Mối liên hệ giữa Thầy và Trò trong đời sống Thiền môn

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mối liên hệ giữa thầy và trò trong bất cứ xã hội nào và ở thời đại nào vẫn luôn là mối liên hệ cao quý. Mối liên hệ đó có thể không sâu đậm và thắt chặt như quan hệ giữa cha mẹ và con cái nhưng nó mang một giá trị rất thiêng liêng. Trong truyền thống Khổng giáo, quan hệ giữa thầy và trò được coi trọng hơn giữa cha mẹ và con cái, và người thầy được xếp vị trí chỉ sau nhà vua mà trên tất cả mọi hạng người trong xã hội.

Khổng giáo đã nâng vai trò người thầy lên một tầm mức quan trọng, và qua lịch sử truyền thừa của mình, tinh thần đó đã được phản ánh một cách rõ nét. Phật giáo không như Khổng giáo, phân cấp khinh trọng các mối quan hệ. Theo Phật giáo, mọi mối quan hệ đều có tầm quan trọng của nó và một con người để hình thành nên nhân cách và tài năng hẳn có sự chi phối từ nhiều phía: cha mẹ, thầy giáo, môi trường xã hội và chính cả bản thân người đó. Tuy nhiên trong Phật giáo, mối liên hệ giữa thầy và đệ tử cũng được coi trọng và giữa họ luôn có sự ảnh hưởng lẫn nhau một cách sâu sắc. 

Trong đời sống thiền môn, người thầy đóng một vai trò vô cùng thiết yếu trong việc dẫn dắt những người bước đầu học đạo. Đối với một người mới xuất gia, giáo thuyết và những phương pháp tu tập đối với họ đôi khi khó hiểu và vì thế có thể dẫn đến việc hiểu và thực hành sai. Vì thế bậc thầy là người có nhiệm vụ trong việc truyền trao sự hiểu biết và hướng dẫn đệ tử đi theo một đường hướng đúng đắn, từ nếp sống trong chùa cho đến việc thực hành lời dạy của đức Phật. Nếu một người không có đủ khả năng mà nhận hướng dẫn người khác thì điều đó tất yếu sẽ dẫn đến một kết quả tai hại. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một người xuất gia tu học không thể nào thiếu một người thầy hướng dẫn, và người tu hành sẽ không bao giờ thành công, có khi trở thành điên dại nếu không có được một người thầy chân chính. Những điều như vậy cũng thường được phản ánh trong kinh điển. Có những vị sau khi nhận đệ tử, đã không có phương pháp dạy đệ tử cho thích hợp, khiến đệ tử không phát triển được đời sống tâm linh, để rồi họ trở nên chán nản và quay trở lại đời sống thế tục. Ngay cả những vị trưởng lão thời đức Phật, đôi khi vẫn không nhìn thấy rõ được căn cơ của đệ tử, đã trao cho họ pháp môn không thích hợp dẫn đến việc họ thực hành không có kết quả. Trong kinh có kể lại câu chuyện đệ tử của tôn giả Xá-lợi-phất, vì không nhận được một pháp môn thích hợp nên không đạt được kết quả tốt đẹp sau một thời gian tu tập. Cuối cùng phải nhờ đến đức Phật, ngài hiểu được căn tánh nên cho vị này quán hoa sen nở và tàn trong hồ để thấy được tính cách vô thường của các pháp, nhờ đó vị này đã tu tập thành công.

