Chuyện tiền thân: Bài học từ một nắm mè

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một thuở, khi Phạm Dư (Dhammadatta) là vị vua trị vì nước Ba-la-nại (Banares), đức Phật còn là một vị Bồ tát, thọ sanh làm một vị Sư trưởng ở xứ Xoa-thi-la (Takkasilā).

Bấy giờ, các vua mặc dù đều có một vị thầy thông thái danh tiếng thân cận sống trong kinh thành của họ, nhưng họ lại thường đưa con cái của mình đến học tại những vương quốc xa xôi. Bằng cách thức này, họ muốn con cái của họ bỏ đi lối sống ỷ lại, dẹp trừ tính tự cao tự đại, biết chịu đựng gian khổ, và để quen thuộc với đường đi nước bước của cuộc đời. Vua Ba-la-nại cũng làm như thế. Gọi con trai của mình đến - bấy giờ chàng ta đã mười sáu tuổi - ông trao cho chàng một đôi dép, một cây dù, và một ngàn đồng tiền, cùng với những lời này:

- Này con, bây giờ con đã khôn lớn, cha muốn con đi đến xứ Xoa-thi-la để theo học ở đấy.

Thái tử vâng lời. Chàng từ biệt cha mẹ của mình và khăn gói lên đường.

Đến Xoa-thi-la, chàng hỏi thăm nhà vị Sư trưởng, và đến đó đúng lúc Sư trưởng vừa kết thúc bài giảng của mình. Ngài đang đi đi lại lại trước cửa nhà. Khi thái tử nhìn thấy Sư trưởng, chàng cởi dép, gấp dù, và cung kính chào Ngài.

Sư trưởng tiếp đón người khách mới đến. Cho chàng ăn uống và nghỉ ngơi. Sau đó, Ngài hỏi:

- Con từ đâu đến đây?

- Thưa thầy, con từ Ba-la-nại đến.

- Con là con của ai?

- Con là con của vua nước Ba-la-nại.

- Con đến đây có việc gì?

- Con đến đây muốn theo học.

- Thế nào, con muốn vừa học vừa giúp việc cho ta để khỏi đóng học phí hay con muốn đóng học phí để dành hết thời gian vào việc học hành?

- Thưa thầy, con muốn đóng học phí để dành thời gian vào việc học hành.

Nói rồi, chàng trao số tiền một ngàn đồng cho Sư trưởng. Và từ hôm đó, chàng bắt đầu theo học.

Một ngày nọ, thái tử cùng với thầy của mình đi tắm. Có một bà lão, đem một số mè trắng, trải chúng ra phơi ở trước mặt và ngồi xuống đấy để canh chừng. Thái tử trông thấy những hạt mè trắng này  liền bốc lấy một nắm đầy để ăn.

Bà lão nghĩ, “Cậu trai kia chắc đói lắm” tuy thế, bà không nói một lời nào mà ngồi im lặng.

Ngày hôm sau, việc như vậy lại tái diễn vào cùng thời điểm như thế. Bà lão cũng không nói lời nào với chàng. Vào ngày thứ ba, chàng lại làm điều đó; lúc này bà lão kêu lên:

- Sư trưởng đang cho học trò của mình ăn cắp mè của tôi!

Bà vung tay lên, và lớn tiếng khóc than. Sư trưởng quay trở lại, Ngài hỏi:

- Thưa lão, có vấn đề gì vậy?

- Ông xem, lão đang phơi mè, và học trò của ông đã bốc ăn! Ngày hôm trước cậu ta đã làm điều này, ngày hôm qua cậu ta làm, và ngày hôm nay cũng làm như thế! Chắc cậu ta muốn ăn hết sạch mè của nhà lão!

- Thưa lão, lão đừng kêu la nữa, tôi sẽ trả lại cho lão số mè ấy.

- Ôi, thưa ông, lão không cần ông trả lại, lão chỉ cần ông dạy cậu học trò của ông đừng làm như thế nữa.

- Thế thì, thưa lão, xin lão nhìn đây.

Ông nói và sai hai người học trò khác nắm lấy hai tay thái tử, và lấy gậy tre đánh vào bụng chàng ba cái, bảo chàng đừng bao giờ làm điều đó trở lại.

Thái tử rất tức giận Sư trưởng của mình. Chàng nhìn ông từ đầu đến chân với cái nhìn nảy lửa. Sư trưởng nhận thấy thái độ đó, nhưng Ngài không nói gì.  

