Uống ngụm mặt trời

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một tu sĩ ở thế kỷ thứ sáu, Abba Dorotheus, có viết như sau: “Bất cứ khi bạn làm một việc gì, cho dù nó có quan trọng hay gấp rút đến đâu, tôi cũng không muốn bạn phải gây gổ hay bực mình.  Bởi bạn biết không, mọi việc ta làm, dầu cho quan trọng đến đâu, cũng chỉ là một-phần-tám của vấn đề mà thôi.

Còn giữ cho mình được an tĩnh là bảy-phần-tám của vấn đề còn lại, và cho dù bạn có thất bại đi chăng nữa! Thế cho nên, khi làm một việc gì ta hãy cố gắng làm cho thành công trọn vẹn, đó là một-phần-tám của vấn đề, và vẫn phải giữ cho tất cả có được sự an tĩnh và niềm vui, đây mới lại là bảy-phần-tám còn lại của vấn đề. Nhưng nếu ta làm mọi cách để thành đạt công việc của mình, mà không cần gì đến sự an lạc của mình, và những người chung quanh, tức là ta đã hy sinh bảy-phần-tám để đổi lấy một-phần-tám rồi vậy. Chẳng đáng đâu!”

Bạn nghĩ sao về lời khuyên ấy của ông Dorotheus?  Trong thời buổi khó khăn này, trong khi chúng ta ai cũng đang phải cạnh tranh để bước tới, hành xử như theo lời ông nói thì có vẻ không thực tế và xa vời quá bạn nhỉ!  Nhưng tôi nghĩ ý ông chỉ muốn nhắc nhở ta rằng, chúng ta đâu cần phải hy sinh sự tĩnh lặng của mình cho sự thành đạt. Chúng ta vẫn có thể thực tập có niềm vui trong mỗi việc mình làm. Là những người bận rộn, nhưng chúng ta cũng vẫn là một người có hạnh phúc.

Tôi nghĩ cuộc đời này có lẽ cần đến sự an tĩnh và cái nhìn sáng tỏ của chúng ta, hơn là vào những thành đạt của mình.

Uống Ngụm Mặt  Trời

Tia nắng mặt trời là một năng lượng. Tuy bên ngoài có vẻ như nó không làm gì hết, nhưng nhờ nó mà chiếc lá được xanh, một đóa hoa nở trong sương sớm. Và bạn biết không, hạnh phúc của ta cũng là một năng lượng. Tuy nó không có một hình tướng nào, nhưng có khả năng làm tươi mát thân ta, chữa lành những thương tích sâu kín trong tâm, và làm cuộc sống chung quanh mình được trong sáng hơn.

Tôi không biết ông Malcolm Wells có thực hành thiền quán bao giờ chưa, nhưng những lời sau đây ông viết giống như một thiền sư: “Năm ngoái, đâu đó trên những chiếc lá của một cây mía, một phần của ánh nắng đã chấm dứt cuộc hành trình tám phút của chúng từ mặt trời tới trái đất.  Bằng một cách nào đó, cây mía đã biến ánh nắng mặt trời thành chất đường ngọt ngào.  Và rồi thì bằng một cách nào đó, chất đường ấy hòa tan trong ly trà của tôi. Buổi sáng hôm nay tôi nhắm nháp một chút ánh nắng mặt trời của năm ngoái. Bây giờ đây nó đang nuôi dưỡng những bắp thịt già yếu trong tôi.  Ngoài kia trời đã tối, tôi sửa soạn leo lên chiếc xe đạp của mình để ra về. Những bắp thịt mặt trời kia sẽ trở thành sức mạnh của máy đạp, dây xích kéo, bánh xe lăn, máy phát điện kêu, dây ‘tungsten’ nóng lên, và cuối cùng – từ bóng đèn trên chiếc xe đạp của tôi – ánh sáng lại phát ra.” 

Ánh sáng phát ra từ một chiếc đèn xe đạp ngày hôm nay, là nhờ ở năng lượng từ những tia sáng mặt trời của một vài năm về trước. Và hạnh phúc, sự an lạc của ta cũng lan rộng và có những ảnh hưởng sâu xa hơn ta tưởng. Thời gian có trôi qua, nhưng một lời nói của ta, một cử chỉ của mình với người chung quanh sẽ còn tồn tại mãi. Bạn biết không, trong kinh viết, chỉ là sự có mặt của một người có tuệ giác và hạnh phúc thôi, cũng đã làm cho cuộc đời này tươi mát hơn, cỏ cây xanh hơn, dòng suối được trong hơn rồi.

Có được mấy Huệ Năng?

Mà muốn có hạnh phúc chúng ta cần nương tựa vào một sự thực tập. Trong thiền tập, chúng tôi được hướng dẫn những phương cách như là biết chú ý đến hơi thở nhẹ của mình, thấy được những cảm thọ nào đang có mặt trong thân, tập bước những bước chân có ý thức…Trong cuộc sống bận rộn ta nên có những lúc dừng lại, để ý thức được những gì đang có mặt trong ta. Hơi thở có ý thức sẽ đem thân và tâm của ta trở về thành một mối, cho dù ta đang làm bất cứ một chuyện gì, nó sẽ giúp ta tìm lại cho mình một sự an tĩnh và cái nhìn trong sáng.