Người xuất gia khi mới vào chùa họ phải trải qua một thời kỳ tập sự. Trong thời gian này họ vừa học tập kinh điển và vừa làm những công việc chấp lao phục dịch trong chùa, và đây cũng là thời gian họ được thầy mình đặc biệt quan tâm chỉ dạy. Có những người thầy đã chọn những vị mới vào tu làm thị giả cho mình, để qua đó họ dễ dàng thấy được nhân cách và căn cơ của người này, để từ đó có phương cách giáo dục thích hợp. Còn người đệ tử trong thời kỳ tập sự xuất gia, khi được gần gũi bên thầy sẽ cho họ nhiều cơ hội trong việc học hỏi lời thầy dạy cũng như noi theo lối sống của thầy mình. Vai trò của người thầy trong chốn thiền môn như vậy rất thiết yếu, có thể tác động rất lớn đến việc hình thành nên nhân cách cũng như việc phát triển tâm linh của người đệ tử. Đối với những người xuất gia tuổi còn nhỏ thì sự tác động đó càng lớn hơn. Người đệ tử xuất gia ở một ngôi chùa mà ở đó việc cúng đám được coi là công việc chính thì xu hướng của người đệ tử cũng ngã dần theo đó; còn người đệ tử xuất gia ở một ngôi chùa coi việc tu tập làm trọng thì người đệ tử cũng sẽ có khuynh hướng đi theo con đường này. Nhưng mọi việc luôn có ngoại lệ, cũng có những người đệ tử đã độc lập chọn lấy lối đi của mình mà không hoàn toàn bước theo dấu chân của thầy, lối đi đó có thể tốt hơn nhưng cũng có thể xấu hơn.

Một điều rõ ràng rằng, trong một gia đình những người con được nên người, thành danh phần lớn nhờ vào sự giáo dục cũng như tình thương của cha mẹ. Trong một ngôi chùa, người đệ tử để hình thành nên một con người có đủ tài đức thì sự góp phần của người thầy không nhỏ. Nhưng trong mối quan hệ hỗ tương, người đệ tử cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho thầy mình trong việc xiển dương Phật pháp. Một con người dù tài năng đến đâu, nếu không có được sự giúp sức của người khác thì vẫn gặp rất nhiều hạn chế trong công việc của mình. Bằng chứng dễ thấy là giữa Lục tổ Huệ Năng và ngài Thần Tú. Ngài Huệ Năng được biết đến như ngày hôm nay tất nhiên là do tư tưởng siêu xuất của ngài, nhưng cũng không thể phủ nhận sự góp công của những vị đệ tử về sau, mà cụ thể là Thần Hội. Pháp Bảo Đàn kinh sẽ không được hình thành nếu không có những vị đệ tử tài giỏi tiếp nối. Ngài Thần Tú xuất hiện trong Pháp Bảo Đàn với một hình ảnh khiêm tốn cũng chỉ vì đệ tử của ngài đã không thể hiện được điều gì để xiển dương đường lối của thầy mình!

Ngay cả đức Phật, giáo pháp của Ngài được truyền bá cũng phải cần đến những vị đệ tử xuất sắc tiếp nối Ngài như A-nan, Ca-diếp, Ưu-bà-li… trong buổi đầu, và về sau là Buddhaghosa, Nagasena, Thế Thân, Long Thọ, rồi Huyền Trang… và ngay cả những đệ tử tại gia như Kanishka, Asoka… Nhưng các vị ấy sở dĩ đã nhiệt tâm làm rạng danh thầy mình bởi vì họ đã nhận thấy được sự hữu ích trong những lời dạy của đức Phật và kính phục trước đời sống phạm hạnh cao cả của Ngài.

Một người thầy tài giỏi không phải chỉ là một người giảng thuyết hay mà còn là người đào tạo nên được những người đệ tử xuất sắc. Những người đệ tử xuất sắc, với cách hành xử có đạo đức lẫn tài năng của họ sẽ góp phần nâng giá trị của họ và cả người thầy lên một bậc. Những ai đã từng đến nghe đức Dalai Lama thuyết giảng hay gặp ngài ở các cuộc hội thảo sẽ nhận ra được điều này. Những vị đệ tử của ngài, cũng là những vị phụ tá, khi đứng bên cạnh ngài luôn tỏ một thái độ tôn kính hết mức và biểu lộ một thái độ khiêm cung đáng kính, dù họ đang là những viện trưởng của các học viện lớn của Tây Tạng ở Ấn, thông đạt nhiều vấn đề, thành thạo nhiều ngôn ngữ. Cách hành xử đó đã khiến cho những người chứng kiến vừa mến phục họ và vừa kính ngưỡng thầy của họ hơn.

Quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa hai thế hệ kế thừa mà còn là một chuỗi tiếp nối dài lâu, trải qua nhiều thế hệ. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn nơi Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phật giáo Trung Hoa là sự kết hợp của nhiều tông phái, và sự truyền thừa của mỗi tông phái là một chuỗi nối tiếp chặt chẽ giữa thầy và trò. Trong Thiền tông, sự truyền thừa này có lẽ dễ thấy nhất. Ở đây sự truyền thừa không chỉ là sự tiếp nối mà còn là sự xiển dương tông phái của mình, làm cho lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và cũng làm thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại. Có những người thầy, có khi tên tuổi của mình được biết đến phải nhờ đến những người về sau, chẳng hạn như Duy thức tông. Nếu Duy thức tông không có những vị như Thế Thân (Vasubandhu), Vô Trước (Asaṅga)… về sau thì người sáng lập nên tông phái này là đức Di-lặc (Maitreya) chưa chắc ngày nay đã được nhắc đến.

Trong thời đại ngày nay (ở Việt Nam) sự ảnh hưởng của người thầy đối với đệ tử của mình ít nhiều không còn sâu sắc như ngày xưa, vì người đệ tử bây giờ hình như học tập ở thầy mình ít hơn học hỏi ở những người khác, và thời gian họ ở gần thầy cũng không còn được nhiều. Họ phải trải qua nhiều chương trình học, từ ngoại điển cho đến nội điển. Bên cạnh đó, có những người thầy nhiều khi nhận đệ tử nhưng thực sự đã không dạy được gì cho đệ tử. Đó là chưa nói đến những người nhận đệ tử trong khi vai trò làm thầy của mình chưa có. Như vậy, chưa nói đến việc đã dạy được gì cho đệ tử, đã tác động xấu đến người đệ tử trong buổi đầu xuất gia, hình thành trong tâm hồn trong sáng của họ một hình ảnh không mấy đẹp đẽ về người đi trước.

Người xuất gia khi rời xa cha mẹ và đời sống gia đình thì ngôi chùa trở thành nơi nương tựa của họ, và người thầy vừa là thầy nhưng cũng vừa là cha mẹ của họ. Mỗi khi ngôi chùa không thực hiện được chức năng tổ ấm tâm linh cho người xuất gia và người thầy không thể hiện được vai trò làm nơi nương tựa cho đệ tử vào buổi đầu thì tất yếu sẽ dẫn đến một hệ quả không mấy tốt đẹp. Sẽ thế nào khi người đệ tử rời khỏi chùa của mình mà không chút quyến luyến, rời xa người thầy của mình mà cảm thấy vui mừng? Và không thể rằng, người đệ tử sau khi rời xa chùa đi học đã không muốn quay trở về khi khoá học kết thúc; cũng không thể rằng người đệ tử sống trong một ngôi chùa mà tâm hồn lúc nào cũng cảm thấy bất an, muốn tìm đến ở một nơi khác…

Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến lòng từ bi trong đạo Phật. Lòng từ bi nói một cách dễ hiểu là tình thương, một tình thương không tính toán, một tình thương không chỉ có nói mà còn phải thực hành. Cổ nhân thường khuyên rằng lời nói nên đi đôi với hành động, vì chỉ nói mà không hành động thì lời nói ấy chẳng có ích gì cả. Bảo rằng tôi thương yêu mọi người, thương tất cả mọi chúng sanh, trong khi không thương được những người thân cận gần gũi bên mình thì lời nói ấy thật vô nghĩa. Tình thương, trong quan hệ giữa thầy và trò trong đạo Phật đóng một vai trò vô cùng thiết yếu. Người xuất gia khi rời bỏ gia đình để vào chùa, đời sống của họ đã gửi gắm vào người thầy, ít nhất trong buổi đầu. Người thầy như vậy đã trở thành điểm nương tựa của người đệ tử. Nếu điểm tựa đó không vững vàng, không đủ ấm áp thì người đệ tử sẽ bị chao đảo và có khi sẽ rơi ngã.

