Sen Hồng biển lửa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Khi thầy Tâm Vị vâng di huấn Hòa thượng Bổn sư về kế thế trú trì chùa Tịnh Quang thì điệu Tâm Hòa tập sự tu học ở đó rồi.
Thầy Tâm Vị không kịp hỏi Hòa thượng Bổn sư lai lịch điệu Tâm Hòa khi người viên tịch. Thầy nghe mọi người kể chuyện điệu Tâm Hòa phảng phất mơ hồ như những câu chuyện cổ tích, khi xưa còn bé, thầy được bà ngoại kể cho nghe vậy.



Đêm mười bốn tháng tư năm ấy, nửa khuya, khi đại chúng đang an giấc, Hòa thượng Bổn sư mộng thấy Đại sĩ Quán Thế Âm gọi bảo: “Hãy cứu lấy một sinh linh vô tội”, “Hãy cứu độ một hài nhi vô nhiễm”. Nghe tiếng gọi vang dội âm ba từ sâu thẳm A-lại-da thức; người vừa chợp tỉnh, phảng phất nghe hương sen từ hồ bán nguyệt thoảng vào, thì cùng lúc người nghe vang vang tiếng khóc oa oa. Hòa thượng cảm nhận mình chính là sứ giả từ bi mà chư Phật mười phương phó chúc theo bản nguyện sơ tâm đã phát từ một thuở xa xôi nào đó. Ngay giữa canh khuya tịch mịch, Người một mình lặng lẽ đi ra từ góc vườn Chùa, nơi lanh lảnh tiếng khóc trẻ thơ. Hòa thượng đích thân ẵm đứa bé đưa vào phòng phương trượng. Từ đó, hài nhi thơ ngây vô tội, tứ cố vô thân lớn lên trong vòng tay che chở của Người.

Hài nhi năm xưa chính là chú điệu Tâm Hòa ngày nay. Vâng, khi bé lên sáu, đích thân Hòa thượng thế phát cho làm “Sa-di đuổi quạ” ban cho pháp danh Tâm Hòa. Trước đó không lâu Người cũng đã nhận một chú bé khác, lớn hơn Tâm Hòa vài ba tuổi cũng đã thế phát quy y cho làm “Sa-di đuổi quạ” pháp danh Tâm Hướng. Nếp sinh hoạt êm ả, nề nếp, thanh tịnh thiền môn đã khiến hai anh em cùng trang lứa kết duyên nên đôi bạn đạo chân tình.

Tư chất Tâm Hòa thông minh, hiền hậu. Khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương trông hệt như em bé gái. Đôi mắt long lanh lóng lánh, làn môi phơn phớt ửng hồng; lúc em mỉm cười, đường nét viền môi điệu Tâm Hòa như là một nụ hoa hàm tiếu.

Quý đạo hữu Phật tử về chùa lễ Phật đều có tình cảm yêu thương đặc biệt đối với điệu Tâm Hòa, ai ai cũng trầm trồ rằng chú có phước báo nhiều đời mới được ở với Hòa thượng như vậy, có một số đạo hữu khi nhìn điệu thường chuyện to chuyện nhỏ với nhau: “hệt như đồng tử theo hầu đức Quán Thế Âm bồ-tát”…

Rồi theo nhịp bước thời gian trôi qua. Hết Dần tới Mão… lai lịch, tuổi tác điệu Tâm Hòa dần dần bớt được mọi người quan tâm. Không ai quan tâm tìm hiểu đặt vấn đề: Vì sao? Từ đâu?… Lại có một số người có những ý nghĩ rất dễ thương: chú sinh ra là để ở tại ngôi chùa này vậy. Lại nữa khuôn mặt điệu Tâm Hòa luôn xinh tươi, đôi mắt trong sáng, đôi má ửng hồng, tiếng nói tiếng cười trong trẻo… khiến mọi người đều yêu thương quý mến.

