Mất vợ do tin sao tốt - xấu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong một lần trú tại tinh xá Kỳ Viên, đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một vị ngoại đạo tà mạng đã làm cản trở đám cưới của người khác.

Trong một lần trú tại tinh xá Kỳ Viên, đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một vị ngoại đạo tà mạng đã làm cản trở đám cưới của người khác. Chuyện kể rằng, có một thiện nam tử sống ở miền quê đã hỏi cưới cho con trai mình một cô gái môn đăng hộ đối ở thành Xá-vệ. Thế rồi khi ngày rước dâu đã được định đâu vào đấy, ông lại đi hỏi một vị ngoại đạo tà mạng thân thiết với gia đình mình rằng vào ngày tổ chức lễ cưới các vì sao có tốt không. Khi nghe hỏi thế, vị ngoại đạo tà mạng này suy nghĩ: “Người này trước đây không chịu hỏi ta mà tự định lấy ngày, bây giờ lại hỏi ta một cách rỗng tuếch như thế. Được, ta sẽ dạy cho y một bài học.” Vì thế, vị này trả lời rằng vào ngày tổ chức lễ cưới các ngôi sao không tốt, không nên tổ chức lễ cưới vào ngày đó, nếu tổ chức thì sẽ gặp tai họa khủng khiếp. Gia đình ở miền quê vì tin lời vị ngoại đạo nên vào ngày ấy đã không đi rước dâu. Trong khi đó thân hữu của nhà gái ở thành thị đã chuẩn bị tất cả mọi thứ cho việc tổ chức lễ cưới, và khi nhận thấy rằng phía nhà trai không đến, họ nói:

- Chính họ đã định ngày hôm nay làm lễ cưới, thế mà bây giờ lại không đến. Họ đã khiến chúng ta bị hao tổn rất nhiều. Họ là hạng người gì vậy? Chúng ta hãy gả con gái mình cho một người khác thôi.

Vì thế họ tìm cho con gái mình một vị hôn phu khác và tổ chức lễ cưới với tất cả những gì mà họ đã chuẩn bị.

Ngày hôm sau, đám người ở miền quê đi đến rước dâu, thì bị những người sống ở Xá-vệ đã trách mắng họ:

- Dân quê các ông là bọn người xấu. Các ông đã tự định ngày cưới, và thế rồi lại xúc phạm chúng tôi bằng cách không đến rước dâu. Chúng tôi đã gả con gái chúng tôi cho người khác rồi.

Đám người ở miền quê bắt đầu tranh cãi, nhưng rốt cuộc cũng phải lên đường trở về mà không thể đón được dâu.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo biết rõ việc vị ngoại đạo tà mạng kia ngăn cản đám cưới và chư vị bắt đầu bàn luận chuyện này trong Chánh pháp đường. Đức Thế Tôn đi vào, nghe họ bàn luận việc ấy thì nói:

- Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên vị đạo sĩ này làm trở ngại lễ cưới của gia đình kia. Trước đây vì tức giận họ, vị này cũng đã từng làm như vậy.

Nói vậy xong, đức Thế Tôn kể câu chuyện Tiền thân dưới đây.

* * *

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Bramadatta) trị vì vương quốc Ba-la-nại, có một người ở thị thành đã hỏi một cô gái ở miền quê làm vợ và định ngày kết hôn. Sau khi mọi việc đã được sắp xếp chu đáo, người ở thành thị lại đi hỏi một vị ngoại đạo thân quen với gia đình mình rằng vào ngày tổ chức lễ cưới các ngôi sao có tốt không. Hờn giận vì họ đã tự định ngày cưới mà trước đó không hỏi ý kiến mình, vị này quyết định làm cản trở lễ cưới được tổ chức vào ngày đó. Vì thế ông ta trả lời rằng vào ngày đó các ngôi sao không tốt, nếu họ khăng khăng quyết làm như vậy thì họ sẽ gặp tai họa khủng khiếp. Tin theo lời vị ngoại đạo, những người ở thành thị đã ở nhà không đi rước dâu! Khi những người ở miền quê nhận thấy những người ở thành thị không đến, họ nói với nhau:

- Chính họ đã định hôm nay làm lễ cưới, vậy mà bây giờ họ lại không đến. Họ là thứ người gì vậy?

Tức giận, họ đem cô con gái gả cho một người khác. Vào ngày hôm sau, những người thành thị đi đến xin đón dâu, nhưng những người ở miền quê nói:

- Những người thành thị các vị thật thiếu đứng đắn. Chính các vị đã tự định ngày cưới, và thế rồi lại không đến đón dâu. Vì các vị không đến nên chúng tôi đã gả con gái tôi cho người khác rồi.

