỗng có một thiếu phụ từ dưới sông đi lên, thấy bức tượng, tưởng đâu là Bhaddā - người mà bà đã nuôi nấng lâu nay và nói Bhaddà sao lại thiếu giáo dục như vậy, đánh nàng nơi má và sau khi đánh mới biết được rằng đó không phải là Bhaddā mà là một bức tượng bằng vàng. Sau khi bà vú của Bhaddā biết được việc như vậy, mới dẫn các Bà-la-môn về nhà, cho thấy Bhaddā và họ nhận ra rằng bức tượng giống như đúc Bhaddā. Sau đó, họ đưa tin về Kapili. Nhưng cả hai người Pippali-mānava và Bhaddā đều không muốn lập gia đình, nên cả hai viết thư cho nhau để nói rõ quyết định của mình. Hai người đưa thư gặp nhau giữa đường, đưa thư cho nhau coi và hai bức thư được đánh tráo bằng hai bức thư khác. Do vậy, đám cưới được khởi hành. Nhưng trong đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau bằng một tờ giấy hoa và cho đến khi cha mẹ Ngài mạng chung vẫn còn giữ như vậy. Do đó cho nên Ngài được nổi tiếng về hạnh thanh tịnh. Không những Ngài nổi tiếng về hạnh thanh tịnh mà còn nổi tiếng về học rộng tài cao, thông minh quán chúng.

Sau khi song thân Ngài qua đời, cả hai cùng quyết định xuất gia. Hai người cùng mặc áo vàng, cắt tóc, mang bình bát, trước cùng đi với nhau, sau thấy bất tiện nên từ giã nhau. Pippala-mānava đi về phía mặt, Bhaddā đi về phía đường bên trái. Trước quả đức như vậy, quả đất rung động và Thế Tôn biết được nguyên nhân, ra ngồi giữa đường. Từ Nalandā đến Rājagaha, tại đền Bahaputta gặp đức Thế Tôn, Mahā Kassapa cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn là bậc Thầy, tự nhận mình làm đệ tử. Khi đức Thế Tôn nghe Mahā Kassapa nói như vậy. Ngài nói với Mahā Kassapa: “Này Kassapa, những ai với tâm trọn vẹn đầy đủ, không thấy mà nói rằng ta thấy, đầu người ấy sẽ vỡ tan. Còn ta, này Kassapa, ta biết thời ta nói ta biết, ta thấy thời ta nói ta thấy! Do vậy này Kassapa, người phải học tập một tâm tàm quý thật sắc sảo sẽ được phải thiết lập giữa các vị Trưởng lão, niên thiếu và trung niên. Do vậy, này Kassapa, ngươi phải học tập ‘phàm pháp gì tôi nghe, liên hệ đến thiện, sau khi đặc biệt chú ý, tác ý, tập trung tất cả tâm lực, tất cả pháp ấy tôi đều lóng tai nghe’. Do vậy, này Kassapa ngươi phải học tập ‘phàm niệm gì thuộc về thân hành, câu hữu với hỷ ta sẽ không bỏ niệm ấy’”.

Sau đó đức Thế Tôn cùng Mahā Kassapa trở về Māgadha. Ở đây, suốt bảy ngày Mahā Kasssapa tu tập theo hạnh đầu đà không gặp lại Thế Tôn. Thời gian này, Mahā Kasssapa đang còn phiền não, đến ngày thứ tám chánh trí khởi lên. Lúc này đức Thế Tôn cũng từ trên đường bước xuống và đi đến một gốc cây. Mahā Kasssapa liền gấp tư tấm y Tăng già lê làm bằng vải rồi bạch đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ngồi xuống ở đây, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài”. Sau đó, đức Thế Tôn ngồi xuống và nói với Mahā Kasssapa rằng: “Thật là mềm dịu, này Kasssapa, là tấm y Tăng già lê nầy làm bằng vải cắt của ngươi”. “Bạch đức Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con”.

“Này Kasssapa, ngươi có dùng tấm y phấn tảo bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của ta không?”.

“Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y bằng vải thô đáng được quăng bỏ của Thế Tôn”. Như vậy, ngày ấy, Mahā Kasssapa đã chính thức thừa tự Chánh pháp của Như Lai. Cũng theo đoạn hội thoại giữa Ngài cùng Tôn giả Ananda trong kinh Tương Ưng (Pāli) thì Ngài kể rằng, sau tám ngày tu tập chánh trí đã khởi lên và Ngài đã chứng A-la-hán quả, thành tựu 9 định và 5 thắng trí (sau đây chúng tôi sẽ đề cập đến).

Trong hàng đệ tử của Thế Tôn có nhiều vị cùng mang tên Ca-diếp. Nên để phân biệt các vị kia, kinh thường gọi vị đệ tử nầy là Mahā Kassapa, hay là Đại Ca-diếp.

Lại nên biết rằng theo Bắc tông thì sau khi đức Phật nhập diệt, Mahā Kassapa là sơ Tổ và theo Nam tông thì chính Ưu-ba-ly mới là sơ Tổ. Chúng tôi nêu lên hai sử liệu này là để tiện nghiên cứu sau này chính xác hơn.

Sở nguyện của Ngài là tu theo hạnh đầu đà. Hạnh này Ngài khư khư giữ cho đến hơi thở cuối cùng.

Tu theo hạnh đầu đà thì cần phải giữ đúng mười điều sau đây:

1- Chọn vùng hoang vắng để ở.
2- Sinh hoạt bằng pháp trì bình.
3- Thường ở tại một nơi.
4- Ngày ăn một bữa (ngọ thực).
5- Khất thực không phân biệt giàu nghèo.
6- Không có tài sản nào khác ngoài ba y (Tăng-già-lê, Uất-đa-la, An-đà-hội) một bình bát và một ngọa cụ.
7- Tư duy dưới gốc cây.
8- Thường ngồi giữa đồng trống.
9- Mặc áo phấn tảo.
10- Sống tại các bãi tha ma.

Sinh hoạt theo hạnh đầu đà là một lối sinh hoạt rất đơn giản nhằm mục đích thanh tao hóa tâm hồn, cởi bỏ mọi trói buộc có thể có vì cuộc sống, rất thích hợp với những ai thích tu phạm hạnh như Ngài Kassapa. Tuy lối tu này có vẻ đơn giản nhưng không vì thế mà ai cũng có thể thực hành được. Vì muốn thực hành được chúng thì cần phải là người biết sống, có nghĩa là phải là người biết tri túc trong một giới hạn nào đó của cuộc sống và không đòi hỏi những điều ngoài khả năng của mình và của người. Bởi vậy cho nên lối sinh này cần phải tri túc. Ngài Kassapa có đầy đủ bốn loại tri túc này: thứ nhất về y, thứ hai về đồ ăn khất thực, thứ ba về sàng tọa, thứ tư về thuốc men trị bệnh. Theo Ngài với bất cứ loại y nào và không vì y mà Ngài sẽ làm điều bất chính, bất xứng. Nếu không được y thì Ngài sẽ không giao động và nếu được y thì Ngài sẽ dùng y ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy sự nguy hiểm, quán xuất ly với trí tuệ. Ngài sẽ tri túc với bất cứ loại đồ ăn khất thực nào với bất cứ loại sáng tạo nào v.v… Với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào và không vì chúng nếu không được sẽ không làm điều bất chính, bất xứng, không bị giao động và nếu được Ngài sẽ dùng chúng không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy tai hại và quán xuất ly với trí tuệ.

