Một ngày một đêm tu Bát quan trai

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thuở đức Thế Tôn còn tại thế, vì lòng bi mẫn người Phật tử còn đa đoan duyên trần mà không xuất gia học Phật được nên ngày chế luật “tu Bát Quan Trai giới” cho cư sĩ được dự tu một ngày một đêm tại Tịnh xá để học hạnh xuất gia, gieo chủng tử xuất… mà dự phần chứng đạo như đệ tử xuất gia của Ngài. Cho nên hàng Phật tử tại gia cũng vô cùng hạnh phúc cảm nhận được ân triêm của đức Từ phụ mà nỗ lực tinh cần.


Từ đó, theo gót người xưa biết bao Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khi biết chùa nào, tịnh xá nào có khai khóa tu Bát Quan Trai là đều cố thu xếp công việc gia đình và hoan hỷ xin dự tu một ngày một đêm. Kẻ hậu thế này cũng có duyên lành dự đây đó, nhiều nơi… Lúc nào cũng trào dâng những cảm xúc mới mẻ và nếm được pháp lạc kỳ lạ trong ánh hào quang của chư Phật.

Như truyền thống văn hóa bao đời, mùa chư Tăng Ni an cư kiết hạ cũng là thời gian nhiều chùa trong thành phố, các huyện lỵ luân phiên, liên tiếp mở đạo tràng tu Bát… tạo cơ duyên tốt cho Phật tử tại gia tu học. Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu!

Trời cao nguyên trong mùa sương mù ảm đạm, mưa giăng khắp lối, giá lạnh theo mưa về trải đầy không gian, nhưng vẫn có nhiều Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, có vị đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” phải chống gậy rồi, vẫn tinh thấn không mệt mỏi tìm đạo tràng tu tập mà tới. Trong khi đó cũng còn bao người lận đận, đội mưa gió, dầm mình trong lạnh lẽo để mua bán, lao động để lo cơm áo gạo tiền cho bản thân và gia đình. Hạnh phúc thay cho những ai được an nhàn, thanh thản, không bị ràng buộc bởi nợ áo cơm nữa! Không phải những người lên chùa tu tập là thiếu trách nhiệm với gia đình mà bởi họ có phước duyên là giải quyết xong các mối bận lòng ấy rồi. Gia đình con cháu của họ đều đã uyên ổn sinh kế không cần tựa đỡ vào các bậc sinh thành nữa. Tuy nhiên trong đạo tràng vẫn có những khuôn mặt trẻ, những lao động chính của gia đình nhưng họ cũng đã có duyên lành, có thiện tâm muốn tu học nên có thể tạm gác việc thế gian một ngày một đêm để nhận năng lượng từ bi, hỷ, xả trong khóa tu. Thật vô cùng hạnh phúc cho những ai được an lạc tu học giữa thế giới nhiều bôn ba khổ lụy!

Khi ở nhà, có lúc đã nghĩ rằng người xuất gia thật sướng bởi các vị không phải bon chen kiếm sống, không nặng gánh gia đình con cái, vợ chồng; ngày ngày các vị chỉ có việc tụng kinh, gõ mõ thật thanh nhàn… Thế nhưng khi được theo vào trong chùa, chỉ một ngày một đêm thôi mới thấy muốn làm một người tu hành chân chính thật không dễ chút nào!

Này nhé: Sáng vào nhập khóa dự lễ bạch Phật, thầy giảng và truyền trao giới pháp, thọ lãnh rồi thì phải ghi nhớ mà thực hành cho trọn ngày-đêm. Tiếp theo là tụng một thời kinh Pháp Hoa xong rồi dự lễ cúng ngọ mới đến thọ trai quá đường. Trước khi ăn phải cúng dường chư Phật, Bồ-tát và quán tưởng các ân đức theo nghi lễ. Ăn cơm trong chánh niệm, không trò chuyện cười nói, mọi cử chỉ bưng bát, gắp thức ăn, nhai nuốt đều nhẹ nhàng, thong thả, ý tứ từng niệm để giữ thân tâm thanh tịnh và trang nghiêm đạo tràng. Ăn xong lại đi theo thứ tự lên chánh điện nhiễu Phật trong câu niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, chư Tăng Ni sẽ theo sự cầu mong của Phật tử mà dâng sớ cầu an hay cầu siêu nữa mới hồi hướng kết thúc buổi sáng. Giờ an tức buổi trưa, ai nấy đều lặng lẽ tìm chỗ nghỉ ngơi; có người thích đọc kinh, sách hoặc tọa thiền, thiền hành tùy ý nhưng phải nhẹ nhàng không gây ồn ào làm động tâm giới tử và tôn trọng sự thanh tịnh ở chốn thiền môn. Đầu giờ chiều cùng với chư Tăng Ni trong chùa lạy Vạn Phật hoặc tụng kinh bộ Đại thừa. Nếu lạy Vạn Phật thì chỉ 200 đến 300 lạy thôi mà mỏi nhừ cả chân tay. Các cụ lớn tuổi có thể ngồi nghe danh hiệu Phật và cúi đầu lễ bái cũng được, nhưng Tăng Ni đều tinh tấn và dẻo dai đứng lên, quỳ mọp xuống không thiếu một lạy. Mọi người đều hoan hỷ lạy Phật và tin rằng mỗi một lạy có thể tiêu mòn bớt nghiệp chướng sâu dày bao đời của mình nên mồ hôi vả ướt áo mà tinh thần không hề dao động, mệt mỏi. Sau thời kinh chiều lại đến lúc pháp đàm, ai cũng được thoải mái bày tỏ những nghi vấn trong Phật pháp để được nghe Tăng Ni giải đáp, có khi một vị giảng sư trong chúng xuất gia sẽ trình bày một đề tài giúp Phật tử hiểu sâu thêm về lời dạy của Phật mà hành trì cho đúng chánh pháp. Các giới tử đều lắng lòng nghe mặc dù còn một số ít bị ngủ gật, có lẽ do tuổi cao, sức tập trung suy nghĩ bị kém đi nên lúc cố gắng nghe lại dễ buồn ngủ chăng? Chiều tối được thọ dược thực, không phải uống thuốc mà ăn nhẹ thôi, thức ăn ấy như một vị thuốc nuôi dưỡng tấm thân này để tiếp sức tu học, không ai phàn nàn vì sợ đói bụng lúc nửa đêm như khi ở nhà trái lại rất hoan hỷ nhận những bát cháo, miếng bánh vào bữa cơm chiều. Ăn chiều xong, thiền hành tự do trong sân chùa chờ thời khóa tối. Thời tịnh độ sẽ bắt đầu lúc 19 giờ… dự lễ xong, nghỉ ngơi một lúc đến 21 giờ thì ai nấy đều vào vị trí ngủ của mình để tĩnh tọa, niệm Phật trước khi ngủ. Ba giờ rưỡi sáng hôm sau thức dậy theo chuông báo, 4 giờ đi vào chánh điện công phu khuya cùng Tăng chúng cho đến 5g30 lên chánh đện dự lễ xả giới, sư trú trì sẽ khuyến tấn tu học, giới tử đáp… mới hoàn tất một khóa tu Bát Quan Trai.

