Hỏi & Đáp: Vấn đề vô ngã

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

HỎI: Theo nhận thức của con, ngã là chủ thể, bản năng sinh tồn của động vật. Ngã chính là tâm lý, động lực thúc đẩy người ta hoạt động để đáp ứng nhu cầu tự thân. Nhưng theo Phật giáo cho rằng cơ thể này là vô ngã, tức có nghĩa là phủ nhận động lực, vậy lấy gì thúc đẩy để con người tích cực hoạt động?
(Dũng - Giáo viên trường PTTH)



ĐÁP: Ở đây, chúng tôi xin trình bày khái quát, nhằm gợi ý để người học Phật nghiên cứu, nhận thức hoàn chỉnh về giáo lý vô ngã. Bởi vì, vấn đề này đã có nhiều vị tư vấn chúng tôi qua từng góc độ và những khía cạnh nhận thức khác nhau.  

Theo Phật giáo, Vô Ngã được dịch từ thuật ngữ Anātman (skt.) - có nghĩa là khẳng định về cái tôi không có một chủ thể nào tồn tại độc lập. Sự hiện hữu của nó do năm thủ uẩn (skt. pañca upādāna-skandhāḥ) kết hợp tạo thành, nên còn duyên chúng nhóm, hết duyên chúng hoại. Đó là sự biến dạng sinh ra và chết đi của một đời sống, đạo Phật gọi đó là một kiếp.

Thế nhưng, chúng ta thử tách năm uẩn: sắc uẩn (rūpa) - yếu tố sinh vật lý; Thọ uẩn (vedanā) - yếu tố cảm giác; Tưởng uẩn (saṃjñā) - yếu tố tri giác; Hành uẩn (saṃskāra) - yếu tố tâm lý hoạt động; Thức uẩn (vijñāna) - yếu tố nhận thức, phân biệt. Khi tách thành từng thành phần riêng lẻ, phân tích để tìm ra bản chất của ngã (cái tôi) sẽ hoàn toàn tuyệt vọng, vì các yếu tố đó không có một tự thể cố định nào. Do đó dưới lăng kính của tuệ giác, quan niệm về ngã chỉ là ảo ảnh của nhận thức, hợp thể của duyên sanh. Sự đau khổ nẩy sinh trong mỗi chúng ta chính là nhận ảo ảnh làm chân, huyễn hóa làm thật để từ đó chấp thủ, hành động vị kỉ, tạo ra những nghiệp nhân khổ đau.

Cái tôi (tự ngã) càng lớn bao nhiêu sẽ làm cho tâm hồn chúng ta nhỏ lại bấy nhiêu. Vì trong cái tôi, tình yêu được bao bọc bởi những chất liệu khát ái, chiếm hữu nô lệ và ích kỷ. Động lực cái tôi (tự ngã) có khả năng gây nhiễm ô, biến tâm hồn đạo đức thành những gam màu đen, vẫn đục. Mọi tệ nạn xã hội đều bắt nguồn từ cái tôi này.

Người chấp thủ quá về cái tôi (tự ngã), suốt đời họ sẽ nô lệ, khổ đau không bao giờ có an lạc hạnh phúc.

Trong xã hội, nếu chỉ phụng sự vì cái tôi (ngã) thì lòng dạ hẹp hòi, hiệu quả công việc thấp, cống hiến xã hội sẽ không cao. Những nhà khoa học đã hy sinh cả cuộc đời vì ai để có thể phải tiều tụy, có khi chết vì sự cố trong nghiên cứu? Tất cả vì nhân loại. Động lực của họ là lòng đam mê cống hiến những công trình, những học thuyết cho thế giới, cái tôi ở họ chỉ còn phần nhỏ.

Từ điểm này, chúng ta thấy đạo Phật rất tích cực. Động lực để con người hành động trong Phật giáo không phải là cái tôi mà chính là tâm Bồ-đề, là tuệ giác tình thương cứu khổ muôn loài. Sự an lạc và hạnh phúc của mọi chúng sinh là niềm vui của những người dấn thân phục vụ và xây dựng. Đó là những vị Bồ-tát sống đang phụng sự muôn loài, không cần trả ơn báo đáp. Hành động vì mọi người, phục vụ để phục vụ, không mong cầu sự đáp lại của đối tượng.

Người Phật tử nếu sống được với tinh thần vô ngã, tấm lòng sẽ bao la, tình thương yêu cảm thông, tha thứ hy sinh, giúp đỡ cho mọi người sẽ tròn đầy. Từng bước chân an lạc hạnh phúc đi vào cuộc đời gieo mầm sanh, ươm sự sống dưới ánh mắt và hành động thênh thang đây đó.

Thích Thông Trí
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.90, 2005]