Hát cho tình yêu và phạm hạnh

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nhiều người nghĩ rằng đức Phật chúng ta chỉ dửng dưng trong cõi Tam-ma-địa chất ngất hương thoát tục, nói chi đến việc dâng tặng Ngài những lời nỉ non từ một trái tim đẫm lệ tình.

Thế mà chuyện lại có thật, có ghi chép hẳn hoi trong Kinh tạng được gọi là nguyên thủy nhất: A-hàm (Hán Tạng) hay Nikāya (Pāli). Hệ kinh này là thế giới nghiêm cẩn của chư vị Trưởng lão A-la-hán, trong đó có đức Phật Bổn Sư của chúng ta.

Đọc bài kinh Thích-đề-hoàn-nhân Vấn, [kinh thứ 14 của Trường A-hàm, tương đương bản Pāli Sakkapañhā-suttam] dù là người có trái tim với độ rung cảm trung bình nhất cũng không khỏi thốt lên sự ngạc nhiên trước giây phút đồng điệu giữa một tâm hồn tục lụy với một Thánh cách vĩ đại đã diệt hết các ái nhiễm triền phược.

Một ngày nọ, Thích-đề-hoàn-nhân khởi lên thiện tâm vi diệu: “Nay ta hãy đi đến chỗ Thế Tôn”. Chư thiên Đao-lợi biết được tâm ý ấy nên cũng muốn tháp tùng theo. Thiên-đế-thích đồng ý và cho gọi thần chấp nhạc Ban-giá-dực (Pāli: Pañcasikha) theo hầu cận. Bấy giờ, đức Thế Tôn đang nhập hỏa diệm tam-muội trong hang Nhân-đà-sa-la, núi Tỳ-đà khiến cho hòn núi này ửng lên trong màu lửa đỏ, quang cảnh thật yên tĩnh và thơ mộng. Đến gần động, sợ làm kinh động đức Thế Tôn nên Đế-thích bảo Ban-giá-dực hãy từ xa, trong tầm đủ nghe, tấu lên điệu nhạc thần từ cây đàn lưu ly (bản Pāli: veluvadaṇḍa-vīṇā) để làm vui lòng Thế Tôn. Ban-giá-dực không hiểu vì cảnh núi như ánh lửa chiều thơ mộng hay vì ái tình đã chiếm hết trái tim chàng mà liền gảy lên điệu đàn trầm bổng chất ngất theo tiếng hát mê ly hòa quyện cả ái tình lẫn phạm hạnh. Chàng hát say sưa:

Bạt-đà ơi, kính lễ phụ thân nàng.
Phụ thân nàng đẹp rực rỡ,
Sinh ra nàng cát tường
Mà tâm ta rất thương yêu.
Vốn do nhân duyên nhỏ,
Dục tâm sinh trong đó;
Càng ngày càng lớn thêm.

Lời mở đầu chân tình như một lời chào yêu thương. Vốn do nhân duyên nhỏ, bởi chỉ một lần gặp gỡ mà luyến ái tràn đầy. Lần đó, khi đức Thế Tôn vừa mới thành đạo không lâu, đang ngồi dưới gốc cây A-du-ba-đà ni-câu-luật (Pāli: Ajapāla-nigrodha) bên dòng sông Ni-liên-thiền, có một đôi trai gái chốn thiên đình đem lòng quyến luyến, Ban-giá-dực thấy thế, trong lòng như sóng cồn nổi dậy, thắc thỏm nhớ thầm, và cũng đã từng làm thơ hát tặng người thiên nữ ấy. Rồi ái tình tự nảy nở, càng ngày càng lớn thêm. Chuyện đời thật cắc cớ, tâm hồn nhạc thần đã nhiều kiếp gửi theo phạm hạnh, nhưng phạm hạnh chưa thành nên lòng còn vướng bụi trần ai. Chàng trai ấy ví von thật không giống ai, bởi có ai từng lấy việc tu tập mà so sánh với chuyện tình duyên trai gái!
Như cúng dường La-hán.
Thích tử chuyên bốn thiền,
Thường ưa chốn thanh vắng,
Chánh ý cầu cam lồ;
Tâm niệm ta cũng vậy.
Đức Năng Nhân phát đạo tâm,
Tất muốn thành Chánh giác;
Như tôi nay cũng vậy,
Ước ao hội họp với người con gái ấy.

Lòng ao ước đã đến tột cùng, chuyên nhất như bồ-đề tâm của vị thánh giả một lòng cầu giác ngộ. Người cầu đạo giải thoát, kẻ ước nguyện tình duyên. Cả hai đều ròng rặc như niềm thao thức muôn kiếp. Đó âu cũng là tâm trạng của những người chưa dứt hồng trần đang trên đường học đạo giác ngộ. Trong ta mà có người, trong người lại có ta. Đấu tranh phải xảy ra vì con đường chỉ có một! Giải thoát hay trầm luân?

Tâm tôi đã đắm đuối,
Yêu thương không dứt được.

