Con trâu trong Phật pháp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đạo Phật dạy người Phật tử cách điều phục Tâm của mình cho nên Tâm được ví với con Trâu hoang và sự điều Tâm tức là làm thế nào để “cột trâu”. Người nông phu muốn trị con trâu, phải dùng roi vọt, cũng như muốn điều phục Tâm mình, người Phật tử chúng ta phải quy y, giữ giới, phát tâm Bồ-đề, v.v...

 

Kính thưa quí vị và các bạn,

Nhân mùa Xuân Kỷ Sửu sắp về, chúng ta sẽ cùng nhau nói chuyện “Con Trâu trong Phật pháp.” 

Trước hết, xin giới thiệu đến quí vị và các bạn những câu hỏi đáp của các bậc đại sư, câu nào cũng dính dáng tới “con trâu” được trích từ “Truyền Đăng Lục”:

Phước Châu Đại An hỏi:
- Tôi khao khát hiểu pháp Phật, đó như cái gì?
Bách Trượng đáp:
- Hệt như cỡi trâu tìm trâu

**
Hỏi: Hiểu rồi thì như thế nào?
Đáp: như người cỡi trâu về nhà

**
Hỏi: Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp?
Đáp: Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình đừng phạm đến lúa mạ của người.

*
Kính thưa quí vị và các bạn,

Đạo Phật dạy người Phật tử cách điều phục Tâm của mình cho nên Tâm được ví với con Trâu hoang và sự điều Tâm tức là làm thế nào để “cột trâu”. Người nông phu muốn trị con trâu, phải dùng roi vọt, cũng như muốn điều phục Tâm mình, người Phật tử chúng ta phải quy y, giữ giới, phát tâm Bồ-đề, v.v... Chương trình tu học Phật pháp của hàng huynh trưởng GĐPT có hai tài liệu liên hệ sự huấn luyện Tâm với phép Chăn Trâu, đó là kinh Di giáo và Thập mục ngưu đồ (10 bức Tranh Chăn Trâu). Trước khi mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc nói chuyện của các huynh trưởng quen thuộc A, B và C về đề tài Phật pháp này, xin kính chúc quí vị và các bạn cùng gia đình hưởng một mùa Xuân Di Lặc hoan hỷ.

