Một vài đính chính nhỏ về hành trạng Thiền sư Minh Châu - Hương Hải

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thiền sư Minh Châu Hương Hải là một tác gia lớn không chỉ văn học Phật giáo mà cả văn học dân tộc. Thiền sư là người mở ra một phương pháp mới trong việc dịch thuật và nghiên cứu Phật học. Phương pháp mà thiền sư sử dụng là sự hòa quyện giữa dịch và giải. Lối dịch giải này trước đây chưa ai sử dụng và nó có những thành tựu đáng kể. Thế nhưng, những người sau này không có ai kế thừa.


Từ những thập kỷ 30 của thế kỷ XX đã có nhiều người nghiên cứu về thiền sư Minh Châu Hương Hải. Thiện Đình công bố bài Truyện đức Hương Hải thiền sư trong báo Nam Phong số 136, đến Trí Hiếu qua bài Lịch sử chùa Xích Đằng đăng trên báo Đuốc Tuệ số 7 đã cho giới thiệu về hành trạng thiền sư cùng thơ văn. Năm 1978, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận II dành một chương nghiên cứu về thiền sư. Tác giả đã tìm hiểu về con người cũng như tư tưởng, thi văn. Có thể nói, đây là một chương đi sâu nghiên cứu mà trước đó chưa ai khảo cứu được. Năm 1999, Thích Thanh Từ cho dịch và giảng giải Hương Hải thiền sư ngữ lục và công bố bảng hành trạng thiền sư trong Thiền sư Việt Nam. Năm 2000, Lê Mạnh Thát cho sưu tầm các tác phẩm và công bố Toàn tập Minh Châu Hương Hải. Đây là một công trình có qui mô, giá trị nhất từ trước đến nay. Tác giả đã chỉ ra tác quyền của một số thơ văn trong Minh châu Hương Hải ngữ lục là của các thiền sư Trung Quốc. Nhưng khi nói đến Toàn tập thì phải công bố hết các tác phẩm của thiền sư nhưng qua khảo sát của chúng tôi, đến thời điểm này, một số tác phẩm của thiền sư Minh Châu Hương Hải như Diệu pháp liên hoa kinh thích giải, Bát nhã Đại Điên được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm chưa được nghiên cứu. Một số tác phẩm của thiền sư vẫn còn được bảo tồn tại các thư viện nhà chùa.

Gần đây, một số nhà nghiên cứu đã dịch hai văn bia Tổ Sư bi ký và Tông Sư bi ký ghi lại hành trạng hai thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) và Chân Lý Hiển Mật (1672-1739). Nhìn chung, các công trình trên đã nghiên cứu một cách công phu, sử dụng nhiều tư liệu quí, mở ra cái nhìn toàn diện về Minh Châu Hương Hải. Công sức đóng góp của các công trình đã để lại nhiều giá trị trong việc nghiên cứu về Minh Châu Hương Hải. Trong bài viết này, chúng tôi đính chính một vài lỗi nhỏ trong hành trạng thiền sư Minh Châu mà các tư liệu trước vấp phải.

Trước hết, tư liệu mà các nhà nghiên cứu sử dụng để ghi lại bản tiểu sử thiền sư là Kiến văn tiểu lục, thiên Thiền Dật của Lê Quí Đôn, cùng bản hành trạng trong Hương Hải thiền sư ngữ lục (viết tắt Ngữ Lục). Do Ngữ lục thiếu mất mấy tờ đầu nên đoạn thông tin không được biết rõ. Các học giả y cứ thiên Thiền Dật trong Kiến văn tiểu lục ghi chép bổ sung, tạo nên một bảng hành trạng đầy đủ. Tưởng như các cứ liệu đưa ra là có độ chính xác cao, nên các công trình sau này đã liên tục sử dụng kế thừa.

