Các nghệ sĩ Trung Quốc thể hiện hình tượng Quán Thế Âm Bồ-tát trên sân khấu múa Ba-lê

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tiết mục nghệ thuật sân khấu Quan Âm Thiên Thủ (Thousan-hand Guan Yin) do đoàn múa nghệ thuật Trung Quốc biểu diễn nhiều nơi trong ba tháng đầu của năm 2006 đã tạo ấn tượng rất tốt với hàng ngàn khán giả Á – Âu.

 

Theo hình ảnh của vị Bồ-tát ngàn tay ngàn mắt này, đáng lẽ tên tiếng Anh phải là Thousand-arm, cánh tay, chứ không phải là -hand, bàn tay. Nhưng có lẽ nó được hiểu theo ý nghĩa nhiều hơn, vì ‘ngàn tay’ ở đây hàm ý những bàn tay đưa ra để dìu dắt, cứu giúp người. Do đó, các tác giả đã sử dụng từ này (hand, tiếng Anh), cũng như trong tiếng Pháp dùng từ main, thay vì bras (Guan Yin aux mille mains). Về phiên âm Hán Guan Yin, gọi đầy đủ là Guan Shi Yin, tức Quán (hay Quan) Thế Âm, có nghĩa quán sát các âm thanh của thế gian, hay tiếng gọi của chúng sanh cần giúp đỡ trên thế gian này.

Bồ-tát Quán Thế Âm là một hình tượng Phật giáo quen thuộc, được tôn thờ phổ biến khắp Á châu, nhưng có lẽ còn tương đối ít được biết đến ở Tây phương. Các tác giả đã cố công giải thích ý nghĩa tên gọi của vị Bồ-tát này, Thousand-hand Guan Yin, the Bodhisattva of Compassion, kể cả việc giải thích Phạn ngữ Bodhisattva. 

Nhờ ảnh hưởng rộng rãi của văn hoá Trung Hoa nói chung, và Phật giáo nói riêng, ngày nay hình ảnh Quán Thế Âm Bồ-tát đã trở nên quen thuộc với nhiều người trên thế giới. Một ngàn cánh tay và một ngàn con mắt trong mỗi lòng bàn tay của Ngài tượng trưng khả năng trợ giúp và nhìn thấu suốt nỗi khổ của thế gian. Bồ-tát Quán Thế Âm còn có nhiều gương mặt, tượng trưng khả năng thị hiện dưới mọi hình tướng mà chúng sanh cần đến, vì sự phổ độ của Ngài là vô ngã. Tuy nhiên, đôi khi sự tôn thờ vị Bồ-tát này có thể bắt nguồn từ quan niệm sai lạc về căn bản. Phạn ngữ Bodhisattva, Bồ-tát hay phiên âm đủ là Bồ-đề Tát-đỏa, gồm hai từ ghép lại: Bodhi, trí tuệ hay sự giác ngộ; Sattva, chúng sinh, chúng hữu tình. Do đó một vị Bồ-tát không phải là một vị thần mà cũng là một con người (chúng sanh) – người đã giác ngộ, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, nhưng tự nguyện tái sinh lại thế gian này để giúp những người còn lại đạt đến giác ngộ như Ngài. Và mặc dù, Bồ-tát Quan Thế Âm thường được miêu tả qua hình ảnh một phụ nữ Á châu thuần từ, xinh đẹp; bất kỳ ai cũng có thể là vị Bồ-tát này không kể diện mạo, chủng tộc hay giới tính. Bất cứ khi nào bạn hành động vì sự thôi thúc tự nhiên hoàn toàn của lòng từ bi, là bạn đã bước thêm một bước hướng về vị Bồ-tát này trong chính thân tâm bạn.

Điểm đặc biệt hầu như khó tin của vở ba-lê này, là tất cả các nghệ sĩ trình diễn đều là người điếc, thuộc Đoàn Nghệ thuật Sân khấu Người Khuyết Tật Trung Hoa. Không ai trong họ có thể nghe được nhạc nền của vở diễn, do đó biểu diễn thành công tác phẩm này là điều đáng kinh ngạc. Theo Chương Cơ Giang, nhà biên đạo múa cho các nghệ sĩ khiếm thính này, các khó khăn và thách thức họ phải đối mặt trong diễn tập là ngoài sức tưởng tượng. Nhất là khi vở diễn đến cao trào của nó, khi hình tượng vị Bồ-tát với ngàn tay hoá thân thành nhiều vị tràn ngập khắp sân khấu, mà mỗi động tác và nghệ thuật múa của mỗi người đều ăn khớp với tiết tấu nhanh và dồn dập của âm nhạc.

Các bạn có thể xem tiết mục này, dài 6 phút, từ website www.truetao.org/ikuantao/guanyin File hình dưới dạng WMV, có thể chạy trên phần mềm Realplayer, độ phân giải 640 x480, chiếm khoảng 36 megabytes.

Thông điệp cuối cùng của tiết mục sân khấu này, có lẽ nên được tóm tắt trong phát biểu sau đây của đạo diễn Chương Cơ Giang: “Khi bạn là người tử tế và có tình yêu thương trong tim, tự nhiên sẽ có hàng ngàn bàn tay trợ giúp bạn. Khi bạn là người tử tế và có tình yêu thương trong tim, bạn sẽ có hàng ngàn bàn tay để trợ giúp người khác.”

D. de Miscault. lược thuật

Nguồn: Tập san Pháp Luân 26, tr.94, 2006