A: Chào các bạn! Đề tài sinh hoạt của chúng ta hôm nay là gì?
B: Là kinh Di giáo và Thập mục ngưu đồ, tức 10 bức tranh chăn Trâu.
C: Mình nghĩ rằng đó là cách huấn luyện Tâm của mình để cho nó đừng quen cái thói “tâm viên ý mã”.
A: Hiểu rồi, như vậy mình bắt đầu nha! Các bạn có biết đức Phật dạy cái này cho ai không?
B: Thì trước hết là dạy cho các tỳ-kheo đệ tử của Ngài, sau là dạy cho hàng Phật tử chúng mình chứ ai nữa!
C: Mình biết bạn A muốn nói là Phật dạy pháp chăn trâu trong kinh nào phải không? Kinh Phóng ngưu hay Mục ngưu đó!
A: Phải rồi, chúng ta đi vào chi tiết nha: trong kinh Phóng ngưu, đức Phật dạy về nghệ thuật chăn trâu, hay điều phục Tâm. Ngài cho biết người khất sĩ giỏi là người phải biết và phải làm những điều một người mục đồng hay một em bé chăn trâu phải làm, các bạn có nhớ là mấy điều không?
B: Hình như là 10 hay 11 điều gì đó, thì chúng ta cứ kể ra là xong ngay, mình kể trước và chúng ta luân phiên kể nha! Nếu người mục đồng nhận ra được trâu của mình thì người tu hành cũng phải biết nhận ra những yếu tố tạo nên sắc thân của mình.
C: Nếu người mục đồng nhận diện được con Trâu của mình trong đàn trâu thì người xuất gia cũng phải nhận diện được những hành động nào của thân, miệng, ý là thiện, nên làm và những hành động nào là bất thiện, không nên làm.
A: Nếu người mục đồng biết tắm rửa cho Trâu thì người xuất gia cũng phải biết gột rửa khỏi thân tâm mình những tham dục, sân hận, và si mê.
B: Nếu người mục đồng biết chăm sóc các vết thương của Trâu thì người xuất gia cũng phải biết hộ trì sáu căn của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc với sáu trần, để sáu trần không thể lung lạc được.
C: Nếu người mục đồng biết cách un khói lên để Trâu khỏi bị muỗi đốt thì người xuất gia cũng phải biết đem giáo lý giải thoát dạy cho những người chung quanh mình để họ tránh được những khổ đau phiền muộn.
A: Nếu người mục đồng biết tìm đường đi an toàn cho Trâu thì người xuất gia cũng phải biết tránh những con đường dẫn tới danh lợi, sắc dục, quán rượu, hý  trường…
B: Nếu người mục đồng biết thương yêu Trâu thì nguời xuất gia cũng phải biết quí trọng những niềm an lạc do thiền định đem tới.
C: Nếu người mục đồng biết tìm bến tốt cho Trâu qua sông thì người xuất gia cũng phải biết nương vào bốn chân lý cao thượng để đến bến bờ giải thoát.
A: Nếu người mục đồng biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho Trâu thì người xuất gia cũng phải biết Tứ niệm xứ là mảnh đất tốt nhất để đi đến giải thoát.
B: Nếu người mục đồng biết bảo trì những vùng thả Trâu không làm tổn hại môi trường nuôi Trâu thì người xuất gia cũng phải cẩn trọng trong việc giao tiếp với quần chúng và thu nhận cúng dường.
C: Nếu người mục đồng biết dùng những con Trâu lớn làm gương cho những con Trâu con thì người xuất gia cũng phải biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của những bậc Thầy đi trước.
A: Nếu người mục đồng không biết cách trị những vết thương bị nhiễm trùng của Trâu thì Trâu có thể lên cơn sốt rồi lăn ra chết. Cũng vậy, sự tu học của người xuất gia nếu không đi theo Chánh đạo thì cũng sẽ bị các độc tố tham, sân, si phá hoại toàn bộ sự nghiệp tu hành của mình.
B: Như vậy là ACE mình đã kể ra được 12 điều mà người xuất gia có thể bắt chước người mục đồng nhưng không phải để chăn trâu ngoài đồng cỏ mà chính là chăn con Trâu (Tâm) trong lòng mình.
C: Vậy còn “phép chăn Trâu” được vẽ thành 10 bức họa gọi là “Thập mục ngưu đồ”  (TMNĐ) là như thế nào hở các bạn?
A: Cũng vậy, ở đây con Trâu chính là cái Tâm hoang sơ và “chăn Trâu” tức là phương pháp  “hàng phục vọng Tâm và an trụ chơn Tâm” như câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề trong kinh Kim-cang thôi. TMNĐ là bộ tranh vẽ lại quá trình tu tập công phu của người học Đạo từ khi chiến thắng bản năng mình, rồi thanh lọc Tâm để cuối cùng đến được sự tự tại vô ngại.
B: Để mình nói rõ hơn một chút nha: Thật ra có nhiều bộ Tranh lắm, của nhiều tác giả, nhưng có thể xếp vào hai loại: Tranh theo khuynh hướng Đại thừa và tranh theo khuynh hướng Thiền tông.
C: Vậy bạn A nói cho mình nghe về tranh TMNĐ theo khuynh hướng Đại thừa còn bạn B sẽ nói về tranh TMNĐ theo khuynh hướng Thiền tông nha! Mình thật lờ mờ về 10 bức tranh TMNĐ này.
A: Tranh loại nào cũng có 10 bức họa, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ bốn câu và một bài chú giải bằng văn xuôi. Tranh Đại thừa thì vẽ con Trâu Đen, lần lượt qua các bức họa, Trâu đen trở thành trắng dần dần, trắng từ đầu dần đến mình rồi cuối cùng trắng đến chót đuôi. Đó là tượng trưng cho phép tu Tiệm, nghĩa là nhờ công phu tu tập lâu ngày đi lần tiến lên từng bậc thang giác ngộ.
B: Tranh Thiền tông thì có loại vẽ Trâu trắng, có loại vẽ Trâu đen; nhưng dù trắng hay đen, con Trâu trong tranh Thiền vẫn giữ một màu đó xuyên qua những giai đoạn biến chuyển; đó là pháp tu Đốn. Đốn giáo dạy rằng thành Phật là thành ở nội Tâm, thành ngay tức khắc chứ không thành Phật từ từ, đó là hai quan điểm khác nhau của hai bộ Tranh TMNĐ Đại thừa và Thiền tông.
C: Bạn A có thể cho xem bảng đối chiếu hai loại Tranh Đại thừa và Thiền tông?
A: Mình ghi ra đây cho bạn coi nha:

