Hồi ký: Cò và Quạ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Sau năm 1963, ảnh hưởng của Phật giáo trong quần chúng nhân dân rất lớn. Tăng Ni trong tỉnh Quảng Ngãi cung thỉnh Ôn Phước Quang làm Chánh đại diện Phật giáo tại tỉnh. Mọi Phật sự đều do các Thượng tọa, Đại đức có học vị cử nhân đảm trách.

Có một phóng viên muốn viết thiên phóng sự nhằm làm mất uy tín Phật giáo. Chư Tăng ai cũng biết nên mọi việc tiếp xúc phát ngôn của Giáo hội tỉnh đều ủy thác cho thầy Nguyên Minh.


Một hôm, từ Nghĩa Hành về trụ sở, Ôn bảo: Hôm nay tôi có duyên độ một người, xin quý thầy hoan hỷ.

Cúng Phật tại chánh điện xong, lúc lui ra, Ôn vấp vào bục cửa suýt ngã. Một thanh niên đứng bên vội đỡ hộ, Ôn cảm ơn. Thanh niên nọ xin phép được hỏi Ôn vài câu. Ôn bảo, cứ tự nhiên. Anh thanh niên liền hỏi:

-Trong thời mạt pháp vàng thau lẫn lộn, thế nhân làm sao biết được ai là kẻ đạo cao đức trọng?

-Này anh! Anh có biết con cò không?

-Dạ biết.

-Vậy con cò hình dáng ra làm sao?

-Nó là một loài chim có bộ lông trắng như tuyết, sống từng đàn, chân cao cổ dài, chuyên bắt cá tôm ở ruộng đồng có nước.

-Anh là người lịch lãm thông minh, thế anh có biết con quạ không?

-Dạ biết.

-Thế con quạ nó ra làm sao?

-Quạ là một loài chim có bộ lông đen thô và không đẹp. Tính tình hung dữ, hay ăn thịt các loài chim con. Nó là biểu tượng của sự xấu ác, tiếng kêu quang quác, mọi người rất ghét.

-Anh ạ! Con cò có nhờ ai tẩy giặt đâu, ấy thế mà màu lông lại trắng. Con quạ có nhờ ai nhuộm bôi cho đâu, mà màu lông đen thô. Cò và quạ có nhờ anh phẩm bình đâu, thế mà quạ bị mọi người ghét, còn cò được mọi người yêu mến. Vậy nên ai là người đạo cao đức trọng thì tự hành vi của họ sẽ nói lên điều ấy. Lẽ nào anh không lãnh hội được chân lý đó, lại hỏi tôi là một lão Tăng ít học quê mùa, xuất thân từ vùng núi rừng hoang dã.

Người thanh niên ấy chính là phóng viên báo chí. Qua vài lời của Ôn, anh đành bỏ ý định làm thiên phóng sự, và về sau anh trở thành một Phật tử tại gia thuần thành nương bóng của Ôn để học hỏi giáo lý.

Thị Nguyên.
[Tập san Pháp Luân - số 4]