Báo chí Phật giáo Việt Nam từ điểm nhìn lý luận truyền thông

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Báo chí bao gồm cả phát thanh, truyền hình, internet, teletext (một hình thức phát văn bản qua màn hình TV), hệ thống tin nhắn qua điện thoại di động…

 Báo chí hiện đại

Trước đây, chúng ta vẫn hình dung báo chí là những ấn phẩm định kỳ, liên tục, khác với sách và những tài liệu in ấn khác, được xuất bản trong một thời gian nhất định. Một tựa sách nhiều tập phát hành định kỳ cũng vẫn là sách, vì nó có một thời điểm giới hạn cho việc xuất bản.

Hiện nay, quan niệm về báo chí đã hoàn toàn khác.

Báo chí bao gồm cả phát thanh, truyền hình, internet, teletext (một hình thức phát văn bản qua màn hình TV), hệ thống tin nhắn qua điện thoại di động…

Nhưng đó chỉ là phương thức phát hành

Chỉ dấu phân biệt báo chí với sách là nội dung thông tin mang tính thời sự. Thông tin đó chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định – khác với nội dung một quyển sách, hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời gian tính.

Đi sâu vào quan niệm thông tin báo chí, còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng phổ biến hơn cả là quan niệm coi thông tin báo chí phải là những thông tin có “vấn đề”, thu hút được sự chú ý của công chúng. Một nhà báo đã định nghĩa một cách hình tượng như sau về tin: sự kiện một con chó cắn người không phải là tin, nhưng sự kiện “người cắn chó” là một tin báo chí.

Nhiều tài liệu lý luận truyền thông thống nhất với nhau rằng các thông tin báo chí được chú ý hơn cả là các tin xấu. Xem chương trình thời sự trên truyền hình, đặc biệt là tin thế giới, thì những tin xấu như động đất, sập nhà, khủng bố máy bay với ám sát… là những tin được chú ý hơn cả. Trong quan niệm như vậy, tin một ngân hàng tăng được doanh thu, mở thêm chi nhánh, tăng vốn điều lệ… không được coi là một tin giá trị, thậm chí không phải là tin. Còn tin ngân hàng bị cướp, bị cháy, thậm chí chỉ mới bị hăm dọa… mới là tin có giá trị.

Một số quan niệm khác cũng thay đổi. Trước đây, một kênh phát thanh hay một kênh truyền hình mặc nhiên được coi là thuộc lãnh vực báo chí. Người ta thường dùng từ “báo đài” để chỉ báo chí nói chung. Thính giả nghe radio hay xem ti vi để biết được tin tức.

Hiện nay, có nhiều kênh phát thanh truyền hình rõ ràng không thuộc về báo chí nữa. Có kênh radio chỉ phát toàn nhạc trẻ, có kênh chỉ phát toàn nhạc giao hưởng, có kênh chỉ phát kịch hài… còn truyền hình cũng có kênh chỉ phát phim cổ điển (phần lớn là đen trắng, đã sản xuất từ nhiều thập kỷ trước), có kênh chỉ phát ca nhạc, có kênh chỉ phát các chương trình du khảo khám phá. Những kênh truyền hình hay phát thanh như vậy không còn là báo nữa, mà chỉ là một phương thức phát hành sản phẩm video hay audio mà thôi.

Một điểm mới nữa là tốc độ đưa tin. Trước đây, chỉ có nhật báo. Nay báo có đến 2-3 ấn bản/ngày (như báo Sài Gòn Giải phóng đã phát hành bản báo buổi chiều). Trước đây, tin đưa nhanh nhất thì cũng phải chờ đến chương trình thời sự từng buổi của các đài phát thanh, truyền hình. Ngày nay, tin tức được phát thanh đi gần như tức thì. Các đài truyền hình chuyên tin tức có tiết mục “Tin chấn động”, “Tin ngắt ngang” (breaking news) phát tức thì hình ảnh âm thanh sự kiện ngay khi nó đang diễn ra. Tin trên internet cũng được cập nhật lập tức với sự kiện.

Kênh phát hành đa dạng chỉ là một mặt, nhưng điều đáng nói là đội ngũ làm báo không còn như trước. Trên internet, cá nhân có thể mở một trang web thông tin riêng, như một dạng báo điện tử. Nhiều bản tin truyền hình được quay không phải từ phóng viên chuyên nghiệp, bằng camera chuyên dụng, mà từ bất cứ một ai chứng kiến sự kiện với điện thoại di động có chức năng quay phim trong tay.

Có những người “làm báo” bằng cách chỉ truyền đi những tin thất thiệt bằng tin nhắn điện thoại di động.

