Dòng họ Thích-ca - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Khi sinh ra và lớn lên trong cuộc đời này mỗi người đều mang trong mình một huyết thống mà tổ tiên bao đời đã hun đúc, giữ gìn và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Có những người đã quên mất nguồn cội, để đời mình trôi theo cuộc thế thịnh suy, lại có kẻ không tiếp nối, thực hiện được những gì mà tổ tiên mình đã trông mong, kỳ vọng, nhưng cũng có những bậc hiền nhân đã kế thừa xứng đáng truyền thống đạo lý cao quý của tổ tiên mình, đã sống một cuộc đời ngời sáng và đã mang lại cho đời một niềm an lạc vô biên mà bao thế hệ sau vẫn hằng kính ngưỡng và tôn thờ. Đức Phật Thích Ca là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất cho các bậc hiền nhân như thế. Những nếp sống thuần hòa và nhân ái, những kinh nghiệm của đời sống tâm linh đã được truyền thừa từ chính đức Phật cho các hàng đệ tử thân cận của Người và được lưu truyền cho đến thời đại hôm nay, ở khắp mọi phương trời, là một minh chứng rõ nét về ảnh hưởng của đức Phật trong thế giới này.

Trên phương diện lịch sử, đức Phật vốn là một người con của dòng họ Thích Ca. Ngài đã xuất gia, tu tập, thành tựu được Phật quả và khai sáng đạo Phật nhằm tuyên thuyết đạo lý giác ngộ và giải thoát cho nhân gian. Xét về phương diện tôn giáo, cũng như các đức Phật trong quá khứ, Ngài đã tiếp nối truyền thống tâm linh Chánh pháp của chư Phật và thị hiện trong đời ngũ trược này để phổ hóa chúng sanh. Các bản kinh văn Phật giáo, dù Nguyên thủy hay Đại thừa, đều ghi lại rằng hai trong số những danh hiệu thường được dùng để chỉ cho đức Phật khi Ngài còn tại thế là Sa-môn Cù-đàm (P: Gotama; S: Gautama) và đức Phật Thích Ca (P: Sakyamuni; S: Sākyamuni). Tại Trung Hoa, kể từ thời ngài Đạo An trở về sau các nhà sư Phật giáo đều dùng chữ “Thích” làm họ để nói lên rằng mình là con cháu của dòng họ Thích Ca, là người tiếp nối huyết thống tâm linh thanh tịnh mà đức Bổn sư Thích Ca đã tiếp nhận và truyền thừa.

Danh từ Cù-đàm là tên của một dòng tộc và là họ của đức Phật. Đây là danh hiệu mà các đạo sĩ, Bà-la-môn cũng như những người thuộc tôn giáo khác thường dùng để chỉ cho đức Phật. Trong kinh Trường Bộ II, đức Phật có nói rằng tổ tiên của Ngài có họ là Cù-đàm; còn trong Luật tạng Nam truyền, đức Phật gọi phụ vương mình là Cù-đàm. Kinh Tương Ưng IV còn giải thích thêm rằng những người thuộc dòng họ Thích Ca cư trú tại Ca-tỳ-la-vệ có họ là Cù-đàm, trong khi đó nếu họ cư trú tại những vùng khác như Cātumā, Khomadussa, Sāmagāma…thì lại mang họ khác.

Một số bài kệ tụng trong Ṛg Veda có nói đến hai người mang tên Gotama, một là thi sĩ và một là nhà hiền triết. Nhà hiền triết có tên là Gotama đó thuộc bộ tộc Aṅgirasa, còn thi sĩ Gotama cũng xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn. Như vậy có một sự liên hệ nào đó giữa những Bà-la-môn mang tên Gotama và những người Thích Ca thuộc giai cấp Sát-đế-lợi chăng? Khi bàn đến điều này, Burnouf, một học giả người Pháp, cho rằng theo truyền thống cổ xưa ở Ấn Độ, trong các lễ tế đàn người ta thường đọc tên tổ tiên của những người tế lễ. Trong trường hợp người tế lễ đó không thuộc giai cấp Bà-la-môn thì vị đạo sĩ trong lễ đó sẽ đọc tên tổ tiên của mình. Và như thế nguồn họ Cù-đàm của những người Thích Ca phát sinh từ những lễ tế đàn như thế. Theo giáo sư H. Nakamura, danh từ Cù-đàm không phải chỉ là họ của một số Bà-la-môn mà đó là họ chung của cả hai giai cấp Bà-la-môn và Sát-đế-lợi.

