“Xã hội hóa” hoạt động truyền hình và bước đi cần thiết của Phật giáo...

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Không những đây là thời cơ, mà đồng thời nó còn là thách thức đối với Phật giáo Việt Nam.


TỪ MỘT BẢN TIN TRÊN BÁO DÂN TRÍ

Báo Dân Trí điện tử, thứ hai ngày 12/05/2008 – 8:56 AM, có đăng một tin khá bất ngờ:
“Sóc Trăng: Truyền hình tà đạo qua vệ tinh” (Dân Trí).

Vụ việc xảy ra vào ngày 10/05, khi lực lượng nghiệp vụ - Công an tỉnh Sóc Trăng phát hiện một số đối tượng sử dụng thiết bị thu từ vệ tinh trái phép để thu chương trình truyền hình “Thanh Hải Vô thượng sư”.

Thông tin ban đầu cho biết: ngày 10/05, công an tỉnh Sóc Trăng đã bắt quả tang một số đối tượng sử dụng bộ giải mã tín hiệu thu từ vệ tinh (dùng để thu chương trình đài truyền hình Thanh Hải Vô thượng sư trái phép) tại ấp An Ninh, xã An Lạc, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Lực lượng chức năng tạm giữ hai bộ giải mã tín hiệu từ vệ tinh, 03 tivi, 03 đầu đĩa và một số ảnh tài liệu tuyên truyền đạo Thanh Hải […]

Cơ quan CSĐT đã tạm giữ, phân loại xử lý 51 người, trong đó có 28 người trong tỉnh, 23 người ngoài tỉnh “Thanh Hóa”

“Đạo” Thanh Hải vô thượng sư đã có đài truyền hình riêng, phát qua vệ tinh và internet từ lâu, nhưng chúng tôi không dám đề cập đến, vì e là lại đi giới thiệu cho đài này chăng! Nay khi báo điện tử Dân Trí đã đưa tin rộng rãi về sự việc có người xem, nên chúng tôi mới đặt vấn đề.

Nhưng thật ra, đài truyền hình Thanh Hải vô thượng sư đã tự quảng cáo cho họ tại Việt Nam từ lâu, bằng nhiều hình thức như:

Thông báo tại các quán ăn chay do tín đồ đạo này mở ra làm điểm thông tin cho việc truyền đạo của họ.

Phát tờ rơi cổ động việc ăn chay và trang web liên hệ việc ăn chay. Vào trang web này sẽ có chỉ dẫn tường tận về việc thu đài truyền hình của Thanh Hải vô thượng sư.

Đăng quảng cáo cổ động việc ăn chay có trang web liên hệ trên báo chí, tương tự như trên.

Đó là các hoạt động giới thiệu đài truyền hình Thanh Hải vô thượng sư ở mặt công khai. Còn việc giới thiệu ngầm kiểu ủ tai, gởi thư riêng… thì không thể kể xiết.

Báo điện tử Dân Trí đưa tin có đến 51 người liên hệ đến vụ việc xem đài truyền hình Thanh Hải vô thượng sư, nghĩa là đây là một vụ xem tập thể. Nếu là thu cá nhân thì chắc chắn khó mà phát hiện và chắc chắn hiện tại số người thu xem cá nhân cũng không phải nhỏ, vì chi phí cho thiết bị thu nhập từ Trung Quốc giá chỉ khoảng 500000 đồng!

ĐẾN THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CHO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Nói thách thức là vì “tà đạo” đã có đài truyền hình riêng phát sóng toàn thế giới bằng tiếng Việt, đã có khán giả trong nước tiếp cận. Trong khi đó, “chánh đạo” lại chưa sử dụng đến phương tiện truyền thông có hiệu quả là truyền hình quảng bá (broadcast) trong việc hoằng pháp. “Đạo” Thanh Hải đang trong thế phân hóa tín đồ của đạo Phật vào con đường riêng. Việc đài truyền hình của họ phủ sóng toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ đưa đến hậu quả khó lường. Họ tập trung một số người đông đảo như thế để xem đài không phải vì tín đồ của họ không có phương tiện thu sóng riêng, mà chúng tôi nghĩ là họ đang dùng truyền hình để hành lễ tập thể, mà vị chủ lễ đang ngồi trong phim trường truyền hình tại Mỹ để chủ trì cuộc lễ đối với tín đồ trên toàn thế giới.

Như vậy, việc Phật giáo Việt Nam có cần thiết phải có một kênh truyền hình riêng không còn là chuyện để lựa chọn hay không nữa mà nó đã chuyển sang một thách thức. Phật giáo Việt Nam không thể không có một kênh truyền hình riêng và hơn thế nữa, không thể có chậm hơn được nữa, vì tình thế đã trở nên cấp bách.

“Đạo” Thanh Hải vô thượng sư không được phép hoạt động tại Việt Nam. Nhưng với phương tiện truyền hình vệ tinh, một loại công nghệ truyền hình không biên giới thì hoạt động của đạo này có thể có mặt 24/24 trên màn hình Tivi của mỗi hộ gia đình. Từ đó, có thể gặm nhấm từng mảng tín đồ Phật giáo.