Còn trên internet, tin “dỏm”, tin xuyên tạc cũng tràn ngập. Người ta tha hồ đưa những tin vung vít, bêu xấu người khác, thông tin bậy bạ…

Báo chí đã hoàn toàn khác trước.

Báo chí Phật giáo Việt Nam

Nhìn toàn cục, từ khi có báo chí Phật giáo đến nay, chúng ta chỉ mới có “chí” mà hầu như chưa có “báo” đúng nghĩa. Chỉ một trường hợp ngoại lệ là tờ Nhật báo – Chánh Đạo phát hành một thời gian trước năm 1975.

Còn lại thì Phật giáo chỉ có tạp chí, tập văn, tập san, nội san…

Tin tức trên báo, đối với một số nhà tu hành, là chuyện đời, chuyện làm động tâm, chuyện không đem lại lợi ích. Do đó, Phật giáo không tham gia trên lãnh vực báo cũng là điều dễ hiểu. Có một ấn phẩm Phật giáo được gọi là “báo”, nhưng thực chất, đó cũng là dạng tuần san, mang nội dung chính là một tạp chí. Tin tức thu hẹp trong phạm vi nội bộ và cũng rất hạn chế.

Còn lại, nhiều tờ tạp chí Phật giáo, tuy gọi là tạp chí, nhưng dấu ấn báo chí (theo hướng trình bày ở trên) rất mờ nhạt. Cũng có thể coi đó là những series tuyển tập phát hành định kỳ. Trong đó, những người viết hầu như chỉ đóng cửa bàn việc đạo, khó mà tìm thấy dấu tích của thời sự, ngoại trừ bài viết nhân dịp các ngày lễ lớn trong đạo. Các tạp chí như vậy hầu như không có thời gian tính. Để nhiều năm sau lật ra đọc vẫn không thấy vấn đề trở ngại gì lớn cả.

Đây là một điểm đặc thù, nhưng theo ý kiến chủ quan của người viết bài này, lại là một nhược điểm của báo chí Phật giáo Việt Nam.

Nói là nhược điểm vì Phật giáo Việt Nam, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã tự đóng khung trong một dạng hoạt động báo chí phiến diện. Báo chí Phật giáo Việt Nam tồn tại như một dòng chảy tách biệt với báo chí hiện đại.

Như đã nói, Phật giáo Việt Nam chỉ có “chí” mà không có báo.

Không nói gì đến báo chí Phật giáo Việt Nam hiện đại, mà sự phát triển cục bộ và lạc hậu đã quá rõ ràng, báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1975 cũng thế. Các tờ như Phật giáo Việt Nam, Từ Quang, Liên Hoa, Hải Triều Âm, Tư Tưởng… nhiều bài, đến bây giờ đọc vẫn như mới. Nghĩa là, nó mang tính chất sách tuyển tập nhiều hơn, trong khi tính báo chí rất mờ nhạt.

Hạn chế này của báo chí Phật giáo Việt Nam trong thời điểm 40 – 45 năm trước, khi sự phát triển báo chí không đến mức như bây giờ, là vẫn có thể còn chấp nhận được. Nhưng đến nay, trước sự phát triển như vũ bão của báo chí hiện đại, thì với cung cách làm báo như hiện nay của Phật giáo Việt Nam, với những tạp chí, nội san, tập san, tập văn… kiểu tháp ngà, thì hạn chế đó tất nhiên tăng lên nhiều lần.

Kết cuộc là dần dần, Phật giáo chỉ có tuyển tập, cả trong nước lẫn ngoài nước, cả trên bản in giấy lẫn trên mạng.

Thỉnh thoảng, có một số tin tức  Phật sự, phổ biến thông cáo, thông bạch, thông điệp… thì đó là một dạng phổ biến văn bản nội bộ, không hẳn là báo chí.

Trong khi đó, báo chí hiện đại đòi hỏi văn bản, âm thanh, hình ảnh phải gắn liền với cuộc sống không phải hàng ngày, mà hàng giờ, hàng phút như đã phân tích.

Phật giáo Việt Nam không có báo chí đúng nghĩa, đó là một hiện thực.

Và trong thực tế, ít ai chú ý đến hiện thực đó, để coi nó là một vấn đề.

Một số suy nghĩ về hướng phát triển của báo chí Phật giáo Việt Nam

Đầu tiên, chúng ta xét báo chí Phật giáo trong nước về mặt tỷ lệ, số lượng.

Trước năm 1975, cả miền Nam Việt Nam có vài chục tờ báo và tạp chí. Số lượng báo chí Phật giáo có tới 5, 6 tờ, kể cả một tờ Nhật báo.