Trong một ý nghĩa khác, học từ Go có nghĩa là con bò cái và tama là một tiếp vĩ ngữ có chức năng so sánh bậc nhất và vì thế chữ Gotama có nghĩa là loại bò cái tối thắng hay kỳ vĩ nhất. Trong nền văn minh Lưỡng Hà, bò là một loài động vật được mọi người sùng kính và quí trọng nhất. Đối với một xã hội nông nghiệp thời xa xưa, ngoài việc cung cấp sữa, thịt, bò còn là nguồn lực chính trong việc cày cấy, thu hoạch và vận chuyển. Như vậy loại gia súc này nghiễm nhiên trở thành một thứ tài sản đáng giá nhất của mỗi gia đình hay mỗi cộng đồng. Vì thế, loại gia súc này tượng trưng cho một cái gì đó rất cao quí và thiết yếu trong sinh hoạt của đời sống thường nhật, và đó cũng là họ của những bộ tộc hùng mạnh và giàu có trong xã hội.

Thích Ca Mâu Ni cũng là một danh từ phổ biến khác dùng để chỉ cho đức Phật. Chữ Mâu Ni có nghĩa là bậc thánh nhân, nhà hiền triết, vì thế Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là bậc thánh của dòng họ Thích Ca. Trong kinh Ambaṭṭha (Trường Bộ I), đức Phật đã kể lại nguồn gốc của dòng họ Thích Ca cho thanh niên Ambaṭṭha như sau: thuở xưa có một vị quốc vương tên là Okkāka. Nhà vua có nhiều con trai nhưng lại muốn trao ngôi báu lại cho con của mình và hoàng hậu đương triều nên ông bèn đuổi những người con lớn khác là Okkāmukha, Karaṇḍu, Hatthinīya và Sīnipura ra khỏi vương quốc của mình. Lúc bấy giờ, những hoàng tử ấy bèn đến trú ngụ tại một khu rừng bên cạnh một hồ nước lớn nằm dưới chân dãy Hy-mã-lạp-sơn. Một hôm, vì thương nhớ đến con, vua Okkāka bèn hỏi các vị cận thần trong triều rằng hiện giờ những vị hoàng tử ấy đang ở đâu. Khi biết rằng họ đang sống tại nơi rừng sâu, vua bèn thốt lên rằng: “Các hoàng tử thật là những Sakka, các hoàng tử thật là những sakka xuất chúng.” Nhà vua đã khen ngợi các hoàng tử như những cây sakka (sồi) vững mạnh và có thể sống tự lập nơi hoang dã. Từ đó về sau các hoàng tử này được gọi là Sakya và vua Okkāka là tổ phụ của dòng họ Thích Ca. Kinh A Ma Trú (Trường A Hàm) có nội dung giống kinh Ambaṭṭha nhưng lại thêm vài chi tiết khác là: Vua Thanh Ma (Okkāka?) đã đuổi bốn người con của mình ra khỏi nước vì họ phạm lỗi. Sau đó vì nhớ đến con cháu của mình nên những người mẹ và các quyến thuộc của những hoàng tử đó xin phép vua được đến Tuyết Sơn để thăm họ. Khi đến rừng Trúc Lâm ở phía Nam núi Tuyết họ đã gặp các hoàng tử và cho phép họ được cưới những người cùng hoàng tộc để bảo vệ huyết thống của mình. Các chi tiết trong hai bản kinh trên có điểm sai khác với câu chuyện trong Ngũ Phần Luật. Theo bộ luật này, vua Nhật Uất La (Okkāka) có bốn người con là Chiếu Mục, Thông Mục, Điều Phục Tượng và Ni Lâu. Họ là những thanh niên rất khôi ngô, tuấn tú, thông minh và giàu lòng từ mẫn. Lúc ấy, hoàng hậu đương triều có một người con xấu xí, đần độn tên là Trường Sanh. Vì muốn con mình sẽ kế vị ngôi báu nên hoàng hậu tìm mọi cách chìu chuộng và nài nỉ với vua Nhật Uất La. Cuối cùng thì vua cũng xiêu lòng và ra lệnh cho các người con thông minh của mình phải đi biệt xứ. Vì thương yêu và quí trọng bốn vị vương tử đó, những người thân cùng nhiều Bà-la-môn, phú gia, nô bộc, thường dân… đã theo chân họ đến núi Tuyết. Trải qua nhiều năm sau, cộng đồng người này dần dần lớn mạnh. Họ xây dựng cung điện, phố xá và trở thành một vương quốc biệt lập. Vài năm sau đó vì nhớ đến con nên vua Nhật Uất La đã hỏi thăm các vị cận thần và được biết rằng những người con của mình đã định cư bên núi Tuyết và xây dựng được đền đài cung điện, nhơn dân có cuộc sống ấm no. Vua bèn thốt lên ba lần rằng: “Con ta quả là người có năng lực lớn.” Từ đó về sau, bộ tộc cư trú bên núi Tuyết ấy có họ là Thích Ca và tổ phụ của họ là vua Okkāka. Trong truyền thống Vệ Đà, Okkāka (S: Ikṣvāku; C: Cam Giá Vương) là một vị anh hùng và là con của Manu, người cha của nhân loại và cũng là tổ tiên của một triều đại có tên là triều đại mặt trời. Những người thuộc dòng họ Ikṣvāku thường cư trú và trị vì những khu vực thuộc thượng lưu sông Ấn và sông Hằng. Song bộ sử thi Rāmāyana và văn học Purāṇas nói rằng những người thuộc triều đại mặt trời thường cai trị nước Kosala, đặc biệt là thành phố Ayodhyā.

