Đức Đạt Lai Lạt Ma & Albert Einstein

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

So sánh về cuộc đời & Tính cách của hai Bậc Vĩ Nhân:  Đức Đạt Lai Lạt Ma & Albert Einstein


Bảy mươi năm về trước, một bé trai với cái tên Lhama Dhondrub đã chào đời trong một gia đình nông dân nghèo thuộc miền Đông bắc Tây Tạng. Khi được phát hiện ra là hiện thân của ngài Avalokitesvara (Quán Thế Âm Bồ Tát), cậu được đặt tên lại là: Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso, và được xem như một “viên ngọc thỏa mãn mọi ước nguyện”. Đó chính là vị Thánh Tăng Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, bậc Thầy lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng cũng như của Phật giáo thế giới.

Vào ngày 06 tháng 07 năm nay (2005) sẽ là lần kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Ngài. Nhân dịp này, giáo sư Rasoul Sokhabi, chuyên gia nghiên cứu tại viện “Năng lượng và khoa học địa chất” của trường đại học Utah, thành phố Salt Lake đã viết một bài so sánh về cuộc đời và tính cách của hai bậc vĩ nhân của nhân loại: Đức Đạt Lai Lạt Ma - nhà lãnh đạo Phật Giáo và Albert Einstein - khoa học gia nổi tiếng của thế giới.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm 2005 này là năm “Vật lý thế giới” để tưởng nhớ những cống hiến của Albert Einstein, người đã đưa ra học thuyết “Tương đối” vào năm 1905 (đúng 100 năm trước), và ông đã qua đời vào năm 1955 (cách nay đúng 50 năm). Năm nay cũng là năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ bảy mươi ngày sinh nhật của đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây chính là thời điểm và cơ hội thích hợp nhất cho chúng ta suy ngẫm về vị trí tương xứng của hai nhân vật kiệt xuất này trong thời đại của chúng ta để tìm ra một sự hợp nhất giữa tôn giáo và khoa học.

Cuộc đời của Einstein và đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng cuốn hút rất nhiều người trong thế hệ chúng ta từ nhiều năm qua. Khi đọc tiểu sử hay những tác phẩm, những công trình nghiên cứu của họ, ta có thể nhận ra được nhiều nét nổi bật tương đương về bối cảnh cũng như cá tính của hai nhân vật này. Điều đó đã lóe lên những tia sáng trong mối quan hệ giữa lý trí và tâm linh, cả hai lĩnh vực này đều hết sức cần thiết cho cuộc sống con người và xã hội.

