Chiếu sáng chánh điện

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Sau khi bài viết Chiếu sáng tượng Phật được đăng trên tập san Pháp Luân, có ý kiến đề nghị chúng tôi tiếp tục trao đổi về chiếu sáng chánh điện. Đây là một vấn đề khó thuộc một lãnh vực hẹp của thiết kế chiếu sáng nội thất, ngành kiến trúc.


Do chỉ được trang bị kiến thức ánh sáng cho sân khấu và điện ảnh, cho nên chúng tôi chỉ có thể bàn luận vấn đề nêu trên từ điểm nhìn của ngành học này. Vì thế, nội dung bàn luận không thể tránh khỏi thiếu sót, phiến diện. Người viết mong được bạn đọc góp ý để chúng ta có thể tiến đến việc trình bày những quan điểm trong vấn đề chiếu sáng chánh điện một cách đầy đủ và toàn diện hơn.

Chiếu sáng chánh điện nhà chùa rất khác với chiếu sáng nội thất nhà thờ

Đó là điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy khi xem các phim truyện có các bối cảnh tương ứng.

Nhà thờ, với mái vòm cao thường được các đạo diễn điện ảnh cho ánh sáng mạnh, rõ, đầy đủ, trong (cần phân biệt với ánh sáng nội thất tu viện Thiên Chúa giáo, thường là thể hiện theo hướng ngược lại).

Trong khi đó, chùa, đặc biệt là chùa cổ Việt Nam, Trung Hoa, cả chùa Nam Tông Khmer, Thái Lan… thường được thể hiện với ánh sáng mờ, tối, thường có các tia xẹt chiếu qua không gian huyền ảo khói nhang, với những điểm sáng cục bộ, tương phản. Nói tóm lại thì ánh sáng trên phim, trong nội thất nhà thờ sáng đều; còn trong nội thất chánh điện nhà chùa thì tối, tối sáng từng mảng và mờ.

Còn trong thực tế, chúng ta có thể cảm nhận được sự khác biệt trong chiếu sáng như nói ở trên khi đến thăm nhà thờ Đức Bà Sài Gòn chẳng hạn, rồi sau đó đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên hay chùa Chantaransay… Một bên thì sáng trưng với những cửa sổ kính, nguồn đèn mạnh. Còn một bên thì tối tối mờ mờ huyền ảo.

Trong điện ảnh, các đạo diễn chọn ánh sáng mờ tối kết hợp với đèn nến, khói nhang khi thể hiện bối cảnh chánh điện các ngôi chùa nhằm tạo không khí tâm linh hướng nội và mang đậm sắc thái truyền thống Phật giáo. Đi thăm hết các chùa cổ ở Hà Nội, chúng ta thấy nó đều “tối tối” như thế.

Và cũng để thể hiện ánh sáng nến, nên màu chiếu sáng bối cảnh chánh điện nhà chùa trong các phim thường được chọn là màu vàng.

Như vậy, chúng ta đã có thể đi dần đến công thức chiếu sáng cho chánh điện nhà chùa: tối, tối sáng từng mảng, mờ ảo và thiên về màu vàng.

Tuy nhiên, nhiều ngôi chùa mới xây từ nửa sau thế kỷ XX, cả ở các thành phố lẫn thôn quê, đã không theo nguyên tắc trên. Ở Sài Gòn, chúng ta có thể lấy các chùa  theo kiến trúc “tân thời”, ánh sáng cho chánh điện sáng và sáng đều, giống như nội thất nhà thờ. Phần lớn các chùa lắp đèn neon trắng, loại “daylight”, kết hợp đèn chớp tắt ánh sáng chạy cho hào quang tượng Phật và khu vực bàn thờ. Quả là có nhiều vấn đề cần bàn luận ở đây.

Trước hết, sáng quá, cái không khí huyền ảo mang phong thái tâm linh truyền thống Phật giáo như ở các chùa xưa không còn nữa.

Ánh sáng đèn ống daylight cũng làm chánh điện chùa Phật về đêm chuyển sang một màu sắc khác. Ánh sáng đèn ống không thể dung hợp được với nhang khói trầm hương. Chiều sâu thiêng liêng của chánh điện cũng giảm đi khi ánh sáng trải đều như nhau, không còn các mảng sáng tối tương phản như ở chánh điện các chùa xưa.

Việc lạm dụng đèn hào quang chớp nháy xanh đỏ đủ màu khiến chánh điện càng mất đi vẻ thiêng liêng, thậm chí, mang dáng dấp một hàng quán…

Vấn đề màu

Màu cho ánh sáng chánh điện chùa Phật phải là màu vàng ấm và chỉ có màu này là duy nhất thích hợp.

Đây là màu đèn nến trong chánh điện các ngôi chùa xưa và nó mang đến hiệu ứng tâm linh rất tốt.

Nếu các bóng đèn đốt tim tròn không còn thích hợp với thời kỳ tiết kiệm năng lượng như hiện nay thì các bóng đèn compact tiết kiệm điện cũng có loại màu vàng ấm, rất thích hợp cho không gian chánh điện chùa Phật. Khác với màu trắng, màu vàng ấm cùng “gam” với khói nhang của chánh điện.

