Giáo dục Phật giáo: quá khứ và hiện tại - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


I. Một vài khái niệm về giáo dục

Giáo dục có thể được định nghĩa như là một tiến trình mà qua đó một xã hội truyền trao kiến thức, các giá trị, những tiêu chuẩn hành xử và tư tưởng cho những thế hệ tiếp nối; trang bị cho lớp trẻ những vai trò của người lớn và trang bị cho người lớn những vai trò mới. Hay nói cách khác đó là sự truyền trao văn hóa xã hội cho thế hệ kế tiếp và bồi dưỡng những kiến thức, giá trị mới cho những người trưởng thành.

Giáo dục thường được xem như một công cụ giải quyết những vấn đề xã hội, có thể chuyển đổi những người nhỏ từ những nền tảng xã hội khác nhau trở thành những người trưởng thành, có trách nhiệm và tiến bộ. Plato cho rằng mục đích của giáo dục là để phát triển hoàn thiện cơ thể và tâm hồn của những học sinh. Trong khi theo Aristotle, giáo dục là để phát triển những khả năng của con người, đặc biệt là tâm trí, để người ta có thể thưởng ngoạn được chân lý cuối cùng, cái đẹp và những điều thiện lành. Durkkheim thì quan niệm giáo dục như là sự xã hội hóa thế hệ trẻ hơn.

Thông thường người ta hiểu giáo dục có nghĩa là việc truyền trao kiến thức, nhưng thực ra giáo dục có phạm vi rộng hơn nhiều việc truyền thụ kiến thức. Giáo dục là một tiến trình đa dạng mà trong đó việc trao truyền kiến thức chỉ là một bộ phận. Giáo dục bao gồm cả việc huấn luyện những năng lực tư tưởng, cảm xúc, ý chí và hành động; bao gồm việc phát triển những khả năng để nhận thức, phân biệt, chọn lựa, cảm nhận và hành động. Nó chuẩn bị đời sống để sống với người khác; chuẩn bị cái toàn thể cho đời sống, phát triển đời sống tinh thần, khai mở những giá trị tâm linh…

Giáo dục cũng được hiểu là một quá trình làm mới bản thân. Đời sống là một tiến trình tự làm mới thông qua hành động dựa trên môi trường sống. Giáo dục là bộ phận của tiến trình sống. Nó là sự thích nghi của một con người - con người có ý thức với môi trường sống - và là sự phát triển khả năng trong mỗi con người để thay đổi bản thân hay thay đổi môi trường đó.

Vẫn có những quan điểm khác nhau về mục đích của giáo dục, hay nói cách khác là những mục đích của giáo dục học rất rộng rãi và được chọn lựa theo cách này hay cách khác bởi những người khác nhau và bởi những xã hội khác nhau.

Giáo dục có thể được xếp thành ba mục tiêu chính, và ba mục tiêu này được nhấn mạnh khác nhau bởi những xã hội khác nhau: 1. Để đào tạo con người thành những thành viên tốt của xã hội. Những thành viên tốt của xã hội phải hội đủ hai khả năng: tự lao động kiếm sống và thích ứng được với các thành viên khác trong xã hội - tức là biết được các thể thức, thủ tục và phương cách sống có thể chấp nhận được đối với xã hội đó. 2. Để huấn luyện con người thành những con người tiến bộ theo học thuyết và niềm tin mà xã hội đó duy trì. Và 3. Một vài nhà xã hội học cho rằng con người sở dĩ khác với muông thú là vì họ biết cách tìm kiếm và tri hiểu một vài sự thật bên trong họ; và giáo dục là cách tìm kiếm những sự thật này.