Nguyên lý chung của cả Phật giáo lẫn khoa học: dù là một nhà nghiên cứu tâm linh hay một nhà khoa học đều phải dựa trên tâm thức và kinh nghiệm của chính mình. Không hề có một đấng Thượng đế nào đầy quyền năng để cho họ phải tin theo một cách mù quáng. Mọi sự việc sẽ trở nên rất có ý nghĩa nếu như chúng được cảm nhận bằng những kinh nghiệm tâm linh hay được tái tạo bằng những thực nghiệm khoa học. Đặc tính nổi bật của các tác phẩm và những bài thuyết trình của Einstein và Đức Đạt Lai Lạt Ma là những ngôn ngữ ấy đều được chắt lọc từ tâm hồn và kinh nghiệm của chính họ. Các học giả đã rất dễ dàng nhận ra được những nét đặc trưng này, bởi lẽ họ đã từng viết, đã từng đọc không ít những tham khảo, chú thích, dẫn chứng… về những tác phẩm của hai tác giả trên. Mặc dù các tác phẩm ấy đòi hỏi những kiến thức chuyên môn khác nhau nhưng cả hai tác giả đều có lối viết giống nhau: sử dụng ngôn ngữ giản dị, văn phong rõ ràng, có căn cứ xác thực. Thậm chí, còn có sự ăn khớp giữa hai tâm hồn tác giả ở chỗ họ cùng mượn những khái niệm, những thuật ngữ mà các bậc tiền bối đã từng sử dụng, đã từng biết đến để viết cho tác phẩm của mình. Bất chấp những mâu thuẫn trong lịch sử về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, cả Einstein và Đức Đạt Lai Lạt Ma đều giữ chung một lập trường rằng khoa học và tôn giáo có thể cùng nhau tồn tại và cùng đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Khoa học và tôn giáo là những phương diện khác nhau của kiến thức và thực hành, sự nỗ lực của cả hai lĩnh vực đều rất cần thiết cho sự cân bằng của cuộc sống. Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là một người theo trào lưu chính thống tôn giáo. Ngài trân trọng sự thành tựu của khoa học hiện đại và cũng tin tưởng rằng tất cả các truyền thống tôn giáo khác đều có sự hữu ích của nó. Einstein cũng không phải là một khoa học gia chỉ có đầu óc toán học vô tình thiếu nhạy cảm với chiều sâu tâm linh. Trong cuốn: “Out of My Later Years” (1950), ông đã viết: “Tất cả các tôn giáo, nghệ thuật và khoa học là những cành khác nhau của cùng một thân cây, mọi khát vọng đều hướng đến mục đích cao quý của cuộc sống con người và nâng nó lên từ phạm vi chỉ có sự tồn tại của vật chất đến sự tự do, giải thoát về tinh thần cho từng cá nhân”. Và ông đã nói: “Mỗi ngày, tôi đã tự nhắc nhở mình hàng trăm lần rằng: đời sống vật chất lẫn tinh thần của tôi đều dựa trên sức lao động của người khác. Do vậy, tôi phải nỗ lực để đền đáp lại những khoảng mà tôi đã thọ nhận và vẫn còn đang tiếp tục thọ nhận”. Đây là lời của Einstein nhưng chúng ta rất dễ nhầm lẫn là lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa vật chất, loài hữu tình và sự kiện là những khái niệm cơ bản của khoa học hiện đại lẫn tư tưởng Phật giáo. Trong buổi lễ nhận giải thưởng Nobel hoà bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu: “Tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau trên rất nhiều phương diện, đến nỗi chúng ta không thể nào sống biệt lập với các cộng đồng và phớt lờ đi những gì đang xảy ra bên ngoài những cộng đồng ấy. Chúng ta cần sự giúp đỡ của người khác khi chúng ta gặp khó khăn và chúng ta cũng phải chia sẻ với người những may mắn mà chúng ta đang tận hưởng”. Về phương diện triết học, những lời này của Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất phát từ khái niệm thuyết “Duyên sinh” phát sinh từ tư tưởng Trung đạo của Phật giáo.

Các tu sĩ Phật giáo không hề bị cám dỗ bởi những sở hữu vật chất cá nhân. Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn lặp lại câu nói: “Tôi là một Tăng sĩ rất giản đơn”. Howard Culter, một cộng tác của Ngài trong cuốn “Nghệ thuật của Hạnh phúc”, cũng đã nói rằng: “Đức Đạt Lai Lạt Ma không hề biết rằng sách của Ngài đã được bán chạy nhất ở Bắc Mỹ”. Cũng vậy, Einstein cũng có cùng một thái độ không vị kỷ đối với cuộc sống. Trong một bài tiểu luận nổi tiếng nhất của mình “The World as I see it” (1931), ông viết: “Tôi cũng tin tưởng rằng cuộc sống giản dị và khiêm tốn rất tốt cho mọi người cả về thể xác lẫn tinh thần. Ba mục tiêu phấn đấu của con người là tài sản, sự thành công bên ngoài và sự xa hoa đều luôn luôn là những thứ bần tiện đối với tôi”. Ông đã thực hành đúng với những gì ông đã từng nói. Chẳng hạn như: mặc dù đã tái hôn nhưng Einstein vẫn trao toàn bộ số tiền 30.000 đô la là giải thưởng Nobel của ông cho người vợ cả và các con của họ.

Einstein đạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 1921 và Đức Đạt Lai Lạt Ma đạt giải Nobel Hòa bình năm 1989. Tuy nhiên, Einstein cũng là một nhà hoạt động tích cực cho hòa bình thế giới, công cuộc giải trừ vũ khí hạt nhân trên các quốc gia, sự bình đẳng và dân quyền trong xã hội. Cả cuộc đời ông là sự đấu tranh chống bạo động, chiến tranh, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phát xít. Người anh hùng chính trị của ông là Mahatma Gandhi. Văn kiện cuối cùng mà Einstein đã ký (tháng 04/1955) là lời tuyên bố về sự cộng tác với triết gia người Anh - Bertrand Russell - trong đó, họ đã điểm danh tên của tất cả các nhà lãnh đạo thế giới về những nghị quyết hòa bình của những xung đột chính trị.

