Bàn về chiếc mo cau

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Với nhan đề “Bàn về chiếc mo cau”, người viết mong muốn được giới thiệu một bộ phận nằm trên cây cau.

 

Bài viết mà quý độc giả đang cầm trên tay không bàn về trầu cau – vấn đề mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và cũng khá quen thuộc, vì có quá nhiều công trình nghiên cứu, bài phân tích hay thơ ca đề cập đến. Với nhan đề “Bàn về chiếc mo cau”, người viết mong muốn được giới thiệu một bộ phận nằm trên cây cau. Nhưng khi nhắc đến nó gợi cảm giác vừa lạ vừa quen. Đó chính là mo cau. Quen bởi nó gắn liền với truyện dân gian mà ai cũng biết: “Thằng Bờm có cái quạt mo”, hay trò chơi bình dân dễ thương: kéo mo cau. Nhưng lạ bởi ngày nay, nhất là ở thành thị, mo cau gần như vắng bóng. Và lạ còn bởi nhiều công dụng khác của mo cau mà có lẽ nhiều người chưa biết. Đồng thời còn những câu chuyện thú vị lôi cuốn liên quan đến chiếc mo cau, hay những triết lý sâu sắc ẩn chứa bên trong sản vật dân dã này.

Cau là một chi của khoảng 50 loài thực vật thuộc họ Cọ (Arecaceas, một số tài liệu gọi là Palmacea hay Palmea), mọc ở các cánh rừng ẩm ướt của khu vực nhiệt đới từ Malaysia đến quần đảo Solomon.

Thành viên được biết đến nhiều nhất của chi này là Acatechu (còn gọi là A.aleraceae) tức cây cau hay “tân lang” hoặc “binh lang”.

Cây cau là một cây cao, được trồng ở các khu vực ấm áp của châu Á để lấy quả. Khi còn non có màu xanh ánh vàng, kích thước xấp xỉ cỡ quả trứng gà, có chứa hạt, hình nón với đáy phẳng và màu bên ngoài có ánh nâu, bên trong lốm đốm. Quả được bổ (hay cắt) thành các lát mỏng để nhai với trầu không, vôi, sau đó bỏ bã.

Mo cau là phần bẹ cuống của một tàu lá cau, dính vào thân cây cau. Phần mo này dạng tấm (miếng dẹp) có cấu trúc mô sợi. Tùy cây to, nhỏ, lá non già sẽ có cỡ to nhỏ khác nhau với chiều rộng khoảng 2 – 3 gang tay và chiều dài 5 – 6 gang tay, dày khoảng 2 – 1 mm.

Khi một tàu lá cau héo đi, rụng xuống kéo theo tấm mo. Khi vừa rụng xuống, mo cau ở dạng khô rất dai cứng.

I/ Văn hóa sử dụng mo cau
1) Quạt mo

Ngày nay, người ta thường quen với những căn phòng kín có máy điều hòa nhiệt độ. Bình dân hơn là những chiếc quạt máy quay tít. Nó thể hiện trình độ văn minh của quốc gia. Thế nhưng, tự rất lâu, văn hóa hòa hợp với tự nhiên của người Việt Nam đã tạo ra cảnh tượng quen thuộc thân yêu, với mái nhà tranh giữa vườn cây xanh hoặc cạnh ao nước; những trưa hè, người dân quê phe phẩy chiếc quạt mo. Làn gió mát nhẹ, nhịp quạt đều tay đưa con người vào giấc ngủ thật an nhiên.

Quạt mo được làm từ mo cau. Người ta thường chọn những tấm mo trắng, đẹp, dày đều và lớn nhất; ngâm vào hồ cạn hoặc lu nước sạch chừng  một ngày cho mềm ra. Sau đó để tấm mo trên nền nhà, đặt lên một tấm gỗ thẳng rồi kiếm vật nặng đè lên. Để qua 1 – 2 ngày. tấm mo khô lại thì thẳng ra. Xong cắt hình cái quạt, kiếm ít vải vụn màu đỏ may viền cho khỏi bung mép. Ghép thêm vài miếng tre nhỏ vào cán rồi cột lại. Thế là thành chiếc quạt mo thật đẹp, sử dụng 3-5 năm cũng không hư.

