Đạo đức là gì?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngay sau khi tôi đặt câu hỏi này, tôi nhận ra rằng, quả thật đạo đức đem lại cho tôi nhiều ích lợi trong cuộc sống. Tôi nhận thấy rằng, vấn đề trọng tâm của đạo đức là sự toại nguyện và hạnh phúc của con người. Và tôi lại hỏi: Đạo đức có thể giúp tôi như thế nào?

 

Tôi biết đây là một câu hỏi đã làm bận lòng những bậc vĩ nhân trên thế giới ở mọi thời đại. Hàng ngàn, hàng ngàn quyển sách đã được viết ra xoay quanh chủ đề này. Và rồi hàng ngàn, hàng ngàn cuốn sách về chủ đề này cũng sẽ được viết ra trong những năm tiếp theo. Vấn đề đạo đức luôn được bàn luận sôi nổi, và ở đâu người ta cũng quan tâm đến chúng. Tôi đặt câu hỏi này là vì tôi muốn biết, liệu đạo đức có thể giúp tôi sống một cuộc sống trọn vẹn hay không - một cuộc sống mãn nguyện. Tôi muốn biết, đạo đức có giúp gì được cho tôi trong vấn đề này không?

Ngay sau khi tôi đặt câu hỏi này, tôi nhận ra rằng, quả thật đạo đức đem lại cho tôi nhiều ích lợi trong cuộc sống. Tôi nhận thấy rằng, vấn đề trọng tâm của đạo đức là sự toại nguyện và hạnh phúc của con người. Và tôi lại hỏi: Đạo đức có thể giúp tôi như thế nào?

Tôi đã từng ước muốn chiếm hữu được toàn thế giới, nhưng tôi lại không chú ý đến việc tôi đang khiến cho tâm hồn tôi trở nên cằn cỗi. Tôi đã không ý thức được rằng, đấy là vấn đề quan trọng. Những vấn đề đạo đức đã làm thay đổi quan điểm của tôi, buộc tôi phải đặt nó vào đúng vị trí của nó. Và xuất phát điểm chính đáng nhất để tôi khởi đầu việc thẩm tra chính là bản thân tôi. Tôi là ai?

Sự khám phá con người thật của mình là điều không đơn giản. Để thực hiện cuộc hành trình này một cách nghiêm túc, tôi cần phải có nhiều dũng cảm, tuyệt đối trung thực và có quyết tâm cao. Bởi vì đây là một cuộc hành trình đầy thử thách, cam go, nguy hiểm và cả kinh hoàng. Sẽ có nhiều cám dỗ khiến tôi phải bỏ dở cuộc hành trình của mình. Vì thế, tôi phải kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc. Chính những thành quả đáng kinh ngạc trong quá trình khám phá bản thân đã tạo động lực để cho tôi kiên trì hơn. Cuộc hành trình này chỉ tạm chấm dứt khi tôi trút hơi thở cuối cùng.

Trước hết, đạo đức buộc tôi phải nhìn lại bản thân mình, tìm hiểu bản thân mình và biết được điều gì thật sự làm cho tôi hạnh phúc. Vấn đề đạo đức đầu tiên đối với tôi là khám phá chính mình. Nếu tôi tiến hành công việc này một cách trung thực và dũng cảm, tôi sẽ khám phá ra những thứ mà tôi không thể ngờ được rằng chúng đang hiện hữu trong tôi, những thứ vốn được che đậy ở bên trong. Tôi đã từng nghe các nhà khoa học nói là tôi chỉ mới sử dụng 5% năng lực của mình trong cuộc sống hằng ngày, 95% còn lại tôi chưa bao giờ sử dụng đến vì tôi chưa bao giờ phát hiện ra chúng. Thật là uổng phí! Và đối với những người khác, điều này cũng xảy ra tương tự. Quá ư là uổng phí! Vì thế, việc khám phá những tiềm năng của bản thân trở thành nhiệm vụ hàng đầu đối với tôi. Tôi là một người thiếu đạo đức nếu tôi chỉ dùng 5% năng lực của mình.

Đạo đức giúp tôi khám phá đến đỉnh cao của những tiềm năng ở trong tôi. Nó khiến tôi nhận ra lý tưởng tự hoàn thiện mình trong suốt cuộc đời. Nó khuyến khích tôi vượt lên trên sự tồn tại đơn thuần để đạt đến một tầm cao mới trong nhận thức. Nó giúp tôi tạo lập một cuộc sống hướng vào sự hoàn thiện cá nhân và phụng sự xã hội.

Những mức độ khác nhau của sự nhận thức:

Mức độ đầu tiên của nhận thức là ý thức được sự hoàn thiện bản thân là một phần cốt lõi của con người. Mức độ thứ hai là nhận thấy được rằng, sức mạnh giúp hoàn thiện bản thân có thể tìm thấy bên trong bản thân mình. Mức độ thứ ba là biết một cách chính xác những bước đi nào là tốt nhất cho sự phát triển năng lực của bản thân, sao cho phù hợp với nhân cách cũng như hoàn cảnh của mình.
Tôi là hợp thể duy nhất của những gene di truyền, những kinh nghiệm, những thế mạnh và cả những yếu kém, những nhu cầu, nguyện vọng; và tôi có khả năng để biết được điều gì là tốt nhất cho tôi. Bởi tôi là duy nhất nên phương thức mà tôi chọn để đạt đến mục đích của mình phải thích hợp với tôi, phải tương ứng với những nhu cầu của riêng tôi.

