Lòng hiếu của hai con khỉ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong khi trú tại tinh xá Trúc Lâm, đức Thế Tôn kể câu chuyện này về Đề-bà-đạt-đa.

Một hôm, chư Tỳ-kheo bàn luận trong Chánh pháp đường:

– Thưa các Pháp hữu, Đề-bà-đạt-đa thật thô bạo, lỗ mãng và bạo ngược. Ông ta dùng nhiều mưu chước độc ác để chống đối đức Phật Chánh Đẳng Giác. Ông ta lăn đá, thậm chí còn sử dụng cả voi say Nāḷāgiri để hại đức Phật. Ông ta không có từ tâm đối với đức Phật!

Đức Thế Tôn đi vào và hỏi các Tỳ-kheo đang thảo luận về điều gì khi cùng ngồi lại nơi ấy. Họ bạch sự việc với Ngài. Nghe thế Ngài nói:

– Này các Tỳ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Đề-bà-đạt-đa thô bạo, lỗ mãng và tàn nhẫn đối với ta thôi đâu, mà trước đây ông ta cũng đã từng như vậy.

Nói rồi, Ngài kể cho họ một câu chuyện Tiền thân.

***

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua nước Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh làm một chú Khỉ có tên là Nan-đề-da. Khỉ sống trong vùng Tuyết sơn cùng với em của mình có tên là Tiểu Nan-đề-da. Hai anh em hướng dẫn một đàn khỉ tám mươi ngàn con và chăm sóc người mẹ mù lòa của mình.

Họ để khỉ mẹ nằm trong một cái ổ ở bụi cây, rồi đi vào rừng tìm các loại trái cây ngon ngọt gửi về cho mẹ. Nhưng những con khỉ được bảo mang trái cây về đã không trao trái cây lại cho khỉ mẹ. Khỉ mẹ bị cơn đói dày vò nên cơ thể trở nên tiều tụy, không còn thứ gì ngoài da bọc xương. Bồ-tát thấy vậy bèn hỏi mẹ:

– Thưa mẹ, con đã gửi rất nhiều trái cây ngon ngọt về cho mẹ. Vậy điều gì đã khiến cho mẹ gầy rạc tiều tụy như thế?

– Con trai ạ, mẹ không hề nhận được một thứ gì cả!

Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta chăm sóc đàn khỉ thì mẹ của ta sẽ chết mất! Ta sẽ rời đàn khỉ để chăm sóc một mình mẹ ta.” Vì thế, Bồ-tát gọi em của mình đến và nói:

– Em ạ, em hãy trông nom đàn khỉ nhé, còn để anh chăm sóc mẹ của chúng ta.

Khỉ em trả lời:

– Thưa anh, không được đâu. Trông nom và điều khiển một đàn khỉ thì có nghĩa gì với em chứ? Em sẽ chăm sóc một mình mẹ của chúng ta thôi!

Thế là hai chú khỉ đồng lòng rời khỏi đàn khỉ. Họ đưa mẹ mình xuống Tuyết sơn, đặt bà trên một cây đa ở vùng biên địa và chăm sóc bà.

Bấy giờ, có một vị Bà-la-môn sống ở Xoa-thi-la (Takkasilā), sau khi học xong các ngành nghề với một vị thầy nổi tiếng thế gian, đã đến chào thầy để ra về. Vị thầy này có thần lực nhìn được tướng người nên nhận biết rằng người học trò của mình là một người thô bạo, lỗ mãng và hung dữ. Ông nói:

– Này con, con là một người thô bạo, lỗ mãng và hung dữ. Những người như vậy không bao giờ gặp được điều an lành, họ phải nhận chịu sự hủy diệt và thống khổ khốc liệt. Vì thế, con không nên thô bạo, cũng đừng làm những gì mà về sau con cảm thấy ăn năn hối hận.

Khuyên răn như vậy rồi, ông để cho người thanh niên về.

Người thanh niên giã từ thầy mình và trở về Ba-la-nại. Ở đấy, anh ta kết hôn và ổn định gia thất. Nhưng rồi không thể kiếm sống được bằng những ngành nghề khác, anh ta quyết định kiếm sống bằng nghề cung tên. Vì thế, anh ta bắt đầu làm việc như một người thợ săn và rời khỏi Ba-la-nại để kiếm sống. Trú ở một ngôi làng sát biên rừng, anh ta đeo cung và bao tên đi khắp rừng, và sống bằng cách bán thịt các loại thú rừng mà anh ta giết được.