2) Cơm nắm mo cau

Cơm nắm Việt Nam rất phong phú trong cách dùng vật liệu gói. Người Việt không khỏi tự hào với cơm gói lá sen, cơm nắm lá cọ… và không thể không nhắc đến cơm nắm mo cau.

Từ rất lâu, tiền nhân đã có sáng kiến với mo cau. Sau khi làm mềm, sạch tấm mo, cho vào đó một ít cơm nóng, cuốn tròn lại cho kín mép. Lấy hai cọng lạt tre cột chặt hai đầu rồi cứ vậy lăn đều, nhẹ tay cho tới khi cơm nhuyễn mịn thành khối. Xong rồi ràng thêm vài vòng lạt tre quanh thân mo nữa cho chắc, kín, tránh bụi bặm, ruồi nhặng nhưng vẫn tiếp xúc được với không khí.

Cơm gói mo cau luôn luôn dẻo mềm. Thường khi đi xa người ta còn gói theo một dúm muối vừng gói trong lá chuối tươi đã lau sạch. Mà hương vị của nó được Băng Sơn diễn tả: “Mùi vừng thơm lựng, thơm khắp xóm, vừa bùi vừa ngậy, ăn với cơm nắm nó hợp nhau như cau với trầu, như cốm với hồng, như dưa hành với bánh chưng, như cô dâu với chú rể”.

Ở Huế, một trong những món ăn đặc biệt có trong thực đơn của nhà hàng A Phủ nổi tiếng là món cơm bới. Người ta thường gói theo cơm bới để ăn trưa ở sở. Họ cũng nhúng nước mo cau để làm mềm, rồi bới cơm ra mo cau, dùng mo cau gói lại, tức ép cơm (nén cơm, người Bắc gọi là cơm nắm) để làm cơm nhuyễn sau đó cắt ra thành từng mảng vuông để ăn. Trong mo cơm bới, người ta còn bới theo cá kho hoặc muối sả, muối mè để ăn cho mặn miệng.

Là người Việt Nam, thiết nghĩ mỗi chúng ta nên thử dùng cơm bới với muối mè ít nhất một lần trong đời để “cảm” được hương vị quê hương!

Có người đã nhận xét: Bánh đúc riêu cua không thể bày trên bàn tiệc. Món nước vối không nên đựng vào cốc pha lê. Tương tự, cơm nắm dọc đường không cần bát đũa, chẳng cần khăn bàn. Nó giống như tình yêu, chứa đựng sự chân thành là tất yếu. Nó không cần hào nhoáng, cũng chẳng thích xa hoa. Nó là mảnh hồn chân chất của người Việt Nam chúng ta, người nào cũng mang trong người mình, qua ngàn đời nghèo khó lam lũ, nhưng cũng ngàn đời ân tình thủy chung…

3) Chổi tàu cau

Tàu dừa ngày xưa ít khi làm chổi vì nó đắc dụng vào việc khác: nhóm lửa, làm đuốc. Ngược lại bây giờ, người ta xài chổi tàu dừa, còn chổi tàu cau hầu như vắng bóng. Tuy nhiên, ta cũng nên biết về những cây chổi tàu cau mà đối với một số người, nó gắn liền với bao ký ức, tình cảm sâu sắc mộc mạc chân thành.

Để làm chổi tàu cau, trước hết tước lá cau khỏi tàu lá rồi lấy con dao bầu chuốc lấy gốc theo đàng gốc, ngọn theo đàng ngọn; trải trước thềm nhà cho nắng vàng ươm cứng từng cọng cau.