Khác với thể chất thanh mảnh, tính nết dịu dàng, điềm đạm của chú Tâm Hòa, trang nam nhi Tâm Hướng, sư huynh của chú thì mạnh mẽ, tháo vát, linh hoạt, khuôn mặt chú với đôi mắt sáng quắc như có thần lực… cằm râu, chân óng xanh đen, thầy mà cho phép chú Tâm Hướng để râu, không chừng người ta tưởng sư tổ Bồ-đề-đạt-ma hóa thân…

Tình huynh đệ đồng sư quyện lẫn tình bạn tâm giao thân thiết, dễ khiến người ta có cảm giác chú Tâm Hòa tựa dây cát đằng, chú Tâm Hướng tựa thân tòng bá. Đôi bạn chân tình canh cánh bên nhau, tháng năm bốn mùa xuân, hạ…

Mười sáu tuổi, điệu Tâm Hòa được Hòa thượng cho thọ giới Sa-di, chú không còn để chóp trên đầu, vắt qua tai như thời kì ở điệu. Trông chú đã có bộ vó một chàng thanh niên đĩnh ngộ, khuôn mặt thông minh, tươi tắn, nụ cười hoan hỉ, an lạc luôn nở trên môi. Hình ảnh của chú đã khiến không ít các cô thiếu nữ trong vùng xao xuyến để mắt lưu tâm…

Khi nét đẹp hào hoa trí tuệ của Sa-di Tâm Hòa tinh anh phát tiết đủ đầy, hoàn hảo, chú sắp được thầy Tâm Vị giới thiệu ghi danh thọ Đại giới ở một giới đàn, thì bất hạnh thay, chú trở thành điểm ngắm cho những ánh mắt nghi ngờ đàm tiếu, bàn luận xôn xao. Quanh khu ngoại ô, trong thị trấn, âm ỉ dầu loang, nhỏ to bàn tán tin đồn thất thiệt rằng chú Tâm Hòa đã phải lòng cô con gái ông y sĩ dưới thị trấn…

Vợ chồng ông y sĩ thỉnh thoảng về chùa lễ Phật. Vào thời điểm cô con gái sửa soạn thi tú tài thì thỉnh thoảng cô cũng theo mẹ đi chùa. Cô cũng có chút vốn liếng nhan sắc trời cho, đôi mắt ướt đa tình lúng la lúng liếng. Chúng ta có thể mượn cách miêu tả cổ điển của “Nguyễn” để nói về vẻ đẹp của cô: “đúng là hoa ghen thua thắm”. Mục đích chính của cô, tại thời điểm ấy, về chùa lễ Phật là để cầu nguyện sao cho cô đạt được kết quả tốt đẹp trong kì thi tú tài. Vâng lời mẹ, cô cũng biết ngoan ngoãn tụng kinh, niệm Phật… Nhưng có lẽ, do tập khí nhiều đời tích lũy, ánh mắt đa tình của cô mỗi lần ngước lên bảo điện, chạm phải khuôn mặt tướng hảo trang nghiêm của chú Tâm Hòa, cô nghe xao xuyến nhói lòng…

Sư huynh Tâm Hướng lớn tuổi, đứng ở vị trí cử chuông gia trì, thỉnh thoảng liếc mắt trông xuống đại chúng như ngầm xem xét, chú Tâm Hướng hình như đọc thấy tất cả tình cảm trong ánh mắt đa tình đắm đuối của cô tín nữ trẻ. Có thể chú Tâm Hòa cũng có nhìn thấy những ánh mắt, tia nhìn đầy khát khao chiếm hữu của cô gái ấy… nhưng tâm hồn trong sáng của chú chẳng bận tâm. Tình cảnh ấy hệt như người xưa từng nói “tri âm chẳng gặp tri âm, để ai mong đứng mong nằm sầu riêng”.

Xót thay, khi cô gái nọ chưa kịp ghi tên bảng vàng, thì cái lưng ong của cô đã bớt thon thả, cái bụng dưới của cô đã nhô ra lum lúp. Dư luận đàm tiếu lại càng xôn xao bùng vỡ. Hàng trăm ánh mắt nghi ngờ xỉa xói đổ dồn vào ông thầy tu đẹp trai Tâm Hòa. Có người tán tận lương tâm còn dám hát ví von: “ba cô đội gạo lên chùa…”.

