Ý nghĩa và lợi ích của Đại bi chú

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong nghi thức truyền thống Phật giáo Bắc tông thường có Đại bi chú. Tùy theo thời gian và tầm quan trọng của buổi lễ mà số lần cử hành một hoặc ba hoặc nhiều hơn. Hiện nay, Đại bi chú không giới hạn trong nghi thức hằng ngày ở các tự viện, tại gia mà đã phát triển rộng rãi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đạo tràng chuyên thọ trì Đại bi chú. Dù phát triển thế nào, ý nghĩa và lợi ích căn bản của Đại bi chú vẫn không thay đổi.


Đại bi chú (大悲咒) hay Đại bi Đà-la-ni (Mahā Karuṇā Dhāranī) thường được sử dụng là phần chính trong Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni kinh. Đại bi chú có 84 câu, trừ câu “ta ra ta ra” (chỉ cho ngũ trước ác thế) ra, còn lại đều là pháp tướng của đức Quán Thế Âm hiển thị hóa độ chúng sanh. Tuy câu cú có chỗ trùng điệp nhưng mỗi câu hiển thị một hành tướng riêng của Bồ-tát. Vì thế, thần chú này được xem là  có tác dụng rất nhiệm mầu. Đại bi chú còn có các tên khác như: Mãn nguyện đà-la-ni, Tùy tâm tự tại đà-la-ni, Tốc siêu thập địa đà-la-ni.

Còn danh xưng “Thiên thủ thiên nhãn” là do thệ nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm từ trong quá khứ. Vào thời đức Thiên Quang Tịnh Trụ Như Lai trụ thế, đức Phật đã nói thần chú Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi đà-la-ni cho Bồ-tát nghe và dạy rằng: “Này thiện nam tử! Ngươi nên thọ trì tâm chú này để làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh ở thời đại bất an trong tương lai”. Nghe xong, Bồ-tát từ quả vị sơ địa (hoan hỷ địa) liền chứng bát địa (bất động địa). Bấy giờ, Bồ-tát phát nguyện: “Nếu đời sau tôi có thể làm lợi lạc chúng sanh thì hãy khiến cho thân tôi có ngàn tay ngàn mắt”. Phát nguyện như vậy xong thì trên thân liền xuất hiện ngàn tay ngàn mắt, làm chấn động trời đất; chư Phật trong mười phương đồng phóng vô số ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới để chúng sanh thấy biết chiêm ngưỡng.

Đại bi chú ngày nay đang thọ trì được có duyên khởi nhờ đức Quán Thế Âm thỉnh đức Thích-ca cho phép nói ra giữa chúng hội tại đạo tràng Bảo trang nghiêm, để mọi người trì tụng nhằm giúp cho thân tâm an lạc, không bệnh tật, tuổi thọ tăng lên, được nhiều phước đức, dứt trừ các tội ác và cầu mong được như ý.

Công năng của Đại bi chú vi diệu thù thắng, không thể tính kể. Đức Quán Thế Âm từng thệ nguyện trước đức Phật Thích-ca rằng, “nếu có trời người thành tâm niệm tên của con, niệm danh hiệu của đức A-di-đà Như Lai và tụng thần chú đà-la-ni này, chỉ trong một đêm có thể tụng năm biến thì có thể tiêu trừ trăm ngàn ức kiếp tội luân hồi sanh tử. Nếu trời người trì tụng chú đại bi thì lúc lâm chung sẽ được mười phương chư Phật đưa tay tiếp dẫn và vãng sanh về bất cứ nước Phật nào người đó muốn. Nếu trời người thọ trì Đại bi tâm chú thì được sanh vào nơi có mười lăm điều lành và không bị chết bởi mười lăm nạn dữ”.

