Tứ niệm xứ qua cái nhìn của Kinh Kim Cang

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Kinh Kim Cang là một trong những bộ kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Có lẽ vì bộ kinh này cô đọng, đúc kết tất cả lời Phật dạy, nên trong lịch sử khắc kinh trên đá và lịch sử khắc kinh trên gỗ của Trung Hoa, bộ kinh này được các bậc cao đức và giới nghệ nhân đặt lên vị trí hàng đầu.

Đại ý tổng quát bản kinh này, đức Phật dạy các hàng đại Bồ-tát phải làm sao hàng phục tâm và an trụ tâm. Một trong những phương pháp hữu hiệu để đạt đến trình độ đó là phải đạt đến trạng thái xả ly, không còn vướng mắc trong các thành tựu, ngay cả Phật quả. Trong Kinh này đức Phật đã dùng lối phủ định của phủ định để đánh đổ một lần nữa cái mà mình vừa mới phủ định. Ví dụ, đoạn trên nói “Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.” Cho nên, toàn bộ Kinh nầy đều dùng một công thức “phủ định của phủ định” để đánh đổ “cái tôi”, “của tôi” và “cái thấy về cái tôi đó” của các hành giả. Nhờ đánh đổ các tâm niệm quy kết về bản ngã mà các hàng Bồ-tát mới hàng phục được tâm và an trụ tâm.

Kim cương ở đây dụ cho chất kim cương, là chất khó phá hủy. Bát nhã là tuệ giác như thật tri kiến về Như. Ba-la-mật là rời bỏ, vượt đến: rời bỏ bờ bến bên này và vượt đến bờ bến bên kia, tức là nói đến sự toàn hảo. Kim cương bát nhã ba-la-mật có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, kim cương chỉ cho tuệ giác toàn hảo, có năng lực phá hủy cái ngã chấp khó phá hủy, nên gọi tuệ giác ấy là Kim cương bát nhã ba la mật. Nghĩa thứ hai, kim cương ví dụ cho chính tuệ giác; tuệ giác toàn hảo có cái năng lực khó phá hủy là phá hủy được ngã chấp, nên tuệ giác ấy gọi là Kim cương bát-nhã-ba-la-mật.

Kim Cang với những điều căn bản như: không nên nhìn nhận một “ngã” (atman), một “chúng sinh” (sattva), một “thọ giả” (jīva) hoặc một “nhân” (pudgala, bổ-đặc-già-la) nào cả; không nên nhìn nhận bất cứ một pháp, một thực thể bên ngoài nào vì hoàn toàn không có một pháp nào có thể được nhận thức cả. Và dĩ nhiên, điều này cũng có giá trị cho một phi pháp; không nên để tâm lưu trú ở bất cứ nơi nào…

Trong tất cả kinh điển thuộc hệ Nguyên thủy tạng hoặc Nam tạng, cho rằng Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất để đắc quả A-la-hán. Trí tuệ Bát nhã là con đường đưa đến Bồ-tát và quả Phật. Tứ Niệm Xứ (bốn chỗ quán niệm) là: quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán thọ thị khổ và quán pháp vô ngã.

Về phần danh từ: không chấp ngã, chúng sanh… tương đương với thân; không chấp pháp, trú tâm, hàng phục tâm tương đương với thọ, tâm, pháp.

Tứ Niệm Xứ là một phương pháp hành thiền dẫn đến trí tuệ giải thoát, tự tánh nó không phải Thanh Văn hay Bồ-tát. Tuy nhiên nếu phải so sánh và xếp loại với Kim Cương hay Bồ-tát đạo, thì Tứ Niệm Xứ là một trong những con đường đi của Trí Tuệ Bồ-tát.

Nếu hành giả theo Ðại thừa có tâm địa Bồ-tát, thì song song với việc tu tập Tứ Niệm Xứ (tự thanh lọc bản tâm), hành giả phải thường tự nhắc nhở, phát nguyện và noi theo những gương Ðại Bi của Quan Thế Ấm Bồ-tát, Ðại Trí của Văn Thù Bồ-tát, và Ðại Hạnh của Phổ Hiền Bồ-tát (nuôi dưỡng chí nguyện độ tha).

