Chiến thắng mình là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ.(QT)
Để có thể tồn tại trong cuộc đời này, mỗi người chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến đầy gian nguy thử thách. Trong số đó, cuộc chiến đấu với chính mình là một cuộc chiến khó khăn nhất. Nó có ý nghĩa quyết định đối với tương lai, đối với nhân cách, phẩm giá của mỗi người.
Đức Bổn sư của chúng ta trở thành một vị Giáo chủ, trở thành bậc Đạo sư của trời người, trở thành một con người được cả thế giới khát ngưỡng, phụng thờ từ trong sâu thẳm của cõi lòng là vì Ngài đã chiến thắng được chính mình. Và Ngài đã từng tuyên bố rằng: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng mình chính là chiến công oanh liệt nhất.”
Suy cho cùng, mọi sự thất bại trên trường đời đều do tự mỗi cá nhân chưa thắng được những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn của bản thân. Con người thường có nhiều thói hư tật xấu đó, cho nên không thể trở thành một thánh nhân, vì thế không ai dám mạnh dạn bảo rằng mình là một con người hoàn thiện. Chiến thắng mình không có nghĩa là hủy diệt bản thân như trong trường hợp ta chiến thắng kẻ thù và hủy diệt kẻ thù. Chiến thắng mình tức là khắc phục những thói hư lười biếng, sự giả dối, tính tham lam, lòng giận hờn, ghen ghét, đố kỵ, vượt qua được những bi lụy tình cảm si mê… Chiến thắng mình là chế ngự những ham muốn thấp hèn, là tu sửa bản thân, rèn luyện nhân cách để làm phát triển những phẩm chất cao đẹp như lòng vị tha, lòng nhân ái, hòa thuận với mọi người, có ý thức trách nhiệm cao đối với tập thể, phát huy hơn nữa những năng lực tiềm tàng trong mỗi con người,… Từ đó, làm cho cuộc sống của mỗi cá nhân được thăng hoa, góp phần xây dựng cho cuộc sống của gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Chiến thắng mình là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ. Tại vì, trong cuộc chiến này rất khó nhận biết kẻ thù, chúng lẫn tránh một cách rất tinh ma, chúng còn được ông thần tự ngã, tự ái trong ta bao che, giúp đỡ. Nhiều lúc chúng còn được ngụy trang dưới những “lớp sơn” rất hào nhoáng, rất kiêu; khiến chúng ta không thể nào nhận ra được và đã nhận giặc làm người thân, nên đã để cho chúng thỏa chí vẫy vùng. Cho nên, tự bản thân không kiên quyết, không tinh ý suy xét cho tường tận thì chúng ta không thể nào khắc phục được những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn hiện hữu trong mỗi người chúng ta.
Hơn nữa, đấu tranh với thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn của mình là một cuộc chiến trường kỳ và thầm lặng, là một cuộc chiến đơn thân độc mã, không lúc nào ngừng nghỉ. Trong mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hành vi, cử chỉ, mọi lời nói, việc làm và cả trong suy nghĩ, ta phải luôn luôn tỉnh giác để nhận diện kẻ thù và chiến đấu với nó. Nếu như có một lúc nào đó, chúng ta lơ là, mềm yếu thì kẻ thù trong ta không bỏ lỡ cơ hội, chúng sẽ thừa cơ lấn tới và thế là bao nhiêu sự cố gắng của ta bỗng trở thành công dã tràng.
