Chơn hạnh phúc làm sáng tỏ bản chất đạo đức Phật giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thật là một nhận thức sai lầm, một điều ngộ nhận thật đáng tiếc khi có một người nào đó quan niệm đạo Phật như là đạo tiêu diệt mọi tình cảm của con người, là đạo phi nhân bản.

Trái lại, có thể nói đạo Phật rất giàu nhân bản, bởi vì nó giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chánh pháp để trở thành những con người hoàn thiện, những con người có đời sống thanh cao, những con người tựu trưng hai đặc điểm từ bi và trí tuệ trên thế gian này. Đó là hướng phấn đấu cụ thể không có gì viễn vông cả, mà hình ảnh của đức Phật là một tấm gương chiếu diệu cho chúng ta noi theo.

Một người giàu nhân bản là một người có cử chỉ tốt, được thể hiện qua việc thân không làm ác, miệng không nói ác và ý không nghĩ ác. Được như vậy tức là đã trang bị cho mình một chiếc áo đạo đức. Một chiếc áo được dệt bằng ba chất liệu tối ưu đó là thân, khẩu và ý hoàn toàn thanh tịnh. Mặc nó vào chúng ta sẽ thấy hạnh phúc, an lạc giải thoát hơn khi mặc phải những chiếc áo nhung lụa được kết từ ngũ dục. Vậy thì đạo đức được Phật giáo thực dụng trên toàn diện giáo lý cũng như biểu hiện qua đời sống của hàng xuất gia và tại gia.

Đạo đức Phật giáo lấy tam vô lậu học: giới, định và tuệ làm nền tảng và được soi sáng bởi các thuyết duyên khởi, tứ diệu đế, vô ngã, nhân quả, v.v... Vậy thì đạo đức Phật giáo bắt nguồn từ đâu?

Về cội nguồn đạo đức và các chuẩn mức đạo đức thì mỗi trường phái, mỗi triết gia, mỗi tôn giáo... có một quan điểm khác nhau. Do vì cái nhìn về con người, thế giới, giá trị hạnh phúc khác nhau, cho nên có sự khác biệt về cội nguồn đạo đức và chuẩn mực đạo đức.

Phật giáo không đề cập đến vấn đề căn nguyên phát sinh của mọi sự hiện hữu, gồm cả nguồn gốc của đạo đức. Bởi vì mọi sự vật hiện tượng đều là giả hữu, là duyên sinh vô tự tánh, hay nói sâu xa hơn là vô thủy, vô chung. Chúng ta cần phải quán triệt rằng vạn pháp đều không, nghĩa là thật tướng của các pháp là tánh không, như trăng đáy nước, như ảnh trong gương. Nhưng ở mặt tục đế thì Phật giáo ghi nhận có khổ đau do ái, thủ, vô minh gây ra. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là cần phải dùng những phương pháp gì để triệt để mọi nguyên nhân của khổ đau ở ngay từng ý niệm của mỗi cá thể. Do vậy, chuẩn mực đạo đức chỉ có thể do các cá thể thể nghiệm và đặt ra dựa vào hiệu quả đoạn trừ tham, sân, si. Không thể thiết lập các chuẩn mực đạo đức dựa vào sự tướng biểu hiện bên ngoài của các hành động, bởi cùng một hành động có thể do nhiều nhân tố thiện hay bất thiện tác động khác nhau, nên có giá trị đạo đức khác nhau.

Có thể nói rằng đạo đức Phật giáo là con đường tự giác, tự chứng và tự nguyện. Do vì hạnh phúc của con người là điểm then chốt của cuộc sống, nên hạnh phúc của con người là giá trị chuẩn. Các giá trị khác là thứ yếu phải xếp xoay quanh cái trục giá trị đạo đức này. Vậy thì ở điểm nào mới gọi là hạnh phúc, thực sự hạnh phúc, và làm thế nào để có được hạnh phúc? Đây là một vấn đề có thể phát sinh nhiều quan điểm khác nhau.

Có người quan niệm hạnh phúc đến từ vật chất, hoặc từ tình cảm, hoặc từ trí thức. Cũng có người lại cho rằng đạo đức thành tựu được bởi do từ sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần, v.v... Cho dù các tôn giáo, triết gia, các nhà đạo đức có kinh nghiệm khác nhau về hạnh phúc và làm thế nào để đạt được hạnh phúc, thì tất cả các điểm khác biệt đó vẫn có một điểm chung: Hạnh phúc là một cảm thọ có điều kiện. Đã là cảm thọ có điều kiện thì dưới cái nhìn của Phật giáo nó là vô thường, mà vô thường là không thật. Theo luận Đại trí độ có đoạn viết: “nếu vô thường là không thật sao Phật nói vô thường? Phật tùy chỗ thích ứng của chúng sanh mà thuyết pháp. Vì phá điên đảo chấp thường cho nên Phật nói vô thường. Đây là đối trị tất đàn, chẳng phải đệ nhất nghĩa tất đàn. Thật tướng các pháp chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Do vậy nên nói thế gian vô thường là tà kiến”. Và do vì có mặt lòng tham ái chấp trước mà vô thường đem lại khổ đau.