Thân tàu cau chẻ đôi, tề vừa kích cỡ làm thân chổi. Dây buộc là lạt dừa nước tước từ đọt cà bắp của đám lá dưới mé sông. Ngọn chổi có dáng cong cong thanh thoát, vừa đẹp vừa quét sạch, cầm quét êm tay, không xốc.

Bó xong chất lên giàn bếp hông khói cho đến ngày “xuất xưởng” – đem ra chợ bán – hoặc tự sử dụng.

4) Những công dụng khác

Trong đời thường, tấm mo ngâm nước cho mềm là loại bao bì dân dã tiện dụng để gói mớ tôm, cá, thịt, rau.

Ngoài ra, người dân còn dùng mo cau để bới cơm, chằm làm cái gàu múc nước giếng, làm cái mo dùi cho chó ăn cơm, hay cắt ra làm cái nắp cài kín mấy hũ dưa, hũ mắm, chèn mái nhà để tạm thời tránh dột. Và thậm chí mo cau còn được dùng để làm các đôi dép, đôi guốc để đi.

5) Kéo mo cau

Nhắc đến mo cau mà không nói đến trò chơi “kéo mo cau”, thì chúng ta cảm thấy thiếu một cái gì đó rất gần gũi, quen thuộc, rất mộc mạc, chất phác với trẻ con miền quê. Kéo mo cau là một trò chơi vận động dành cho trẻ con, mô phỏng hành động kéo xe của các phu xe ở miền quê. (Khi mà phương tiện vận chuyển còn hạn chế. Người ta chủ yếu đi bộ, thậm chí đường xá cũng chưa có, chỉ là những đường mòn ven bờ ruộng hoặc bờ đê)… Trò chơi thể hiện khát vọng được di chuyển nhanh bằng một phương tiện khác với đôi chân.

Quê ngoại tôi ở miền Tây, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ miền Đông. Thuở nhỏ nghe mẹ tôi kể về những trò chơi dân gian, và những lúc cùng các cậu, dì tôi đi chặt mo cau rồi thay phiên nhau kéo. Lúc đó, tôi không thể hình dung và cảm nhận. Mãi cho đến khi tôi về quê ngoại, được các anh chị họ hàng và trẻ em trang lứa rủ đi bơi xuồng, chơi kéo mo cau, tôi mới cảm hết được niềm vui chân thành, mộc mạc tự nhiên; cái sung sướng khi được ngồi trên mo cau cho người khác kéo; cái nuối tiếc khi phải xuống và kéo cho người khác (!)

Cùng với thả diều, đánh đáo, lội sông, chơi nhà chòi… kéo mo cau là trò chơi mang đậm hồn quê và gắn bó với trẻ em vùng nông thôn Việt Nam.

Anh Châu (Gò Vấp – Tp. HCM) nói: “Những cái mo cau trắng muốt, sực nức hương cau không biết bao nhiêu lần tôi nằm gọn trong đó hít thở mải mê rồi thiếp ngủ với giọng ru ầu ơ của mẹ. Có lúc tôi vòi vĩnh đòi mẹ kéo đi long nhong quanh sân nhà”.

Kết: Từ vật mà ta cứ ngỡ là không có giá trị, là vô dụng thế nhưng bởi bàn tay và khối óc, người Việt Nam đã biến những vật tầm thường thành những thứ đắc dụng. Điều này thể hiện nổi bật tính linh hoạt sáng tạo của người dân Việt.


II/ Mo cau trong tâm thức người Việt
1) Dấu ấn trong nghệ thuật, thơ ca, văn học dân gian

• Truyện Thằng Bờm có cái quạt mo

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười.