Mười lăm điều lành đó là:
1.    Được sống ở nơi có vị lãnh đạo anh minh
2.    Thường sống ở đất nước thịnh trị
3.    Thường gặp may mắn
4.    Thường gặp bạn lành
5.    Thân thể đầy đủ
6.    Đạo tâm thuần khiết
7.    Không phạm tịnh giới
8.    Có được quyến thuộc ân nghĩa thuận hòa
9.    Tài sản ruộng vườn thường được đầy đủ
10.    Thường được người khác kính trọng bảo vệ
11.    Của cải có được không bị người khác cướp dật
12.    Mong muốn điều gì cũng được vừa ý
13.    Long thiên, thiện thần thường theo hộ vệ
14.    Được sinh những nơi thấy Phật, nghe pháp
15.    Nghe được chánh pháp, hiểu rõ nghĩa mầu

Và mười lăm nạn dữ là:
1.    Không bị đói khát khốn khổ chết
2.    Không bị xiềng trói đánh đập chết
3.    Không bị oan gia trả thù chết
4.    Không bị quân trận đánh nhau chết
5.    Không bị cọp sói ác thú hại chết
6.    Không bị rắn độc bò cạp cắn chết
7.    Không bị chết cháy chết chìm
8.    Không bị trúng thuốc độc chết
9.    Không bị trùng độc hại chết
10.    Không bị cuồng loạn thất niệm chết
11.    Không bị rớt từ trên cây và bờ bến xuống chết
12.    Không bị người xấu dùng tà thuật hại chết
13.    Không bị tà thần ác quỷ lợi dụng chết
14.    Không bị bệnh nan y chết
15.    Không bị tai nạn, tự hại chết

Đại bi chú không chỉ diệt trừ tất cả tai nạn, bệnh khổ mà còn có thể thành tựu tất cả thiện pháp, xa lìa mọi sợ hãi, tiêu trừ tội nặng trong nhiều kiếp và lúc lâm chung sẽ được mười phương chư Phật đưa tay thọ ký vãng sanh về Tịnh độ, dù chúng sanh bị trầm luân trong ba đường dữ cũng có thể siêu việt sanh tử, sanh về nước Phật, được biện tài vô ngại, như ý, đồng chứng quả Phật.

Dù ước nguyện thế nào, yêu cầu trước tiên đối với người thọ trì Đại bi chú là phải có niềm tin nơi chú này, cung kính và giữ gìn giới đã thọ trong sạch thì mới có thể hòa cùng tâm đại bi của Bồ-tát, mới đạt được lợi ích cao quý.

Lợi ích của việc trì tụng Đại bi chú có thể tóm tắt thành mười loại sau đây:
1.    Thường được an lạc
2.    Trừ tất cả bệnh
3.    Thêm dài tuổi thọ
4.    Thường được giàu có
5.    Diệt trừ tất cả ác nghiệp trọng tội
6.    Tránh được chướng nạn
7.    Tăng trưởng công đức lành
8.    Hoàn toàn không sợ hãi
9.    Được tất cả thiện căn
10.    Khi lâm chung được sanh về bất kỳ Phật độ nào tùy theo ước nguyện.

Với ý nghĩa và lợi ích của việc thọ trì Đại bi chú được trình bày đại lược như trên, nhưng muốn có bài chú chính thống để thọ trì không dễ dàng vì các bản có sự khác nhau về chương cú và số câu giữa các bản dịch bằng tiếng Hoa, Hàn, Nhật. Ngay cả các bản Phạn cũng có sự khác biệt. Dù vậy, hiệu quả của Đại bi chú không lệ thuộc vào việc sử dụng bản nào để thọ trì mà hoàn toàn phụ thuộc vào tín tâm và chuyên niệm của hành giả.

