Ảnh hưởng của các bộ phim truyện Phật giáo đối với việc truyền bá Phật giáo tại Hoa Kỳ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trước đây, Phật tử toàn thế giới đã tôn vinh đức Phật và giáo pháp của Ngài bằng nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống như điêu khắc, hội họa, kiến trúc, văn chương, âm nhạc, v.v… thì nay các nhà làm phim, tác giả của The Little Buddha, Seven years in Tibet, Kudun đã tôn vinh đức Phật và đạo Phật bằng một loại hình nghệ thuật mới mẻ: điện ảnh. 100 năm sau khi ngành nghệ thuật non trẻ này ra đời, nó đã có những cống hiến lớn lao cho việc truyền bá Phật giáo, không kém gì vô số những tác phẩm nghệ thuật khác góp phần vào việc truyền bá đạo Phật từ Tây sang Đông, rồi lại từ Đông sang Tây như tranh tượng, công trình kiến trúc, tác phẩm văn học… trong hơn 2500 năm.

 

Tập công trình đồ sộ 1258 trang, Lịch sử văn minh nhân loại hiện đại 1900 – 2000, minh họa thế kỷ XX của Lorrain Glennon, bản dịch của Phạm Khải, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, xuất bản năm 2006, ghi nhận như sau về việc Phật giáo truyền bá rộng rãi tại Mỹ vào cuối thế kỷ XX:

“Việc tung ra 3 cuốn phim Holywood nói về đạo Phật: The Little Buddha, Seven years in Tibet và Kudun, là một cái gật đầu cho sự tái sinh của đạo Phật ở Bắc Mỹ”. Cũng công trình này cho biết tiếp như sau về việc truyền bá đạo Phật: “Đây là đợt thứ 3 hay thứ 5 gì đó, ở Tây Âu và Bắc Mỹ, song với quy mô ào ạt, tất cả các thế lực chính trị, tôn giáo khác, kể cả Vatican và khối Ả Rập đều phải kính nể”.

Những tên tuổi như Jack Kerouac, giáo sư đại học kiêm văn sĩ, Gary Snyder sư phụ giáo phái Thiền (Zen), các giới thượng lưu, tài tử ca sĩ. Richard Gere, “Magic” Jonhson, Jackson (Micheal), Madonna, cựu Tổng thống George Bush (bố) cũng mời thầy Tây Tạng lập đàn cúng kiếng suốt 12 tiếng ở tòa Bạch ốc. Họ cũng có kể công phái đoàn thiện chí Peace Corps mang đạo Phật từ Việt Nam đến, cùng số Việt kiều Phật tử trên đất Mỹ.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao việc trình chiếu ba bộ phim về Phật giáo nói trên vào những năm cuối thế kỷ trước (1) lại trở thành một cái mốc đánh dấu bước tiến mới trong việc truyền bá Phật giáo trên đất Mỹ.

Thật ra các nhà làm phim, phát hành phim Holywood không hề có ý định truyền bá đạo Phật bằng phim. Là thương phẩm, nhưng những tác phẩm của họ được tạo thành từ những rung động chân thành và mãnh liệt của họ đối với đạo Phật và đức Phật. Trước những xúc cảm lớn lao và mạnh mẽ đó, những nghệ sĩ lớn không thể không chuyển hóa những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình thành tác phẩm nghệ thuật. Tác giả của những bộ phim như The Little Buddha, Seven years in Tibet… đã trở thành những Phật tử trong sâu xa tâm khảm họ, dù là có thể họ vẫn giữ những truyền thống Cơ đốc giáo. Những bộ phim trên đã là lời chia sẻ tín tâm của họ đối với khán giả nước Mỹ và toàn cầu, và đó là những lời chia sẻ trung thực nhất, chân thành nhất. Chính vì vậy, những bộ phim Phật giáo đã nhanh chóng chinh phục trái tim người xem, thu hút họ ở sự đồng điệu, cảm thông và từ đó đưa một số đông khán giả xem phim trở thành Phật tử.