Đến đây thì Ban-giá-dực thú nhận đã thua cuộc, đã lụy trên con đường ái nhiễm. Ái tình còn đắm đuối, cuồng nhiệt thì làm sao thoát khỏi lưới ái dục của ma vương đang vây bủa. Trong lòng như lửa đốt thì thế giới làm sao yên, ngọn ba đào một lần khởi lên thì bọt bèo cũng tang thương dâu bể. Cái đau khổ của người chạy theo dục lạc là:

Muốn bỏ, không thể bỏ,
Như voi bị móc câu kềm chế.

Chàng trai ấy đau thương tột cùng, theo đã không thành, muốn bỏ cũng không xong, dùng dằng như con voi vị móc câu kìm chế. Đúng là: ái dục như xương trơ, bỏ đi không đành lòng, gặm hoài chảy máu miệng.
Như nóng bức mà gặp gió mát;
Như khát mà gặp con suối lạnh;
Như người nhập Niết-bàn;
Như nước rưới tắt lửa;
Như bịnh, gặp lương y;
Đói, gặp thức ăn ngon,
No đủ, khoái lạc sanh;
Như La-hán an trú Pháp.
Như voi bị câu móc kềm chặt,
Mà vẫn chưa khứng phục,
Bươn chạy, khó chế ngự,
Buông lung chẳng chịu dừng.
Cũng như ao trong mát,
Mặt nước phủ đầy hoa;
Voi mệt, nóng, vào tắm,
Toàn thân cảm mát rượi.
Những gì trước, sau, tôi bố thí,
Cúng dường các La-hán;
Và phước báo tôi có trong đời;
Thảy mong được cùng nàng.
Ban-giá-dực yêu thiên nữ với một tình yêu trong trắng như phạm hạnh của vị Thánh giả, có điều, phạm hạnh đưa đến giải thoát, còn tình yêu đưa đến hệ lụy. Vị nhạc thần hiểu được điều đó, nhưng dù vậy thì đã làm sao! Bởi thân lươn bao quản lấm đầu, một lần chết cho tình yêu để rồi được sống trong tình thiêng của tạo hóa. Đúng là kẻ ngoan đầu cứng cổ!
Nàng chết, tôi cùng chết;
Không nàng, sống làm gì?
Chẳng thà tôi chết đi,
Còn hơn sống không nàng.

Nếu một hôm nào đó, đức Thế Tôn nghe đại đức thị giả A-nan nói lên những lời như thế thì có lẽ Ngài cũng từ bi cười hứa khả! Bởi Phật đạo lâu dài nhưng hồi đầu thị ngạn, cứ nhuốm hồng trần đi rồi sẽ lận đận dòng đời, hối tâm làm lại từ đầu. Khi ấy phạm hạnh sẽ thêm phần kiên cố, như mai nhuốm nhiều sương giá càng thể hiện bản chất cao vời.
Chúa tể trời Đao-lợi,
Thích chúa, nay cho tôi ước nguyện.
Tôi đã ca ngợi người đủ lễ tiết.
Xin người suy xét kỹ.

Ban-giá-dực hát xong bản nhạc, đức Phật xuất định và ca ngợi: “Hay lắm! Hay lắm, Ban-giá-dực! Ngươi đã có thể bằng âm thanh thanh tịnh hòa với đàn lưu ly mà tán thán Như Lai. Tiếng của đàn và giọng của ngươi không dài, không ngắn, buồn và thương uyển chuyển, làm rung động lòng người. Khúc đàn mà ngươi tấu hàm đủ các ý nghĩa. Nó nói đến sự trói buộc của dục, và cũng nói đến phạm hạnh, cũng nói đến Sa-môn, cũng nói đến Niết-bàn.”

Quả là một bản nhạc kỳ diệu xưa nay chưa từng có. Nó vừa chứa đựng âm thanh ái dục của phàm tục, vừa cất lên cung điệu siêu thoát của A-la-hán. Cái thanh tịnh thoát tục đứng cận kề cái triền phược, cái tình đắm đuối sóng đôi cùng phạm hạnh Sa-môn, luân hồi đó mà Niết-bàn cũng gần đây. Đức Phật đã phải khen cái tài khéo léo của vị nhạc thần tục lụy. Con người ấy, trong cơn mê đã gieo mầm giác ngộ, chỉ có điều đang còn mải mê quyến luyến ái tình, trong một lúc chưa thể dứt sạch.

Kết thúc cuộc viếng thăm, để ban thưởng cho Ban-giá-dực có công trong việc làm vui lòng đức Thế Tôn, Đế-thích hứa sẽ tác hợp cho Ban-giá-dực với vị thiên nữ ấy.

Chú Thích :
1. Bản việt dịch của TT. Tuệ Sỹ.
2. Nhân-đà-sa-la quật 因陀娑羅窟, Nhân-đà-la thạch thất 因陀羅石室. Pāli: Indasāla-guhā.
3. Bạt-đà 跋陀. Hiền Nữ 賢女. Pāli: Bhaddā, con gái của Timbaru - Chấp nhạc Thiên vương.
4.  Thích, chỉ Thích-đề-hoàn-nhân.

Thanh Hòa
[Tập san Pháp Luân số - 42, tr.41, 2007]