Hiện nay, cả nước có đến gần 600 tờ báo và tạp chí, gần cả trăm kênh phát thanh truyền hình. Bước phát triển của báo chí nước ta là hết sức lớn lao. Trong khi đó, sự phát triển của báo chí Phật giáo hết sức mất cân đối với sự phát triển chung của báo chí nước nhà.

Chùa tháp xây nhiều, lễ hội tổ chức rình rang, mà báo chí lại phát triển èo uột. Đó là vấn đề của báo chí Phật giáo Việt Nam chúng ta.

Nhiều tờ báo của các cơ quan đoàn thể, có tờ được xếp vào loại báo địa phương hạng 3, từ mức ra 2-3 số/tuần, nay đã trở thành nhật báo, cộng với tuần san, phụ bản…

Còn tờ tuần báo của Phật giáo TP.HCM vẫn dừng lại ở giới hạn tuần báo trong suốt mấy chục năm.

Trang web Phật giáo gần đây xuất hiện nhiều. Nhưng thử so sánh với số lượng các trang web tiếng Việt trên mạng internet, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ khiêm nhường của trang web Phật giáo.

Đây là vấn đề trường kỳ. Còn vấn đề trước mắt có thể sớm khắc phục là việc báo chí Phật giáo Việt Nam còn thiếu tính báo chí.

Nghĩ đến một tờ báo Phật giáo đậm tính báo chí như tờ Chánh Đạo, trong bối cảnh hiện nay là điều chưa thể. Nhưng việc cố gắng nâng cao tính báo chí đối với báo chí Phật giáo Việt Nam là điều trong tầm tay, miễn là nhận ra được vấn đề và cố gắng giải quyết.

Báo chí Phật giáo Việt Nam không phải đi tìm kiếm tính thời sự cho mình bằng cách đăng những tin tức như các tờ nhật báo ngoài đời. Tính báo chí ở báo chí Phật giáo Việt Nam có thể được gia tăng nếu báo chí Việt Nam bước ra khỏi cái “tháp ngà” cố hữu của mình, nhưng trên đôi chân Phật giáo.

Quan điểm cho rằng tin tức thời sự, đối với người tu hành, đều là chuyện đời, chuyện gây nhiễm tâm, vô ích… không thể được coi là đúng một cách tuyệt đối. Một tu sĩ sống trên núi cao, hay trên đảo vắng có thể không cần biết đến tin tức, không cần đọc báo. Nhưng đại đa số Tăng, Ni, nhất là Phật tử, đang sống giữa đời thường, không thể không cần biết đến những chuyện quanh mình qua báo chí.

Và nay, một tu sĩ độc cư, viễn ly tu ở một cù lao vắng vẻ trên sông Thị Vãi chẳng hạn, cũng không thể không cần biết đến việc dòng sông này bị ô nhiễm nặng, có thể ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người và giết chết hết những sinh vật sống dưới nước, thậm chí tàu biển không dám vào sông vì sợ nước sông ăn mòn vỏ tàu như báo chí đã đưa.

Như vậy, có những tin tức ngoài đời mà báo chí Phật giáo cần phải đưa. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là báo chí Phật giáo phải đưa tin không như các tờ báo khác, mà đưa tin dưới nhãn quan Phật giáo.

Chẳng hạn, những tin tức về việc phá hoại môi trường, như sự kiện sông Thị Vãi – Bột ngọt Vedan chẳng hạn, nếu các báo khác nhấn mạnh đến yếu tố sức khỏe con người, yếu tố thiệt hại kinh tế, yếu tố vi phạm pháp luật… thì báo chí Phật giáo cũng đưa những tin bài về sự kiện đó, nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh tàn phá môi trường là sát sinh hàng loạt. Nếu báo chí thế gian nói đến việc đưa những người điều hành của công ty gây ô nhiễm ra tòa, thì báo chí Phật giáo có thể nói đến quả báo với những người đồ tể mặc áo doanh nhân đó. Một người đồ tể hay một người ngư phủ dù hành nghề cả đời đi nữa, cũng không thể so sánh với những doanh nhân, những kỹ sư thiết kế một hệ thống đưa đến hậu quả giết chết hết sinh vật của một dòng sông.

Đây chỉ là một ví dụ. Bài viết đã dài, không tiện nêu các ví dụ khác: nhưng chốt lại báo chí Phật giáo phải gắn bó với tin tức thời sự trên nền tảng quan điểm Phật giáo. Có như vậy, báo chí Phật giáo mới không tự cô lập mình, đánh mất tính báo chí, trở nên lạc hậu, tạo thành một ốc đảo trước sự phát triển của báo chí hiện đại.

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 58, tr.61, 2009]