Trong kinh Tạp A-hàm, Tứ Niệm Xứ được ghi lại như sau:

“Như vậy tôi nghe: một thời, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, vườn ông Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo rằng: Ta nay vì các ông, nói pháp môn Tứ Niệm Xứ, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Cái gì gọi là Tứ Niệm Xứ? Nghĩa là đối với nội thân an trú trong chánh niệm và quán sát một cách cần mẫn với chánh tri và chánh niệm, nhờ quán như vậy, Tỳ-kheo đoạn trừ những tham ưu ở đời; Ðối với ngoài thân, trong và ngoài thân quan sát một cách cần mẫn với chánh trí và chánh niệm, nhờ quán sát như vậy, Tỳ-kheo đoạn trừ được những tham ưu ở đời. Ðối với Thọ, Tâm và Pháp cũng quán sát như vậy. Ðây gọi là Tỳ-kheo tu tập Tứ Niệm Xứ. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng xong, các vị Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành…”.

1. Quán thân

Quán thân bất tịnh:
“Tỳ-kheo đối với nội thân quan sát tư duy từ đầu đến chân, tất cả đều là bất tịnh, ô uế. Nghĩa là tự thân và tha thân chỉ là những loại tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương, cốt... đại tiện, tiểu tiện. Tỳ-kheo, khi quán sát thân là bất tịnh như vậy, tâm vị ấy khởi lên những suy nghĩ gì về thân, vị ấy phân tích chi ly, thấy biết rõ ràng. Tỳ-kheo nhờ tu tập pháp môn này mà đoạn trừ hai pháp tham lam và ưu phiền. Ðối với ngoài thân, trong và ngoài thân cũng được quán chiếu như vừa tường thuật ở trên”.

Quán thân do sáu đại hợp thành:
“Có những Tỳ-kheo đối với nội thân (tự thân) quán chiếu tư duy phân biệt các giới. Ðối với nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân đều do các loại đất, nước, gió, lửa, không và thức tập hợp tạo thành. Tỳ-kheo khi tư duy như vậy, tâm vị ấy khởi lên tâm niệm gì đối với các giới này đều thấy biết một cách rõ ràng. Tỳ-kheo khi tu tập pháp quán này, trừ diệt được hai pháp tham lam và ưu phiền ở đời. Ðối với ngoại thân, nội ngoại thân cũng được quán chiếu như trên.”

Quán thân để:

a. Tăng cường khả năng tập trung của mình
b. Tăng cường khả năng chế ngự tâm tham ái vì những ham muốn của thân là đều tạo thành cái quả mà ta phải cảm thọ.
c. Thấy rằng năm uẩn chỉ là dòng duyên sinh (đây là đồng nghĩa với Kim Cang Kinh). Kim cương nói về ngã chấp bằng 4 tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Đoạn 5 kinh Kim Cang, đức Phật hỏi Tu-bồ-đề:

“Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng? - Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Không thể do thân tướng thấy được Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng. Phật bảo Tu-bồ-đề: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.”

Đoạn kinh cho ta thấy: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, giả lập hay duyên khởi, nên không thể thấy Như Lai bằng thân tướng được. Thân tướng thật không phải thân tướng, vì khi nhận thức thân tướng của đối tượng nào, ta chỉ thấy thể không của nó ở lục căn mà thôi. Khi tri nhận thể không của Như Lai (Biết được, Tánh giác), thể không của thân tướng đã hòa nhập vào hư không, nên thấy các thân tướng không phải là tướng nữa, mà là tánh hư không, là thật tướng không của Như Lai.