Ngày hôm nay, khi mà đời sống của người xuất gia chịu sự chi phối và tác động lớn lao từ những điều kiện xã hội bên ngoài thì trách nhiệm của người thầy đối với đệ tử của mình càng lớn hơn. Người thầy phải nắm bắt được tâm lý của người đệ tử, hiểu được những nguyện vọng của họ, phải chịu khó lắng nghe, và làm sao phải giáo dục cho đệ tử có được một đời sống đạo đức căn bản trong bước đầu trước khi gửi họ đi học ở một nơi khác. Người thầy không chỉ hướng dẫn cho đệ tử học hai thời công phu, dăm ba bài tán… không thôi mà còn phải hướng dẫn cho đệ tử những chuẩn mực sống cơ bản, những chuẩn mực đó tất nhiên phải được dựa trên lời dạy của đức Phật. Người thầy phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đệ tử, phải thấy được sứ mệnh của một người đi trước đối với người đi sau trong quan hệ hỗ tương truyền bá giáo pháp; phải thấy việc hướng dẫn đào tạo đệ tử quan trọng hơn việc xây dựng chùa to Phật lớn, quan trọng hơn việc làm nhang làm tương và bán đồ chay hàng tháng, quan trọng hơn việc cúng đám cầu siêu cầu an. Nhiều vị thầy có thể bỏ ra mấy tỉ đồng để xây dựng chùa chiền, nhưng lại không thể bỏ ra một phần trăm trong đó để lo cho đệ tử học hành chu đáo; có thể tổ chức làm từ thiện hàng tỉ đồng để kiếm lấy những mảnh giấy “người tốt việc tốt”, nhưng đệ tử đi học phải lây lất, hết xin tiền gia đình đến xin tiền Phật tử, xoay sở đủ cách để trang trải cho việc học. Mọi việc làm tất nhiên đều cần thiết và có ý nghĩa riêng của nó, nhưng chúng ta biết rằng mỗi khi giáo dục bị bỏ ngỏ, hay sự quan tâm đến giáo dục không được đầu tư đúng mức thì đó là một sai lầm lớn. Việc giáo dục trong Phật giáo vô cùng quan trọng, nó không chỉ là việc đào tạo nên những con người có ích cho đời mà còn hình thành nên những con người biết gìn giữ và xiển dương giáo pháp của đức Phật. Mỗi khi người thầy quan tâm và giáo dục đệ tử đúng mức, thì một cách tất yếu người đệ tử sẽ tỏ lòng tôn kính và sẽ có những hành động tích cực đối với thầy của mình cũng như đối với đạo pháp nói chung.

Tre già măng mọc. Câu nói quen thuộc ấy nói lên sự tiếp nối tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ. Người lớn rồi sẽ nằm xuống và trẻ nhỏ sẽ lớn lên; thầy rồi sẽ nằm xuống và trò rồi sẽ lên làm thầy. Nhưng để cho trò khi lên làm thầy có đầy đủ những phẩm chất của một người thầy thì ngay bây giờ họ phải được quan tâm và giáo dục đúng mức. Măng rồi sẽ thành tre, nhưng trở thành một cây tre cong queo còi cọc thì giá trị của nó chỉ dừng lại ở chỗ làm củi mà không có gì khác hơn.■

Hương trầm phảng phất quyện theo tiếng chuông ngân xa từ mái chùa rêu phủ nằm ẩn mình dưới rặng cây xanh nơi thanh vắng khiến bao tâm hồn khô héo về kiếp khổ đau nhân thế trở nên tươi tỉnh, thư thái, hân hoan lần theo từng bước đi trong nếp sống yên tịnh, đạm bạc.

Cuộc sống những nơi như vậy thoảng nhìn chỉ là sinh hoạt thường nhật: quét rác, lau dọn, bửa củi, nấu cơm, đóng chuông, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật và học thuộc lòng vài bài kinh, luật nhật dụng… nhưng lại là nơi xuất thân của nhiều Cao tăng, Thạc đức, thành công trong sự nghiệp đem đạo vào đời, làm hưng thịnh Phật giáo ở Thế gian, mà Thiền môn vẫn nghiêm tịnh, thanh tu. Phải chăng môi trường và phương pháp giáo dục nơi đây không chỉ là nơi tu dưỡng, hun đúc lý tưởng xuất trần mà còn đào tạo nhân tài? 