Có bạn bảo tôi rằng tu là ở tại tâm, chứ đâu cần gì đến hình tướng bề ngoài, chúng ta đâu cần gì phải nương tựa vào một phương tiện nào! Tôi thì nghĩ khác, chúng ta bao giờ cũng cần một sự thực tập. Vấn đề chỉ là đừng để mình bị vướng mắc hoặc cố chấp vào phương tiện ấy mà thôi, phải không bạn?

Chắc bạn cũng nhớ câu truyện về ngài Huệ Năng. Tổ thiền tông thứ năm của Trung Hoa là ngài Hoằng Nhẫn, một hôm biết đến lúc cần phải tìm người kế thừa, Ngài bảo các học trò mỗi người hãy viết một bài kệ kiến giải trình bày về sự chứng đắc của mình. Một vị đệ tử lớn của Ngài tên là Thần Tú, trình lên bài kệ của mình như sau:

Thân thị Bồ đề thọ. Tâm như minh cảnh đài. Thời thời cần phất thức. Vật sử nhạ trần ai.  Thân là cội Bồ đề, tâm như đài gương sáng, luôn luôn siêng lau chùi, chớ để dính bụi bặm.

Có một người đệ tử khác là ngài Huệ Năng, đọc được bài kệ ấy, ông viết kệ kiến giải của mình lên cạnh bên:

Bồ đề bổn vô thọ. Minh cảnh diệc phi đài. Bổn lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai?  Bồ đề vốn không cội, gương sáng cũng chẳng đài, xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm?

Và theo như Thiền sử, Tổ Hoằng Nhẫn đã trao truyền y bát lại cho ngài Huệ Năng, kế vị mình làm Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Bài kệ của ngài Huệ Năng đã trình bày được cốt tủy của sự tu tập.

Nhưng trong cuộc đời này thì có được mấy Huệ Năng bạn nhỉ? Nếu mỗi sáng thức dậy ta vẫn còn thấy những lo âu trước mắt, và bóng dáng của muộn phiền ngày hôm qua, thì hãy nhớ lau chùi và gìn giữ tấm gương của mình cho trong bạn nhé. Nhiều khi trên con đường thực tập chúng ta cần phải hành theo bài kệ kiến giải của ngài Thần Tú hơn, để rồi một ngày nào đó ta sẽ mĩm cười và thật sự hiểu được rằng  Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai? Một cái nhìn xa rộng, nhưng với những bước chân nhỏ, ta sẽ đi được rất xa...

Có thấy thương không

Có một lần trời vào thu, tôi đi dạo trong một khu rừng nhỏ giữa ngàn sắc lá muôn màu thật đẹp.  Trời hôm ấy lộng gió, màu sắc tung bay khắp không gian, lá tràn ngập trên không trung, trên áo, trên vai, trên mỗi bước chân tôi. Giữa khung cảnh ấy tôi ước gì mình được là một họa sĩ, một nhà thơ hay một nhiếp ảnh gia có tài, để có thể ghi giữ lại được hình ảnh ấy mãi mãi. Nhưng trong một bước chân tôi chợt ý thức rằng, tất cả không gian sắc màu, vẻ đẹp nhiệm mầu của thiên nhiên ấy, cũng chỉ là một phần của chính tôi thôi! Nó đang có mặt trong tôi.  Đâu có gì khác bên ngoài mà ta cần phải nắm bắt!

Như buổi sáng nay tôi thấy con đường nhỏ tôi đi có tôi trong ấy. Con đường có nơi đây là nhờ ở sự có mặt của tôi, hay nhờ nó mà tôi có thể có mặt nơi này? Chúng tôi hiện hữu trong nhau.  Sáng nay những áng mây trắng bồng bềnh trôi chở đầy nắng ấm. Cuối những ngày mưa nước dâng cao làm mặt hồ phẳng như gương. Con thác nhỏ nước đầy tràn xuống dòng suối trong đổ bọt trắng xóa chảy qua những viên đá sỏi dưới lòng suối reo vang trôi xa vào khu rừng phía bên kia.

Cái năng lượng của những tia nắng mặt trời mấy năm trước vẫn còn có mặt trong hôm nay, đó không phải chỉ là văn thơ mà là một sự thật! Hạnh phúc cũng vậy không bao giờ có thể có mặt riêng. Những bước chân thong dong của bạn cũng là hạnh phúc của nhiều người. 

Sáng nay bạn hãy rót một tách trà thơm và thưởng thức đi. Trong vị của ánh mặt trời năm xưa ấy bạn có thấy thương không…

Nguyễn Duy Nhiên
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr43, 2009]