2. Quán Thọ

“Tỳ-kheo đối với những cảm thọ của tự thân, khi cảm thọ những lạc thọ, vị ấy như thật tuệ tri: tôi đang cảm thọ những lạc thọ ấy; khi cảm thọ những khổ thọ nào, vị ấy cũng như thật tuệ tri: tôi đang cảm thọ những khổ thọ ấy; khi cảm thọ những cảm thọ không khổ không vui, vị ấy cũng như thật tuệ tri: tôi đang cảm thọ những cảm thọ không khổ không vui ấy. Khi các cảm thọ được quán sát tư duy như vậy, khi tâm khởi lên những suy tư gì về những cảm thọ này, vị ấy tuệ tri một cách rất rõ ràng và có chọn lựa. Khi Tỳ-kheo tu tập pháp quán thọ này, đoạn trừ được hai pháp tham lam và ưu phiền. Ðối với ngoại thọ, nội thọ cũng được quan sát như trên.”

Theo dõi, kiểm soát những cảm thọ trong ta: Con người chúng ta luôn sống theo cái dòng cảm xúc của thọ, của tưởng và lệ thuộc vào những ham muốn mà ta không kiểm soát quá trình của những cảm thọ và ham muốn đó cho nên ta đi đến khổ đau. 

Trong kinh Kim Cang, đức Phật bảo: Vị Bồ-tát dùng trí biết tất cả pháp vô ngã, nên thực hành được hạnh nhẫn nhục, được công đức nhiều hơn vị Bồ-tát đem của báu đầy dẫy số thế giới bằng số cát sông Hằng ra bố thí. Ngài hỏi: Vì cớ sao? Rồi Ngài giải thích: Bởi do các vị Bồ-tát đó không thọ phước đức. Thế nào gọi là không thọ phước đức? Bởi vì chúng ta thấy tất cả pháp vô ngã, vô ngã thì không có chủ thể, nghĩa là không có mình, dù cho làm tất cả hạnh nhẫn nhục hay tất cả công đức gì mà không thấy có mình thật thì không có thọ. Đây là đức Phật đặt trí tuệ lên hàng đầu. Công đức của chúng ta được viên mãn là từ trí tuệ không thấy có ngã, bởi không thấy ngã nên không thọ, không thọ nên phước đức mới lớn. Thế nên ở đây chủ yếu là nói không thọ, mà không thọ gốc từ trí tuệ vô ngã. Dù bố thí của báu bao nhiêu đi nữa cũng không bằng do trí tuệ bát-nhã dẫn đầu tu được hạnh nhẫn nhục. Người như thế được công đức vô kể, vì người đó không có ngã. Vì thế muốn nhẫn nhục ba-la-mật trước phải có trí tuệ bát-nhã thấy rõ các pháp là vô ngã. Trong đoạn này đức Phật đề cao công đức hay phước đức bất thọ, và phước đức bất thọ đó cũng do trí tuệ vô ngã mà ra. Thế nên khi ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: Thế nào là không thọ phước đức thì đức Phật bảo: Bồ-tát làm phước đức không tham trước nên gọi là không thọ phước đức. Sở dĩ chúng ta làm mà tham trước là vì có ngã, nếu vô ngã còn tham trước cái gì? Thế nên nói rằng không tham trước là phước đức lớn nhất.
 
3. Quán tâm

Kiểm soát tâm khi tâm khởi bất cứ niệm gì (tham, sân, si). Ngay cả khi ta khởi niệm làm việc thiện là ta cũng có mong cầu trong đó vì muốn người khác biết là mình làm việc thiện, thêm nữa là muốn thọ phước báo do làm việc thiện đó. “Tỳ-kheo đối với nội tâm quan sát tư duy các tướng trạng của nội tâm. Khi tâm có tham, vị ấy như thật tuệ tri: nội tâm có tham, tâm xa lìa tham lam, cũng như thật tuệ tri: nội tâm xa lìa tham lam. Nội tâm có sân hận, vị ấy như thật tuệ tri: nội tâm có sân hận. Nội tâm không sân hận, cũng như thật tuệ tri: nội tâm không có sân hận. Nội tâm có ngu si, như thật tuệ tri: nội tâm có ngu si, nội tâm không có ngu si, cũng như thật tuệ tri: nội tâm không có ngu si... Tâm của Tỳ-kheo được tư duy quan sát như vậy, khi khởi lên những gì đối với tâm này, Vị ấy quan sát một cách rõ ràng và có chọn lựa. Khi Tỳ-kheo tu tập pháp quán tâm này, đoạn trừ được hai pháp tham lam và ưu phiền. Ðối với ngoại tâm, nội ngoại tâm cũng được quán sát như trên”.

