Phật giáo với khủng hoảng kinh tế

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đây là tựa một bài báo đăng trên mục Tiếng vọng thời sự báo Người Lao Động số ngày 1/3/2009. Bài báo mở đầu bằng câu hỏi của một vị đại đức phụ trách hoằng pháp đặt ra tại một hội thảo bàn về Xây dựng văn hóa doanh nghiệp diễn ra vào những thời điểm gay gắt của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008:

“Khi nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng, mỗi quốc gia đều có bài toán kích cầu để thúc đẩy kinh tế. Trong khi đó, Phật giáo lại đưa ra các học thuyết, quan điểm để diệt trừ lòng ham muốn. Từ góc độ này, có phải Phật giáo và các triết thuyết kinh tế đối lập nhau?”

Phần trả lời câu hỏi tự nêu ra dẫn trên đi sâu phân tích: “Nếu hiểu kích cầu là một biện pháp để đẩy mạnh tiêu dùng, là nghệ thuật làm tăng tổng cầu. Nhu cầu tiêu dùng tăng lên, tạo sự kích thích và tăng trưởng kinh tế, nghĩa là nghệ thuật làm tăng tổng cầu. Nhu cầu tiêu dùng tăng lên, tạo sự kích thích và tăng trưởng kinh tế. Ngay trong tình trạng này, thái độ chuyển hóa lòng ham muốn tiêu cực của Phật giáo lại là một nghệ thuật để hỗ trợ cho kích cầu kinh tế, nghĩa là ai cũng biết quý sở hữu của người khác là đáng trân trọng, nỗ lực chân chính để làm giàu những sở hữu đó như là một phước báu. Đức Phật không hề yêu cầu tất cả hãy tiêu diệt các dục vọng nếu nó là chân chánh. Do đó, sự kích cầu của nhà nước khiến người dân có thể tiêu dùng hơn không đi ngược lại với tôn chỉ chuyển hóa tâm thức của Phật giáo.”

Bài báo dẫn trên cũng cho biết tại Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2009 (Vesak 2009) sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 6/5/2009 tại Bangkok, Thái Lan, Phật giáo và sự khủng hoảng kinh tế sẽ là một trong những chủ đề chính.

Trong nội dung tiếp theo của bài báo, vấn đề khủng hoảng kinh tế được chuyển sang hướng bàn về quan điểm Phật giáo trong kinh doanh; Michael Roach, một tỳ-kheo Tây Tạng, tác giả cuốn Năng đoạn kim cương đã được trích dẫn với ý tưởng cốt yếu là “tiền bạc tự nó không xấu”. Vấn đề kiếm tiền lương thiện được đặt nặng dù cách hưởng thụ tiền bạc theo quan điểm Phật giáo có được nhắn đến.

Theo chúng tôi, phân tích mối quan hệ giữa Phật giáo và khủng hoảng kinh tế như vậy là chính xác, giúp ích cho người chưa hiểu biết nhiều về đạo Phật. Phật giáo được khẳng định là không đứng bên lề, không đi ngược lại những cố gắng nhằm giải quyết khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhưng cũng cần bổ sung, chẳng những như thế mà Phật giáo còn có thể đóng góp tích cực vào nỗ lực chặn đứng khủng hoảng kinh tế bằng những quan điểm tích cực của mình, đó là: bố thí; lợi tha (vị tha); lợi hòa đồng quân. Ba khái niệm này có thể gộp lại thành một: bố thí. Đây chính là một pháp tu cơ bản của đạo Phật, đứng đầu trong lục độ Ba-la-mật.

Nhưng vì sao có thể coi bố thí là một sự đóng góp về mặt quan điểm vào việc giải quyết khủng hoảng kinh tế? Phật giáo chủ trương diệt dục, nhưng đồng thời cũng chủ trương bố thí. Diệt dục là vấn đề của chính mình, của tự ngã. Bố thí là quan hệ giữa mình với mọi người. Bố thí có ba loại: tài thí (bố thí tiền bạc, của cải vật chất), pháp thí (bố thí đạo pháp bằng lời giảng, khuyến tấn tu hành) và vô úy thí (bố thí việc không sợ hãi, an ủi, giúp đỡ người hoạn nạn về mặt tinh thần).

Quan điểm tài thí: sự giúp đỡ về vật chất, của cải, hiện kim chính là sự đóng góp quan trọng của Phật giáo vào nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nếu khủng hoảng kinh tế đem lại sự ngưng trệ, đông cứng trong lưu thông tiền tệ, của cải từ người hằng sản đến người gặp khó khăn. Tài thí không gì khác hơn là kích thích việc tiêu dùng trên cơ sở từ bi, nhân ái. Tài thí bắt buộc người bố thí phải có tiền, có của cải, phẩm vật, hàng hóa. Đó là yếu tố giúp ích cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết suy thoái. Sản xuất, kinh doanh thì mới có tiền của, hàng hóa để tài thí.

