Hiện tượng tháp Huệ Sơn chùa Bảo Quang

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Chùa Bảo Quang còn gọi là chùa Bụt Mọc, tọa lạc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Ngôi chùa do thiền sư Như Thích khai sơn vào giai đoạn Lê trung hưng. Đối với vùng Bắc Ninh, chùa Bụt Mọc có lịch sử không dài, nhiều chùa ở đây có niên đại hơn nghìn năm. Một số ngôi chùa đã đi vào sử sách như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Hàm Long, chùa Đại Bi…

Theo Đại Nam Nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh ghi lại vài dòng về ngôi chùa như sau: “Chùa Bảo Quang ở phía đông bắc xã Lãm sơn huyện Quế Dương, đỉnh núi có viên đá đứng như hình người. Đời Lê Vĩnh Thịnh (1705-1719) thiền sư tên tự là Như Thông mới dựng chùa này (Như Thông, người huyện Yên Phong)” [1, tr. 111]. Theo Lãm sơn Bảo Quang tự Báo Ân tháp ký cho biết thiền sư Như Thích (1659-1723), húy là Thông, người quê thôn Phú Mẫn, Nội Trà, Yên Phong. Năm 58 tuổi, ngài mới xuất gia, học đạo với thiền sư Chân Nguyên Chính Giác (1647-1726). Sau một thời gian, ngài xin bản sư du phương. Xa nghe Lãm sơn, Quế Dương là một thắng địa, ngài bèn tìm đến. Lên lưng chừng núi thấy có một ngôi miếu hoang, trong miếu thờ khối đá hình giống tượng Phật (nơi đây gọi là Bụt Mọc) ngài bèn khởi kính, có ý lập chùa dừng chân hoằng hóa. Năm Canh Tý (1720), ý định đó chín muồi, ngài bỏ tiền, khuyến hóa thiện tín hương dân sáng lập chùa có tính chất qui mô, đặt nền tảng sơ khởi, an lập tên là Bảo Quang thiền tự.

Thông qua tư liệu văn bia có thể bổ sung cho Đại Nam nhất thống chí và đưa ra đầy đủ thông tin. Sau khi thiền sư viên tịch, thiền đệ Như Tùy kế đăng trụ trì, tiếp nối ý chí của thiền huynh, khai mở đạo tràng thuyết pháp, thí giới. Từ đây, Bảo Quang trở thành một điểm dừng chân của các tăng ni du phương về tham học. Dần dần, ngôi chùa phát triển thành một sơn môn lớn của cả vùng, bao gồm nhiều ngôi chùa cơ sở, có một quá trình truyền thừa liên tiếp. Các thế hệ trụ trì cùng chư tăng sơn môn đã đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo thời phong kiến. Đến khi Pháp trở lại Việt Nam, ngôi chùa đã bị tiêu hủy, các tháp tổ bị sụp đổ. Cách đây mười mấy năm, một ni sư đi ngang qua cảnh chùa, thấy cảnh hoang tàn đã động tâm trở về trùng kiến lại chùa cảnh.

Hiện nay, chùa Bảo Quang có khoảng hơn 40 ngôi tháp, các ngôi tháp này có niên đại từ Lê trung hưng đến Nguyễn, an táng nhiều thế hệ tăng ni thuộc sơn môn Bảo Quang. Bên phải ngôi cổ miếu có một hàng tháp trên cùng, trong đó đáng chú ý là tháp Tuệ Sơn. Tháp Tuệ Sơn gồm ba tầng, làm theo kiểu tứ giác, cách thông dụng trong các ngôi tháp ở Đồng bằng Bắc Bộ. Mặt đầu có văn bia đề “Tuệ Sơn tháp” cùng câu đối chạm khắc rất đẹp, xung quanh gắn ba bài văn bia ghi lại hành trạng thiền sư được an tàng trong ngôi tháp.

Đọc nội dung ba văn bia, chúng tôi nhận thấy ngôi tháp này không chỉ chứa nhục thân một thiền sư mà có cả hai vị. Văn bia ghi lại hai bảng tiểu sử của thiền sư Hải Thuần Hạo Hạo và thiền sư Hải Thân Khâm Khâm. Thông thường, chúng tôi nhận thấy có hai trường hợp xảy ra. Một là ngôi tháp thường an tàng xá lị nhục thân một thiền sư. Hai là có loại tháp Phổ Đồng, an táng nhiều hài cốt của các thiền sư. Tháp Tuệ Sơn lại không nằm trong hai trường hợp này, có thể đây là trường hợp đặc biệt chăng?