Phật tử tại gia cùng Tăng Ni hành trì các thời khóa như vậy suốt một ngày một đêm trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh và rất an lạc. Để giữ cho nghiêm giới luật, mọi người đều phải cố gắng thúc liễm thân tâm, không ai được tự do buông lung như ở nhà nhưng điều kỳ lạ là chẳng ai cảm thấy áp lực bức bối cả, không tìm thấy nét bực dọc, cau có trong đạo tràng… gặp nhau là dâng búp sen lên chào nhau trong câu niệm Phật, cần trao đổi, trò chuyện cũng thì thầm, khe khẽ với lời từ ái, ánh mắt vui tươi thôi. Cũng có ngoại lệ quen thói thị phi chưa thể thay đổi được tập khí nhưng thấy bạn đồng tu để ngón tay trước miệng suỵt nhỏ là tự giác giảm âm thanh với nụ cười biết lỗi chứ không giận hờn, tự ái. Ai cũng rất hoan hỷ, dễ thương với nhau. Quả là một ngày xuất gia hạnh phúc! Được một ngày như thế cộng lại hàng trăm, hàng ngàn ngày cùng đại chúng… chắc chắn sẽ sửa được cái thân tạo nghiệp, cái ý lăng xăng và cả cái khẩu hay tạo ác nghiệp phải không các bạn?

Vì vậy, một ngày một đêm phải khép mình vào giới luật để cảm nhận được hương vị giải thoát ở chốn già-lam thì còn gì hạnh phúc hơn nhỉ? Đêm về trời đất tĩnh lặng nhưng ở gia đình vẫn còn xem ti vi, nghe nhạc, trò chuyện, ăn uống với bạn bè vẫn còn vang động hoặc có khi các bà vẫn còn lục đục với công việc nhà, lo bữa ăn cho ngày mai… đến khuya còn chưa xong. Thế mà ở chùa hoàn toàn khác hẳn. Tất cả đều “dừng” lại, mỗi lúc mỗi yên ắng, thanh tịnh. Về khuya chừng nào không gian càng tĩnh lặng chừng ấy. Chỉ cần lắng tâm một chút thôi cũng đã nghe được cả tiếng thì thầm của cỏ cây và sương gió. Giữa không gian bao la, tĩnh mịch con người thật bé bỏng và đang được vũ trụ, thiên nhiên ôm ấp che chở nếu không thì kiếp người mong manh này có thể bị tan biến ngay, không để lại một dấu hằn nhỏ. Từ đó càng trân trọng, yêu mến trời đất, cảm thấy được bình yên trong lòng đất mẹ và khởi tâm cầu mong con người hãy “dừng” lại mọi tranh chấp, bon chen, mọi hận thù… làm cho thiên nhiên đang yêu thương bỗng nổi giận…

Thế đó, một ngày một đêm bình yên, thanh thản ở chốn Già-lam đã nhẹ nhàng trôi qua. Một giấc ngủ ngắn hơn ở nhà mà rất sâu cho nên đã thức dậy thật tỉnh táo, khỏe khắn. Xả giới xong rồi, ra về lần nào cũng thấy lòng thênh thang như trẻ lại vài tuổi vì vừa được tưới tẩm hạnh phúc bằng nước cam lộ của Bồ-tát Quán Thế âm. Cầu mong những đa đoan của trần duyên từ nay không làm nặng gánh cuộc đời và không còn là những chướng duyên ngăn bước đi thong thả, thảnh thơi trên con đường đạo giải thoát nữa.

Tâm Qủa
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr53, 2009]