Khi chúng tôi về thăm chùa Xích Đằng, nhà chùa đưa đi thăm xung quanh và cho biết hiện còn hai ngôi tháp của thiền sư Minh Châu Hương Hải và thiền sư Chân Lý Đề Mật. Thông qua tư liệu còn lại, nhất là các văn bia được bảo tồn tại bản tự, chúng tôi đối chiếu với bảng hành trạng thiền sư Hương Hải và thấy có một số lỗi cần đính chính như sau:

1. Có phải ngài có tục danh là Tổ Cầu hay không?

Trước đây, các tư liệu đưa ra đều ghi tục danh của ngài là Tổ Cầu. Chúng tôi tham khảo Kiến Văn tiểu lục, thiên Thiền Dật đề: “Hương Hải thiền sư tục danh Tổ Cầu 香海禪師俗名祖求”. Còn Ngữ lục do mất hai tờ đầu nên không thể biết được. Các tư liệu tiếng Việt sau này đều y cứ như thế. Thế nhưng, theo Tông sư bi ký cho biết: “Thập thất xuất gia, thụ giáo qui y ư Tổ Tích Hương Hải thiền sư, ấn chứng trí danh pháp tự Chân Lý 十七出家受教皈依於祖跡香海禪師印證置名法嗣真理” [7, tr.740] nghĩa là năm 17 tuổi, sư xuất gia, thụ giáo qui y với thiền sư Tổ Tích Hương Hải, ấn chứng ban pháp tự là Chân Lý. Qua đối chiếu tư liệu, chúng tôi nhận thấy bản Kiến Văn tiểu lục bản A. 32 là sách chép tay mà Lê Mạnh Thát chỉ ra sai sót trong khi sao chép. Văn bia lập năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) có niên đại lâu hơn, và những người trong tông môn khi viết hành trạng thiền sư được tạc vào bia đá thì độ chính xác khá cao. Không lẽ, lại chép sai tên thầy mình cùng các tổ sư. Chúng tôi cho rằng Tổ Tích mới chính xác, còn tục danh Tổ Cầu là chữ viết sai của chữ Tổ Tích.

2. Có phải tên vị thầy của thiền sư Hương Hải là Đại Thâm Viên Khoan hay không?

Thiên Thiền Dật trong Kiến Văn Tiểu Lục ghi: “Hựu học đạo ư Đại Thâm Viên Khoan thiền sư又學道於大深圓寬禪師” nghĩa là lại học đạo với thiền sư Đại Thâm Viên Khoan. Do Ngữ lục mất 2 tờ đầu nên phần thông tin trên đã mất. May mắn, văn bia Tổ Sư Bi Ký ghi lại hành trạng thiền sư Hương Hải lại chép: “Nhĩ thời, đầu Phật xuất gia, thụ giáo chính tông ư Đại Thâm Viên Thật thiền sư 爾時投佛出家受教正宗於大深圓實禪師” [7, tr.736] tức là lúc bấy giờ, sư đầu Phật xuất gia, thụ giáo chính tông với thiền sư Đại Thâm Viên Thật. Đối chiếu hai tư liệu, chúng tôi thấy trong chữ Hán, chữ Khoan (寬) với chữ Thật (實), tự dạng gần giống nên bản chép tay dễ nhầm. Do đó, chúng tôi y cứ nơi văn bia Tổ sư bi ký cho là thiền sư Đại Thâm Viên Thật chứ không phải là Đại Thâm Viên Khoan.

Cũng theo nguồn tư liệu văn bia trên, thiền sư Hương Hải lúc đầu xuất gia với thiền sư Đại Khâm Viên Thật. Sau đó, ngài sang học đạo với thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh. Chứ không phải ngài học đạo với thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh, rồi tham học với thiền sư Đại Thâm Viên Thật như trong Kiến Văn Tiểu lục của Lê Quí Đôn (1726-1784).

Về hai vị thiền sư trên, chúng ta chưa có tư liệu nào ghi lại rõ ràng, chỉ biết các ngài hành đạo tại vùng Triệu Phong xưa, nay thuộc tỉnh Quảng Trị. Hai thiền sư này có nguồn gốc từ Trung Quốc, chứ không phải như nhận định sau: “Nhiều thiền sư phái Trúc Lâm đã trốn vào các vùng núi phía nam ở Quảng Trị, Thuận Hóa hoặc Quảng Nam, Quảng Ngãi và cũng có thể vào sâu hơn nữa. Họ ẩn tu chôn giấu tên tuổi, tông tích cho mãi đến đời Mạc (1527-1595) và Lê Trung Hưng (1533-1588) mới dần dần xuất đầu lộ diện, một số thiền sư liên hệ môn phái Trúc Lâm như Chân Nghiêm đời Mạc hay Viên Cảnh, Viên Khoan mà tông tích không ai được rõ”. 