Trong lúc tìm hiểu hành trạng thiền sư Hải Khâm Thân Thân, chúng tôi đã viếng thăm các ngôi chùa có liên quan đến ngài cùng một số thư tịch. Lúc đầu khi đọc Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của hòa thượng Phúc Điền, chúng tôi cho ngài ghi chép sai nhưng khi kiểm tra tư liệu thì điều này không sai chút nào. Sau đây là đoạn trích dẫn tư liệu: “Chùa Linh Quang, viện Hội Ninh, Nội Trà, Bắc Ninh tôn Hòa thượng Tính Quảng ở Sầm sơn làm thủy tổ, truyền xuống đời thứ 2 Tuệ Sơn Hải Khâm tổ sư. Ngài người Thọ Vực, tỉnh Nam Định, họ Trịnh, thuở nhỏ xuất gia, 83 tuổi thị tịch. Truyền xuống đời thứ 3 Thiền Quang Tuệ Quang tổ sư, người Cẩm Đường, Bắc Ninh, họ Nguyễn, thuở nhỏ xuất gia, 87 tuổi thị tịch lúc đó năm Tự Đức 8 [1858] (Bính Thìn). Truyền xuống đời thứ 4 Tuệ Bản đại sư, 46 tuổi thị tịch. Tường Quang Tuệ Minh đại sư, 52 tuổi thị tịch, Nhất Như Đại Sư, Tuệ Đẩu đại sư” [2, tờ 25b-26a]

Tư liệu trên ghi lại thế hệ trụ trì chùa Linh Quang. Chùa này ở thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Điều chúng tôi chú ý là “Tuệ Sơn Hải Khâm tổ sư”. Có phải Tuệ Sơn mà Phúc Điền dùng có thể là vị thiền sư sau khi viên tịch được an táng trong tháp Tuệ Sơn không? Kiểm tra lại văn bia chùa Linh Quang, chúng tôi thấy một văn bia do thiền sư Tuệ Quang Thích Hoa Hoa có ghi lại tên vị thiền sư trên. Văn bia cho biết: “Bản sư Tuệ Sơn tháp sắc tứ tặng phong Chân Tâm hòa thượng Tuệ Kính Hạo Hạo Tuệ Nhãn Thân Thân hóa thân bồ tát”. Theo cách hiểu thông thường, chúng ta sẽ biết tên vị thiền sư. Như thế, có đúng ở trường hợp này chăng?

Theo Tiêu sơn Thiên Tâm cúng tổ khoa, phần đường thỉnh cung tiến các vị tổ sư có ghi: “Nam mô Tuệ Sơn tháp sắc tứ Chân Tâm hòa thượng pháp húy Hải Thuần hóa thân bồ tát” [3, tờ 12a]. Còn Ngự chế trùng tẩm Như Lai Ứng hiện đồ ghi lại: “Tuệ Sơn tháp sắc tứ Chân Tâm hòa thượng tỳ kheo Hải Thuần Tuệ Kính Hạo Hạo thiền sư. Tỳ kheo Tuệ Nhãn Thân Thân thiền sư” [4,]. Đối chiếu các tư liệu nhận thấy đây là hai vị thiền sư là Hải Thuần và Hải Khâm chứ không phải một người. Cách viết trong văn bia chùa Linh Quang ghi hợp hai tên thiền sư vào một, còn khoa cúng tổ chùa Tiêu chỉ cung tiến thiền sư Hải Thuần, người có quan hệ với các sư bản tự. Như Lai Ứng hiện đồ thì lại tách biệt ra. Điều này giúp chúng ta xác định và phân biệt rõ ràng hai thiền sư.

Thông qua sự nhận thức trên, chúng tôi đối chiếu lại tư liệu văn bia tháp Tuệ Sơn. Theo Tuệ Kính thiền sư sinh duyên thực lục ký cho biết thiền sư Hải Thuần Thích Hạo Hạo được sắc tứ Chân Tâm hòa thượng, người quê Vân Khám, Kinh Bắc. Sư họ Dương, sinh năm Đinh Hợi (1707). Thuở nhỏ xuất gia, lúc đầu học đạo với ngài Viên Thường, sau theo ngài Báo Đức.