Nếu ta muốn giải thoát thì phải dùng tuệ quán để kiểm soát tâm bằng cách theo dõi sự sinh khởi, tồn tại và hoại diệt của tâm vô thường. Theo dõi để xem từ đâu mà tâm khởi. Kiểm soát cái vô thường tâm rất là khó. Phật nói rằng ta không nên tin vào cái tâm vô thường đó cho tới khi nào chứng quả A-la-hán.

Chủ yếu kinh Kim Cương Bát Nhã nằm trong hai câu hỏi của Tu-bồ-đề và hai câu trả lời của Phật về hàng phục tâm và an trú tâm. Nhưng nếu phân tích thì đoạn hàng phục tâm lấy việc độ sanh vào Vô dư Niết-bàn mà không thấy chúng sanh đắc độ làm chính, đây có phần chú trọng lý vô ngã, phá trừ ngã chấp. Đến đoạn an trú tâm lại lấy việc bố thí không trú tướng làm chính, đây có phần chú trọng lý vô pháp, phá trừ pháp chấp.

Kinh Kim Cang là kinh mà đức Phật dạy về pháp môn để “hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm” cho những ai phát bồ đề tâm. Nhưng, phát bồ đề tâm là gì? Một cách đơn giản, phát bồ đề tâm là hưng phát, trưởng dưỡng và thành thục viên mãn tâm bồ đề, tâm giác ngộ, tâm chơn như cho tất cả chúng sanh và mình. Vì khởi niệm phân biệt, phan duyên theo trần cảnh, vọng chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và các pháp cho là thật có; từ đó, mang lục căn dong ruổi theo lục trần để khởi động lục thức, tạo nghiệp nhân, thọ nghiệp quả, luân chuyển trong lục đạo tứ sanh, quên mất cả đường đi lối về. Mê lộ do đây mà mịt mù không nẻo thoát; tử sinh vì vậy mà quanh quẩn không cùng. Tuy nhiên, dù vọng tướng có sinh diệt đảo điên, song chân tánh vẫn bất tăng bất giảm. Vấn đề là ở chỗ bằng cách nào để trừ vọng quy chơn. Vọng là gì? Chơn là gì? Có thể tạm đặt vai vế cho cả hai để dễ thấu hiểu vấn đề. Trong chiều hướng ấy, chúng ta có thể gọi vọng là khách, chơn là chủ. Khách thì lúc đến lúc đi, lúc không lúc có, không giữ phần tự chủ, tự tại. Chủ thì hiện hữu thường trụ, tự chủ tự tại. Vậy trong chúng sanh, cái gì là vọng, cái gì là chơn? Cái gì sanh diệt, vô thường là vọng, cái gì thường trụ bất biến là chơn. Nếu cứ theo nghĩa này mà luận thì tất cả mọi cái trong chúng sanh từ tâm đến thân, từ trong ra ngoài thảy đều là vọng, vì mọi thứ đều sanh diệt, vô thường. Bởi thế cái ngũ uẩn giả hợp ấy mới được gọi là chúng sanh! Cho nên, chúng sanh là vọng. Vì lẽ ấy, hành phục vọng tâm chính là hàng phục tâm chúng sanh. Mà muốn hàng phục vọng tâm thì như Phật dạy:

“Phật bảo Tu-bồ-đề, các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loại chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc loài sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc chẳng có tưởng, hoặc chẳng không tưởng, ta đều khiến vào Vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó.”