Xin giới thiệu tiêu biểu một số bản Hán dịch sau để người thọ trì tham khảo: 
- Thanh Cảnh Quán Tự Tại Bồ-tát tâm Đà-la-ni kinh (青頸觀自在菩薩心陀羅尼經 T20 No.1111), ngài Bất Không Kim Cương (Amoghavajra) dịch.
- Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà-la-ni Chú Bổn (千手千眼觀自在菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼咒本 T20 No.1061), ngài Kim Cương Trí dịch.
- Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Quán Thế Âm Tự Tại Vương Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Tự Tại Thanh Cảnh Đại Bi Tâm Đà La Ni (大慈大悲救苦觀世音自在王菩薩廣大圓滿無礙自在青頸大悲心陀羅尼 T20 No.1113B), ngài Bất Không Kim Cương dịch.
- Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni (千手千眼觀世音菩薩大悲心陀羅尼 T20 No. 1064), ngài Bất Không Kim Cương dịch.
- Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni kinh (千手千眼觀世音菩薩廣大圓滿無礙大悲心陀羅尼經 T20 No. 1060), ngài Bạc-già-phạm-đạt-ma (Bhagavaddharma) dịch.

Đại bi chú bản Hán-Việt:
Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a lị da bà lô kiết đế thước bát ra da. Bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tát đỏa bà da. Ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông, a lị da bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì, hê lị ma ha bàn đà sa mế. Tát bà a tha đậu thâu bằng a thệ dựng, tát bà tát đá, na ma bà dà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê lô ca đế, ca ra đế, di hê lị. Ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê lị đà dựng. Câu lô câu lô kiết mông. Độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xa da đế. Đà ra đà ra địa ri ni, thất phật ra da. Giá ra giá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ. Y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm. Phật ra xá da. Hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị. Ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô. Bồ đề dạ bồ đề dạ, bồ đà dạ bồ đà dạ. Di đế rị dạ. Na ra cẩn trì địa rị sắc ni na. Ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ ta bà ha, Ma ha tất đà dạ ta bà ha, Tất đà du nghệ thất bàn ra da, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khư da ta bà ha, ta bà ma ha a tất đà dạ ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng kiết ra dạ, ta bà ha. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a lị da bà lô kiết đế, thước bàn ra dạ ta bà ha. Án tất điện đô mạn đa ra bạt đà dạ, ta bà ha.

Đại bi chú bản tiếng Phạn:
Namo ratna-trayāya Namo āriyā-valokite-śvarāya Bodhi-sattvāya Maha-sattvāya Mahā-kārunikāya Om sarva-raviye sudhanadasya Namo skritvā imam āryā-valotite-śvara ramdhava Namo narakindi hrih Mahā-vat-svāme Sarva-arthato-śubham ajeyam Sarva-sat Namo-vasat Namo-vāka mavitāto Tadyathā Om avaloki-lokate-krate-e-hrih Mahā-bodhisattva Sarva sarva Mala mala Mahi Mahi ridayam Kuru kuru karmam Dhuru dhuru vijayate Mahā-vijayati Dhara dhara dhrini śvarāya cala cala Mama vimala muktele Ehi ehi śina śina ārsam prasari viśva viśvam prasaya Hulu hulu mara Hulu hulu hrih Sara sara siri siri suru suru Bodhiya Bodhiya Bodhaya Bodhaya Maitreya narakindi dhrish-nina bhayamana svāhā Siddhāya svāhā Maha siddhāya svāhā Siddha-yoge-śvaraya svāhā Narakindi svāhā Māranara svāhā śira simha-mukhāya svāhā Sarva mahā-asiddhaya svāhā Cakra-asiddhāya svāhā Padma-kastāya svāhā Narakindi-vagalāya svaha Mavari-śankharāya svāhā Namo ratna-trāyāya Namo āryā-valokite-śvaraya svāhā Om Sidhyantu mantra padāya svāhā.

Ngoài ra, Đại bi chú còn nhiều bản tiếng Hoa, Nhật, Hàn, v.v… và các bản Phạn khác chưa được trình bày ở đây. Người đọc có thể tìm xem thêm và tìm nghe Đại bi chú được phổ nhạc bằng nhiều thứ tiếng trên Internet để làm phong phú cuộc sống tu học…

Nguồn tham khảo:
-    Ý nghĩa và nghi thức trì chú đại bi, HT. Thích Trí Thủ
-    Bách độ bách khoa (baidu)
-    Đại chánh tạng (cbeta)
-    Bách khoa toàn thư mở (wikipedia)

Hương sơn
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr11, 2009]