Tiền an cư và hậu an cư?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

An cư là một trong những phép tắc thiết yếu của người xuất gia, đặc biệt là đối với người đã thọ Cụ túc giới. Đây chính là điều kiện để Tăng Ni có thời gian thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Do vậy, trong luật có dạy rằng: nếu người không có duyên sự thì nên thọ tiền an cư, nếu có duyên sự thì nên thọ hậu an cư, không được không an cư. 

 

Tuy nhiên, do quan điểm hệ phái khác nhau; do thời tiết, phong tục giữa các quốc gia khác nhau mà thời gian an cư cũng được chế định khác nhau. 

Xưa, đức Phật chế pháp an cư là bắt đầu mùa mưa của Ấn Độ. Theo Nam Hải Kí Qui1 thì mùa mưa ở Ấn Độ bắt đầu vào ngày 16 tháng 5 đến ngày 16 tháng 6 tính theo lịch Trung Quốc. Thời điểm của an cư do đó, tính từ 16 tháng 5 kéo dài 3 tháng cho đến 15 tháng 8 là hết kì hạn. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các nước Nam truyền Phật giáo đều lấy ngày 16 tháng 6 làm thời điểm bắt đầu cho kì hạn an cư và kéo dài cho đến 15 tháng 9. Còn ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc như Nhật Bản, Việt Nam (trừ Phật giáo Nam truyền) v.v… thì chọn thời gian an cư là từ 16 tháng 4 đến 15 tháng 7 cho phù hợp với ngày Tự Tứ và lễ Vu Lan. 

Các quy định trên tuy khác nhau về thời điểm nhưng không khác nhau về thời hạn, tức vẫn an cư trong thời gian 3 tháng. Trong thời gian 3 tháng ấy, chia làm hai giai đoạn, đó là giai đoạn của tiền an cư và giai đoạn của hậu an cư. 

Về tiền an cư, tất cả đều thống nhất là bắt đầu từ ngày 16 và chỉ có một ngày. Tức khi minh tướng ngày 16 bắt đầu xuất hiện cho đến cuối đêm trước khi minh tướng ngày sau (17) xuất hiện. Do đó, nếu an cư vào tháng tư thì tiền an cư chính là bắt đầu của ngày 16 tháng tư; nếu an cư tháng 5 thì tiền an cư bắt đầu của ngày 16 tháng 5 v.v… Có nghĩa là, an cư tháng nào thì lấy ngày 16 của tháng đó làm tiền an cư. 

Về hậu an cư, hiện nay vẫn còn nhiều giải thích khác nhau. Qua nghiên cứu, cả Từ Điển Phật Học Huệ Quang2 và Từ Điển Phật Học Hán Việt3 đều cho biết, nếu an cư được chia làm hai loại tiền an cư và hậu cư thì tiền an cư là bắt đầu ngày 16 tháng này và hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng kế tiếp, tức sau tiền an cư một tháng. 

Ở đây sẽ có người đặt giả thiết, nếu tính hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 sau tiền an cư một tháng thì thời gian của hậu an cư là bao nhiêu ngày, và thời hạn chót của hậu an cư là đâu? Đây là nghi vấn mà chúng ta cần giải quyết. Theo Nam Hải Kí Qui  thì thời điểm bắt đầu an cư là 16 tháng 5 và thời hạn chót của hậu an cư là cuối đêm 16 tháng 6 (lục nguyệt thập lục nhất nhật nhất dạ vi chung thời). Vậy, nếu chiếu theo ở trên thì chẳng lẽ thời gian của hậu an cư là chỉ có một ngày một đêm? Chính vì nghi vấn như thế, nên trước khi trả lời cho câu hỏi này chúng tôi đã thỉnh hỏi các bậc tiền bối chuyên nghiên cứu về luật và được cho biết, thời điểm của hậu an cư nên tính là ngày 17, sau tiền an cư một ngày và kéo dài một tháng cho đến cuối đêm 16 của tháng sau đó. Trong khoảng thời gian của hậu an cư, nếu vào trễ bao nhiêu ngày thì phải ra trễ bấy nhiêu ngày. Chẳng hạn, vào ngày 17 tháng 4 thì ra ngày 16 tháng 7; nếu vào ngày 18 tháng tư thì ra ngày 17 tháng7; cho đến vào ngày 16 tháng 5 thì ra ngày 15 tháng 8. Qui định này cũng được Hòa thượng Trí Thủ giải thích rõ trong Yết Ma Yếu Chỉ4, và là qui định mà hiện nay hầu hết chư Tăng Ni đang thực hiện. 

Như vậy nói gọn lại, tiền an cư chính là bắt đầu ngày 16 đến cuối đêm 16; hậu an cư chính là bắt đầu ngày 17 cho đến cuối đêm 16 của tháng sau. Tức là:

Nếu tiền an cư bắt đầu ngày 16 tháng 4 thì hậu an cư bắt đầu ngày 17 tháng 4 đến cuối đêm 16 tháng 5, nếu tiền an cư bắt đầu ngày 16 tháng 5 thì hậu an cư bắt đầu ngày 17 tháng 5 đến cuối đêm 16 tháng 6, v.v… Nói chung, tiền an cư và hậu an cư là qui định chung; còn tháng tư, tháng 5, hay tháng 6 đó là do qui định của từng quốc gia và từng bộ phái vậy.

[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.91, 2006]