Ngay từ điểm cơ bản nhất, Phật giáo đã tỏ rõ sự tương đồng với nỗ lực giải quyết khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng kinh tế làm nhiều người mất việc làm, đời sống càng nghèo hơn. Do đó, tài thí lại càng hết sức cần thiết trong khủng hoảng kinh tế. Nếu quan điểm tài thí của Phật giáo thấm nhuần trong xã hội, thì hậu quả của khủng hoảng kinh tế tất yếu sẽ được hạn chế.

Như đã nói, tài thí là tiến trình luân chuyển tiền tệ và hàng hóa. Nó đóng góp vào sự tiêu dùng ở đối tượng khó khăn nhất. Tài thí yêu cầu người giàu phải tri túc, diệt dục, để dành tiền của dư dả cho người nghèo. Ở đây khái niệm tri túc, diệt dục của đạo Phật cũng không mâu thuẫn gì với kích cầu, kích thích tiêu dùng cả. Không có một thứ kinh tế học nào yêu cầu tiêu xài xả láng, không tính toán cả. Người có dục vọng lớn, không bao giờ thiểu dục tri túc (ít muốn biết đủ) thì không bao giờ bố thí cả, vì họ có bao giờ cảm thấy có đủ, có dư tiền của đâu để mà tài thí.

Trong các giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế như đã triển khai ở một số nước như dãn thuế, miễn thuế một thời gian, giảm thuế hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng… đều có yếu tố tài thí.

Người nghèo luôn luôn chiếm số đông trong xã hội. Kích cầu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bằng kích thích tiêu dùng nhưng người nghèo không có tiền thì họ cũng chỉ nghe hô hào suông mà thôi, làm sao mua sắm tiêu dùng khi không có tiền. Nhiều gia đình hiện nay việc ăn uống tối thiểu còn không lo đủ. Tài thí giúp họ có tiền mua gạo sống qua những ngày tháng khó khăn của khủng hoảng kinh tế chính là hành động cần thiết nhất. Mà tài thí chính là tu Phật.

Cũng không nên hiểu tài thí chỉ là trao tặng tiền bạc hay của cải. Có vô số cách tài thí. Người bác sĩ giảm giá dịch vụ khám bệnh một chút, người kỹ sư làm thêm giờ một chút, người bán cơm bình dân thêm vào dĩa cơm cho người lao động vài muỗng cơm…, tất cả đều là tài thí.

Một vấn đề lớn của suy thoái kinh tế là nạn thất nghiệp. Đối với người chủ doanh nghiệp, tài thí là cố gắng chịu đựng khó khăn, thậm chí lỗ lã, để duy trì công ăn việc làm cho công nhân. Tài thí, vị tha, lợi tha, lợi hòa đồng quân rõ ràng là một. Tìm đủ mọi cách cho mọi người cùng sống có cách mà sống, cùng hưởng lợi, dù nhỏ nhoi, là một trong những quan điểm cơ bản của đạo Phật như đã nêu ở trên.

Đức Phật dạy “thiểu dục” nhưng cũng dạy “tri túc”. Ở đây có từ “tri”, tức là hiểu biết. Biết đủ cũng là biết khi nào thiếu và cần tiêu dùng. Tiêu dùng trong sự hiểu biết luôn luôn là điều chính đáng. Nó giúp cho nhu cầu sống của mình nhưng nó cũng góp phần vào sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Từ “tri” trong tri túc rất hay. Nó không phải là tiết kiệm suông, càng không phải là hà tiện. Tri túc mà đi đối với bố thí là tuyệt vời; vì đó là vị tha, lợi tha, lợi hòa đồng quân.

Tri túc là quan điểm trí tuệ của đạo Phật về đời sống và kinh tế. “Tri” tức là một sự nhận thức đúng đắn theo hoàn cảnh, không gian, thời gian. Cái cách làm của những nhà kinh tế, khi lạm phát thì tăng lãi suất ngân hàng để kiềm chế lạm phát; khi suy thoái thì hạ lãi suất, kích cầu, hỗ trợ vốn… thì cũng chính là “tri” trong tri túc đó thôi. Cái nào vừa đủ, tức là phù hợp, có ích. Suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng, hoàn cảnh người nghèo càng khó khăn, thì đây chính là lúc người Phật tử, nhất là cư sĩ tại gia tu hạnh bố thí, tri túc.

Hồ Phước Vinh
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr19, 2009]