Tranh Đại Thừa             Tranh Thiền Tông
1. Chưa Chăn            1. Tìm Trâu
2. Mới Chăn            2. Thấy dấu
3. Chịu phé                3. Thấy Trâu
4. Quay đầu            4. Được Trâu
5. Vâng chịu            5. Chăn Trâu
6. Không ngại            6. Cỡi Trâu về nhà
7. Tha hồ                7. Quên Trâu còn người
8. Cùng quên            8. Người Trâu đều quên
9. Soi riêng                9. Trở về nguồn cội
10. Dứt cả hai            10. Thỏng tay vào chợ.

B: Đối với tranh Đại thừa, bốn bức đầu là giai đoạn của Giới, tiếp theo là Định; Tâm định là hết ngã chấp nhưng còn Pháp chấp. Ngang đây là phần tu chứng của hàng Tiểu thừa (chư vị Thanh văn và Duyên giác) được diễn đạt bằng hai bức tranh 6 và 7; tiếp theo là cảnh giới của Bồ-tát (hai bức tranh  8 và 9). Cuối cùng là vào cảnh giới Phật, viên dung vô ngại không còn gì để nói, được diễn đạt bằng một vòng tròn (số 10).
C: Nhưng bên phía tranh Thiền tông thì bức tranh “Cùng quên” cũng được vẽ bằng một vòng tròn mà chưa kết thúc, đó chưa phải là cảnh giới Như Lai sao?
A: Bạn quên rằng mục tiêu của Thiền không phải là vào Niết-bàn mà là “thỏng tay vào chợ”, nghĩa là phải đạt đến cảnh giới “hoa sen trong bùn” hay “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” giống như ngài Duy-ma-cật vậy đó.
B: Đúng vậy, nhờ đó chúng ta thấy rằng chúng sanh lang thang như chú mục đồng đi tìm Trâu mà không thấy dấu vết; còn Bồ-tát cũng lang thang trong chốn bụi đời nhưng an nhiên tự tại và không bị nhiễm ô, như mục đồng đã xong việc, thỏng tay vào chợ rong chơi.
C: Vậy còn kinh Di giáo cũng có nói về Chăn Trâu phải không?
A: Kinh Di giáo thì có một đoạn đức Phật dạy các vị tỳ-kheo như thế này: “Các ông phải canh giữ Tâm của mình y như chăn Trâu, luôn cầm roi canh chừng, không để cho nó có cơ hội buông lung phạm vào lúa mạ của người ta.” Ngoài ra trong kinh đức Phật còn dạy rất nhiều phương pháp thanh lọc, huấn luyện  Tâm, v.v... khác nữa.
B: Vậy là chúng ta cũng đã nói được nhiều về con Trâu đối với việc tu tập rồi phải không?
C: Phải rồi, rất cảm ơn các Bạn nhân dịp Xuân về mà cho mình biết về Thập mục ngưu đồ, lâu nay nghe hoài mà chưa được thấy, bữa nay vừa được thấy vừa được nghe.
A: Nhưng sự hiểu biết của chúng mình còn non yếu lắm, chúng ta cần phải học thêm nhiều nữa mới hiểu được 10 bức Tranh Chăn Trâu một cách sâu sắc.
B: Đồng ý, vì công việc hằng ngày của chúng ta không phải là đang chăn trâu hay sao?
C: Đúng vậy, Phật pháp thật rất quí vì đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy có rất mhiều lợi ích cho mình và cho mọi người chung quanh
A: Như vậy là tốt rồi, nhập gia tùy tục! Sắp đến New Year, mình làm như mọi người, chúc các bạn và gia đình  Happy New Year 2009 nha! Tạm biệt!
B và C:  Happy New Year! Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 59, tr62, 2009]