“Từ trú xứ bước xuống     
Ta vào thành khất thực
Ta cẩn thận đến gần         
Một người cùi đang ăn
Với bàn tay lở loét         
Nó bỏ vào một muỗng
Khi bỏ vào muỗng ấy         
Ngón tay rời rơi vào
Dựa vào một chân tường     
Ta ăn miếng ăn ấy
Đang ăn và ăn xong        
Ta không cảm ghê tởm
Miếng ăn đứng nhận được     
Xem như thuốc tiêu hơi
Chỗ nằm dưới gốc cây         
Và y từ đống rác
Ai thọ dụng chúng được     
Được gọi người bốn phương”

Đời Ngài Kassapa là cả một bài thơ, một bài thơ sống động giải thoát, một bài thơ đầy những hình ảnh khả ái, khả kính của một đại nghệ sĩ, một đại Thiền sư. Cuộc đời của Ngài đã vượt lên trên mọi giới hạn của con người, không vợ, không con, không nhà cửa, không tiền tài danh vọng, Ngài đã chặt đứt mọi sợi dây trói buộc của thế gian, sống làm bạn với đất trời bao la, với cây đồng cỏ nội, với đồng núi cheo leo, với muôn cầm nghìn thú, với dòng suối chơi vơi. Đói thì đi xin ăn, rách thời tìm đến những đống rác nhặt lấy những mảnh giẻ rách được vất đi mang về giặt giũ vá chằm vá đắp cốt để che nắng che mưa cốt để khỏi bị bức bách vì thịt da giả tạm. Cuộc sống như thế, theo Ngài nó đã mang lại cho Ngài hai điều lợi ích. Hai điều lợi ích này Kassapa đã trình bày cùng đức Thế Tôn nhân khi về thăm Phật, và được đức Thế Tôn tán thán công hạnh của Ngài trước đại chúng: “Này Kassapa, ngươi thấy có lợi ích gì, mà ngươi đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng?”

“Bạch Thế Tôn! Con là người đã lâu ngày sống ở rừng, và tán thán hạnh ở rừng. Con là người đi khất thực, và tán thán hạnh khất thực. Con là người mang y phấn tảo, và tán thán hạnh mang y phấn tảo. Con là người mang ba y, và tán thán hạnh mang ba y. Con là người thiểu dục, và tán thán hạnh thiểu dục. Con là người tri túc, và tán thán hạnh tri túc. Con là người sống không giao thiệp, và tán thán hạnh không giao thiệp. Con là người tinh cần, và tán thán hạnh tinh cần.”

“Bạch Thế Tôn! Con thấy có hai lợi ích nên đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán những hạnh trên. Bạch Thế Tôn, con thấy tự mình được hiện tại lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, vì rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước: ‘Đối với các vị đệ tử Phật và tùy Phật. Mong chúng trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán tất cả những hạnh đó’. Chúng sẽ thực hành như vậy trong một thời gian dài, chúng sống hạnh phúc an lạc. Bạch Thế Tôn, vì thấy hai lợi ích này nên con sống hạnh đầu đà như vậy”.

“Lành thay, lành thay Kassapa! Thật vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa ngươi đã thực hành như vậy, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn đối với đời, vì lợi ích vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.

Do vậy này Kassapa hãy mang vải thô phấn tảo, đáng được quăng bỏ, hãy sống khất thực và trú ở rừng”.

Ngoài hai lợi ích trên, núi rừng bao la mang nhiều hấp dẫn khiến cho Ngài thích thú, thích thú những cuộc leo núi đá sau khi khất thực trở về:

“Đi khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá
Ngồi thiền, không chấp thủ
Đoạn sợ hãi kinh hoàng.”

“Đi khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá
Ngồi thiền, không chấp thủ
Đã đốt cháy thanh lương.”

“Đi khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá
Ngồi thiền, không chấp thủ
Xong việc không lậu hoặc.”