Cả hai đều thuộc tông Lâm Tế truyền theo bài kệ của tổ Trí Bản Đột Không. Bài kệ như sau:

“Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông…”

Do việc suy từ hệ thống truyền thừa mà chúng tôi kết luận tông phái cũng như tông tích của hai vị này. Bởi vì, hai vị có pháp tự đứng đầu bằng chữ “Viên” lại cho đệ tử bằng chữ “Minh”. Thiền sư Hương Hải cho xuống chữ “Chân”, rồi Như, Tính, Hải…

Hệ thống truyền thừa này tưởng chừng như bị đứt tuyệt. Trong quá trình sưu tầm tư liệu, chúng tôi tiếp xúc khoa cúng tổ chùa Tế Xuyên ở Hà Nam. Lúc đầu, các tổ sư chùa Tế Xuyên hành đạo tại chùa Thánh Ân, sau mới chuyển xuống chùa Tế Xuyên, phát triển tông môn. Truy tìm nguồn gốc, khoa cúng cho biết thiền sư Tính Thức học đạo với tổ sư Như Tông, chùa Nguyệt Đường. Đối chiếu Ngữ Lục, chúng ta biết thiền sư Như Tông có nằm trong danh sách hàng tông môn trong dòng thiền Nguyệt Đường. Chúng tôi cho rằng, thiền sư Như Tông chính là đệ tử của thiền sư Chân Lý. Một điều có thể suy ra là sau khi thiền sư Như Nguyệt viên tịch, thiền sư Như Tông đã kế đăng trụ trì chùa Nguyệt Đường. Do đó, thiền sư Tính Thức mới học đạo với thiền sư Như Tông tại chùa Nguyệt Đường.

Qua việc truy nguyên tông phái sơn môn Tế Xuyên-Hà Nam, chúng ta biết được dòng thiền Nguyệt Đường đã phát triển mạnh trong tỉnh Hưng Yên, sau truyền xuống Hà Nam, phát triển thành sơn môn Tế Xuyên, một sơn môn nổi tiếng miền Bắc.

Tóm lại, do đối chiếu các tư liệu với nhau, chúng tôi đã chỉ ra một vài lỗi do bản chép tay Kiến văn tiểu lục ghi lại hành trạng thiền sư Minh Châu Hương Hải. Có thể khi sao chép không có tư liệu đối chiếu nên dễ chép sai, hiện tượng sao chép các chữ sai có cùng tự dạng trong Hán văn là điều thông thường. Các nhà văn bản học Hán Nôm cũng chỉ ra hiện tượng sao chép trên trong rất nhiều công trình. Qua đó để chúng ta có thể ghi lại hành trạng thiền sư Hương Hải một cách chính xác hơn.

Chú Thích:
1. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb KHXH, H. 1988, tr. 301.

Tài liệu tham khảo
Trí Hiếu, “Lịch sử chùa Xích Đằng”, Đuốc Tuệ số 7, năm 1936, tr. 17-22.
Thiện Đình, “Truyện đức Hương Hải thiền sư”, Nam Phong số 136, năm 1929, tr. 31-37.
Nguyễn Lang (1993), Việt Nam Phật Giáo sử luận II, Nxb Lá Bối, San Jose CA – USA.
Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb TP Hồ Chí Minh.
Lê Quí Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục, bản A.32 của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Nguyễn Minh Quý, “Thân thế và sự nghiệp Hương Hải thiền sư qua tấm bia Tổ sư bi ký” trong Thông báo Hán Nôm học 2005, tr. 545-548.
Tổng tập thác bản văn khắc hán nôm, tập 4, Nxb Văn hóa thông tin, H. 2005, tr. 736, 740.

Ngô Quốc Trưởng
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr41, 2010]