Sinh hoạt hàng ngày trong Thiền môn như ở nước ta trông thật đơn giản: Mỗi sáng thức dậy đóng chuông, tụng kinh, quét rác, v.v… làm đến chiều tối, rồi ngồi thiền trước khi ngủ. Giờ cầm sách học rất ít. Kinh nhật tụng và bộ luật trường hàng (gồm bốn quyển: Tỳ-ni, Sa-di, oai nghi, cảnh sách) chữ Hán phải học thuộc lòng, có nơi bắt phải học thuộc đến khi đọc xuôi, đọc ngược được mới thôi. Sách đọc tham khảo không có. Kinh bộ chỉ dành cho quý Tỳ-kheo học ở những trường Hạ vào mùa an cư hằng năm theo phương pháp gia giáo, chữ đâu nghĩa đó. Người học nghe dịch và giảng xong, trùng tuyên lại. Chương trình giáo dục truyền thống cho cả đời tu học của người xuất gia tính ra số kinh bộ đọc hiểu chỉ mất thời gian một năm đối với sinh viên đại học, bài học thuộc lòng chỉ mất một tháng đối với học sinh phổ thông, việc làm chỉ mất một ngày đối với cư sĩ trung niên. Song, sinh hoạt Thiền môn không đơn giản như vậy. 

Ở đời, công việc đơn giản là công việc, những gì được thực hiện chỉ là hoàn tất công việc, với người học Phật thì công việc không đơn giản chỉ là công việc mà những gì được thực hiện là để hoàn thiện hành vi, điều phục tâm mình, hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát. 

Ngay khi mới vào chùa, thực tập đời sống xuất gia còn gọi là hành điệu, người học đạo bắt đầu bằng việc học quét chùa với bài kệ: Cần tảo già-lam địa, thời thời phước huệ sanh. Tuy vô tân khách chí, diệc hữu Thánh nhơn hành. Tạm dịch: Siêng năng quét dọn sân chùa, ngày ngày được phước lại vừa thông minh. Hoặc không khách đến nghe kinh, cũng thì Hiền Thánh ẩn mình dạo chơi.

Bài kệ bốn câu âm Hán, mới nghe qua ai cũng thuộc liền và đọc nhẩm mỗi khi cầm chổi quét. Nhờ vậy, sân chùa được quét sạch sẽ, không còn sót nhiều lá rụng, những vết chổi ngoằn nghèo trên đất dần dần thẳng đều và đến lúc không còn dấu chổi, đá gạch nằm lổm chổm trên lối đi được xếp ngay ngắn nằm ở góc sân hay dưới gốc cây. 

Thời hành điệu như vậy chắc chắn được phước, nhiều hay ít tùy theo việc đã làm. Song trí huệ sanh hay không thì không phải ở số lượng công việc mà là ở nhận thức, tu chứng. Lúc đầu, ai cũng phấn khởi vì học thuộc bài kệ quét rác nhanh hơn so với Bàn-đặc trong Kinh A-di-đà Sớ Sao của Tổ Chu Hoằng thuật, mất đến tám năm mà vẫn học không thuộc. Sau cùng, thì niềm tự hào đó khó có ai giữ được, nó tan biến theo năm tháng quét rác. Bởi vì, Bàn-đặc trong kinh này đã ngộ đạo nhờ học thuộc chỉ hai chữ Tảo Chửu (chổi quét) do đức Phật dạy và đã chứng quả A-la-hán. Còn chúng ta thì học càng ngày càng nhiều, nhưng kết quả thì ngược lại.

Mẩu chuyện Bàn-đặc chứng Thánh quả là một trong những phương pháp giáo dục đặc biệt của Thiền môn. Trong giáo pháp đức Phật, dù căn trí chậm lụt như Bàn-đặc vẫn học và tu chứng Thánh. 

