Văn hóa đạo đức

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta luôn bị cuốn hút bởi vật chất mà quên lãng thế giới tâm linh của chính mình. Do đó, nền đạo đức bị suy thoái dẫn đến văn hóa cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, hoạt động văn hóa đạo đức là một trong những hoạt động tôn giáo mang tính giáo dục cao. Hơn thế nữa, văn hóa đạo đức dựa trên lý tưởng phù hợp với nguyên lý đạo đức, đạt đến cuộc sống an lạc cho chính mình và tha nhân.



Khi thực hành văn hóa đạo đức, chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện Chân-Thiện-Mỹ ngay trong mỗi cá nhân. Sống trong một cộng đồng, niềm tin là nền tảng xây dựng nền văn hóa đạo đức, tạo nên một sức sống mãnh liệt, khích lệ cho nhau trong mọi lãnh vực, làm thăng tiến và nuôi dưỡng phẩm hạnh của con người. Từ đó sẽ cải thiện xã hội ngày càng an vui và hạnh phúc. Đối với các nhà văn hóa, đạo đức không phải tách rời luân lý tuyệt đối của tục lệ xã hội mà những nguyên lý đạo đức được đề cao và chú trọng như một chân lý tối thượng trong phạm vi hoạt động, chứ không phải chuyên quyền độc đoán. Vì thế văn hóa đạo đức được nhận biết bằng nhiều tư tưởng khác nhau qua các học thuyết triết học tôn giáo. Đó là tín ngưỡng vững chắc của nền đạo đức tôn giáo nếu chúng ta có thể hiểu, thông cảm và chia sẻ với người khác bằng phương cách tốt nhất là tấm lòng chân thật, vị tha, chúng ta sẽ luận biết những gì tốt đẹp luôn hiện hữu ngay trong giây phút hiện tại. Bởi vì, kết quả gặt được liên quan đến tiềm năng kỳ diệu và được nuôi dưỡng trong cuộc sống hằng ngày. Trên tinh thần đó, nhân cách, tình thương, niềm hy vọng và sự thông cảm luôn ngự trị trong chúng ta. Đây chính là sự phát triển vô tận nền đạo đức văn hóa có giá trị mà con người là tác nhân chính. Vì thế, hoạt động văn hóa đạo đức được xem như là một phần của hoạt động chủ nghĩa nhân đạo. Đặc biệt, nó được diễn tả như một hình thức của chủ nghĩa đạo đức tôn giáo.

Nền đạo đức của một xã hội an bình thường tạo cơ hội cho thanh thiếu niên không đủ phương tiện đến lớp, như mở các lớp học tình thương, giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học trên tinh thần tương thân tương ái. Giá trị đạo đức vốn sẵn có trong mỗi người, không tùy thuộc vào giá trị của những gì họ làm ra. Thật đáng được ca ngợi và kính trọng phẩm hạnh của những ai luôn hướng đến và nuôi dưỡng lòng từ bi đối với tha nhân như món quà vô giá để khích lệ tinh thần. Đó chính là tâm hướng thiện ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, là sự tương quan mật thiết giữa người với người và cũng là giá trị cao cả của nền đạo đức nhân bản. Việc thành lập xã hội đạo đức xuất phát từ lòng nhân ái, niềm tin sâu kín của con người là cuộc sống phải được tôn trọng và không bao giờ bị xúc phạm bất cứ điều gì. Họ tin rằng ảnh hưởng nổi bật nhất của xã hội khoa học là khả năng nhận rõ sự vật một cách thích đáng bằng chánh kiến. Có như vậy, Phật giáo cần mở ra cánh cửa tương duyên để giữ nhịp đi thăng bằng với sự tiến hóa của khoa học và xã hội. Hơn nữa, đạo Phật là một tôn giáo mang tính đạo đức nhân bản và có khả năng cảm hóa lòng người. Đó cũng là giá trị đạo đức cung ứng cho đời sống tâm linh trong thời đại hiện nay.