- Vì chúng tôi hỏi vị đạo sĩ của chúng tôi, và ông ấy nói rằng những ngôi sao không tốt. Vì lý do đó mà hôm qua chúng tôi không đến đón dâu được. Xin trao cô gái cho chúng tôi!

- Các vị không đến đúng giờ nên bây giờ cô ta làm vợ của người khác rồi. Chúng tôi có thể làm đám cưới cho cô ta lần thứ hai được sao?

Trong khi họ đang cãi nhau như vậy thì có một người hiền trí vì một vài công việc đã từ thành phố đến miền quê ấy. Nghe những người ở thị thành giải thích rằng họ đã hỏi ý kiến vị đạo sĩ của họ, và rằng họ không có mặt là do hướng của các ngôi sao không tốt, vị hiền trí nói:

- Các ngôi sao thì có nghĩa lý gì chứ? Việc đón dâu thì có liên quan gì đến các ngôi sao?

Nói vậy xong, người hiền trí đọc lên bài kệ này:

Kẻ ngu chờ ngày lành
Nhưng điều lành mất đi
Điều lành là sao tốt
Sao thôi làm được gì?

Những người ở thành thị dù có tranh cãi thì rốt cuộc vẫn không thể đón được cô gái, và vì thế đành phải quay trở về.

***

Đức Thế Tôn nói:

- Này các Tỳ-kheo, đây không phải lần đầu tiên vị ngoại đạo tà mạng đó ngăn cản lễ cưới của gia đình kia, mà  trước đây vị này cũng đã từng làm như vậy.

Kết thúc pháp thoại, đức Thế Tôn nêu lên mối liên hệ của hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:

- Vị ngoại đạo này chính là vị ngoại đạo thuở đó, các gia đình cũng như thế, còn ta chính là người hiền trí đã đọc lên bài kệ.

(Tiền thân Nakkhatta, số 49, dịch từ bản tiếng Anh.)

Lời bàn:

Tin vào ngày giờ tốt xấu là tập tục vốn có của đa số người Á Đông. Ngay vào thời đức Phật, tập tục này cũng đã có mặt và được nhiều người tin theo.

Theo Phật giáo, vấn đề tốt xấu không phụ thuộc vào ngày giờ mà hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi của con người. Nếu một thời điểm được cho là “tốt ngày tốt giờ” mà chúng ta không tạo ra được những việc làm có ích thì đó không phải là những ngày giờ tốt. Ngược lại, nếu một thời điểm được xem là xấu, nhưng chúng ta biết tạo ra những việc làm tốt thì đó là những ngày giờ tốt.

Việc xem ngày giờ tốt xấu trong một phạm vi nào đó nó có thể đem lại cho con người sự “an tâm” khi thực hiện công việc. Nhưng nếu tin tưởng và chấp chặt vào đó quá mức thì sẽ trở thành một chướng ngại, đôi khi còn đưa đến những đổ vỡ trong cuộc sống. Chúng ta thấy có không ít trường hợp vì tin vào ngày giờ, tuổi tác mà dẫn đến những đổ vỡ rất tai hại. Như chàng trai ở câu chuyện trên chỉ vì quá tin tưởng vào vị ngoại đạo tà mạng, sợ việc rước dâu vào ngày đó sẽ gặp điều không tốt nên cuối cùng nhận lấy sự thất bại, trong khi việc làm của anh ta đáng lẽ sẽ tốt đẹp nếu anh ta đừng tin vào lời của vị ngoại đạo kia. Chỉ vì một sự tin tưởng thiếu căn cứ mà anh ta phải gánh chịu sự thất bại như vậy.

Qua câu chuyện trên, ngoài việc kể lại một vấn đề có mối quan hệ giữa đời sống quá khứ và đời hiện tại, đức Phật còn cho chúng ta thấy rằng không nên tin vào ngày giờ tốt xấu mà chỉ tin vào việc làm của con người. Các ngôi sao hay ngày giờ tự nó không thể nào làm cho đời sống của một người tốt hơn hay xấu hơn. Tốt hơn hay xấu hơn hoàn toàn tùy thuộc vào con người.

Bởi vậy trong cuộc sống, chúng ta đừng quá chấp chặt vào việc xem ngày giờ, sao hạn tốt xấu mà phải làm sao cố gắng thực hiện được những việc làm có ích cho bản thân và tha nhân. Một việc làm đúng, làm tốt tự thân nó có thể làm thay đổi được bản thân mình và hoàn cảnh xung quanh theo chiều hướng tốt. Còn những chuyện may rủi đôi khi chúng ta gặp phải trong cuộc sống, nếu đã là một người Phật tử tin sâu luật nhân quả thì chúng ta chẳng có gì phải thắc mắc cả. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải sống làm sao cho cuộc đời này ngày càng tốt đẹp hơn.

Quang Sơn.
[Tập san Pháp Luân - số 12, tr.79, 2005]