“Thằng Bờm có cái quạt mo” được xếp vào loại “những mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa nông dân và địa chủ” trong “Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam” (Theo Vũ Ngọc Phan, nxb Chính trị xã hội Hà Nội, 1978)

Bờm là một nông dân nghèo phải đối đầu với một người giàu, một địa chủ. Không phải ngẫu nhiên mà phú ông đòi đổi cái quạt của Bờm bằng cả gia tài quý giá của mình. Đằng sau lời cám dỗ về cuộc mua bán có vẻ “hời” đó, chắc chắn là một cạm bẫy. Người nông dân hiểu “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời trọc phú mà thương dân nghèo”. Bờm chất phác, thực thà nhưng cũng rất thực tế và hiểu biết. Không để người khác lừa mình và mình cũng không có ý lừa người khác. Mà làm sao lừa được phú ông!? Tốt nhất “thuận mua vừa bán”. Giá trị của quạt mo cũng chỉ xấp xỉ nắm xôi. Và anh nông dân nghèo chỉ cần no bụng. Thế là Bờm đồng ý trao đổi.

Câu chuyện dân gian mượn chiếc quạt mo để xây dựng nên tình huống cốt truyện. Thông qua đó, nó thể hiện mâu thuẫn trong cuộc sống  nông thôn Việt Nam ở xã hội phong kiến giữa địa chủ và nông dân.

• Hình ảnh mo cau trong thơ ca:

Nắng thu buồn nhuộm vàng ngõ trúc vắng
Từng nhịp võng đưa mẹ hát tiếng nghe buồn
Chừng lưng lửng cơm mẹ gói mo cau
Mẹ lên ruộng sâu gặt hái nuôi con.
(Bông bưởi hoa cau – Bắc Sơn)

Những câu thơ âm điệu thong thả, nhẹ nhàng giàu hình ảnh và gợi cả âm thanh, vẽ ra khung cảnh đượm tình. Từ con người đến sự vật đều dường như có hồn và đầy tâm trạng. Trong đó, hình ảnh mo cơm dung dị nhưng “gói” cả tấm lòng người mẹ dành trọn yêu thương và sự hy sinh cao cả cho con.

Chúng ta còn gặp hình ảnh mo cau trong bài đồng dao gần gũi, chân thực, ít hoa mỹ, tựa như lời nói hằng ngày nhưng cũng không kém vần điệu. Ví dụ như:

… “Dày mặt. Mặt gì. Mặt mo. Mo gì. Mo cau. Cau gì. Cau có. Có gì. Có miếng. Miếng gì. Miếng gương. Gương gì. Gương lồi. Lồi gì. Lồi mắt. Mắt gì. Mắt bão. Bảo gì. Bão hòa. Hòa gì. Hòa vốn. Vốn gì. Vốn đã. Đã gì. Đã thèm. Thèm gì. Thèm lem. Lem gì. Lem nhem…”

• Âm nhạc:

Nhắc đến mo cau, âm nhạc ta nhớ ngay đến bài hát tiêu biểu “Phu kéo mo cau” với những ca từ rất dễ thương. “Trò chơi thuở bé, anh hay kéo mo cau chở em quanh xóm nghèo… cô bé mĩ miều cười rung rung bờ vai tay ôm chắc vành mo. Chiếc tàu mo nhỏ bé anh giả làm phu xe, hỏi đi đâu bé à?…”

Hay nhạc sĩ Phạm Duy, cũng có bài hát rất hay, sử dụng hình ảnh mo cau mà mỗi độ rằm tháng Tám ta lại được nghe trẻ con hát rất nhiều: “Ông Trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo. Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút. Ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa (…) trả mo cây cau, trả bút học trò, trả chùa cho Bụt...”(ông Trăng xuống chơi)

Tại sao mời trăng xuống chơi mà cau không tặng gì lại chỉ cho mo? Trong logic bài hát, tác giả sử dụng nhiều sự vật, hiện tượng mà mỗi “vật cho” là đặc trưng của sự vật, hình tượng đó. Qua đó, chúng ta hiểu được mức độ điển hình cao và sự gắn bó thân thiết với cuộc sống con người – đặc biệt là lứa tuổi trẻ thơ của mo cau.