Một hôm, đang trở về sau một ngày không bắt được thứ gì cả trong rừng, anh ta trông thấy một cây đa mọc trên rìa một trảng đất trống. Anh ta nghĩ rằng chắc có muông thú sống ở cây đa này nên đi đến đó. Bấy giờ, hai chú khỉ vừa cho mẹ mình ăn những trái cây ngon ngọt xong, và khi đang cùng ngồi cạnh mẹ trên cây thì nhìn thấy gã thợ săn đi đến. Họ núp vào giữa các nhành cây và nói:

– Gã kia dù có nhìn thấy mẹ chúng ta thì chắc cũng không làm gì!

Thế rồi gã thợ săn tàn nhẫn này đi đến cây, nhìn thấy khỉ mẹ mù lòa già yếu thì suy nghĩ: “Sao ta lại phải quay về tay không chứ? Ta phải bắn con khỉ này mới được!” Nghĩ thế, gã dương cung lên bắn khỉ mẹ. Bồ-tát thấy vậy liền nói với em:

– Tiểu Nan-đề-da em ơi, gã này muốn bắn mẹ chúng ta! Anh sẽ cứu mạng mẹ, và khi anh chết rồi thì em phải chăm sóc mẹ nhé.

Nói vậy xong, Bồ-tát nhảy xuống cây và kêu lớn:

– Hỡi người kia, đừng bắn mẹ của ta! Mẹ của ta mù lòa, già yếu; ta sẽ thế mạng cứu bà. Đừng giết bà, hãy giết ta đi!

Khi thấy gã thợ săn đã nhận lời, Bồ-tát liền ngồi xuống trước tầm tên. Gã thợ săn nhẫn tâm bắn Bồ-tát. Khi Bồ-tát ngã xuống, gã thợ săn lại chuẩn bị cung tên để bắn khỉ mẹ. Tiểu Nan-đề-da nhìn thấy vậy, liền nghĩ: “Gã thợ săn kia muốn bắn mẹ của ta. Dầu mẹ ta chỉ sống thêm được một ngày thôi thì cũng là một ngày nhận được lộc đời ban tặng, ta sẽ thế mạng mình để cứu mạng mẹ ta.” Do đó, chú đi ra khỏi cây và nói:

– Hỡi người kia, đừng bắn mẹ của ta! Ta sẽ thế mạng mình để cứu mạng mẹ ta. Hãy bắn ta đi, hãy nhận lấy mạng sống của hai anh em ta và dung thứ cho mạng sống của mẹ ta!

Gã thợ săn ưng thuận, và Tiểu Nan-đề-da ngồi xuống trước tầm tên. Gã thợ săn bắn chết chú khỉ này và sau đó lại nghĩ: “Ta sẽ bắn con khỉ già kia cho lũ con ta ở nhà mới được.” Rồi gã bắn luôn khỉ mẹ. Sau đó, gã treo cả ba trên đòn gánh và quay về nhà. Vào lúc ấy, sấm sét nổi lên đánh xuống ngôi nhà của gã thợ săn độc ác này, thiêu cháy vợ và hai đứa con cùng với căn nhà của gã, không để lại thứ gì ngoài bộ sườn và những cột nhà đứng trơ.

Một người trông thấy gã trên đường vào làng đã kể lại với gã sự việc đó. Buồn đau vì vợ con đã mất, ngay tại chỗ ấy, gã vứt bỏ đòn gánh cùng những con thú, quăng cung tên, cởi bỏ áo quần, trần truồng trở về nhà và dang tay khóc lóc. Khi ấy, một cây cột bị gãy, rơi xuống và đập vỡ đầu gã. Rồi mặt đất nứt ra, lửa từ dưới đất bốc lên. Khi sắp bị nuốt chửng vào lòng đất, gã nhớ lại lời cảnh báo của vị thầy: “Đây là lời dạy mà Bà-la-môn Ba-la-xa-na (Pārāsariya) trước đây đã dạy cho ta!” Gã khóc than và thốt lên hai bài kệ:

Ta nhớ lại lời thầy
Đây những gì ngài dạy!
Cẩn trọng đừng làm ác
Điều sẽ hối sau này.
*
Người ta làm điều gì
Sẽ thấy quả như vậy
Người tốt gặt quả tốt
Ác, quả không sai chạy
Vậy nên nhân thế nào
Thì trổ quả như vậy.
***

Than khóc vậy xong, gã ta rơi xuống lòng đất.

Kết thúc pháp thoại nhằm trình bày rằng vào đời trước cũng như vào lúc câu chuyện được kể, Đề-bà-đạt-đa luôn thô bạo, lỗ mãng và nhẫn tâm, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:

– Vào thuở đó, Đề-bà-đạt-đa là người thợ săn, Xá-lợi-phất là người thầy danh tiếng, A-nan là Tiểu Nan-đề-da, Ma-ha-bà-xà-bà-đề là khỉ mẹ, còn ta chính là Nan-đề-da.

Quang Sơn
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.66, 2005]