Trong Tích truyện Pháp cú (Buddhist Legends của Eugene Watson Burlingame, TV. Viên Chiếu dịch), Bàn-đặc được kể ở đây chỉ mất bốn tháng học một bài kệ không thuộc. Đức Phật đổi phương pháp dạy, đưa cho Bàn-đặc một chiếc khăn sạch và dạy vừa lau vừa nói: “Tẩy sạch dơ bẩn, tẩy sạch dơ bẩn”. Bàn-đặc nhận khăn và làm đúng như lời Phật dạy. Chiếc khăn sạch ban đầu dần dần bị nhớp nhúa, Bàn-đặc đã ngộ ra các pháp vô thường, tiếp tục chuyên chú vào sự biến dị này, trí tuệ khai mở. Ngay lúc đó đức Phật dạy: “Đừng nghĩ rằng chỉ mảnh vải ấy trở thành cáu bẩn mà ngay trong tâm ông tham ái, bất tịnh và những cấu uế khác cũng đầy rẫy. Ông hãy tẩy sạch chúng đi”. Trong một buổi sáng, Bàn-đặc đã tu chứng A-la-hán, thần thông đầy đủ, thông suốt cả ba tạng kinh điển.

Mẩu điển hình khác là chuyện Ngũ tổ Hoằng Nhẫn dạy cho Huệ Năng bửa củi, giã gạo ở nhà trù chùa Đông Thiền, Trung Quốc. Huệ Năng không biết chữ, người ốm yếu, giã gạo phải đeo đá để tăng trọng lượng đứng trên chày, làm ròng rã tám tháng trời. Một hôm Ngũ Tổ đến bên hỏi: “Gạo trắng chưa?” Huệ Năng đáp: “Đã trắng nhưng chưa có sàng”. Tổ lấy gậy gõ xuống cối ba cái, rồi bỏ đi. Hiểu được ý, nửa đêm Huệ Năng vào phòng Tổ, được học kinh Kim Cang, ngộ đạo và được phú pháp, truyền y bát trở thành Lục Tổ.

Phương pháp giáo dục như đức Phật dạy cho Bàn-đặc, Ngũ Tổ dạy cho Lục Tổ được áp dụng trong Thiền môn từ xưa đến ngày nay. Mọi sinh hoạt thường nhật đều có bài kệ kèm theo để người học Phật tu tập và đã trở thành luật như Tỳ-ni Nhật dụng Thiết yếu. Quyển luật này do ngài Độc Thể (1601-1679) sống vào cuối nhà Minh đầu nhà Thanh bên Tàu biên soạn, và HT. Trí Quang dịch là Những điều nhật dụng thiết yếu của giới luật gồm 51 bài xếp theo số thứ tự. Trong đó, 45 bài đầu là kệ và chú tiêu biểu cho những sinh hoạt thường nhật của người xuất gia. Sáng sớm thức dậy đọc bài kệ số 1 - Tảo giác: Thụy miên thỉ ngộ, đương nguyện chúng sanh, nhất thế trí giác, châu cố thập phương. (Ngủ nghỉ mới thức, nên nguyện chúng sanh, tất cả trí giác, nhìn khắp mười phương). Và khi ngủ nghỉ thì đọc kệ số 37 - Thụy miên: Dĩ thời tẩm tức, đương nguyện chúng sanh, thân đắc an ẩn, tâm vô loạn động. (Ngủ nghỉ theo giờ, nên nguyện chúng sanh, thân được yên ổn, tâm không loạn động). Mỗi động niệm đều gắn liền với bài kệ để giữ tâm không buông lung, luôn ở trong chánh niệm, phát bồ-đề nguyện và hành bồ-tát hạnh. 

Tỳ-ni Nhật dụng Thiết yếu là quyển đầu trong bộ luật trường hàng dành cho những người xuất gia tập sự phải học thuộc và thực hành trước khi thọ Cụ túc giới, trở thành người xuất gia thực sự. Vì có tính thiết yếu và nhật dụng nên Tỳ-ni được người xuất gia học Phật áp dụng trọn đời. 

Khoảng hai mươi năm trước, ai muốn học quyển sách này thì phải ghi lại từ bản chép tay của những vị học trước hoặc may mắn thì chép được từ bản gốc in trước năm 1975. Trong chùa, chỗ nào cần phải đọc kệ thì thường thấy có dán sẵn câu kệ ở đó, ngay cả nhà xí, nơi rửa tay… để nhắc nhở mọi người giữ chánh niệm, lìa tham sân si. Nên khi nhìn thấy mẩu giấy nhỏ dán trên tường được đóng khung ngay ngắn thì ai cũng nhớ ngay bài kệ đó là gì và từng dòng chữ tái hiện trong đầu. 