Từ hôm đó, thái tử bắt đầu chuyên tâm vào việc học hành, và không bao lâu sau đó chàng đã kết thúc các môn học của mình. Nhưng, mối hận ngày trước chàng vẫn chôn chặt trong lòng, chàng cương quyết sẽ báo thù Sư trưởng.

Khi ngày trở về đã đến, chàng thưa với Sư trưởng:

- Thưa thầy, khi con thừa kế vương quốc Ba-la-nại, con sẽ mời thầy đến giúp việc cho con. Lúc ấy, con cầu xin thầy đừng từ chối.

Nói rồi, chàng quay trở về Ba-la-nại, đến vấn an sức khỏe phụ vương và mẫu hậu, và trình bày lại những gì mà chàng đã học được. Nhà vua rất hài lòng về sở học của thái tử, và ông quyết định trao lại vương vị cho chàng.

Khi thái tử thừa hưởng được hoàng quyền, chàng ta nhớ lại mối hận ngày xưa; cơn giận bừng bừng trỗi dậy trong tâm trí chàng. “Ta sẽ giết chết ông ta!” chàng nghĩ và cho sứ giả đến mời Sư trưởng của mình về triều. “Ta sẽ không bao giờ có thể khuyên giải được anh ta trong khi anh ta còn là một vị tân vương.” Sư trưởng nghĩ và vì thế Ngài không đến.

Một thời gian sau, khi thái tử bước vào tuổi trung niên, Sư trưởng nghĩ, “Bây giờ ta có thể khuyên bảo được nhà vua.” Vì thế, Ngài quyết định đi đến Ba-la-nại.

Sau khi đến, Ngài đứng chờ trước cửa hoàng cung và gửi lời vào thưa với nhà vua rằng Sư trưởng xứ Xoa-thi-la đã đến. Nhà vua vui mừng và cho mời Sư trưởng vào. Thế rồi, mối hận xưa bùng khởi, mắt nảy lửa. Nhà vua gật đầu ra hiệu cho những người xung quanh.

- Ha ha, chỗ mà Sư trưởng của ta đánh thuở trước ngày nay vẫn còn làm ta đau! Ông ấy đến đây cùng với chữ tử được viết lên trán, hãy giết ông ta! Hôm nay, ông ta phải chết!

Nói vậy rồi, nhà vua liền đọc kệ:

Bây giờ ta nhớ lại,
Ngày trước vì nắm mè
Tôi bị ông nắm lấy
Đánh đập bằng gậy tre.

Này hỡi! Bà-la-môn
Có phải muốn bỏ thây
Không sợ chuyện ngày trước
Liều mạng đến chốn này?

Chàng ta lấy cái chết ra để dọa vị Sư trưởng như vậy. Khi nghe lời này, Sư trưởng cũng thốt lên bài kệ khác:

Người hiền trí đánh đập
Nhằm uốn người thẳng ngay
Vì dạy không vì giận
Người trí rõ điều này.

Đọc bài kệ xong, Ngài nói tiếp:

- Như thế, hỡi Đại vương, Ngài phải tự hiểu điều này. Ngài nên biết rằng tôi đánh ngài không phải vì sân hận. Thực ra, nếu Ngài không được tôi dạy cho bài học này, thì có thể, Ngài sẽ tiếp tục lấy bánh kẹo, trái cây, và những thứ khác, cho đến khi Ngài trở thành một kẻ trộm cắp, đột nhập vào nhà người, cướp đường và giết hại khắp làng; kết cục sẽ là, Ngài bị bắt quả tang và bị lôi cổ đến trước mặt nhà vua vì ngài là kẻ thù, là tên cướp của dân chúng; và khi ấy, nhà vua sẽ nói, “Hãy mang người này đi và trừng trị y theo tội phạm của y.” Vậy thì, tất cả sự vinh quang mà Ngài hưởng được bây giờ do đâu mà đến? Không phải do tôi mà ngài đạt được sự vinh hiển này ư?

Sư trưởng đã nói với nhà vua như vậy. Những triều thần, những người đứng xung quanh, khi họ nghe thấy lời thuyết giáo này, đã nói:

- Tâu Hoàng thượng, đó là sự thật, tất cả vinh hiển của hoàng thượng có được như hôm nay thật sự nhờ vào công ơn của người này, Sư trưởng của hoàng thượng!

Nhà vua ngay khi ấy, nhận ra được giá trị về việc làm của Sư trưởng, ông nói với Ngài:

- Thưa thầy, con thật có lỗi, nay con xin trao lại tất cả quyền lực của con cho thầy! Xin thầy hãy nhận lấy vương quốc này!