• Nghệ thuật:

Nghệ thuật làm mặt nạ bằng mo cau: 1972 đã có hẳn một cuộc triển lãm những chiếc mặt nạ mo cau. Và chính cuộc triển lãm này đã khơi nguồn cảm hứng, kích thích lòng đam mê sáng tác của ông Vũ Dân Tân – con trai duy nhất của nhà viết kịch Vũ Đình Long. Ông bắt đầu vẽ mặt nạ nhưng mo cau không dễ kiếm. Ông đành phải vẽ bằng những chất liệu khác và phát hiện ra mo tre, rổ, rá là sự lựa chọn lí tưởng.

Ông nói: “Mặt nạ là sự tưởng tượng vô bờ bến. Nó vừa thực vừa hư nên cho phép người ta tạo ra một cái gì đó không thực. Nó kết hợp cả hai yếu tố tâm linh (thuộc về tâm hồn) và tưởng tượng (nghệ thuật).”

Dùng mo cau làm chất liệu vẽ tranh: Họa sĩ Tạ Hải nổi tiếng với tranh lá. Khác với màu vẽ “ăn” vào giấy, những chiếc lá cánh hoa “nổi lên” trên và tạo nên những bức tranh có chiều sâu không gian. Bức tranh đầu tiên được làm từ lá vào năm 1965 đến nay vẫn còn.

Trong số tác phẩm của họa sĩ, có một bức tranh: một mảnh mo cau có những đường gân tự nhiên gợi cho ta liên tưởng đến một khoảng biển trời cuộn sóng, thêm nửa hình tròn cũng cắt bằng mo cau, vậy là có một bức “Hoàng hôn trên biển”.

2) Ý nghĩa biểu trưng:

Dẫu đã qua lâu rồi cái thời chưa điện khí hóa, khi mà hồi ức con người về sự mát mẻ thường là hồi ức quạt mo, những chiếc quạt mo trên đôi bàn tay chai sần của nông dân phe phẩy lúc nghỉ mệt trên đồng, những chiếc quạt mo trong tay đôi tình nhân bên nhau dưới gốc tre, bờ đê trưa hè nhẹ nhàng, tình tứ, những chiếc quạt mo trên đôi tay yêu thương của bà, của mẹ ru giấc cháu, con thơ…, tất cả vẫn còn ghi dấu ấn trong ta. Nó tạo nên bản sắc. Vâng, một nét văn hóa làm khu biệt ta và người khác, làm cho văn hóa Việt Nam khác Văn hóa ngoại quốc.

Mo cau, bầu nước (nước chứa trong quả bầu khoét ruột) hay ống nước (nước chứa ống tre khoét lỗ một đầu) đeo ngang vai hoặc gài ở thắt lưng, là những chi tiết quen thuộc khi người ta muốn vẽ nên hình ảnh mục đồng thôn quê Việt Nam, những sĩ tử trẩy kinh, hội thi và những khách bộ hành… Trong mo cơm ấy là bóng hình và tình yêu thương của các mẹ, các chị, các em gửi theo những người thân đi xa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mo cau cũng mang những ý nghĩa tốt đẹp. Ta thường nghe trong cuộc sống những từ ngữ đã trở nên cố định: thầy mo, mặt mo… Lúc này, mo cau trở về với thực tế chân xác, là một miếng mo khô, cứng, dày cộm, thô thiển.

Mặt mo: có ý chê bai người không biết xấu hổ. Những kẻ “lì” mặt, trơ trẽn. Nhà thơ Nguyễn Du có viết: “Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào”.

Thầy mo: là thầy cúng ở thượng du miền Bắc, đặc biệt trong một số dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam. Thầy trừ tà ma nhưng thường là “bịp”, bị mất lòng tin ở mọi người. Dân gian ta truyền nhau: ốm đau thì phải mời thầy thuốc chứ không nên tin thầy mo.

Cuối cùng, chúng tôi muốn bàn thêm về mo cau qua lăng kính tôn giáo.

