Triển lãm nghệ thuật Phật giáo với chủ đề “Từ Nalanda, Phật giáo Ấn Độ truyền đến Trung Quốc và các nước Đông Nam Á” đang diễn ra tại Viện bảo tàng văn minh châu Á của Singapore từ ngày 2 tháng 11 năm 2007 đến ngày 23 tháng 3 năm 2008.
Cuộc triển lãm này đang trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và di vật Phật giáo giá trị được gởi đến từ các Viện bảo tàng nổi tiếng của Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Một trong những báu vật được trưng bày là ngọc xá-lợi Phật, được cung đón từ Viện bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Ngọc xá-lợi này được tìm thấy trong một lần khai quật thành cổ Kapilavathu, tại Piprahwa, năm 1898.
Những tác phẩm này tiêu biểu cho nền nghệ thuật Phật giáo tại Trung Á, Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ. Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao vai trò của Đại học cổ Nalanda trong việc truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ đến Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thông qua ba nhà chiêm bái nổi tiếng và cũng là những học giả vĩ đại của Phật giáo: Pháp Hiển, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Cuộc hành trình của các Ngài khởi hành từ Trung Hoa băng qua khu vực Trung Á trên con đường Tơ lụa đến Nalanda và đem Phật pháp tại Đại học Nalanda trở về Trung Quốc truyền bá.
Phát biểu tại phòng trưng bày hôm 20 tháng 11, thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh, nói: “Đại học Nalanda là một phần đời sống tri thức của châu Á và đã đóng góp rất nhiều tri thức cho khu vực từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ VII. Nó là một trong những đại học vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nhân loại, và là đại học quốc tế đầu tiên trong khu vực. Đại học này đã thu hút nhiều sinh viên đến từ các quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Persia, Thổ Nhĩ Kỳ… Chúng tôi đã thảo luận nhiều cho dự án phục hoạt Đại học cổ Nalanda. Nó sẽ là đại học mang tầm quốc tế, sẽ đào tạo sinh viên sau đại học trong các lãnh vực: Phật học, triết học, thương mại, quản trị học, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ học… Tuy nhiên, dự án này rất cần sự hỗ trợ của các quốc gia khác… Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ III đã thảo luận quanh những vấn đề quan trọng về hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế trong khu vực. Và một trong những chủ đề quan trọng của Hội nghị là xúc tiến sự hiểu biết và cảm thông giữa con người với con người và giữa các nền văn hóa. Cuộc triển lãm này cũng sẽ hướng đến mục đích như vậy.”
Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long nói rằng, triển lãm lần này được hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ Ấn Độ, là một phần trong những nỗ lực để phục hoạt đại học cổ Nalanda. Theo ông, Đại học Nalanda phải là một trung tâm đối thoại của các nền văn minh và là một đại học để nghiên cứu và cảm thông giữa các truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng khác. Với mục đích như vậy, đề án Nalanda sẽ là nguồn cảm hứng tri thức của Á châu.
Trong số hàng trăm tác phẩm điêu khắc, có nhiều tác phẩm mô tả về cuộc đời đức Phật từ đản sanh cho đến nhập Niết-bàn. Thông qua những tác phẩm này, chúng ta có thể biết rằng, nghệ thuật Phật giáo bắt đầu từ thế kỷ V BC. Khi ấy, biểu tượng để tôn kính đức Phật chưa xuất hiện trong hình dạng của một con người, mà là trụ đá hoặc bàn chân. Sau đó, nghệ thuật Phật giáo nói riêng đã được truyền đến nhiều quốc gia trong khu vực Á châu và tiếp tục phát triển. Đến thế kỷ I, biểu tượng tôn thờ đức Phật bắt đầu xuất hiện trong hình dạng con người. Hình dạng này được thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật Gandhara và Mathura từ thế kỷ thứ I đến IV. Những pho tượng bằng sa thạch tinh tế trong giai đoạn triều đại Gupta, thế kỷ thứ V đến VII và pho tượng Phật, niên đại khoảng thế kỷ thứ X, được gởi đến từ viện bảo tàng Patna, đã thể hiện sự phát triển trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo.
Tiến sĩ Gauri Krishnan, một chuyên gia thâm niên trong ngành và là người quản lý cuộc triển lãm nhận xét: “Nhiều pho tượng và tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mang tầm quốc tế và được xem như là báu vật của Ấn Độ. Những pho tượng khắc bằng đá và đồng đã đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc. Có thể nhận định rằng nghệ thuật điêu khắc châu Á trong giai đoạn từ thế kỷ thứ I đến X vượt qua nghệ thuật điêu khắc phương Tây trong cùng giai đoạn”.
Cuộc triển lãm đang thu hút và được sự chú ý của nhiều giới tại Singapore, đặc biệt là các nhà lãnh đạo của 16 quốc gia trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm 10 nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Tân Tây Lan. Các nhà lãnh đạo cũng đã đến viếng thăm phòng triển lãm. Hội nghị này diễn ra tại Singapore trong hai ngày 19 và 20 tháng 11.
Tiến sĩ Kenson Kwok, quản lý Viện bảo tàng nói: “Cuộc triển lãm này là một trong những mong muốn lớn nhất của chúng tôi trong giai đoạn này. Sự kiện này đang thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp xã hội. Với những người viếng thăm có niềm tin tôn giáo, họ sẽ được chiêm bái ngọc xá-lợi quý hiếm của đức Phật. Với người ái mộ về lịch sử nghệ thuật, họ có thể tìm hiểu sự phát triển nghệ thuật Phật giáo thông qua những tác phẩm nghệ thuật của nhiều thời đại còn lưu trữ đến ngày nay. Đặc biệt, triển lãm này cho thấy rằng sự truyền bá Phật giáo khắp Á châu đã phản ánh lịch sử quan hệ của các quốc gia trong khu vực.”
Nguyên Lộc
[Tập san Pháp Luân - số 45, tr.93, 2007]