Bằng cách thức như trên, đạo Phật đã truyền đến với công chúng Mỹ vào cuối thế kỷ XX một cách hết sức sinh động, thuyết phục. Không phải bằng những ngôn từ thuyết giáo cao xa, cầu kỳ mà có thể khó hiểu đối với họ, không phải bằng những tu sĩ đạo mạo, khắc khổ, mà có thể còn rất xa lạ đối với họ, đạo Phật ở đây truyền đến họ qua những hình ảnh hết sức rõ ràng, cụ thể, thấm đẫm sự cảm phục, kính ngưỡng trên màn ảnh rộng. Từ đó, đạo Phật mau chóng đi vào lòng người và khắc vào đó những ấn tượng sâu đậm nhất. Có thể có ai đó đi xem các bộ phim The Little Buddha, Seven years in Tibet… vì sự hiếu kỳ muốn tìm hiểu một nền văn hóa, tín ngưỡng mới lạ. Cũng có thể vì tên tuổi của những nhà làm phim thúc đẩy khán giả đến rạp chiếu bóng. Nhưng đã xem phim rồi, khán giả đều thấy rằng, chính đức Phật và đạo Phật đã “chinh phục” các nhà làm phim, và đến bây giờ, đến lượt các nhà làm phim và các bộ phim chinh phục lại họ. Ở đây, giáo pháp đã được chuyển hóa thành hình tượng nghệ thuật ở mức độ tuyệt vời nhất, từ đó tác động thẳng vào trái tim người xem. Con đường truyền đạo, hoằng pháp không phải là từ khối óc đến khối óc, mà từ trái tim của người làm nghệ thuật đến với trái tim công chúng.  

Chắc chắn là những rung động sâu sắc từ trái tim đã thúc đẩy số đông khán giả có dịp được xem các phim The Little Buddha, Seven years in Tibet, Kudun tiếp tục tìm hiểu về đức Phật và đạo Phật. Tất nhiên, những gì mà họ cảm nhận được qua sự tìm hiểu bằng trí tuệ cũng tuyệt vời như những cảm xúc nghệ thuật mà họ có được sau khi xem phim. Những thành công của bộ phim về đức Phật đã mở một con đường mới để công chúng rộng rãi đến với Phật pháp. Đó là con đường của cảm xúc, đồng thời cũng là con đường của trí tuệ. Những bộ phim đã đóng vai trò khơi gợi ở công chúng ý hướng đầu tiên để tìm hiểu về đức Phật và đạo Phật.

Qua đây, cũng cần thấy được sức mạnh lớn lao của nghệ thuật điện ảnh. Trước những bộ phim trên, đạo Phật đã đến Mỹ qua nhiều tác phẩm nghiên cứu, trước tác, dịch thuật. Nhưng chỉ khi những người làm nghệ thuật điện ảnh tìm đến được với những cảm hứng về đức Phật và đạo Phật, dẫn đến những sáng tạo về nghệ thuật thành công như các bộ phim vừa kể, thì mới hình thành đỉnh cao của làn sóng truyền bá đạo Phật vào Mỹ, như công trình dẫn trên ghi nhận. Với một loạt phim về đức Phật, điện ảnh đã tự chứng minh đó là một công cụ hoằng pháp đầy ưu thế. Các bộ phim Phật giáo thành công nói trên vừa là nguyên nhân đưa tới việc đạt được đỉnh cao trong tiến trình truyền bá đạo Phật ở Mỹ, vừa là kết quả đánh dấu cao điểm thành công trong việc truyền bá Phật giáo tại Mỹ. Chưa bao giờ mà các nghệ sĩ lớn của Holywood lại bị chinh phục bởi những cảm hứng từ một tôn giáo ngoài truyền thống Cơ đốc giáo đến như vậy. Ngoài thành công của các bộ phim, chính tên tuổi của các nhà hoạt động nghệ thuật điện ảnh Âu Mỹ chọn đạo Phật làm đề tài thể hiện cũng đã có tác động lớn đối với chính công chúng điện ảnh Mỹ. 

Cuối cùng, phải thấy rằng, chính sự vĩ đại của đức Phật và đạo Phật là nền tảng tất yếu cho những thành công đó. Sự tuyệt diệu của đạo Phật đã chắp cánh cho cảm hứng để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật có tác động đến hàng trăm triệu người, làm kinh ngạc toàn cầu, có giá trị không khác gì hàng trăm đoàn truyền giáo… ■

(1) Chú thích về 3 bộ phim Phật giáo, tổng hợp tài liệu từ internet: 

- The Little Buddha: Kịch bản: Rudy Wurlitzer, đạo diễn Bernado Bertolucci, sản xuất năm 1993. Phim lồng ghép 2 câu chuyện về vị Lạt-ma tái sinh và cuộc đời đức  Phật.

- Seven years in Tibet: Dựa theo bút ký của Heinrich Harrer về đời sống ở Tây Tạng, đạo diễn Jean Jacques Annaud thực hiện lại lần thứ 2 (1997) sau một phim cùng tên sản xuất năm 1956.

- Kudun: Tác giả kịch bản: Melissa Mathison, đạo diễn Martin Scorsese, thực hiện năm 1997, kể về cuộc đời đức Đạt-lai Lạt-ma.

[Tập San Pháp Luân.38.tr,74.2006]