Độ vào chỗ tịch diệt chính là khi niệm chúng sanh, niệm phân biệt, vọng niệm khởi lên thì lập tức hàng phục bằng cách, vừa trực nhận một cách tỉnh giác rằng đây là những vọng niệm sanh diệt không thực hữu, vừa buông xả không chấp thủ để chúng tự lắng xuống chỗ tịch diệt. Khi niệm chúng sanh đã lắng xuống, tâm thức trở lại trạng thái linh diệu rỗng suốt và bao la không giới hạn. Đó chính là chơn tâm. Nhưng vấn đề là làm cách nào để an trụ chơn tâm một cách thật sự? Đây chính là nội dung cốt lõi thứ hai của kinh Kim Cang mà đức Phật đã khai thị. Đức Phật dạy:

“Các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ hương vị xúc pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.”

Lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) giống như sáu cánh cửa của căn nhà ngũ uẩn giả hợp, để qua đó, vọng thức săn đuổi, đắm trước theo lục trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Vọng thức trụ ở đâu thì tâm chúng sanh bị trói buộc ở đó. Sự trói buộc của tâm là chất liệu kiên cố để kiến tạo tòa nhà ngã và pháp chấp vững bền, rồi từ đó, khuấy động ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo nhân, thọ quả tiếp nối sự luân chuyển trong tam giới lục đạo. Chính vì vậy, hàng phục vọng tâm rồi, cần phải giải thoát sự trói buộc của tâm vào thế giới hệ lụy của căn, trần và thức để chơn tâm hiện bày trọn vẹn.

Không trụ tâm tức là cách nói khác của vô tâm. Vô tâm là gì? Vô tâm là tâm ở trạng thái rỗng suốt không bị trói buộc bởi bất cứ pháp nào, là tâm không quái ngại vì không chấp trước không thủ trước bất cứ vật gì, là tâm thênh thang không dừng trụ ở bất cứ thời và không gian nào. Nhưng nói như vậy thì cũng còn chưa thật sự vén mở được hết những ẩn khuất bên trong. Thật ra, buộc trói hay mở ra, thủ trước hay buông xả, cõi giới hạn hay vô hạn của thời và không gian, tất cả đều thuộc về thế giới của vọng tâm, của tâm chúng sanh, không phải vô tâm, vì vô tâm chỉ là cách nói của hữu tâm để diễn bày về cảnh giới thực chứng mà ở đó tâm chúng sanh đã rũ sạch mọi triền phược. Tâm rũ sạch mọi trần cấu, mọi triền phược thì tâm ấy không còn là tâm chúng sanh nữa mà là chơn tâm. Xin hãy nghe lại bài kệ của Thiền sư Hương Hải nói về diệu dụng của “vô tâm” trong phương thức an trụ chơn tâm:

“Tầm ngưu tu phỏng tích
Học đạo quý vô tâm
Tích tại ngưu hoàn tại
Vô tâm đạo dị tầm.”

Từ pháp môn hàng phục tâm chúng sanh bằng cách độ tận vọng niệm vào cõi tịch diệt đến pháp môn an trụ chơn tâm bằng cách ứng xử vô tâm để viễn ly hệ lụy của căn, trần và thức, cả hai đều phải nhờ đến một diệu lực nhiệm mầu mà nếu không có diệu lực ấy thì không thể đạt thành cứu cánh. Diệu lực ấy chính là trí tuệ bát nhã. Tại sao phải cần đến trí tuệ bát nhã để hàng phục tâm chúng sanh và an trụ chơn tâm?

Trong cả hai phương thức để hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm, hành giả đều phải buông xả tất cả vọng chấp về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và các pháp như là những thực thể hiện hữu. Khi nào còn một mảy may ý niệm cố chấp về sự thực hữu của ngã và pháp thì vọng tâm điên đảo vẫn còn khởi động, do đó, không thể ngộ chứng và an trú được chơn tâm. Muốn buông xả các vọng chấp ngã và pháp thì hành giả nhất định phải vận dụng đến trí tuệ Bát nhã để quán nghiệm và hàng phục.