Về thiền sư Hải Khâm, theo Thân Thân lực sinh bản sự ký tích cho biết thiền sư Hải Khâm Tuệ Nhãn trụ trì am Thụ Thụ, chùa Bảo Quang, người Thọ Vực, Sơn Nam. Sư sinh năm Mậu Thân (1728), họ Đặng, cha mẹ mất sớm. Năm Giáp Tuất (1754) ngài tròn 34 tuổi ngộ đạo xuất gia. Lúc đầu, sư qui tông với đại sĩ tháp Bồ Đề tức thiền sư Hải Lượng Tinh Tinh, xin làm thị giả chưa lâu thì bản sư viên tịch. Ngài sang chùa Long Động, núi Yên Tử thụ tỳ kheo giới với thiền sư Tính Đường. Ngài là người đứng in một số tác phẩm kinh điển và đề tựa vào sách. Trong quá trình hành đạo, sư còn được các sơn môn ủy giao soạn các văn bia tháp ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của các thiền sư. Các bài văn bia này cung cấp cho các nhà sử học Phật Giáo hiểu hơn về hệ truyền thừa cùng tông phái thiền. Khoảng đời Tây Sơn, thiền sư về trụ trì chùa Linh Quang, thôn Phú Mẫn lập ra viện Hội Ninh, thu nhận đồ chúng, chấn chỉnh thiền môn. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ phần ghi chép hệ truyền thừa chùa Linh Quang cho biết thiền sư thọ 83 tuổi, mà ngài sinh năm Giáp Tuất (1754), suy ra năm tịch là năm 1810. Như thế, thiền sư viên tịch trong niên hiệu Gia Long, đầu triều Nguyễn. Có thể, khi viên tịch, theo tâm nguyện của thầy, các đệ tử mang xá lị của thầy an táng trong tháp Tuệ Sơn cùng với thiền sư Hải Thuần. Lúc này, ngôi tháp Tuệ Sơn lại được xây dựng lại một cách khang trang, có ghi lại các văn bia lưu truyền hành trạng hai vị thiền sư.

Thông qua hiện tượng tháp Tuệ Sơn, chúng ta nhận thấy đây là một hiện tượng khác biệt. Thông thường, các thiền sư an tàng cùng một tháp thì đặt tên là tháp Phổ Đồng. Nhưng hiện tượng này lại khác, hai thiền sư cùng một thời, được an trí xá lị vào một tháp, đặt tên là Tuệ Sơn. Chúng tôi suy ra, thiền sư Hải Thuần viên tịch trước, được đồ chúng lập tháp, đặt tên là Tuệ Sơn. Sau một thời gian, thiền sư Hải Khâm viên tịch và có thể theo ý thầy, các học trò không lập tháp mới mà lại đưa phần xá lị của thiền sư Hải Khâm vào ngôi tháp cũ, sau đó trùng tu lại ngôi tháp này, còn lập văn bia ghi lại hành trạng thiền sư. Điều này có thể xảy ra theo chiều hướng đó. Như thế, hiện tượng tháp Tuệ Sơn là một hiện tượng đặc biệt, ít thấy trong các ngôi chùa thuộc đồng bằng bắc bộ. Chúng tôi trình bày nơi này một lí giải và công bố tiểu sử của hai vị thiền sư nhằm ghi lại một thông tin không kém phần quan trọng.

Tài liệu tham khảo

Đại Nam nhất thống chí, tập IV, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội, H. 1971.

Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, Phúc Điền biên soạn, Tủ sách Pháp Đăng.

Tiêu sơn Thiên Tâm cúng tổ khoa, bản chép, do Tịnh Từ soạn năm Tự Đức 3, Viện nghiên cứu hán nôm, kí hiệu A. 2025.

Ngự chế trùng tẩm Như Lai Ứng hiện đồ, bản in năm Minh Mệnh 13 (1832) do sa môn Phổ Hòa, chùa Bảo Quang đứng in. Bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Văn bia Lãm sơn Bảo Quang tự Báo Ân tháp ký, sa môn Tính Quảng soạn, Cảnh Hưng 24 (1763), thác bản Tủ sách Pháp Đăng.

Văn bia Tuệ Sơn tháp ký, Thân Thân thiền nạp soạn, Cảnh Hưng 45 (1784), thác bản Tủ sách Pháp Đăng.

Văn bia Thân Thân lực sinh bản sự ký tích, thác bản Tủ sách Pháp Đăng.

Văn bia Tuệ Kính thiền sư sinh duyên thực lục ký, thác bản Tủ sách Pháp Đăng.

Ngô Quốc Trưởng
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr34, 2009]