Xã hội văn minh là một xã hội bao gồm những thành viên có phẩm hạnh đạo đức tốt và tinh thần vị tha, vô ngã. Đó là những hội viên mẫu mực và lý tưởng sống hợp với nhân cách của nền văn hóa đạo đức đạt đến mục đích tối thắng của người Phật tử. Chủ trương của nó là đưa ra tầm quan trọng của nền đạo đức hiện thực cho con người, là đường lối đạo đức giải quyết những xung đột trong xã hội trên nền tảng triết lý tôn giáo và cũng là sự cải tiến khoa học. Đó chính là nghệ thuật sống trong chánh pháp. Những thành viên của xã hội văn hóa đạo đức được tự do chọn lựa bất kỳ hệ thống tôn giáo nào mà họ cho là thích hợp với lý tưởng của mình. Bởi vì, xã hội là nơi tiếp giáp những vấn đề đạo đức trong cuộc sống và ảnh hưởng sâu sắc về triết lý đạo đức Phật giáo. Việc tham gia vào hoạt động xã hội đòi hỏi người phải có phẩm hạnh tốt mới có thể xây dựng và cải thiện một xã hội an bình và hạnh phúc. Dựa trên nền tảng đó, hiện nay, chúng ta đã thành lập “hội cứu tế” giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần cho những gia đình nghèo khó. Nhiều đề án được đưa ra, nhất là hệ thống giáo dục miễn phí cho trẻ em các trường mẫu giáo vùng sâu vùng xa nên được thực hiện sớm, các Thầy Cô giáo chuyên ngành cần phải nhiệt tình trong nghề nghiệp cũng như trau dồi phẩm chất đạo đức để có thể tái tạo thành một nền giáo dục Đạo đức văn hoá. Muốn được như vậy, chúng ta cần phải xây dựng một nền tảng vững chắc ngay từ những bước chập chững đầu tiên cho các em đi vào đời.

Trong Giáo dục học đại cương của Nguyễn An có nói: “Không hề có chương trình Gien di truyền về các hình thái, hành vi xã hội, đạo đức, thiện hay ác, vị tha hay ích kỷ, v.v… con người khi mới sinh ra chưa hề bị lệ thuộc gì vào những giá trị đạo đức và những quan điểm đối xử sẵn có trong xã hội. Các phẩm chất, thái độ, hành vi của cá nhân được hình thành trong quá trình sống dưới tác động của hoàn cảnh xã hội và chế độ giáo dục.” Như thế, quá trình giáo dục con người bắt đầu từ văn hóa của mỗi cá nhân mà trách nhiệm của gia đình là điểm chính yếu. Vì gia đình là nơi nương tựa vững chắc, là nền đạo đức nhân bản và cũng là ngôi trường rèn luyện nên những con người tài năng có thể cải thiện xã hội vững mạnh. Thật vậy, trong mọi thời đại, đạo đức văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội trên mọi lãnh vực đều nhằm mục đích xây dựng phẩm chất của con người, chuyển hóa chất liệu vô ngã, xây dựng một nền tri thức mà trong đó vô minh, tham ái và dục vọng không còn hiện hữu nữa. Như thế, Đạo đức văn hóa đã khám phá bản chất con người và giải phóng con người trở về cội nguồn nguyên thủy của chính mình. Nếu chúng ta đem áp dụng vào học đường thì quả thật Văn hóa đạo đức là nếp sống lành mạnh đem lại an vui và hạnh phúc cho tha nhân và xã hội. Ngành giáo dục mới này sẽ cống hiến cho con người tầm nhìn mới về thái độ sống, làm lắng dịu những xung đột trong gia đình cũng như xã hội ngày nay. Có thể nói rằng, nền văn hóa thực sự đã chứa đựng một nền đạo đức sẵn có mà con người đã vô tình đánh mất, do vì hằng ngày chúng ta không thực tập chánh niệm tỉnh giác. Đó cũng là triết lý sống mà người đệ tử Phật cần bảo tồn và phát huy giá trị đạo đức nhân sinh, vượt lên trên mọi ràng buộc đối đãi, xây dựng nền văn minh trong tình nhân ái.

Văn hóa đạo đức là chìa khóa vạn năng mở ra con đường hướng thiện, thích ứng những nhu cầu của thời đại, mà đạo Phật chính là dòng mạch văn hóa chuyển tải tất cả những gì còn tồn đọng lại, làm sáng tỏ đường hướng mới và kỳ vọng cho tương lai.

Tuệ Giác
[Tập san Pháp Luân - số 56, tr.78, 2009]