Đức Phật Thích Ca thường được gọi là người con của dòng họ Thích hay xuất thân từ dòng họ Thích. Danh từ Sakya có nghĩa là một người có oai đức và năng lực, và đó cũng là tên của một bộ tộc từng sống dưới chân dãy Hy-mã-lạp-sơn (thuộc thung lũng Terai của nước Nepal ngày nay). Những người Thích Ca luôn tự hào vì họ thuộc dòng dõi mặt trời. Một số bản kinh Pāli như kinh Đế Thích Sở Vấn (Trường Bộ), Tương Ưng I, Tăng Chi II… có nói đến một danh hiệu khác của đức Phật là Adiccabandhu (Nhật Chủng), tức người con của dòng họ mặt trời. Kinh Tập (Suttanipāta) nói rằng đây cũng là tên của bộ tộc (gotta) đã sản sinh ra đức Phật. Nguồn tổ tiên mặt trời của dòng họ Thích Ca và sự ra đời của vua Cam Giá được ghi lại trong kinh Phật Bổn Hạnh Tập như sau: trước thời vua Cam Giá có một vị vua tên Đại Mao Thảo đã bỏ ngôi xuất gia và chứng được ngũ thông, có tên là Tiên. Vì vua Tiên già yếu nên các đệ tử của ông làm một lồng cỏ, đặt vua Tiên vào đó và treo trên cao để tránh hổ báo làm hại mỗi khi họ đi khất thực. Một hôm, nhân lúc các đệ tử vua Tiên đi khất thực có một người thợ săn tưởng vua Tiên là một loài chim trắng nên giương cung lên bắn. Lúc vua Tiên bị trúng tên có hai giọt máu từ vết thương rơi xuống đất, sau đó ông qua đời. Sau khi đi khất thực về, các đệ tử vua Tiên rất đau xót, họ lấy củi khô chất lại và hỏa thiêu xác thầy mình. Sau khi thâu lấy tro cốt, họ xây một ngôi tháp và thường dùng hoa hương dâng cúng ngôi tháp đó. Trong lúc đó từ nơi phần đất hai giọt máu rơi xuống bỗng mọc lên hai cây mía. Nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời, một cây sinh ra một bé trai, cây kia sinh ra bé gái. Những đệ tử của vua Tiên nghĩ rằng khi còn tại thế thầy mình không có con và hai đứa bé này là dòng giống của thầy nên chúng phải được chăm sóc chu đáo. Nghĩ thế rồi họ bèn nuôi dưỡng và bảo bọc hai đứa bé một cách cẩn thận, rồi họ báo tin cho triều đình hay. Các quan trong triều nghe tin vội rước hai đứa bé về nuôi dưỡng. Đứa bé trai được đặt tên là Thiện Sinh, cũng gọi Cam Giá Sinh (vì sinh ra từ cây mía) hay Nhật Chủng (vì được hấp thụ ánh sáng mặt trời). Đứa bé gái có tên là Thiện Hiền và về sau trở thành hoàng hậu, vợ của vua Thiện Sinh (Sujāta) hay vua Nhật Chủng (Sūryavajśa). Hoàng hậu Thiện Hiền sanh được một người con trong khi đó người thứ phi của vua sanh bốn người con. Vì muốn con mình lên ngôi nên hoàng hậu bèn yêu cầu vua đuổi bốn người con sau ra khỏi nước. Bốn vị vương tử đó đã đến núi Tuyết xây thành Ca-tỳ-la, lấy hiệu nước là nước Xá-di và lập ra dòng họ Thích Ca. Như vậy dòng họ Thích Ca có tổ tiên thuộc họ mặt trời và hẳn nhiên việc thờ cúng thần mặt trời cũng là một trong những sinh hoạt tín ngưỡng của họ.