Trong Nẻo vào Thiền học, Thiền sư Nhất Hạnh đã khẳng định, quyển Tỳ-ni Nhật dụng Thiết yếu này “chính là bản thân của Thiền học và tinh hoa của đạo Phật”, và chứng minh điều này qua mẩu đối thoại giữa đức Phật và một giáo chủ ngoại đạo:

- Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Phật thế nào? Các ngài làm gì mỗi ngày?  

- Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ...  

- Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu? Ai lại không đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ?  

- Ðặc biệt lắm chứ, thưa ngài. Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ thì chúng tôi biết là chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ. Còn khi những người khác đi, đứng, nằm, ngồi v.v... thì họ không ý thức được là họ đang đi, đứng, nằm, ngồi... 

Đạo giác ngộ bắt đầu từ những sinh hoạt thường nhật giản dị, không hình thức cầu kỳ như vậy, nhưng chứa đựng phương pháp tu học cốt tủy của đạo Phật – đó là chánh niệm. Sinh hoạt như vậy có từ thời đức Phật, đã phổ biến trở thành nếp sống trong Thiền môn. Trong nếp sống này, những công việc thường nhật, những lời dạy vắn tắt và phong cách của người Thầy đã giúp cho người học Phật dễ dàng bỏ những thói quen sống ở đời, sớm hòa nhập vào chốn đạo, ngõ hầu đạt đến mục đích xuất gia. 

Ngày nay, sinh hoạt Thiền môn không còn thuần nhất như xưa nữa, nếp sống truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi thời đại văn minh vật chất. Tu học truyền thống là gia giáo, thầy truyền trò, tâm truyền tâm, chú trọng chiều sâu. Tu học hiện đại theo trường lớp, vừa học Phật học vừa học thế học, một người thuyết giảng nhiều người nghe, chủ yếu kiến thức mở rộng. 

Trong Thiền môn ngày càng nhiều việc, đòi hỏi chuyên môn, phân công làm: trụ trì tiếp tăng độ chúng, giảng sư hoằng pháp, giáo thọ đứng lớp dạy học, v.v… Nếp sinh hoạt truyền thống dần dần thu hẹp lại, chức năng gia giáo trong Thiền môn giảm dần, sinh hoạt hiện đại mở rộng ra. Nhiều chùa ngày nay được xây dựng nhiều tầng, mái cao, có thể nhìn thấy từ xa, trước cổng có bảng hiệu, địa chỉ và chức năng chuyên môn nhằm phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp, độ sanh, độ tử mau chóng, dễ dàng. Cũng bắt nhịp từ thực tế đó, các trường Phật học vừa dạy nội điển vừa dạy ngoại điển hoặc đưa ra trường ngoài học thế học, hoặc xuất dương du học để cung cấp nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho nhu cầu phong phú, đa dạng trong thực tế. 

Chủ trương đạo Phật “nhập thế” được khai thác triệt để. Thiền môn mở cửa phục vụ quần chúng tối đa, trở thành cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, xã hội và kinh tế nhộn nhịp. Thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được ứng dụng hầu hết trong mọi sinh hoạt. Thực tế như vậy chúng ta không thể chối bỏ, không thể chống lại mà phải đón nhận xu hướng phát triển và hội nhập đó trong thế chủ động, tùy duyên bất biến, không bị hòa tan. Có như vậy Thiền môn không bị hoen ố, ánh đạo mới được thế nhân tôn thờ và mang về thắp sáng nhân gian, mới mong thế giới an lạc, Thiền môn vẫn giữ nếp sống tự muôn đời. 

Hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông ngân lên, tất cả chìm vào bóng đêm, không gian thu hẹp lại trong một đốm lửa hồng, rồi tan theo làn hương hóa thân giữa trời sao mênh mông... ■

[Tập San Pháp Luân.39.tr,11.2006]