Và ngay cả thầy Tâm Hướng, vốn là pháp lữ thâm tình, đồng sư huynh đệ, sâu dày ân nghĩa với chú tâm Hòa cũng thoáng gợn nghi ngờ, bâng khuâng ái ngại. Vì danh dự hàng ngũ Sa-môn tịnh như băng tuyết, có lúc thầy cảm thấy như chính bản thân mình như ngồi trên đống lửa. Thầy âu lo tìm cách đối phó, trấn an dư luận miệng tiếng phàm phu. Có lúc, thầy đã… nóng nảy nhân danh uy tín thiền môn nghiêm tịnh, nhân danh oai phong nghi dung đạo đức sư phụ, thầy Tâm Hướng đã… vụng về đặt vấn đề chất vấn chú Tâm Hòa:
- Có thể do nghiệp quả nhiều đời tạo tác, hoặc có thể do phút chốc bốc đồng dại dột… Tôi không trách cứ gì em trước dư luận đồn đãi. Nhưng tôi thiết nghĩ nếu em chưa thật lòng trung trinh với bản nguyện “người xuất gia cất bước thì muốn tới phương trời cao rộng” thì…

Chú Tâm Hòa nghe giọng nói ngập ngừng, ái ngại, thoáng gợn nghi ngờ, đứt quãng nửa vời thì đã hiểu ngay những ẩn ý của người sư huynh. Không đợi hết câu, chú nhỏ nhẹ, ôn tồn đáp lời:
- Hiền huynh yêu quý, ngay cả hiền huynh cũng chưa hiểu được bản thân em, chưa trọn vẹn đặt niềm tin yêu nơi bản nguyện trung trinh của em thì đối với dư luận thế gian trần tục ngoài kia em biết nói sao cho người ta thông cảm được nhỉ?

Định kiến cố chấp khiến thầy Tâm Hướng cứ mang máng nghe ra, cứ một chiều suy luận, về ánh mắt đa tình lẳng lơ, về những câu nói của cô con gái ông bà y sĩ, tuổi đôi mươi tươi thắm như hoa. Chưa đoạn tận được mối nghi hoặc, thầy qua loa chống chế:
- Sư đệ ơi, sự thể đã đến nông nỗi này, chúng ta làm gì hơn được nhỉ? Tất cả vấn đề bây giờ tôi nghĩ là thuộc quyền quyết định của thầy, Thượng tọa Tâm Vị, người kế thế phương trượng, người có trách nhiệm bảo vệ thanh danh tự viện. Chính Thượng tọa trú trì mới có quyền tối hậu quyết định vấn đề này.

Chú Tâm Hòa hiểu rõ tâm trạng phân vân, định kiến nghi hoặc pha lẫn chút kiêu mạn của bậc đàn anh, chú tự hiểu không nên trần tình tất cả mọi khía cạnh vấn đề, không nên tách bạch mọi sự thật, dù có thể ở góc độ nào đó là cần thiết. Vì thế, chú Tâm Hòa khéo léo tế nhị bày tỏ tâm nguyện hành, tàng, xuất, xử của mình:
- Sư huynh ơi! Khi em có mặt ở Tịnh Quang thì Sư huynh Tâm Vị nhập thất trì kinh Pháp Hoa thiền quán trên am Tường Vân. Duy nhất chỉ sư phụ biết rõ bản thân em. Duy nhất Sư phụ chứng minh dắt dìu, nâng đỡ bản nguyện cuộc đời em. Nhưng bây giờ thì Sư phụ đã ở xa chúng ta lắm rồi. Thiết nghĩ, ân đức sanh thành tuệ mạng để lại cho chúng ta vô bờ vô bến. Thanh danh đạo thể của Hòa thượng Bổn sư Thạc đức ở đây có lẽ không cao tăng nào bì kịp. Tuy nhiên, để tránh gây thêm phiền hà cho thiền môn thanh tịnh, để khỏi tạo thêm đàm tiếu vô bổ đối với đạo tràng thanh quy nề nếp… Hiền huynh ơi, xin hãy cảm thông cho em. Mong hiền huynh cho em được hành xử theo thiển kiến vụng về của em…

Không dễ dàng gột rửa định kiến, người Sư huynh pháp lữ mặc nhiên thốt lời:
- Nghĩa là em đã quyết?!
- Vâng, thưa Hiền huynh. Tiểu Thị Kính năm xưa dù bị hàm oan bức bách, may còn sư phụ chở che bảo bọc cho nương náu trước cổng chùa “Tam quan ra ở mái ngoài…”(5) hôm sớm may còn nghe được nhịp mõ hồi chuông, câu kinh tiếng kệ. Nhưng với em, nay thì ai giúp em hành xử được vậy. Tuy nhiên, tùy thời, tùy nghiệp, việc em em đã quyết, chỉ mong tôn huynh thưa lại với thầy trụ trì Tâm Vị rằng em có mặt ở Tịnh Quang là hai bàn tay trắng, nay từ giả Tịnh Quang ra đi, em cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, quyết không lạm dụng của thập phương thường trụ…

