Tết Trung Thu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tết Trung Thu là một trong những ngày lễ lớn của nước ta. Vào ngày lễ này, những lồng đèn đủ hình dáng được thắp lên lung linh dưới ánh trăng rằm tháng tám. Những tiếng trống lân rộn rã khắp nơi hòa với tiếng reo hò của trẻ tạo nên âm thanh vui nhộn lạ thường. Mà hình như cả năm chỉ có đêm trăng này mới có được cảnh như thế.

Ngày nay, nơi phố thị đông người, ta đâu còn nghe những tiếng đùa vui của bọn trẻ xách lồng đèn đi chơi, những tiếng khóc thút thít của trẻ khi lồng đèn chúng bị chị gió đêm thu chọc ghẹo, những cái gãi tai đầy bối rối của ông địa khi nhìn phong bì đỏ treo lủng lẳng trên cao. Những thú vui mộc mạc đầy nhân văn ấy đã được thay thế bằng những chiếc đèn nhựa với ánh sáng bằng bin, làm cho lễ hội Trung Thu mất đi vẻ đẹp dân dã của nó.

Khi xưa, nét đẹp của ngày lễ Trung Thu hòa với niềm vui của người nông dân. Ta biết rằng, Trung Quốc cũng giống như ta, là một quốc gia nông nghiệp. Từ việc đồng án cho đến việc tổ chức lễ hội đều dựa vào trăng. Xem trăng như là đồng hồ thời gian cho công việc. Đến lúc trăng tròn nhất và sáng nhất cũng là lúc người dân thu hoạch vụ mùa cũng vừa xong. Do đó, những gia đình Trung Quốc đã tổ chức lễ hội kết thúc vụ mùa vào ngày trăng này, tức là ngày 15 tháng 8 âm lịch.

Vào ngày này, bạn bè, họ hàng thường tặng bánh cho nhau, làm cho tình cảm càng thêm bền vững hơn. Từ khi phong tục này truyền vào nước ta, người dân ta đã tiếp nhận và biến nó thành một lễ hội của dân tộc.

Người dân Việt Nam đầu tắt mặt tối, suốt ngày chỉ biết lo việc đồng án, đâu còn có thời giờ để vui chơi với con cháu, nên đây cũng là thời điểm để họ bày tỏ sự thương yêu và cảm thông đến chúng. Tối đó, họ ngồi dưới ánh trăng. Cha mẹ, con cái đều quây quần bên nhau, ngắm trăng, ăn bánh, kể chuyện thần thoại cho nhau nghe. Họ kể chuyện về nàng Hằng Nga trên cung trăng, kể về Hậu Nghệ, người xây dựng cung điện ngọc bích cho nữ thần, kể về câu chuyện cá hóa rồng, họ còn sáng tạo thêm câu chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng...

Trong đó, họ thích kể cho con cháu nghe câu chuyện “cá hóa rồng”. Hình ảnh chú cá chép nỗ lực vượt vũ môn chuyển đổi kiếp cá thành kiếp rồng bay đi tự tại khắp nơi.

Theo câu chuyện này, họ muốn nhắc nhở con cháu phải nỗ lực học tập và lao động để đạt được những gì mình muốn.

Trong ngày lễ, trẻ em được tự do vui chơi, cùng xách lồng đèn đủ hình dáng, màu sắc ra đường hòa với những em bé cùng lứa tham gia vào hội lồng đèn, cùng kéo nhau theo sau đoàn lân. Do thế, Tết Trung Thu còn được xem là tết của trẻ em. Trong đó, tình bạn giữa bọn trẻ càng thân thiết và lan rộng.

Vào ngày Tết Trung Thu, chúng ta có nhiều điều kiện để sống lại với chính mình. Lâu nay chúng ta suốt ngày lo công chuyện làm ăn, tối đến thì tự làm rối lòng mình bởi những phim truyện, cho rằng việc xem tivi là một mô hình giải trí, nào có biết rằng chính việc đó đôi khi khiến mình vui buồn theo những nhân vật trong phim, mà cảnh đó đều do đạo diễn giả lập mà ra. Như thế, ta thật không có giây phút nào sống với chính ta, tận hưởng những thú vui tự nhiên, những thú vui đem lại sự an lành cho ta. Và như thế, đó chưa phải là việc sử dụng đúng chức năng làm người. Chúng ta phải thấy rằng, ngoài mối quan hệ với dòng họ, với con cháu, với mọi người ra, thiên nhiên và ta cũng là một mối quan hệ mật thiết không nên chối bỏ hoặc quên đi. Ta tồn tại trên cuộc đời này hoàn toàn nương nhờ vào thiên nhiên. Nếu ta quên đi thiên nhiên thì thân thể ta xem như bị mất mát rất lớn. Do đó, hằng năm, nhân ngày Tết Trung Thu nói riêng và các ngày khác nói chung, chúng ta phải có những giây phút thoải mái tận hưởng những điều kì diệu từ thiên nhiên. Khi ngồi nhìn ánh trăng tròn tháng tám trong sự yên lặng, lòng ta như quên đi những vất vả lo toan thường nhật đè nặng trên vai, giúp ta tìm được những giây phút yên bình cho tâm hồn. Có như thế cuộc sống của ta mới có ý nghĩa, có như thế Tết Trung Thu mới đúng nghĩa là Tết Trung Thu. Khi thật sự thấy được mối quan hệ mật thiết giữa ta và thiên nhiên, ta tự nhiên cũng thấy được mối quan hệ mật thiết giữa ta và mọi người, đặc biệt là những người con người cháu của ta, khi đó ta mới có thể đem lại niềm vui cho bản thân và cho mọi người.

Đồng Tiến.
[Tập san Pháp Luân - số 6]