Vẫn còn đó - Tấm lòng của Mẹ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Kỷ niệm năm thứ hai, ngày mất của nhạc sĩ TCS.


“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?- Để gió cuốn đi...”

Đó là những ca từ rất đẹp của Trịnh Công Sơn. Thế nhưng lại có những tấm lòng vẫn miên viễn ngự trị trong mỗi chúng ta, đó là tấm lòng của những người mẹ - ở đây tôi muốn nhắc đến một người mẹ tiêu biểu - đó là bà quả phụ Trịnh Xuân Thanh, nhũ danh Lê Thị Quỳnh là thân mẫu của người nghệ sĩ, nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn.

Những bạn bè thân thiết của Trịnh Công Sơn hẳn chưa quên được câu nói nửa đùa nửa thực của cụ bà:

- Sơn nó làm việc cho chính phủ mà tui là người trả lương.

Số là những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm việc tại Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, lúc ấy chế độ lương tiền còn eo hẹp bởi khó khăn chung của cả đất nước... Vì thế mỗi lần Trịnh Công Sơn từ Huế vào Tp Hồ Chí Minh thăm mẹ và các em là gia đình phải chu cấp mọi mặt và khi anh về lại Huế là bà cụ chắt chiu gói ghém cho anh từ tiền bạc đến mọi thứ cần dùng, mà nào chỉ phải cho một mình Trịnh Công Sơn, trái tim bà rộng mở với mọi người, bà đã từng quý mến chăm sóc nhà văn, nhà thơ tài hoa rất mực, rong chơi quậy phá hết mình đó là tác giả của thi phẩm “Lá hoa cồn”, “Mưa nguồn”, dịch giả của “Hoàng Tử Bé” và “Trăng Tỳ Hải”...

Mọi cái hữu hình gió đã cuốn trôi đi nhưng dư hương vẫn mãi hoài đọng lại, hạnh phúc vô cùng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bởi có một bà mẹ tuyệt vời, vì vậy mà khi giã từ cuộc sống để đến nơi “trăm năm vô biên” anh vẫn xin nằm cạnh mẹ mình tại nghĩa trang Gò Dưa ở Tp.HCM thay vì về lại cõi Diễm xưa với một trời khói sương lãng đãng một cõi trong ngần “Áo lụa thinh không”.

Ở cõi vĩnh hằng không còn bao hệ lụy hẳn người mẹ nhân từ và người con ưu tú đang mỉm cười mãn nguyện giữa cuộc trùng phùng, mãi mãi mẹ vẫn là giòng nước mát, là ngọn gió lành, là địa đạo trú ẩn một đời con.

Ninh Giang Thu Cúc.
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.81, 2005]