Màu vàng cũng là màu đặc trưng của Phật giáo, màu của y áo chư Tăng. Hiện nay, các nhà hàng chay sang trọng có thuê họa sĩ thiết kế nội thất, đều dùng đèn màu vàng ấm. Trong điện ảnh, trang kinh Phật chữ Hán lật dưới ánh sáng màu vàng và dưới ánh sáng trắng sẽ cho hiệu quả rất khác nhau ở người xem. Hình ảnh các lư hương, chân nến, đại hồng chung… khi ghi hình đều cũng vậy. Đó là điều mà những người hoạt động trong ngành điện ảnh hay truyền hình đều thấy rất rõ.

Vấn đề tối và mảng sáng tối

Ở những nơi thờ phượng theo sắc thái Đông phương không có việc tụng kinh, người ta vẫn thiên về hướng duy trì mức ánh sáng tối cho điện thờ. Miễu Thiên Hậu ở Bình Dương, miễu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc… vẫn thiêng liêng huyền bí của phương Đông.

Chánh điện các chùa Nam Tông Khmer cũng vẫn duy trì ánh sáng tối. Ở đó, các Phật tử không tụng những bộ kinh lớn như Pháp hoa, Địa tạng như các chùa Bắc tông, mà chỉ tụng bài kinh lễ bái Tam bảo hàng ngày, nên theo truyền thống, thường vẫn giữ ánh sáng tối. Có thể suy ra rằng, ở các chùa Bắc tông, ánh sáng đầy đủ và trải đều chỉ cần khi tụng văn bản kinh. Ngoài thời điểm đó, các thời điểm còn lại, kể cả khi hành lễ với các nghi thức lặp đi lặp lại như khai kinh, đảnh lễ, hồi hướng, phục nguyện… đều có thể không cần ánh sáng mạnh và dàn trải đều. Các điểm cần “nhấn” ánh sáng để tạo “bố cục” và chiều sâu là ảnh tượng đức Bổn sư và chư vị Bồ-tát, bàn thờ… Nếu tất cả đều được chiếu sáng đồng đều, như nhau, thì không thể tôn cao hình tượng chư Phật, chư Bồ-tát cũng như không thể nói là cúng dường ánh sáng được.

Trong điện ảnh cũng như trong nhiếp ảnh, những khung hình đẹp nhất về chánh điện các ngôi chùa là những khung hình có bố cục sáng tối tương phản mạnh. Và điều này cũng không phải giới hạn ở chánh điện chùa Phật. Nhà nhiếp ảnh tài danh Cao Đàm đã khéo sử dụng những mảng sáng tối cho những bức ảnh tuyệt đẹp về Lăng Ông Bà Chiểu Sài Gòn, với điểm nhấn là các tự khí lung linh. Trong những nơi uy nghiêm, thờ tự, sự phân chia ánh sáng sáng tối còn là sự phân chia ngôi vị trên dưới. Do vậy, trong chánh điện nhà chùa, khi không cần thiết, thì vị trí của các Phật tử hành lễ không cần chiếu sáng trực tiếp, mà chỉ cần nhận ánh sáng phản chiếu tỏa ra từ những ảnh tượng chư Phật, chư Bồ-tát được chiếu sáng bằng nguồn sáng mạnh.

Vấn đề lạm dụng đèn hào quang xanh đỏ chớp tắt

Trong bài chiếu sáng tượng Phật, chúng tôi đã nói đến những tác dụng không có lợi khi sử dụng đèn hào quang chớp tắt trong chiếu sáng ảnh tượng chư  Phật, chư Bồ-tát, nay chỉ xin bổ sung thêm một số ý.

Đạo Phật là đạo của định, của tĩnh, nên việc chiếu sáng nơi thờ phượng đương nhiên phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản đó. Những hình thức chiếu sáng chớp nháy, máy động hoàn toàn không thích hợp với chánh điện chùa Phật. Chúng ta thử hình dung sẽ phải ngồi thiền ra sao khi trước mặt hành giả, trên tượng Phật là một nguồn ánh sáng, tùy loại, có khi chớp tắt nhấp nháy, có khi xoay mòng mòng, có khi tỏa ra liên tục… Nhìn vào một nguồn sáng động, thì tâm trí người ta sẽ tập trung vào đó, vì nó gây sự chú ý hơn hết. Điều này hoàn toàn trái với bối cảnh cần thiết khi tụng kinh, tham thiền. Trang trí ánh sáng cho bàn thờ Phật trong chánh điện không phải là trang trí một hang đá giáng sinh hay một cây noel. Ánh sáng chánh điện chỉ có thể là ánh sáng tĩnh.

Sẽ có phần cực đoan nếu nêu ra ý kiến cần tháo bỏ đi hết những đèn hào quang, nhang điện, dây đèn xanh đỏ nhấp nháy trên bàn thờ Phật và trong chánh điện, nhưng quả đúng là như vậy khi muốn định tâm để tụng kinh, tọa thiền. Ngoài ra, cũng còn phải kể đến ý kiến cho rằng các loại đèn xanh đỏ chớp tắt tạo một dáng vẻ quê mùa, “cải lương” cho chánh điện.

Trong một số tài liệu mới xuất bản gần đây, người ta gọi hiện tượng lạm dụng những nguồn ánh sáng nhiều màu chớp tắt, nhấp nháy, chuyển động (chủ yếu dùng trong công nghệ quảng cáo) là “ô nhiễm ánh sáng”.               

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 62, tr86, 2009]