Đáp án vui Xuân Phật ngắn Phật dài

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật ngắn Phật dài! Nói mau nói mau! Hãy cẩn trọng! Nếu nói không đúng sẽ bị 30 gậy mà nói đúng cũng 30 gậy.

 

A... tặng phẩm 30 gậy đầu năm

Phật ngắn Phật dài! Nói mau nói mau! Hãy cẩn trọng! Nếu nói không đúng sẽ bị 30 gậy mà nói đúng cũng 30 gậy. Ôn Hòa thượng trong câu chuyện có thể là hiện thân của ngài Đức Sơn (Thiền sư 30 gậy). Dùng gậy để mở con mắt thứ ba của chúng sanh, khiến hành giả phân vân ngơ ngác. Nếu không kịp trả lời có thể bị người ta cho là mình ngu tối mê muội nên đành phải im lặng hay là vì tính khí nhu nhược muốn an phận sợ mất quyền lợi chăng?

Chỗ này không có vấn đề logic theo kiểu triết học, cũng không có vấn đề Phật ngắn Phật dài, vậy thì yếu chỉ ở chỗ nào? Nếu dùng tri thức kinh nghiệm học vấn, kể cả việc xem sách, nghe băng, truy cập trên mạng hay nghe giảng trực tiếp bằng ngôn từ… đều sai lầm. Sư Ông dạy chúng ta cần phải loại bỏ hoạt động của bộ óc thế trí biện tài, phải tỉnh giác vô phân biệt mới là tâm bình đẳng, mới là pháp môn bất nhị, cho nên hành giả nào vội vàng theo quán tính trả lời ngắn dài, đúng sai đều bị thẻ đỏ 30 gậy khiêng ra khỏi sân ngay.

Trong tình huống này, người chưa khai ngộ như vị sư ni trụ trì bao nhiêu năm trời thao tác cái tâm phân biệt suy diễn, dụng công lâu ngày đến mức trực giác trở nên tinh tế cực kỳ bén nhạy trước các đối tượng nghi vấn, nay bỗng có một nhân vật khác thường xuất hiện, vị sư ni ý thức hỗn độn, bị dồn ép vào chỗ đường cùng, tiến tới không được, lùi bước không xong, đi lên không chỗ bám, đi xuống sa hố sâu. Khi ấy chỉ còn buông bỏ cái tâm dính mắc, tâm trở nên rỗng rang không chấp trước, không tư ngã chủ quan hay  khách quan; đó là tâm vô sở trụ, không mang một tấc tơ, không dính một phiến cỏ, là người đại triệt ngộ.

Tiếng A! Chính nghĩa là không, vô, bất; là thán âm chỉ sự bừng ngộ của một hành giả đã lọt vào trung đạo; siêu ý thức có, không, vừa có vừa không, chẳng có chẳng không.

Chỗ này thì không còn là Phật ngắn hay Phật dài nữa, vì thật tướng của các pháp vốn không thể thấy được bằng khái niệm, không thể diễn tả bằng ngôn từ, thành quả của hành giả bao năm công phu nay đã chín muồi: “Mây ám mặc tình qua, núi tuệ vẫn bừng sáng”.

Có người hỏi: nếu nói sai thì bị 30 gậy đã đành, thế còn nói đúng vì sao cũng bị 30 gậy? Có lẽ thiền sư Đức Sơn muốn cảnh báo đồ chúng chớ có kiêu căng ngã mạn với thành tích nhất thời của mình. Lúc nào cũng tự hào vỗ ngực xưng danh ta là số một, là vô địch… rồi dừng lại trên cái hư danh ảo huyền đó mà không chịu tiếp tục trui rèn tuệ nghiệp của mình cho đến ngày rốt ráo toàn hảo.

Thân phận vị sư ni như gà bị rượt, bị đẩy vào bước đường cùng, nhảy gấp lên cột, nhảy bám lên tường. Một phen sanh tử mất còn bấy giờ mới chịu buông bỏ tất cả nắm bắt, chấp trước, vọng niệm. Rồi khi cận kề con đường chết, tự nhiên con đường sống ở ngay trước mắt.