Tín ngưỡng thờ mặt trời thường xuất hiện ở những quốc gia chuyên về nông nghiệp. Những khu vực có khí hậu nóng, ẩm quanh năm như những quần đảo ở Thái Bình Dương và Caribbe, những nơi phải đối mặt với cái nắng gay gắt của mặt trời thì nền tín ngưỡng này không phổ biến cho lắm. Trong khi đó ở những quốc gia chuyên về việc trồng trọt, cày cấy, mặt trời được xem như một vị thần luôn mang đến ánh sáng và năng lượng để phát triển mùa màng. Tại Ấn Độ, việc tôn thờ thần mặt trời đã xuất hiện từ thời văn hóa Vệ Đà và ngày càng phổ biến ở nhiều khu vực khác nhau. Những đồng tiền cổ cùng những tác phẩm nghệ thuật thời Bhārhut kéo dài đến thời Kūshāna đã nói lên rằng tín ngưỡng thờ mặt trời đã phổ biến ở Ấn Độ vào TK III Tr CN và rất thịnh hành sau đó. Ngoài mặt trời, mặt trăng cũng được thờ phụng tại Ấn Độ. Theo cách lý giải của người Ấn thời xưa, những ai sinh ra từ hoàng tộc đều là con cháu thần mặt trời; còn những ai không sinh ra trong dòng dõi vua chúa mà sau này trở thành vua thì họ là hậu duệ của thần mặt trăng.

