Lễ tưởng niệm ngày sinh Babasaheb Ambedkar

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thủ Đô Delhi: Lễ tưởng niệm 116 năm ngày sinh (14/4) của Ambedkar do Bộ Tư Pháp Ấn Độ tổ chức long trọng tại đài tưởng niệm ông trong khuôn viên Quốc hội nước Cộng hòa Ấn Độ.

 

Đến tham dự, có Thủ tướng Chính phủ, ông Manmohan Singh, Chủ tịch Đảng Quốc Đại, bà Sonia Gandhi cùng nhiều quan chức Chính phủ, dân biểu Quốc hội và Bộ Tư pháp. Phía Phật giáo, có Thượng tọa Satyapala, Trưởng Khoa Phật học thuộc Đại học Delhi cùng hàng trăm Tăng Ni thuộc nhiều truyền thống Phật giáo.

Ambedkar được xem là cha đẻ của Bản Hiến pháp nước Cộng hòa Ấn Độ và là Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đầu tiên của nhà nước này; đồng thời là một Phật tử đóng góp rất nhiều cho công cuộc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ vào giữa thế kỷ XX.

Xuất thân từ một gia đình nghèo theo truyền thống Ấn giáo, nhưng Ambedkar đã có đến 2 bằng Tiến sĩ, tại Mỹ và Anh. Ông đã từng tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc với Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, v.v… Ông đã tuyên bố từ bỏ Ấn giáo và để chọn một tôn giáo khác cho cuộc sống tâm linh của mình sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1947. Sau lời tuyên bố này, nhiều chức sắc các tôn giáo đã tiếp xúc với ông và ông cũng đã tiến hành nghiên cứu nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Trong Hội nghị Tình hữu nghị Phật giáo Thế giới tổ chức tại Rangoon, Myamar vào 1954, ông đã phát biểu: “Nếu thế giới cần có tôn giáo, thì tôn giáo đó phải là Phật giáo”. Ông rất xót xa khi nhìn thấy Phật giáo, một tôn tuyệt vời như vậy lại bị diệt vong tại Ấn Độ suốt gần 700 năm kể từ đầu thế kỷ thứ 13. Ông kêu gọi những tổ chức Phật giáo trên thế giới hãy có kế hoạch phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ.

Ông chính thức quy y Tam bảo nhằm ngày 14/10/1956, ngày vua A-dục theo Phật giáo. Sự kiện này đã kéo theo khoảng nửa triệu người ủng hộ ông cải đạo và quy y theo Phật giáo. 

Tuy đến 1956 ông mới chính thức quy y Tam bảo, nhưng từ năm 1907, sau khi tốt nghiệp Trung Học, cậu học trò Ambedkar đã được thầy giáo Shri K.A Keluskar tặng quyển sách Life of Gautam Buddha (Cuộc đời của đức Phật Gotama), và nội dung của sách này đã bắt đầu làm thay đổi dần tín ngưỡng truyền thống của ông.

Sau khi quy y Tam bảo, ông dấn thân trong cộng cuộc phục hưng Phật giáo Ấn Độ. Ông đã đi nhiều nơi để thuyết giảng lời dạy của đức Phật và trước tác nhiều tác phẩm để hướng dẫn mọi người thực hành theo lời dạy của đức Phật. Trong số các tác phẩm của ông, quyển The Buddha and His Dhamma (Đức Phật và Giáo lý của Ngài) rất được nhiều người đón nhận.

Ông Ambedkar đã dành phần lớn cuộc đời của mình cho sự nghiệp kêu gọi quyền tự do, bình đẳng và tình anh em giữa tất cả mọi giai cấp và thành phần xã hội Ấn Độ.

Theo lời nhận định của Tiến sĩ M.L. Kasare, phát biểu trong Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại Mumbai với chủ đề “Phật giáo và thế giới hiện đại: Một viễn cảnh của Ambedkar” - về sự kiện quy y Phật giáo của ông và nửa triệu người: “Thế giới đã chứng kiến một sự kiện cải đạo chưa từng có trước đây. Sự kiện lịch sử này cho thấy Ambedkar là một nhà tổ chức vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại. Ông đã làm nổi bật tầm quan trọng về lời dạy của đức Phật. Ông là cứu tinh của giai cấp nghèo và đã mở ra nhiều cánh cửa Phật giáo cho giai cấp cùng đinh này. Bây giờ, họ không còn mặc cảm và tự ti về thân phận bần cùng của họ.”

Nguyên Lộc

[Tập San Pháp Luân.37.tr,93.2006]