Những tảng đá cheo leo là nơi an trú của Ngài, là chỗ thanh vắng mát mẻ để cho Ngài ngồi thiền. Cảnh rừng núi hoang vu vắng vẻ này là một trợ duyên lớn trong việc an trú tâm vào định, khi đã có định thì sự sợ hãi kinh hoàng cũng bị bẻ gãy, và tất cả những gì mà thế gian gọi là mát mẻ tươi vui của vật chất đều bị Ngài đốt cháy tận gốc rễ và để tiến tới việc chọc thủng màn lưới vô minh. Cảnh rừng núi làm trợ duyên như thế trong việc chặt đứt cội rễ vô minh thì ai trong chúng ta lại không thích huống chi là Ngài. Ngoài trợ duyên này, rừng núi biết bao nhiêu là những trợ duyên cho Ngài, đã từng hấp dẫn và cuốn hút Ngài trong suốt cuộc đời. Những cụm hoa rừng tuyệt diệu đã được những mảnh đất khả ái nuôi dưỡng như chính đất đá đã nuôi dưỡng tâm tính của Ngài:

“Khu đất thật khả ái
Với những vòng tràng hoa
Hoa tên Ka-rê-hi
Trải rộng ra cùng khắp
Với voi rú khả úy
Đồi núi ấy ta thích.”

“Tràn đầy hoa cây gai
Như trời phủ làm mây
Đầy mọi loài chim chóc
Đồi núi ấy ta thích.”

Làm sao Ngài không thích với cảnh trí thanh tú đẹp đẽ của núi rừng, những tràng hoa được trải rộng ra, đủ mọi thứ đã che chở tâm tình của Ngài, giống như những làn mây phủ kín trang hoàng trú xứ của Ngài. Những tràng hoa, tiếng kêu ríu rít của chim muông, và tiếng khỉ vượn hú là những bản nhạc thiên nhiên đầy thi vị đã giải khuây cho Ngài trong những giờ nhàn tản. Trong trú xứ này đều được Ngài thi vị hóa tất cả, những đồi núi đối với Ngài là những đồi mây xanh biếc, những tòa tháp đẹp lâu đài. Những con nai, con vượn là những bạn hữu thân thiết của Ngài. Những dòng suối nước chảy róc rách dưới đá băng hòa với tiếng gió reo dào dạt đã khiến cho tâm hồn Ngài trở nên bình lặng an lành. Những hồ nước trong mát soi bóng mây xanh. Tất cả đã tạo nên một thế giới vừa linh động vừa yêu kiều khiến tâm hồn Ngài cũng vui lây, cũng thích thú với tạo vật thiên nhiên này:

“Những hồ nước trong mát
Tuyệt đẹp màu mây xanh
Che kín bởi loài bọ
Tên “kẻ chăn Inda”
Những ngọn núi đá ấy
Làm tâm ta thích thú.”

“Giống đồi mây xanh biếc
Ví tháp đẹp lâu đài
Với vượn hú khả úy
Đồi núi ấy ta thích.”

“Dưới tảng đá băng đá
Có nước suối trong chảy
Có khỉ và có nai
Lai vãng sống gần bên
Cỏ cây bao trùm nước
Đồi núi ấy ta thích.”

Tất cả những tạo vật thiên nhiên đó, đối với Ngài không những thân thương mà còn là trợ duyên trên đường giải thoát của Ngài. Tất cả đối với Ngài bao nhiêu tạo vật đó đã đủ làm trợ duyên cho Ngài tu thiền quán rồi, không cần một điều chi nữa.

“Vừa đủ ta chánh niệm
Hăng hái muốn tu thiền
Vừa đủ ta, Tỳ-kheo
Hăng hái muốn phước lợi.”

“Vừa đủ ta, Tỳ-kheo
Hăng hái muốn an lạc
Vừa đủ ta, Tỳ-kheo
Hăng hái tu Du-già.”

Vì lập hạnh như vậy nên quanh năm suốt tháng, ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, Ngài Kassapa chỉ thích sống trong rừng sâu, khi thì ngồi tư duy trên tảng đá, khi thì ngồi dưới bóng cây to, hoặc quán sát các cây khô ở các bãi tha ma, chẳng bao giờ ngơi nghỉ, cũng không sợ hùm beo rắn rít, coi thường tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên có thể xảy ra. Mặc ai khuyên can, Ngài vẫn khư khư giữ chặt không hề lay chuyển.

LT. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.12]