Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

(Kiến trúc Phật giáo qua các thời kì - tiếp theo TSPL.10)

+ Kiến trúc Phật điện

Thời này, chủ yếu các công trình có dạng Tháp là Phật điện - nơi thờ Phật. Các kiến trúc phụ được bố trí xung quanh tháp (thường là công trình chùa có quy mô lớn kiêm hành cung cho vua). Loại nữa có dạng Phật điện có quy mô lớn và không có tháp. Chúng ta không có tài liệu đầy đủ về hình dáng các kiến trúc thời Lý, chỉ có thể phần nào hình dung qua văn bia và một số nền di tích.

Chùa Hướng Nghiêm được mô tả “mái hiên cong cong như trĩ xòe cánh, ngói lợp lớp lớp như vẩy rồng”, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được nhà sư Pháp Bảo viết “Ngắm xem: rường nhà cong cong như cầu vồng mưa quạnh quẽ nhô ra, ngói uyên ương phơi dưới gió như xập xòe muốn lượn, nóc nhà uốn như trĩ bay xòe cánh, đầu chạm trổ như Phượng múa lại chầu. Mái cong lấp lánh dưới mặt trời, hiên lượn quanh co trước gió. Tường vách xung quanh, một cõi bụi trần không lẫn, hành lang bao bọc, bốn mùa hiên cửa thanh hư…” (Sùng Nghiêm Diên Thánh bi ký). Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Lê Văn Hưu cũng ghi “Tường cao ngất trời, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung điện nhà vua”. Các vị vua Lý thấm nhuần giáo lý Phật-đà, không muốn hoang phí xa xỉ vào kiến trúc cung điện, lăng tẩm nguy nga đồ sộ cho riêng mình, mà tập trung vào xây chùa tháp hết sức bề thế, nhìn theo khía cạnh tâm lý người Việt lại có ý nghĩa lớn, biểu hiện cho một sự gắn kết cộng đồng, cũng như lòng từ bi, mối quan tâm đến đời sống tâm linh và đạo đức xã hội thời bấy giờ của triều đình nhà Lý đối với quốc dân.

Bên cạnh kiến trúc các điện Phật, kiến trúc tháp để lại những dấu tích mà ta có thể hình dung ra hình dáng đồ sộ của chúng. Tháp có mặt bằng hình vuông, trong có tượng Phật, các cây tháp đó hòa vào hành lang, giải vũ ở hai bên, những tòa nhà phía sau… để tạo nên một tổng thể vừa dàn trải nhưng đột khởi, vừa thiêng liêng vừa gần gũi. Kiến trúc tháp chùa Phật Tích theo tài liệu khai quật năm 1940 thì có cạnh đáy dài 8,5m, tính theo tỷ lệ tháp cổ thì tháp phải cao đến 42m. Tháp Chương Sơn xây năm 1108 nay đã đổ nát, thì bố cục mặt bằng theo hình vuông và các cạnh dài đến 19m. Kiến trúc tháp Sùng Thiện Diên Linh tại núi Đọi cũng là một công trình lớn “xây mười ba chọc trời, mở bốn mươi hống gió. Vách chạm rồng ổ; xa treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá lợi, tỏa tường quang cho đời thịnh sau này; đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm, hứng móc ngọc dưới bầu trời tạnh ráo. Tầng dưới chia tám tướng khôi ngô; đứng hộ vệ thần dân cầm kiếm… cho nên nhà vua đặt tháp ấy là Sùng Thiện Diên Linh.” (Sùng Thiện Diên Linh bi ký). Tháp Báo Thiên bên bờ hồ Hoàn Kiếm gồm 12 tầng, cao khoảng gần 70m. Hình ảnh của những cây tháp được in trong các viên gạch tháp chùa Phật Tích và trong văn bia cho thấy kiến trúc tháp nhiều tầng chồng lên nhau, càng lên cao càng thu nhỏ, các tầng ngăn cách bằng bộ mái nhô ra bên ngoài. Kiến trúc tháp cao rộng mang lại sự bề thế cho kiến trúc Phật giáo, tạo nên một không khí thiêng liêng. Các cây tháp cao vút lên không trung, như biểu hiện ý chí cao vút trên con đường tìm tới giác ngộ, đồng thời cũng như tỏ tấm lòng triêm ân cao vòi vọi với ơn đức cao dày của Phật Tổ.

