Ví dụ về con kiến

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Xin giới thiệu kinh “Ví dụ về con kiến” (Phật thuyết nghị dụ kinh 佛說蟻喻經 – Pipīlikopamāna-sūtra) 1 quyển, do ngài Thí Hộ (Danapāla, ?-1017), người nước Ô-điền-nẵng (Udyāna, ở giải đồi cao phía Nam dãy núi Hindu kush ngày nay) Bắc Ấn Độ, dịch thời Bắc Tống (A.D. 960-1127), tạng Đại Chánh 1, số hiệu 95, trang 918.

 

Dẫn nhập:    

Khi thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, những khổ thọ chết người đều đã trải qua, nhưng tâm vẫn không đạt được tri kiến gì, lúc ấy Siddhattha bừng tỉnh, con đường khổ hạnh là con đường sai lầm, rồi ông nhớ lại: “Trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: Ðạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng? Và tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: Ðây là đạo lộ đưa đến giác ngộ”.

Từ đó, pháp hành thiền tuệ mà đức Thích Tôn quán chiếu chứng ngộ, được truyền dạy cho các hàng đệ tử tại gia, xuất gia, cho cả chư thiên, Phạm thiên… với nhiều hình thức, qua nhiều phương pháp. Kinh Ví dụ về con kiến cũng là giáo lý nổi bật sắc thái thiền quán dạy các Tỳ-kheo tu tập để đoạn tận lậu hoặc.

Xin giới thiệu kinh “Ví dụ về con kiến” (Phật thuyết nghị dụ kinh 佛說蟻喻經 – Pipīlikopamāna-sūtra) 1 quyển, do ngài Thí Hộ (Danapāla, ?-1017), người nước Ô-điền-nẵng (Udyāna, ở giải đồi cao phía Nam dãy núi Hindu kush ngày nay) Bắc Ấn Độ, dịch thời Bắc Tống (A.D. 960-1127), tạng Đại Chánh 1, số hiệu 95, trang 918.
   
Toát yếu nội dung kinh:

Bấy giờ, Thế Tôn phóng luồng hào quang lớn, chiếu sáng rực rỡ, rồi bảo các Bí-sô:

Các thầy nên biết, vào một thời có một bầy kiến, ban đêm thì bốc khói, ban ngày thì lửa cháy. Có một Bà-la-môn thấy sự việc như vậy mới nói rằng: “Nếu ai cầm dao bén thì chắc chắn có thể phá tan bầy kiến này.” Vừa nói xong lại thấy một con rùa lớn, vị Bà-la-môn nói: “Nếu ai cầm dao bén thì có thể phá được nó.” Sau đó lại thấy con sứa, con đĩa, nhiều côn trùng A-tây-tô-na, một con rắn lớn, một côn trùng Noa-đà-bát-tha, một côn trùng Tản-ca-phù-tra, vị Bà-la-môn cũng nói như trước. Lại thấy con rồng lớn, vị Bà-la-môn nói: “Những điều ta thấy thế nào duy chỉ có Thế Tôn mới biết được?” Ông ta đi đến chỗ một vị Bí-sô, trình bày lại mọi chuyện và nói: “Nhờ thầy hỏi Phật, giúp tôi gỡ mối nghi ngờ trong tâm. Đức Phật dạy gì tôi sẽ ghi nhớ trong lòng. Vì tôi chưa thấy Sa-môn, Bà-la-môn, trời, người thế gian đem nghĩa này thưa hỏi đức Phật, nên không thể khai mở được sự nghi ngờ trong lòng.”

Khi ấy, vị Bí-sô nhận lời đi đến chỗ Ta, đảnh lễ rồi đứng qua một bên trình bày lại sự việc và thưa hỏi:

“Như Bà-la-môn thấy bầy kiến, vì sao nửa đêm phun khói, ban ngày lửa cháy, việc ấy như thế nào? Lại thấy con rùa lớn, con sứa, con đỉa, côn trùng A-tây-tô-na, con rắn lớn, trùng Noa-đà-bát-tha, trùng Tản-ca-phù-tra, con rồng lớn. Những hiện tượng vị ấy thấy là sao? Còn Bà-la-môn kia là người thế nào? Sao gọi là dao bén phá tan? Mong Thế Tôn giải thích cho”.

Này các Bí-sô! Lúc đó Ta nói với vị Bí-sô kia rằng: Bầy kiến chính là thân ngũ uẩn của tất cả chúng sanh. Nửa đêm phun khói tức là chúng sanh khởi các suy nghĩ. Ban ngày lửa cháy tức là chúng sanh tùy theo suy nghĩ mà khởi lên thân nghiệp, ngữ nghiệp. Con rùa lớn là năm pháp ô nhiễm. Con sứa là sự phẫn nộ. Con đĩa là sự tham lam, ghen ghét. Côn trùng A-tây-tô-na là pháp ngũ dục. Con rắn là vô minh. Côn trùng Noa-đà-bát-tha là sự nghi hoặc. Côn trùng Tản-ca-phù-tra là sự ngã mạn. Con rồng là các vị A-la-hán. Vị Bà-la-môn là Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng chánh giác. Sự sắc bén của con dao là người có trí. Con dao là trí tuệ. Phá tan là phát khởi thắng hạnh tinh tấn.