Với giáo lý vô thường, đạo Phật chỉ dạy cho con người thấy rõ sự vận hành của muôn vật trong vũ trụ luôn luôn thay đổi, không trường tồn. Từ cỏ cây sự vật cho đến con người và cả vũ trụ bao la đều tuân theo quy luật sinh – trụ – dị –diệt. Nhưng đạo Phật không dừng nơi đạo lý vô thường mà triển khai rộng hơn, sâu hơn cho mọi người thấy thực tại tính của sự vật, thấy cái chân thường trong cái vô thường.

Cây cau cũng vậy và tàu cau là sự minh họa rõ ràng nhất cho quá trình này.

Lá cau từ lúc mới nhú lên non tơ đến lúc xanh mướt rồi héo khô và rụng xuống thành tàu cau, nếu biết trước mình sẽ khô và chết, cau sẽ chẳng buồn ra lá, cũng chẳng muốn xanh tươi. Như thế thì sự sống sẽ bị triệt tiêu. Thế nhưng, cau vẫn đem hết sức mình để cống hiến cho đời phần tinh túy, đẹp nhất của mình. Rồi đến khi già nua, tàu cau biết mình cần rời khỏi thân cây để nhường lại cho các chồi cau khác sinh trưởng. Nó nhẹ nhàng rụng xuống, không níu kéo một cách kém thông minh và nô lệ như những cánh hồng cứ bám mãi trên đài. Bởi tàu cau rụng cho buồng cau lớn lên mà bấy lâu nay tàu cau che chở ấp ủ cho bao mầm xanh tràn nhựa sống ra đời. Và bởi cau biết cái chết là bắt đầu của sự sống, đêm tàn là khởi đầu của bình minh, mùa đông lạnh giá là cội nguồn của xuân tươi mới.

Tàu cau tuy không còn xanh nhưng không phải là chết. “Kiếp sau” của tàu cau hay mo cau là quạt mo, mo cơm. Mo cau thường dùng để đựng cơm và vì thế mo cơm được xem là “kiếp sau no đủ” của tàu cau. Có thể nói, ở đây còn chứa cả triết lí nhân – quả “gieo gì gặt nấy”, mang đậm tính phương Đông: cả đời tàu cau dâng cho cuộc sống cái đẹp, cái thanh khiết nên mo cau được hưởng kiếp sung túc về sau.

Tóm lại, hình ảnh chiếc mo cau gửi đến ta thông điệp, hãy sống hết mình và thật sự hữu dụng trong cuộc đời.

“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Sống trên đời người cũng vậy
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Mo cau thể hiện đức hy sinh và lối sống đẹp trong đời. Ở đây, tôi muốn nói thêm về cây cau. Thân cau mọc thẳng, lúc đổ xuống cũng đổ thẳng về một phía; tượng trưng cho tính thẳng thắn, cương trực của người quân tử. Hoa cau có hương thơm ngát, dịu ngọt, đằm thắm làm ta dễ chịu, ngất ngây… như những thôn nữ hiền ngoan, mộc mạc mà dễ thương, dễ nhớ – cái mà người ta vẫn thường gọi là “duyên ngầm”…

Chút ngẫu hứng mo cau đưa ta về những hồi ức duyên dáng, phả chút buồn dịu nhẹ. Thời đại quạt mo đã xa rồi trong quá khứ để thay bằng thời đại máy lạnh ngày nay. Ta không mong trở về quá khứ ấy, bởi cuộc sống phải ngày càng văn minh. Thế nhưng hãy giữ trong lòng ta nếp sống, tình yêu quê, sự cần cù của người Việt Nam thuần túy, yêu thiên nhiên. Hãy để tâm hồn nhẹ nhàng, rộng mở, trở về với tự nhiên khi thưởng thức món cơm nắm trong nhà hàng, hay chiêm ngưỡng những bức tranh làm bằng mo cau-tác phẩm nghệ thuật có hình ảnh làng quê Việt Nam thân thuộc.

Phương Thảo
[Tập san Pháp Luân - số 24, tr.42, 2006]