Gần đây, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng: nếu có thể, Ngài sẽ đến một ngôi chùa và cống hiến cả quãng đời còn lại của mình cho sự thiền định. Điều này khiến ta liên tưởng đến lời nói của Einstein rằng: “Việc làm của người giữ nhà sẽ rất có ý nghĩa đối với một khoa học gia, bởi lẽ ông ta được đảm bảo có thời gian tự do và rảnh rỗi để suy nghĩ và làm việc”.

Cả Einstein và Đức Đạt Lai Lạt Ma đều là những người bị mất nước. Einstein thoát khỏi Nazi, Đức vào năm 1933 và sinh sống ở Mỹ. Đức Đạt Lai Lạt Ma tị nạn tại Ấn độ từ năm 1959 do sự chiếm đóng của Trung quốc trên đất Tây Tạng. Kinh nghiệm của cuộc đời “vong quốc” một phần nào đó đã giúp họ trân trọng giá trị vô song về lịch sử văn hóa của dân tộc mình (cộng đồng người Do thái đối với Einstein và Phật giáo Tây Tạng đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma), để thấy được vẻ đẹp và tính đa dạng của văn hóa nhân loại và cảm nhận được nguồn gốc chung của sự bình đẳng về tâm linh của loài người ở mọi nơi trên thế giới. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói rằng cuộc sống lưu vong đã cho Ngài một cơ hội lớn để được gặp gỡ và tiếp cận với tất cả mọi người từ những quốc gia khác nhau và thuộc mọi tầng lớp của xã hội. Ngài kết luận rằng: “Tất cả mọi người đều như nhau, đều mong cầu hạnh phúc và xa lánh khổ đau”.

Leopold Infeld, bạn đồng nghiệp - đồng thời cũng là người đã viết tiểu sử cho Einstein đã viết: “Nếu Einstein bước vào phòng của bạn trong một buổi tiệc và bạn được giới thiệu về ông ta như một người mà bạn chưa hề biết tí gì về ông ta cả, thì bạn cũng sẽ bị cuốn hút bởi chính đôi mắt sáng ngời của ông, bởi sự bẽn lẽn, hiền lành, những ý tưởng thú vị, hóm hỉnh. Thực tế là ông ta có thể làm cho những điều hết sức tầm thường đều trở thành kiến thức thông thái, và những gì ông ta nói ra đều xuất phát từ tận đáy tâm hồn của chính mình chứ không hề bị ảnh hưởng bởi những tác động từ thế giới bên ngoài”. Tất cả những người đã từng hữu duyên được diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã xác thực rằng những đặc điểm trên cũng chính là tính cách của Ngài.

Einstein được sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Đức vào năm 1879. Đức Đạt Lai Lạt Ma ra đời trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng Amdo - Tây Tạng vào năm 1935. Những câu chuyện của họ hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng tại sao chúng ta có thể tìm thấy ở họ những khía cạnh giống nhau về bối cảnh lẫn nhân cách? Bởi lẽ cả Einstein và Đức Đạt Lai Lạt Ma đều đã vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, quốc gia…. Cả hai đều có sự nhận thức về nhân loại, hòa bình và cuộc sống bằng chính trái tim nhân hậu của mình.  

Các giải thưởng Nobel của Einstein và Đức Đạt Lai Lạt Ma tượng trưng cho cùng một đỉnh cao của nhân loại. Cả hai bậc vĩ nhân này đã đạt đến đỉnh cao ấy bằng chính sự hoàn thiện của họ trên những con đường khác nhau. Họ đã gặp nhau tại đỉnh cao ấy, và nơi đó đã phát ra hàng ngàn tia sáng chiếu rọi đến khắp cả muôn loài.r

Biển Xanh (lược dịch)
Theo “Mandala Magazine”
[Tập san Pháp Luân - số 16, tr.39, 2005]