Này các Bí-sô! Ý của các thầy thế nào? Những hiện tượng mà vị ấy thấy, nói một cách tóm tắt, là tất cả thân ngũ uẩn của chúng sanh đều do tinh cha huyết mẹ bất tịnh mà ngưng kết sinh ra, tứ đại hợp thành, sắc tướng hư giả, thô ác hạ liệt, chứa nhóm sự khổ não, rốt cuộc cũng bị tàn hoại. Nhưng các chúng sanh không hề hay biết, ngày đêm khởi lên suy nghĩ, tạo ra nghiệp thân, ngữ bất thiện, bị năm thứ phiền não che lấp, đắm trước nơi ngũ dục, tăng trưởng sự vô minh, sanh tâm ngã mạn; đối với các Thánh pháp nghi hoặc không quyết định, sân hận, tham lam, ghen ghét phát khởi trong từng niệm, không mong cầu giải thoát. Do vậy mà Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng chánh giác muốn tất cả những người trí lập hạnh tinh tấn, tu tập trí tuệ, đoạn trừ phiền não, chứng được Thánh quả.

Này các Bí-sô! Khi chấm dứt được các hữu lậu sẽ chứng quả A-la-hán nên nói giống như rồng.

Này các Bí-sô! Chư Phật Thế Tôn ở quá khứ và vị lai, với lòng bi mẫn thương yêu chúng sanh, muốn tất cả đoạn trừ phiền não, chứng Thánh quả và vì hàng Thanh văn mà rộng nói nghĩa này. Nay Ta cũng giống như chư Phật, đem nhân duyên này giảng thuyết cho các thầy nghe. Các thầy hãy ở nơi tịch tĩnh như đồng hoang, nhà trống, giữa núi, dưới gốc cây, trong hang, am thất… mà lắng lòng tư duy quan sát nghĩa này, đừng phóng túng, sanh tâm thối chuyển. Cũng nên khai thị, giáo đạo, truyền dạy rộng rãi cho người khác tu tập được lợi ích lớn.

Các vị Bí-sô nghe Phật giảng dạy đều tín thọ phụng hành.

Lời kết:

Bản kinh này được xếp trong A-hàm bộ tương đương Pāli: kinh Gò mối (Vammīka sutta - The ant-hill) 23, Trung bộ kinh (Majjhimanikāya) (Nam truyền đại tạng kinh 9 [Hán dịch], Trung bộ kinh 1, tr. 202). Cả hai bản kinh đều có nội dung gần giống nhau.

Trong kinh Gò mối kể rằng:

“Một đêm nọ, một vị trời xuất hiện đến hỏi tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumara Kassapa [Ca-diếp đồng tử]):

Có gò mối ban đêm phun khói, ngày chiếu sáng; một Bà-la-môn bảo kẻ trí hãy cầm gươm đào lên. Kẻ trí đào lên thấy: then cửa, con nhái, cái chĩa hai, một cái lọc, một con rùa, con dao phay, miếng thịt. Cuối cùng gặp một con rắn hổ, Bà-la-môn bảo kẻ trí hãy để yên con rắn và đảnh lễ nó. Vị trời bảo Tỳ-kheo đến nhờ Phật giải thích ẩn ngữ trên, vì chỉ có Phật mới giải được.

Đức Phật giải thích: Gò mối là thân tứ đại, đêm phun khói là suy nghĩ, ngày chiếu sáng là ban ngày thực hiện những gì ban đêm suy nghĩ. Bà-la-môn là đức Như Lai, bậc Chánh đẳng giác. Kẻ trí là Tỳ-kheo bậc hữu học. Cây gươm là trí tuệ bậc Thánh. ‘Đào’ là trí tuệ tinh tấn. Then cửa là vô minh; ‘đem then cửa lên’ là từ bỏ vô minh. Con nhái là phẫn nộ hiềm hận; cái chĩa hai là nghi hoặc; đồ lọc là năm phiền não trói buộc che lấp. Con rùa là năm thủ uẩn; dao phay là ngũ dục; miếng thịt là hỷ tham. ‘Đào lên’ có nghĩa là từ bỏ tất cả các thứ ấy. Con rắn hổ là vị đã diệt lậu hoặc, đáng đảnh lễ.”

Cả hai kinh này đều thuộc thể loại thí dụ trong văn học Phật giáo Nguyên thủy; đức Phật thường dùng hình ảnh thí dụ giảng dạy để giúp người nghe dễ dàng so sánh, hiểu rõ nội dung giáo pháp. Trong bản kinh có những hình ảnh thí dụ về côn trùng như trùng A-tây-tô-na, trùng Noa-đà-bát-tha… ngài Thí Hộ chỉ mới phiên âm, có thể ngài chưa truy nguyên được nguồn gốc của nó nên không dịch nghĩa. Chúng ta tạm hiểu những côn trùng ấy là loại trùng độc, được đức Phật đưa ra ảnh dụ: Trùng A-tây-tô-na là pháp ngũ dục. Trùng Noa-đà-bát-tha là sự nghi hoặc. Trùng Tản-ca-phù-tra là sự ngã mạn.

Tuy nội dung trong kinh đơn giản, ngắn gọn nhưng là đề tài thiền quán hướng dẫn cho các Tỳ-kheo tu tập trí tuệ vô ngã, và có chánh kiến xả bỏ ngã chấp, giả thân ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức: thân thể, cảm giác, tri giác, tâm hành, và nhận thức); thanh tịnh ba nghiệp, đoạn trừ năm thứ phiền não tham dục, sân hận, hôn trầm, tán loạn, nghi ngờ pháp… lần lượt đoạn trừ tất cả phiền não, tà kiến, các tâm cấu uế, cho đến chứng đắc Thánh quả.

Trong kinh Gò mối còn ghi lại: Vào thời gian đức Phật thuyết kinh này, tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đang ở địa vị hữu học, sau khi thiền quán về đề tài này liền chứng đắc quả vị A-la-hán.

Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 62, tr32, 2009]