Đến đây, ta thử tham quan nỗi lòng vị sư ni đã khởi nghi tình như thế nào lúc mới diện kiến. Bất ngờ vị khách Sa-môn xách chiếc cặp bước vào chùa. Tiến trình đi từ nghi đến ngộ của vị sư nữ có thể diễn tiến như bao tâm trạng của chúng nhân:

1. Nghi là phú Tăng, vị khất sĩ xách chiếc cặp da xịn nặng nề đó có lẽ là một đại gia Sa-môn đem bạc từ nước ngoài về cứu trợ các chùa nghèo chăng? À, mà thượng khách với bao bạc thật gồ như vậy sao không đi ô tô Merc.. cho nó có oai lực mà lại hiên ngang độc hành chẳng có thị giả bảo vệ… lỡ ra… thì sao?

2. Nghi là quan Tăng, thành phần được xếp hạng là tiểu tư sản trong xã hội, ngài là bậc thượng nhân đột xuất về chỉ đạo Phật sự chăng? Mà cũng không hẳn vậy, bởi nếu là cấp lãnh đạo thì ngài phải có phone di động báo trước với bộ hạ rầm rộ, chuông trống bát nhã, chớ đâu có lặng lẽ độc diễn khiêm tốn như vậy.

3. Nghi là doanh Tăng, ngài là đại thương gia lại có biệt tài phong thủy, thiên văn, lý số. Ngài tham quan các nơi có cuộc địa thiên y, sinh khí để mua đất mua vườn, nhân danh sự nghiệp lập đại thiền viện, du lịch nuôi tăng độ chúng, mở mang cho tiền đồ Phật giáo. Có khi mua đi bán lại để sinh lợi nuôi Tăng tài, hoặc để gởi ngân hàng, hoặc mua cổ phần cổ phiếu… À! Mà không hẳn vậy, nếu là doanh tăng thì ngài phải biểu dương cái bề thế nhân sự rầm rộ nói người ta nghe, đe người ta sợ. Tại sao ngài lại lặng lẽ từng bước, từng bước thầm trong cô đơn hiu quạnh như thế…

4. Nghi là du Tăng, ngài là chuyên gia về tổ chức du lịch, hành hương chiêm bái các thắng cảnh quê hương trong và ngoài nước với giá chùa có khuyến mãi. Đừng hiểu lầm ngài không có hộ khẩu nên thích ta bà du hóa khắp nơi cho đỡ buồn. Chiếc cặp hồ sơ thủ tục và ngân tệ nặng nề của ngài đủ bảo đảm cho lời chào hàng có trọng lượng của mình. À! Mà cũng chưa chắc phải vậy. Nếu là du tăng chính quy thì ngài phải thong dong tự tại “Bình bát cơm ngàn nhà. Thân chơi muôn dặm xa” là bậc thoát trần - Tăng vô nhất vật, là bậc thiền nhân bất khuất - Sa-môn bất kỉnh vương giả -  phong cách như vậy mới đúng là bản gốc, sao ngài lại đèo bòng chi cái cặp tiền tài danh lợi cho thêm mệt.

Trên 30 năm làm sư nữ như một hành giả còn sơ cơ ngu muội đi từ bóng tối này vào bóng tối khác, nay bỗng hoát nhiên bừng ngộ. Tiếng A! Không Phật ngắn, không Phật dài. Bừng con mắt tuệ thấy mình tâm không. Lành thay, trong bài thi công án này đã có trên 30 hành giả nhận 30 gậy của thiền sư Đức Sơn. Tuy nhiên, các thiện hữu sau đây được đánh nhẹ tay hơn một chút và được an ủi bằng món quà đầu Xuân tán thưởng như sau:

- Hành giả Quảng Trí.
- Hành giả Khôi Nguyên.
- Hành giả An trú hiện tại.

Kính chúc quý vị tân xuân vạn hạnh, đạo nghiệp viên thành. Kính mời ba vị hành giả có tên liên hệ với BBT TSPL để nhận món quà đầu Xuân.

Om Mani Padme Hum

TV. Nam Mô - Thích Hạnh Thiền
[Tập san Pháp Luân - số 24, tr.85, 2006]