Nhưng Sư trưởng từ chối, Ngài nói,

- Không đâu, thưa đức vua, tôi chưa bao giờ có ý muốn này cả.

Sau đó, nhà vua cho người đến Xoa-thi-la để đưa vợ con của Sư trưởng đến. Vua phong cho Ngài làm quan tư tế, đối xử với Ngài như cha của mình, và vâng theo những gì Ngài khuyên bảo. Từ đó, nhà vua luôn làm việc bố thí và thực hành thiện nghiệp. Sau khi qua đời, ông sanh về thiên giới.

Lời bàn:

Trộm cắp là một trong những việc làm bị xã hội lên án và tìm cách ngăn chặn, loại trừ. Trộm cắp là hành vi làm cho con người sống biếng nhác, thụ động và gian xảo. Nó là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra sự bất ổn của xã hội.

Cũng như một số hành vi bất thiện khác, trộm cắp một khi được thực hiện, nếu không ý thức để từ bỏ, cũng không có người khác tìm cách ngăn chặn thì nó rất dễ trở thành thói quen, và theo thời gian mức độ thói quen ngày càng lớn. Người phương Tây nói: “Nếu hôm nay anh ăn cắp trứng gà của người, thì ngày mai có thể anh sẽ ăn cướp ngựa của người”. Nhân gian ta thì nói: “Ăn trộm quen tay”.

Trong câu chuyện này, ta lại bắt gặp tinh thần đó qua những gì vị Sư trưởng, hay nói đúng hơn là đức Phật, đã nói với nhà vua: “Nếu ngài không được tôi dạy cho bài học này, thì có thể, ngài sẽ tiếp tục lấy bánh kẹo, trái cây, và những thứ khác, cho đến khi ngài trở thành một kẻ trộm cắp, đột nhập vào nhà người, cướp đường và giết hại khắp làng.”

Bởi vậy, việc ngăn chăn những hành vi bất thiện ngay khi chúng mới bắt đầu, mới manh nha là việc làm cần thiết của những bậc cha mẹ và những nhà làm công tác giáo dục. Trong luật, khi đề cập về giới không được trộm cắp, có nói: “Một cây kim, một ngọn cỏ nếu không được sự cho phép của người sở hữu thì không được lấy”. Khi giới luật đề cập đến điều này, ngoài việc muốn cho người giữ giới phải thể hiện trọn vẹn tinh thần của giới, còn có một phương diện khác mà giới luật muốn nhằm đến là, giúp ngăn ngừa tính nhiễm tập có thể xảy ra. Cũng giống như giới cấm không được uống rượu. Vì sao một giọt nếu không nhằm mục đích trị bệnh thì không được thấm vào môi? Tất nhiên là để thực hiện tính trọn vẹn trong việc gìn giữ một giới, nhưng ngoài ý nghĩa đó ra, điều này cũng nhằm ngăn ngừa một thói quen có thể được hình thành.

Chúng ta thấy, một người nghiện ma túy, điểm xuất phát đầu tiên cũng chỉ là hút thử. Một người nghiện rượu, đam mê cờ bạc…lúc đầu cũng chỉ uống cho vui, chơi cho vui. Lấy một nắm mè không đáng gì, nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời, nó sẽ tạo ra một thói quen, và theo thời gian, mức độ của thói quen đó sẽ lớn dần lên. Đây là những sự thật chúng ta có thể thấy rõ ràng ngay giữa cuộc đời này.

Câu chuyện với một nội dung giản dị, nhưng qua đó thể hiện được một bài học quý giá. Câu chuyện là một lời nhắn gởi đến những bậc làm cha làm mẹ, những nhà làm công tác giáo dục: Hãy ngăn chặn kịp thời những hành vi khởi đầu không tốt nơi con cái và những đối tượng chịu sự giáo dục của mình khi chúng bắt đầu mới manh nha. Câu chuyện cũng nhắc nhở chúng ta phải ý thức, tỉnh giác về việc làm của mình. Những gì mỗi khi chúng ta thấy nó không tốt, gây tác hại cho bản thân và mọi người, thì ngay khi chúng vừa mới manh nha chúng ta phải tìm cách ngăn chặn và diệt trừ. Vì mỗi khi chúng trở thành một thói quen ăn sâu trong xương thịt rồi, thì từ bỏ là một vấn đề hết sức khó khăn.

Quang Sơn (dịch)
[Tập san Pháp Luân - số 3]