Thế là con người hầu như thường phải tiếp cận với khổ đau để mong cầu một điều hạnh phúc nào đó đến với họ, tuy họ vẫn biết rằng hạnh phúc đó chỉ ngưng đọng trong giây lát. Phật giáo quán triệt mọi khổ đau ấy đều là do dục vọng, tham ái, chấp ngã, mà không phải là vô thường hay sanh diệt. Do đó, con đường sống tự tại vô trước mới thật là hạnh phúc. Tại đây hạnh phúc không có nghĩa là thỏa mãn với các dục vọng mà là lối sống thiểu dục tri túc, loại trừ các dục vọng. Phật giáo đã vạch ra một hướng đi mới cho tất cả mọi người thực sự muốn tìm con đường chơn hạnh phúc.

Chúng tôi nghĩ rằng một trong những đóng góp lớn nhất của đạo Phật vào nền đạo đức học của một xã hội văn minh ngày nay đó là thuyết vô ngã. Lý thuyết này, trên bình diện đạo đức, đóng một vai trò tích cực trong sự nghiệp xây dựng một nếp sống đạo đức hiện đại cho con người của chúng ta. Đặc điểm tâm lý bịnh hoạn của con người hiện đại là tìm kiếm các dục lạc, tàng trữ tài sản và tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trong xã hội với mục đích chính là hầu hạ cho việc ăn, mặc, ở, ngủ nghỉ. Trong xã hội, của cải vật chất có sự hạn chế, còn lòng tham của con người thì không sao so lường được, đây là lý do vì sao không thể tránh khỏi sự xung đột và tranh đấu giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia, giữa dân tộc với dân tộc. Nguồn gốc của chiến tranh nằm chính ngay đây. Với thuyết vô ngã, chúng ta có thể nói, đạo Phật đã đào bới lên cội rễ tất cả hiện tượng chiến tranh, các xung đột và đối đầu. Với một cách nhìn sâu vào thuyết vô ngã, một Phật tử có thể sống hòa hợp và thân hữu với tất cả mọi người.

Các thiếu sót cơ bản của con người hiện đại chúng ta là chiều hướng đánh mất con người thật của mình, và chạy theo cái ta giả hữu với những khao khát, thèm muốn cuồng loạn, không bao giờ có thể thỏa mãn. Con người hiện đại luôn luôn có cảm giác bất an, dao động. Một tâm lý như vậy rất dễ lôi cuốn mọi người giẫm vào tệ nạn của xã hội.

Dĩ nhiên đạo Phật không tán thán một đời sống túng thiếu nghèo đói và khổ hạnh. Đạo Phật cũng không chú trọng vào một cách sống chạy theo dục vọng vật chất, thật sự đê tiện, hạ liệt và đầy thú tánh, làm cho con người trở thành ươn hèn về thể xác, hôn ám ngu đần về trí tuệ. Trái lại, đạo Phật luôn luôn đề cao an lạc và hạnh phúc tinh thần, một cuộc sống đạo đức cao đẹp mang tính cách hướng thượng, một sự rạng rỡ hạnh phúc giác ngộ và giải thoát. Đạo Phật khuyến khích mọi người hãy trở về với con người thật của chính mình, với bản tánh chân thật của chính mình mà theo kinh Thủ Lăng Nghiêm có dạy: “chơn tâm thường trú, thể tánh tịnh minh”, trở về sống hài hòa với xã hội, hài hòa tự mình với thiên nhiên, giữa thân với tâm, giữa từ bi và trí tuệ, giữa cảm giác với lý trí. Đạo Phật xác nhận mọi người đều có thể thành tựu một đời sống nội tâm hài hòa như vậy, nếu như con người có tâm nguyện thực hành theo lời Phật dạy, phù hợp với một nếp sống Phật giáo đầy đủ giới hạnh và trí tuệ, một đời sống tránh xa hai sự cực đoan, một bên là hưởng thụ dục lạc, một bên là hành hạ xác thân. Vậy thì một nếp sống chói sáng trong suốt, hướng thượng, giới hạnh cao đẹp, một nếp sống mà tất cả mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể sống và hướng đến, đó chính là nếp sống Bát chánh đạo. Nói khác hơn là một pháp môn tu tập bao gồm giới, định, tuệ. Thành tựu giới-định-tuệ ngay trong đời sống này tức là đạt được chơn hạnh phúc

Qua sự trình bày ngắn gọn này, chúng tôi hằng tâm niệm tất cả chúng ta hãy tạo cho mình một hòn đảo nhỏ với nguyện lực hướng nội, quay về với chính mình, với con người thật của mình “Tâm trong sáng người người ai cũng có. Nó là Ma-ni là Như ý bảo châu”. Chúng ta càng không nên hiểu lầm là đạo Phật kêu gọi con người đi đến một nếp sống tiêu cực, chán đời và phi xã hội. Trái lại, đó là phương châm thiết thực nhất, sống động nhất, và tích cực nhất để cải tạo thế giới nội tâm, trở về thanh tịnh bản nhiên, đồng thời cũng xây dựng một thế giới mỹ quan ngay trong xã hội này. Niết-bàn hiện hữu ngay trong mỗi con người, phổ cập tất cả mọi nơi.

Bửu Thanh.
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.65]