Trong cuộc chiến này, ta không có người chỉ huy, cũng không có bạn đồng hành, không có ai giúp sức, mà cũng chẳng mấy khi được khen thưởng. Cuộc chiến này hoàn toàn dựa vào sức mình. Thực tế, có nhiều tướng sĩ, có nhiều chủ soái khi thống lãnh toàn quân xông trận thì rất uy dũng, hiên ngang, lẫm liệt vô cùng. Họ là những anh hùng trong chiến trận. Nhưng khi trở về với cuộc sống riêng tư, khi đối diện với lòng mình thì họ bị ngã quỵ, thất bại trước những ham muốn thấp hèn, thói hư, tật xấu của bản thân, những cám dỗ của lợi danh, tiền tài sắc đẹp của ngoại duyên lôi kéo. Chính những ham muốn thấp hèn ấy đã dẫn dắt họ vào trong vũng bùn tội lỗi, làm cho họ sa ngã, thất bại thảm hại, đến nỗi thân bại danh liệt, thậm chí mất mạng. Từ Hải vì nghe theo lời Thúy Kiều mà đã bị chết đứng giữa trận tiền; vua Trụ vì đam mê tửu sắc mà bị mất nước; vua Lê Long Đỉnh vì tham đắm sắc dục mà trở thành ông vua ngọa triều và bị chết yểu… Và còn vô số những gương thất bại thảm hại khác nữa đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống hiện tại. Tất cả chỉ vì chưa vượt qua được những ham muốn thấp hèn, chưa làm chủ bản thân mình mà thôi. Những ham muốn ấy có sức mạnh quyến rũ vô cùng ghê sợ. Nếu ta không mạnh mẽ, không kiên cường và bền chí thì không thể nào loại bỏ được những thói hư, tật xấu, những ham muốn thấp hèn trong ta. Cho nên, chiến thắng mình là một chiến công oanh liệt nhất. Người ca khúc khải hoàn trong một chiến trận như thế quả thật là hào hùng.
Nói rộng hơn, mỗi cá nhân là một tế bào của gia đình, mỗi một gia đình là một tế bào của xã hội. Do đó, giữa cá nhân và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Một cá nhân được đào tạo tốt thì sẽ có một xã hội tốt, một xã hội tốt thì phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Khi mỗi cá nhân đã biết gạn đục khơi trong, khi tất cả mọi người đã trở nên tốt thì vấn đề đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác trong xã hội không còn là vấn đề cấp thiết phải đặt ra nữa. Đến lúc đó thì tự nhiên những cảnh tượng tiêu cực trong xã hội sẽ vắng bóng dần. Ngược lại, khi cái xấu, cái ác vẫn còn được ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng người, ngoài sự nỗ lực của cá nhân, không có một sức mạnh nào ở bên ngoài đủ sức để tấn công và loại bỏ được chúng.
Xã hội ngày nay với những công nghệ thông tin tiên tiến, ngoài những lợi ích cho loài người ra, nó còn là một xã hội tràn ngập những cám dỗ, cạm bẫy và luôn tạo điều kiện cho những ham muốn thấp hèn, những thói hư, tật xấu nơi mỗi con người, nếu không ý thức tỉnh giác thì nó sẽ trổi dậy và phát triển bất cứ lúc nào. Để có thể đứng vững trong cuộc sống, giữ gìn được nhân cách, phẩm giá của mình và để góp phần xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho gia đình xã hội thì mỗi người phải kiên cường hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc khắc phục, loại bỏ những thói hư tật xấu, những ham muốn thấp hèn của bản thân. Đồng thời phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nhân cách của mình.
Trên lộ trình thăng hoa cuộc sống tu tập cho bản thân, chúng ta phải ý thức được những điều đó, thì may ra mới có thể một mình hiên ngang vượt qua những chướng ngại trên đường tu, mới không một bước thụt lùi trước những cám dỗ của dục vọng ham muốn thấp hèn. Chính những điều này đã được thể hiện qua hành động, nhân cách sống của đức Từ phụ Thích-ca, Ngài đã chiến thắng kiên cường nội ngoại ma dưới cội Bồ-đề để trở thành bậc vĩ nhân của nhân loại. Noi theo gương Ngài, chúng ta hãy nỗ lực cố gắng làm sao phải chiến thắng chính mình. Có như thế mới không hổ danh làm người con Phật, không hổ thẹn đang khoác trên mình chiếc áo giải thoát và học đạo giải thoát mà không làm được gì.
Quảng Trí
[Tập san Pháp Luân - số 11, tr.44, 2005]