Sau cái đêm thốt lời từ giã Tâm Hòa ra đi..
Từ đó, làng trên xóm dưới, đại chúng trong chùa, bà con dưới thị trấn không ai biết chú sa di Tâm Hòa giờ ở đâu. Thi thoảng thầy Tâm Hướng cũng bâng khuâng tự hỏi người em bạn đạo của mình giờ có còn “đầu tròn áo vuông” hay đã hoàn tục…? Thầy Tâm Vị thật lòng không dám liên tưởng hình ảnh người em Pháp lữ thân thương của mình đang phải trần thân cật lực vì miếng cơm manh áo ở chốn nào. Người đã đi biệt. Nhạn lướt trời cao, ảnh chìm đáy nước. Ai biết hỏi ai, tìm đâu nhân ảnh.

Trở lại với tình cảnh của cô con gái của Y sĩ dưới thị trấn. Có lẽ do định nghiệp nhiều đời nhiều kiếp chiêu cảm, cô đã không dám tìm tới một bệnh viện nào đó, một bà mụ lang vườn đâu kia, để nạo thai triệt sản… bản năng làm mẹ mãnh liệt trỗi dậy trong cô. Cô kham nhẫn đợi chờ…

Bất chấp dư luận đàm tiếu; chuộng đức hiếu sinh, ông bà Y sĩ dịu dàng khuyên lơn bảo bọc con gái giữ gìn thai nhi trong bụng. Từ hổ thẹn lần hồi vui vẻ, từ mỏi mệt lần hồi phấn chấn cô gái nọ đã biết lắng nghe từng cử động búng quảy của thai nhi. Từ khắc khoải đợi chờ rồi cảm nhận thương yêu phấn chấn… Cô mong ngóng đợi chờ một sinh thể mới; cô mường tượng vóc dáng, khuôn mặt một đứa bé chào đời. Ngày tháng mặc nhiên lần lữa “lá ngô lần đếm ngón tay” (60). Khi chú bé chào đời, cả gia đình cô con gái ông bà Y sĩ bỗng thấy vui vui, tiếng to, tiếng nhỏ điểm điểm nụ cười. Cô Út, em cô gái nọ, thơ ngây bộc trực sỗ sàng: Đôi mắt em bé ô kìa lóng la lóng lánh hệt chú Tâm Hòa… Anh cô gái nọ nói lời bong lơn bỡn cợt: Cái sóng mũi dọc dừa kia mới thiệt là của bố nó Út à. Cô gái học làm mẹ cố giấu vẻ ngượng ngùng gượng gạo, Ông bà ngoại… bất đắc dĩ thì vui cười xởi lởi: Cục cưng, cục cưng. Có thêm một em bé, gia đình bỗng nhiên có thêm chút niềm vui.

Thế rồi… … … nửa khuya hôm ấy.
Rạng giờ Dần một ngày giữa thu, hình như là mười chín tháng chín; khi tiếng chuông chùa Tịnh Quang ngân nga điểm canh niệm Phật, thì cả thị trấn bàng hoàng thức giấc kêu cứu vỡ trời, lửa! Lửa! Inh ỏi tiếng kẻng, tiếng chuông, xập xình tiếng trống, tiếng người gào thét, oang oang tiếng chó sủa…

Căn nhà quen thuộc của ông bà Y sĩ nơi thị trấn đã trở thành khối lửa đỏ rực, sáng ngời. Hực hỡ cả một khu dân cư, bừng bừng cả một góc trời thị trấn. Hầu hết dân cư thị trấn đã tập trung về đây. Lửa cháy rần rật, người người hốt hoảng.

Giữa đám người đông hỗn loạn bỗng người ta nghe thấy những tiếng gào thất thanh thảm thiết: “Ai cứu con tôi! Cứu cứu! Trời đất ơi! Ai cứu con tôi! Nó ở trong nhà lửa kìa. Nó ở trong nhà lửa kia kìa!”…

Mỗi ánh mắt, mọi cái nhìn đều ngoái lại nhìn. Và ai cũng nhận ra ngay người phụ nữ đang gào thét kia chính là cô con gái ông bà y sĩ.