Một hình dáng kiến trúc độc đáo của thời Lý được mô tả qua văn bia như sau: “Tôn sùng đạo Phật, hâm mộ thắng nhân, mở chùa Diên Hựu ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước, lo toan thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh chủ, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đoá sen nghìn cánh sen xòe ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Ở sân trước cầu, hai bên tả hữu xây bảo tháp Lưu Ly…” (Sùng Thiện Diên Linh Bi ký). Từ văn bia này cho ta thấy, thời Lý kiến trúc chùa Một Cột mang hình dáng hoa sen mọc trên mặt nước. Ngôi chùa được đặt trên một cột đá cao 20m, ao vuông tượng trưng cho mặt đất. Kiến trúc hiện nay nhỏ hơn kiến trúc trước kia và kết cấu cột gỗ do chiến tranh tàn phá và nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn là biểu tượng kiến trúc không những cho một thời kỳ lịch sử, mà còn cho cả một dân tộc. Các cột đá tìm thấy ở chùa Dạm và cột đỡ tượng Như Lai được miêu tả trong văn bia chùa Linh Xứng cũng thuộc dạng kiến trúc này. Cột chùa Dạm cao 5m gồm chân cột vuông 2m và phía trên cột tròn cao 3m, được gắn liền với một khối đứng giữa một nền tròn đường kính 5m, có ba bậc cao 0,5m, được xây dựng trên một cây cột bằng đá, hoặc tượng Phật ngồi bệ sen, gác chuông hoặc một công trình nhỏ thờ Phật.

+ Vật liệu và kỹ thuật xây dựng

Thời Lý, với vật liệu gạch đá, kiến trúc đã cho phép hình thành nên những cây tháp nhiều tầng. Gỗ, đá, đất nung, đồng... được sử dụng trong các công trình. Đá được sử dụng trong việc xây những phần chịu lực của tháp như tầng đế, cửa cuốn tò vò, trụ góc, và để ghép nền chùa… Những phần trên đòi hỏi nhẹ, người xưa sử dụng các vật liệu như gạch mỏng, đất nung; đặc biệt là phần trên tháp Báo Thiên còn được xây dựng bằng kim loại đồng.

Theo thư tịch, nhiều ngôi tháp có ảnh hưởng vật liệu và phương thức xây dựng từ người Champa. Đó là những viên gạch với độ nung đủ để chạm khắc trang trí ngay trên bề mặt viên gạch, và chất kết dính rất mỏng. Các viên gạch thời Lý còn ghi rõ niên hiệu của vua là thời gian sản xuất, kích thước có nhiều loại, lớn nhất là 40cm x 40cm. Những viên ngói có ngói bản, ngói chiếu, ngói uyên ương…

Qua các di vật còn lại đã cho thấy kỹ thuật xây và chạm khắc đá đã phát triển rực rỡ. Bên cạnh đó, những dấu tích kiến trúc đồ sộ minh chứng cho một trình độ kỹ thuật cao trong xây dựng thời kỳ này. Đó là việc kết hợp đá và gạch gia cố nền móng đã khiến các công trình được xây với chiều cao lớn. Thời Lý chưa thấy chất kết dính, chỉ thấy kỹ thuật xếp, chèn đất, các tảng đá cũng được đục mộng để liên kết với nhau vững hơn. Ngay cả hệ thống nền bó đá giật cấp tại chùa Phật Tích cũng đã được tính toán về kỹ thuật xây dựng và bền vững suốt gần 1000 năm qua do được làm theo lối choãi chân đê với độ chếch khoảng 65 đến 70 độ. Trong từng lớp được chia thành nhiều cấp nhỏ và mỗi cấp lùi vào 1 đến 1,5m tạo nên sự ổn định lớn cho lớp nền.

+ Trang trí, điêu khắc

Các công trình Phật giáo còn lại từ thời Lý - Trần đã có kết hợp cả yếu tố văn hóa Ấn Độ thông qua việc kết hợp nghệ thuật Chàm và một phần văn hóa Hoa và mang đậm chất Phật giáo trong điêu khắc. Các yếu tố văn hóa Ấn có thể thấy trong thẩm mỹ Việt là hình tượng các vũ nữ múa, các tượng chim kiểu Kinnari và chim thần kiểu Garuda... có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được Việt hóa. Nhiều hình trang trí tạo thế thống nhất và mang ý nghĩa Dịch học như sóng nước với mây trời, hoa sen âm với hoa cúc dương.

Tượng tròn hiện còn như tượng sấu đá trên thành bậc chùa Hương Lãng, tượng chim thần trên các con son chùa Chương Sơn (mang ý nghĩa trang trí), tượng sư tử đội đài sen thờ Phật chùa Bà Tấm, tượng thú chùa Phật Tích, hay những tượng A-di-đà, Kim Cương mang tính chất thờ cúng trang trọng.   

Các phù điêu, hoa văn thời này mang nhiều đề tài như rồng chùa Long Đọi, phượng chùa Hương Lãng, tiên nữ chùa Phật Tích, Chương Sơn, sóng nước, hoa lá, con người, cúc dây, hoa sen. Ðường nét thanh tú, mềm mại, không có đường gẫy, được trau chuốt kỹ càng, toàn thể tự nhiên và thoải mái. Các đường lượn có độ cong cực lớn kiểu rồng giun, mức độ sử dụng trang trí bằng đường cong rất lớn. Hình khối thon thả và cân xứng. Con rồng thời kỳ này tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam không pha trộn, đó là con rồng hình rắn, có mào lửa gắn với thân rắn, thân uốn nhiều vòng như hình sin, trên trán thường có chữ S tượng trưng cho các thế lực thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp. Rồng thời Lý thường được bố cục trong khung cảnh sóng nước và mây trời và gói gọn trong một khuôn khổ nhất định như lá đề, hoa sen.