Dù vương quốc của dòng họ Thích Ca được xem như một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng về mặt chính trị đối với nước Kosala, một đất nước hùng mạnh đương thời, nhưng cho đến thời vua Ba-tư-nặc, nhà cầm quyền của cả hai bên đều rất kính trọng và gắn bó nhau. Sự gắn bó này có được là vì một phần cả hai bên đều có chung tổ tiên mặt trời và một phần khác là vì vua Ba-tư-nặc rất ngưỡng mộ nhân cách của đức Phật. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Trường Bộ Kinh) có nói rằng những người Thích Ca rất tôn trọng và kính ngưỡng vua Ba-tư-nặc của nước Kosala và bản thân nhà vua cũng rất kính trọng và cung kính đức Như Lai. Có lần vua Ba-tư-nặc nghĩ rằng: “Có phải Sa-môn Gotama là thiện sanh? Còn ta không phải thiện sanh? Sa-môn Gotama có hùng lực, ta không có hùng lực; Sa-môn Gotama thì đẹp đẽ mà ta lại thô xấu; Sa-môn Gotama có nhiều thế lực, còn ta có ít thế lực?” Từ sự kính trọng đức hạnh và tuệ giác của đức Phật, vua Ba-tư-nặc cũng quí mến cả dòng họ của Ngài và vì thế vua mới thầm tán thán rằng đức Phật là “thiện sanh” (Sujāta).

Theo các tư liệu Phật giáo còn lại thì những người Thích Ca có phong tục hôn phối trong dòng tộc. Truyền thống hôn phối như thế thường xuất hiện trong các xã hội thời xa xưa, nhất là trong những nền văn hóa thời sơ khai. Phong tục này rất phổ biến trong cộng đồng người Dravidian ở Nam Ấn và những người Rājput ở Bắc Ấn và mục đích của nó là để bảo vệ huyết thống của những người trong cùng dòng tộc. Các bộ Đảo Sử và Đại Sử Tích Lan có ghi lại rằng bộ tộc Thích Ca và bộ tộc Koliya có quan hệ hôn phối gắn bó nhau. Jayasena của bộ tộc Thích Ca có hai người con là Sīhahanu (nam) và Yashodharā (nữ), trong khi đó Devadahasakka của bộ tộc Koliya cũng có hai người con là Añjana (nam) và Kaccānā (nữ). Sīhahanu kết hôn với Kaccānā sinh ra năm hoàng tử (Sudhodana, Dhotodana, Sakkodana, Sukkodana và Amitodana) và hai công chúa (Amitā và Pamitā). Añjana kết hôn với Yashodharā sinh hạ hai hoàng tử (Daṇḍapāni và Suppabudha) và hai công chúa (Māyā và Pajāpatī). Sau đó, vua Tịnh Phạn (Sudhodana) đã cưới hai chị em Māyā và Pajāpatī, và hoàng hậu Māyā đã sanh thái tử Sĩ-đạt-đa; còn Suppabudha cưới công chúa Amitā và sanh ra Devadatta (nam) và Bhaddakaccānā (nữ). Về sau Sĩ-đạt-đa đã cưới công chúa Bhaddakaccānā và sinh La Hầu La. Song theo bộ Đại Sự (Mahāvastu) và Phật Sở Hành Tán thì vợ của Sĩ-đạt-đa là công chúa Da-du-đà-la (Yaśodharā). Trong khi đó lại có hai tên khác được dùng để chỉ cho vợ của Sĩ-đạt-đa là Gopā (Kinh Thần Thông Du Hý) và Gopī (Tu Hành Bổn Khởi kinh; Phật Thuyết Thái Tử Thụy Ứng Bổn Khởi kinh, quyển thượng; Phổ Diệu kinh, quyển 3). Tuy mỗi kinh ở trên đề cập đến những tên khác nhau như thế, danh hiệu phổ thông nhất để chỉ cho vợ của thái tử Sĩ-đạt-đa là Rāhulamātā (mẹ của La Hầu La). Thời bấy giờ, theo nguyên tắc chung của bộ tộc Thích Ca, người đàn ông chỉ được quyền cưới một vợ, song vua Tịnh Phạn được cưới hai chị em Māyā và Pajāpatī vì đó là một đặc ân dành cho nhà vua sau khi chinh phạt được Pāṇdava, một bộ tộc thường đến cướp bóc nơi lãnh thổ của dòng họ Thích Ca.

Thích Đồng Thành (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 14, tr.38, 2005]