Tầm quan trọng của sự thay đổi:

Sự chuyển đổi và phát triển là một hình thức trọng yếu trong tiến trình của sự sống. Nếu tôi nỗ lực hướng sự thay đổi ấy theo chiều hướng tích cực, và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày thì tôi sẽ có được một đời sống phong phú và trọn vẹn.

Những cách thức giúp chúng ta hiểu được bản thân mình:

Việc tìm hiểu bản thân không thể bỏ qua việc tìm hiểu quá khứ của mình. Tôi hiểu bản thân tôi nhất bởi tôi có cơ sở cho những hiểu biết về cá nhân tôi và tiểu sử gia đình tôi. Quá khứ không chỉ có nghĩa là những dữ kiện khác nhau đã từng diễn ra từ lúc tôi sinh ra cho đến hiện tại, mà nó còn bao gồm cả những dữ kiện về sự ảnh hưởng của cha mẹ tôi, ông bà tôi, tổ tiên của tôi trước khi tôi được sinh ra. Đời sống của họ có sự ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn sự ảnh hưởng của huyết thống, thái độ và nếp sống của họ ảnh hưởng đến tôi. Từ lúc tôi sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời này, cuộc sống của tôi được tạo dựng bởi những gì tôi đã tạo ra trong quá khứ, đôi khi có cả sự chuyển hóa những sai lầm trong quá khứ.

Những mối tương quan trong xã hội là một cách khác để chúng ta hiểu về bản thân mình. Nếu chúng ta tinh ý thì qua mối quan hệ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, có thể cho ta những thông tin thiết thực nhất. Khi tôi thiết lập tình cảm thân thiết thông qua việc sống và giao tiếp với họ, tôi nhận ra được có sự mâu thuẫn ở trong tôi. Việc nhận ra cách người ta đối xử với mình, và hiểu tại sao người ta đối xử với mình như thế là cách thức chủ yếu để có thể biết chính xác về bản thân mình. Sự nhận thức này trở thành một mảnh đất phong phú, màu mỡ cho sự thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Việc chọn lựa những gì tôi muốn làm cho cuộc sống của tôi và khiến cho nó trở thành hiện thực là điều không đơn giản. Tôi không thể thực hiện được điều đó nếu tôi không nỗ lực hết mình và không có lòng kiên nhẫn. Tuy nhiên, nhờ vào việc đánh giá một cách chân thực về bản thân mà tôi có thể làm được điều đó.

Một phần không thể thiếu trong việc tìm hiểu con người thật của mình là việc ý thức cách mà mình đối xử với người khác. Khi tôi cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và biết được những gì họ đang cảm nhận, khi ấy tôi nhận ra bản thân qua sự nhìn nhận của người khác về tôi. Một khi tôi làm được điều này có nghĩa là tôi đang trên lộ trình hiểu rõ hơn về bản thân mình, và cùng lúc ấy tôi hiểu rõ hơn về người khác. Tôi nhận ra rằng, những hành động của tôi ảnh hưởng đến thái độ của người khác. Nếu tôi có thái độ tốt thì trong một chừng mực nào đó, tôi có khả năng tạo nên một bầu không khí hài hòa thông qua sự tác động đến thái độ của những người xung quanh tôi.

Tình thương yêu, sự hiểu biết và sự cảm thông được lớn dần từ những trải nghiệm của tôi với người khác, từ sự cố gắng để biết được những gì họ đang suy nghĩ, đang cảm nhận. Ngay khi tôi có thể chia sẻ những hạnh phúc cũng như những khổ đau của người khác, tôi bắt đầu hiểu và cảm nhận mối liên hệ mật thiết giữa con người với nhau. Theo nhận định này, bi kịch của một người sẽ trở thành bi kịch của tất cả mọi người và niềm vui của một người cũng là niềm vui của tất cả mọi người. Tôi bắt đầu muốn giúp đỡ và ủng hộ mọi người bởi vì tôi nhận thấy rằng, sự tiến bộ của họ cũng chính là sự tiến bộ của tôi.

Khi trình độ nhận thức của tôi được nâng cao, tôi thấy rằng, sự nhường nhịn lẫn nhau là cần thiết, không chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, bạn bè, mà còn cần thiết đối với một phạm vi rộng lớn hơn trong các quốc gia và toàn thể nhân loại. Bi kịch của một quốc gia sẽ trở thành bi kịch của cả thế giới và niềm vui của một quốc gia sẽ trở thành niềm vui của toàn thế giới.

Minh Nguyên (dịch)
Nguồn: Ethics, Towards a richer life, Cyril Sirirol

Cyril Sirirol
[Tập san Pháp Luân số - 42, tr.87, 2007]