Những hoa văn trang trí được chạm khắc rất tinh vi nhưng đều chứa đựng một khối đại thể đơn giản với bố cục cân xứng hài hòa, dường như không tìm được nét thừa vô lý. Hoa văn thường được chạm trên vách tường, thành bậc cửa, gạch lát, kèo cột… Hoa văn lan tỏa xung quanh hoa văn trung tâm. Bố cục hoa cúc, sóng nước được lặp đi lặp lại thành dải. Bố cục trang trí phân tầng, phân lớp. Bố cục hướng tâm (có hoa văn trung tâm trong một khung khép kín), bố cục hình dải (hoa cúc, dây hình chữ công)...

+ Bài trí tượng thờ

Hệ thống tượng Phật ở thời kỳ này qua sử sách và bi ký để lại có các tượng như Phật A-di-đà, Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật Di Lặc, Kim Cương.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi “Vua sai thợ tạc hơn nghìn pho tượng Phật, vẽ hơn nghìn bức tượng Phật”. Bia chùa Linh Xứng ghi rõ, chính giữa là “Ngũ tứ Như Lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi trên mặt nước”. Bia chùa Quỳnh Lâm ghi “vị sư Không Lộ thượng đức dựng pho tượng Di Lặc cao 6 trượng”. Còn tượng chùa Long Đọi được ghi lại qua văn bia Sùng Thiện Diên Linh như sau: “Lại có đài cao thất bảo, xếp thành một dãy, chính giữa có ngọn núi vàng. Đặt tượng đẹp Đa Bảo Như Lai, bày chân hình xe pháp mấy tầng… Thứ đến hai tòa bạch ngân; bên tả đặt chân dung tượng A-di-đà, phía hữu để xá lợi của sắc thân mầu nhiệm. Chiều cao mở ra thế khỏe; vẻ đẹp phô rõ mái cong. Long lanh ngỡ tuyết trắng đang tan, rực rỡ ắt trăng thu vằng vặc. Thứ nữa có hai tòa điểu văn, bên tả đặt thân mẫu Quảng Bác, phía hữu đặt diệu tướng Bồ-đề…”. Theo tấm bia chùa Diên Phúc mô tả khi ấy, điện thờ Phật có hình vuông. Cao nhất thờ Quan Thế Âm, hai bên thờ Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ-tát. Bậc dưới thờ Tứ vị Thiên vương, hai bên điện thờ có hành lang đặt Bát Bộ Kim Cương, phía ngoài có tam quan thờ Hộ pháp, thờ Thổ thần và Sư tổ. Ngoài tháp thờ Phật thì thời này chỉ còn di vật khảo cổ được là những chân tảng và nền cho thấy sự ra đời của các điện thờ Phật bằng kết cấu gỗ.

Tuy nhiên, chỉ còn tượng A-di-đà tại chùa Phật Tích và tượng Kim Cương tại chùa Long Đọi là còn lại tương đối nguyên vẹn đến ngày nay.

- Kết luận phần 1

Thời Lý có thể khẳng định là một giai đoạn phát triển rực rỡ của kiến trúc Phật giáo. Nền kiến trúc Phật giáo suốt 2 thế kỷ của nhà Lý thể hiện cho sự lớn mạnh chung của nền văn hóa dân tộc, phần nào thể hiện được chủ quyền và độc lập của quốc gia. Trong đó, kiến trúc Phật giáo thời Lý là cơ sở vững chắc và là nền tảng cho kiến trúc Phật giáo về sau. Kiến trúc Phật giáo thời Lý tiêu biểu cho giá trị nghệ thuật của Phật giáo Việt Nam và của cả dân tộc chứ không chỉ riêng cho một thời.

- Kiến trúc thời Lý vừa có quy mô lớn vừa gần gũi với cuộc sống và con người. Kiến trúc có hình dáng, bố cục phong phú nhưng vẫn bảo đảm tính bền vững, phù hợp với một quốc gia nhiệt đới. Dù là những kiến trúc lớn như tháp cao, nhà rộng hay những di vật nhỏ như bia, tượng đá… đều mang một giá trị bền vững rất cao, kết cấu chắc chắn và mang tính thực tiễn rất lớn. Bên cạnh kiến trúc, nghệ thuật tạo hình thời Lý tuy còn ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai nhưng đã tạo được cho mình một chất Việt, thể hiện phong cách dân tộc độc đáo, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
- Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật giáo Việt Nam tập 1 (1999), tập 2 (2001), tập 3 (2002), NXB Tp.HCM.
- Trần Lâm Biền, Chùa Việt, NXB VH-TT 1996.
- Nguyễn Đăng Du. Văn hóa Tâm linh. NXB VH-TT 2001.
- Chu Quang Trứ. Mỹ thuật Lý-Trần, Mỹ thuật Phật giáo, NXB Thuận Hóa 1998.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học Hà Nội 1979.
- Nguyễn Bá Lăng, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Viện Đại học Vạn Hạnh 1972.
- Các tài liệu văn bia thời Lý của Viện Mỹ thuật.

Trần Lan Chi
[Tập san Pháp Luân - số 11, tr.34, 2005]