4. Quán Pháp

Quán Năm triền cái:
“Tỳ-kheo đối với Năm triền cái quan sát tư duy các tướng trạng của nó. Nếu như nội tâm có tham dục triền cái, vị ấy như thật tuệ tri: trong tôi có tham dục triền cái, trong tôi không có tham dục triền cái, vị ấy cũng như thật tuệ tri: trong tôi không có tham dục triền cái. Ðồng thời, vị ấy cũng như thật tuệ tri những tham dục triền cái chưa sanh khiến nó không sanh, đã sanh khiến nó được đoạn trừ, đã đoạn khiến cho nó không tái sinh. Tỳ-kheo tư duy quán sát như vậy, những gì khởi lên đối với tham dục cái này, tâm vị ấy biết rất rõ ràng. Tỳ-kheo tu tập pháp quán này, đoạn trừ 2 pháp tham lam và ưu phiền. Ðối với sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo cử và nghi ngờ, Tỳ-kheo cũng được quán sát như vậy”.

Quán Bảy giác chi:
“Tỳ-kheo đối với nội thân có Niệm giác chi, vị ấy như thật tuệ tri: nội thân có niệm giác chi, nội thân không có niệm giác chi, Tỳ-kheo cũng như thật tuệ tri: nội thân không có niệm giác chi, đồng thời, Tỳ-kheo cũng như thật tuệ tri những niệm giác chi nào chưa sanh khiến cho nó sanh, đã sanh thì an trú vững chắc, không xao lãng, khiến cho nó mỗi ngày một kiên cố tăng tiến. Tỳ-kheo tư duy như vậy, những gì khởi lên đối với niệm giác chi này, đều được vị ấy hiểu biết rõ ràng. Tỳ-kheo tu tập pháp quán này, vị ấy đoạn trừ được hai pháp tham dục và ưu phiền. Ðối với 6 giác chi còn lại cũng được quan sát như vậy”.

Những gì liên hệ đến cuộc sống của ta đều phải xả, kể cả những phương tiện tu học. Pháp là vô ngã, không có thực tại, không có tự tánh. Ta chỉ dùng nó để đối trị tâm bệnh, thân bệnh. Nếu như chính ta là vô ngã thì cả cái pháp đối tượng đó cũng là vô ngã.

Muốn buông xả các vọng chấp ngã và pháp thì hành giả nhất định phải vận dụng đến trí tuệ bát nhã để quán nghiệm và hàng phục.

Nhưng trí tuệ bát nhã là gì? Là tri kiến liễu đạt rằng tất cả các pháp hữu vi vốn không có tự tánh, là giả, là không. Do đó, không còn chấp thủ vào bất cứ điều gì và nghiệm chứng được thực tại tuyệt đối, là chân thân của vạn hữu. Tuy nhiên, bằng cách nào chúng sanh có thể khai phát được trí tuệ bát nhã? Đức Phật dạy trong kinh Kim Cang:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán.”

Thế nào gọi là quán? Khi nhìn và nghe một pháp nào đó với con mắt hoặc lỗ tai trong mối tương quan giữa chủ và khách, giữa căn và trần, và qua động lực chủ đạo của vọng thức trên bình diện tỷ lượng thì đó không phải là lịch nghiệm sự quán chiếu. Quán thì không phải chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, mà còn nhìn và nghe bằng sự tịnh tâm sâu thẳm. Trang trải nguồn tâm không vướng mắc chiêm nghiệm và buông xả mọi sự đến và đi, sinh và diệt qua tâm bao la như mây bay qua bầu trời, như bóng nhạn thoáng lướt giữa hư không. Khi nhìn, nghe và nhận thức một điều gì bằng tư thái của một chủ thể với đầy dẫy những hậu cảnh kiến thức, kinh nghiệm thì thật ra chúng ta không phải đang nhìn, nghe và nhận thức trung thực về điều đang xảy ra, chúng ta chỉ đang nhìn, nghe và nhận thức lại chính hậu cảnh kiến thức, hay kinh nghiệm của chúng ta mà thôi. Cho nên, trong quán nghiệm, không có sự hiện hữu của chủ thể, khách thể, hậu cảnh kiến thức, kinh nghiệm, vọng tưởng. Nếu như thế thì làm sao, lấy cái gì để tri nhận rằng các pháp hữu vi là mộng, huyễn, bào, ảnh, lộ và điễn?