Nếu trước đây chỉ một vài năm mà đặt vấn đề Phật giáo Việt Nam có kênh truyền hình riêng thì quả là nói chuyện chiêm bao. Nhưng hiện nay, với chủ trương xã hội hóa hoạt động truyền hình, thì khả năng Phật giáo Việt Nam có kênh truyền hình riêng, phủ sóng toàn quốc và ra cả nước ngoài đã là trong tầm tay.

Qua thực tế, chúng ta thấy hoạt động xã hội hóa truyền hình đang phát triển mạnh. Trước đây, hoạt động truyền hình chỉ là một hoạt động giới hạn trong chỉ các đài Trung ương và địa phương, thì nay hoạt động đó đã được mở rộng. Trước tiên là công ty doanh nghiệp nhà nước cũng có đài truyền hình như hệ thống truyền hình kỹ thuật số của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện Việt Nam VTC, có đến 26 kênh phát toàn quốc, trong đó có 41 kênh do VTC thực hiện chương trình.

Xã hội hóa được hiểu là các đài truyền hình có thể liên kết với tư nhân trong hoạt động truyền hình, trong đó nhà nước giữ vai trò chính yếu, chủ động và kiểm soát. Tư nhân, đoàn thể, doanh nghiệp có thể tham gia ở một số công đoạn hoạt động truyền hình. Điều này đang diễn ra trong thực tế và sắp tới sẽ được luật hóa (có thể tham khảo dự thảo luật Báo chí sắp đệ trình Quốc hội). Chúng ta có thể hình dung hoạt động truyền hình như hoạt động xuất bản, nơi tư nhân đã tham gia liên kết, hoạt động xã hội hóa đã diễn ra mạnh mẽ gần 20 năm qua. Tất cả kinh điển và những tác phẩm trước tác, dịch thuật của Phật giáo Việt Nam đều được xuất bản bằng phương thức liên kết trong hoạt động xã hội hóa này. Nay phương thức liên kết, xã hội hóa như trên đã phát triển đến lãnh vực truyền hình.

Xã hội hóa hoạt động truyền hình là hoạt động toàn phần hay cũng có thể là hoạt động bộ phận.

Ở hoạt động cấp bộ phận, Phật giáo chúng ta đã tham gia liên kết thực hiện các chương trình truyền hình, đóng góp kinh phí thực hiện các chương trình truyền hình vào dịp Phật đản hàng năm, nhận được sự tài trợ từ các doanh nghiệp. Chương trình được phát sóng trên các kênh Trung ương và địa phương. Chương trình vẫn do ê kíp kỹ thuật của các đài thực hiện. Phía Phật giáo phụ trách nội dung. Cấp xã hội hóa này rất phổ biến.

Cấp xã hội hóa truyền hình thứ hai trong thực tế là cấp chương trình do các đơn vị doanh nghiệp, công ty truyền thông tư nhân thực hiện, đài truyền hình duyệt nội dung và phát sóng theo những hình thức liên kết thích hợp trong hoạt động quảng cáo. Nhờ phương thức xã hội hóa này mà phim truyện Việt Nam được trình chiếu với thời lượng ngày càng gia tăng trên các kênh truyền hình trong nước. Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa có hình thức liên kết này với các đài truyền hình.

Cấp độ xã hội thứ ba, toàn phần, là các đài truyền hình liên kết không hơn đơn vị chương trình, mà trên đơn vị kênh sóng. Trên các mạng truyền hình cáp, truyền hình số và cả trên hệ truyền hình quảng bá analog cũng đã có các kênh xã hội hóa (Today Tivi, Let’s Viet, SNTV…), công ty truyền thông tư nhân thực hiện. Các kênh truyền hình xã hội hóa đang trên đà gia tăng. Theo chúng tôi, đây là hình thức mà Phật giáo Việt Nam có thể tham gia để ra đời kênh truyền hình riêng của Phật giáo Việt Nam. Các chùa có khả năng nên tính ngay đến hướng phát triển này.

Cũng cần thấy rằng một số đơn vị tư nhân cũng đã liên kết với đài truyền hình đưa các chương trình Yoga lên sóng truyền hình.

Về phía các đài truyền hình, việc thực hiện các chương trình Phật giáo đã là chuyện quen thuộc, nhất là trong dịp Đại lễ Vesak 2008, Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn…

Nếu các chùa có bộ phận chuyên trách, thì việc đẩy mạnh liên kết, thực hiện kênh truyền hình Phật giáo theo phương thức xã hội hóa là điều trong tầm tay chúng ta.

Vấn đề đặt ra từ thực tế không cho phép chúng ta chậm trễ được nữa trong việc hoằng pháp bằng phương tiện truyền hình. Chắc chắn Phật giáo chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và tích cực từ các đài truyền hình. Vì ngoài mong muốn liên kết phát triển các kênh xã hội hóa, mang lại nguồn thu và sự phong phú đối với các kênh truyền hình, chắc chắn không ai muốn thấy việc chỉ có đài truyền hình “tà đạo” phát đi toàn thế giới mà không có một đối trọng.

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 59, tr56, 2009]