Dáo dác mọi người nhìn nhau, rồi một, rồi hai… Một vài người giữa đám đông kia thử lao vào lửa, bản năng sinh tồn hừng hực, ngọn lửa lại dạt họ ra. Con gái ông bà Y sĩ vẫn thét gào sặc sụa: “Cứu! Cứu! Ai cứu con tôi!”.

Cả đám đông hốt hoảng lo âu mà bất lực. Cả đám đông nhốn nhác vô hồn. Cả đám đông ngoác miệng kêu gào mà chân tê liệt, bỗng từ đám đông ấy, xuất hiện một chàng trai lạ mặt; vóc dáng thanh mảnh mà khuôn mặt lại hừng hừng hào khí. Chàng bứt khỏi đám đông, gạt phăng những cánh tay níu giữ, như mũi tên vượt khỏi dây cung, chàng lao vào lửa.

Bình tĩnh, bình tĩnh mỗi bước chân, chàng bước vào giữa ngọn lửa hồng. Mỗi mỗi ánh mắt như trông theo chờ đợi. Mỗi mỗi trái tim bàng hoàng ngừng đập. Mỗi mỗi cánh tay ngửa ra tưởng chừng tuyệt vọng. Và mỗi mỗi âm thanh không rõ xuất phát từ đâu, kết thành xâu chuỗi âm thanh màu nhiệm: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát, Nam mô Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ-tát…” Giữa lúc ấy tiếng chuông chùa Tịnh Quang vẫn ngân nga ngân nga vọng tới.

Và như đã kiệt tận bình sinh, cô gái con ông bà Y sĩ đã ngất lịm đi, đã té ngã ngửa sòng soãi giữa đất cũng là lúc chàng trai hiện ra trên nền lửa. Hình ảnh chàng rực rỡ lộng lẫy như đóa hoa sen hồng kỳ lạ vừa bừng nở. Khuôn mặt chàng cháy nám sạm đen.

Từng bước, từng bước chàng trai bế khối tả lót kia, dĩ nhiên bên trong đó là em bé; chàng từng bước nhẹ nhàng về phía người mẹ trẻ. Khi vừa chạm mặt bà mẹ trẻ thì chàng trai đổ gục sấp người lên thân người mẹ trẻ. Và giữa hai thân xác kiệt tận bình sinh kia là một hài nhi. Hình như em bé hài nhi đang nằm áp sát ngực bà mẹ trẻ, ngay vị trí trái tim.

Hàng trăm ánh mắt lại đổ dồn về phía ấy, từng mảng, từng mảnh miếng vải sót lại trên người chàng hãy còn đang ngún lửa, khói thịt cháy khét lẹt; từng mảng từng mảng thịt da chàng chỗ đỏ bầm tím rịm, chỗ nõn trắng như trứng gà lột. Mọi người lại hốt hoảng gào kêu “cấp cứu! Cấp cứu!”.

Và chính đôi tay gầy guộc ông Y sĩ kịp trấn an sau giây phút sững sờ; ông cúi xuống, cúi xuống lật ngửa thân thể chàng ra. Khi thân xác chàng trai vừa lật ngửa, ông lão Y sĩ sững sờ không dám tin vào đôi mắt của mình nữa. Trên ngực chàng trai lồ lộ hai bầu vú trắng căng tròn, hai núm vú ửng hồng vừa mới tai tái…

Cô con gái ông Y sĩ vừa hồi tỉnh, kịp hé mắt nhìn chàng trai cứu độ, cô nhận ra ngay khuôn mặt quen thuộc… Ôi khuôn mặt, ôi ánh mắt chú Tâm Hòa ngày nào cô mê đắm. Ôi! Lẽ nào! Lẽ nào…

Hệt như chuyện cổ tích bà kể cháu nghe, hệt như trăm ngàn huyền thoại. Từ ấy giữa thị trấn kia, tâm truyền tâm, miệng truyền miệng, tin truyền tin, mọi người kể cho nhau nghe, đúng là Quán Âm ngàn mắt ngàn tay, đúng là Quán Thế Âm thị hiện, đúng là Phật Bà hiện thân cứu độ. Và cũng từ đó, hình ảnh chàng trai… kia tồn tại trong tâm tưởng mọi người, đúng là nét đẹp đóa hoa sen hồng nở ra từ lửa.

Hạnh Phương
[Tập san Pháp Luân số - 43, tr.80, 2007]