Trong phương thức quán nghiệm đúng chánh pháp, hành giả đang thật sự bước vào tiến trình chuẩn bị đầy đủ để thể nhập cội nguồn tâm linh, để thực chứng bản thể chơn tâm. Ở đó, tất cả mọi vọng tướng sinh diệt đều vắng bóng chỉ còn lại sự linh minh đổng triệt của bản tâm. Như người vừa tỉnh mộng triệt ngộ một cách minh mẫn và khẳng quyết rằng tất cả các pháp hữu vi, các vọng tướng thuộc thế giới phàm phu tương đối đều là mộng, là huyễn, là bọt nước, là bóng dáng, là sương, là làn điện. Đây chính là trí tuệ Bát nhã.

Tóm lại, nội dung tu tập Tứ Niệm Xứ được phân làm 4 loại: Quán thân, Quán thọ, Quán tâm, Quán pháp. Trong pháp “Quán thân” lại chia hai đề mục nhỏ, “Quán thân bất tịnh” và “Quán thân do 6 đại hòa hợp tạo thành”; Quán thọ tức là quán sát những cảm thọ của chúng ta, hoặc khổ hoặc vui hoặc không khổ không vui; Quán tâm là quán sát về những trạng thái diễn biến của tâm; Quán Pháp bao gồm quán Năm triền cái, Sáu căn, Bảy giác chi v.v... Nói cách khác, quán Tứ niệm xứ là quán Ngũ uẩn, quán “Thân” tức là quán sắc uẩn, quán “Thọ, Tâm, Pháp” là quán thọ, tưởng, hành và thức. Thực hành phương pháp Tứ niệm xứ này, có những kết quả như sau: Thứ nhất, thấy được thực tướng của con người vốn là sự giả tạo, không thật có, nhờ sự thấy biết như thật này mà hành giả mới có thể thoát ly những điên đảo mộng tưởng, là những nguyên nhân gây khổ đau. Thứ hai, huấn luyện thân và tâm an trú trong chánh niệm, kinh A-di-đà gọi là “nhứt tâm bất loạn”, chánh niệm này là cái bệ phóng cho trí tuệ phát sanh. Khi tuệ đã thắp sáng thì hành giả đối mặt với cuộc đời không có sợ hãi, vì mọi sự mọi vật đều được chánh niệm và trí tuệ giúp cho hành giả thấy biết rõ ràng, không có nhầm lẫn, chính cái thấy như thật này, hành giả mới đủ khả năng chặt đứt tất cả vô minh phiền não. Do vậy, trong kinh Bát Nhã nói rằng: “Bồ-tát Quán Tự Tại dùng trí tuệ quán chiếu, thấy thân ngũ uẩn này là không thật tướng, do vậy Bồ-tát chặt đứt tất cả các khổ não”.

Nghiên cứu kinh Kim Cang và Tứ Niệm Xứ với mục đích là tìm ra cho mình một pháp hành trong mối tương quan lẫn nhau, hay nói đúng hơn là tìm ra một con đường tu tập. Chúng ta nên tranh thủ thời gian để nỗ lực công phu vì chỉ có mình mới có thể giải thoát cho chính mình. Mục tiêu chính là học để hành, nghe để hiểu và để sống, chỉ khi đoạn trừ được mọi mầm mống của khổ đau, dứt hẳn hạt giống sanh tử thì khi ấy mới thể hiện trọn kiếp sống hiện hữu tại thế gian này.

Thanh Nhân
[Tập san Pháp Luân - số 55, tr.32, 2008]