Giáo dục có một vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội. Và trong thời buổi hiện nay, giá trị của giáo dục được coi trọng trong nhiều phương diện, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội. Giá trị của giáo dục được nghiên cứu rộng rãi và cho thấy rằng, một nông dân được giáo dục tốt thì có những thuận lợi hơn đối với những cơ hội công nghệ; và rằng một phụ nữ được giáo dục tốt sẽ tạo nên hiệu quả tốt trong việc chi tiêu các khoản trong gia đình, bao gồm khoản nuôi nấng con cái. Lý thuyết về hiện đại hóa cho rằng giáo dục đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, nên đối với những quốc gia đang phát triển giáo dục là phương tiện nhằm rút ngắn khoảng cách giữa những nước có nền công nghiệp cao và những nước đang phát triển. Sự cạnh tranh trong các lãnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa đã khiến cho các quốc gia nhận ra rằng một trong những phương tiện quan trọng trong sự cạnh tranh này là giáo dục, và vì thế nhiều quốc gia đã tích cực dốc hết tâm trí vào việc tổ chức, quản lý, khuyến khích và điều chỉnh giáo dục.

II. Giáo Dục Phật Giáo: Quá Khứ

Có ý kiến cho rằng khó có thể trình bày về một hệ thống lý thuyết giáo dục Phật giáo, bởi vì việc thiếu vắng những tài liệu và ghi chép liên quan đến hệ thống giáo dục Phật giáo. Không có bằng chứng để xác minh giáo dục Phật giáo đã bắt đầu từ khi nào và các tự viện Phật giáo đã trở thành những trung tâm giáo dục trong những trường hợp nào, với ý nghĩa rằng giáo dục không chỉ là việc huấn luyện những người tu hành mà còn là những phân ngành giáo dục thế tục khác.

Nếu hiểu giáo dục trong ý nghĩa thông thường với sự có mặt của trường học, với những nguyên tắc và phương pháp của nó thì thật khó biết được hệ thống giáo dục Phật giáo đã được hình thành từ khi nào. Tuy nhiên, nếu xét giáo dục theo nghĩa rộng đã được trình bày ở trên thì có thể nói rằng giáo dục Phật giáo được bắt đầu từ thời điểm đức Thế Tôn thuyết bài pháp đầu tiên cho năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như tại Lộc Uyển, Sarnath, “Này các vị, hãy lắng nghe. Pháp bất tử đã được phát hiện; ta sẽ chỉ dẫn và giảng dạy Pháp ấy”.

Sự hóa độ và thu nhận năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như là khởi xuất cho sự hình thành Tăng đoàn và cũng là khởi đầu cho mối quan hệ giữa thầy và trò trong cộng đồng Phật giáo. Sự hình thành nên mối quan hệ giữa thầy và trò cũng là sự hình thành nên việc dạy và học. Việc học như vậy đầu tiên là học về những gì đức Phật đã khám phá và tri tường thông qua kinh nghiệm giác ngộ của Ngài. Giáo dục Phật giáo do đó trước hết được hiểu là sự khai mở tâm thức của một người đối với một người khác, khiến cho người ấy thấy được “Pháp bất tử”, hay nói cách khác là thấy được thực tại của các pháp nhờ vào sự khai mở của vị thầy và việc thực hành quán chiếu bằng trí tuệ của chính người ấy. Trong ngữ cảnh này, giáo dục Phật giáo được hiểu là phương cách vượt qua vô minh (avijjā) để đạt đến trí tuệ (prajñā). Giác ngộ và giải thoát có thể đạt được bằng việc diệt trừ đi vô minh.

Sau khi Tăng đoàn được hình thành và dần phát triển về số lượng người gia nhập, thì nhu cầu về những nơi chốn tương đối ổn định để tăng chúng cùng nhau tu học và làm nơi thuyết giảng cho tất cả mọi hạng người trong xã hội - những người muốn nghe pháp - là điều được tính tới và đó là lý do để các tinh xá bắt đầu được hình thành; và các tinh xá được xem như là những trung tâm giáo dục đầu tiên của Phật giáo, trước hết là để huấn luyện và giáo dục cho cộng đồng tăng lữ về kinh và luật do đức Phật đã dạy và chế định.

Theo thời gian, với sự hình thành luận tạng (Abhidhamma), sự phân chia bộ phái, cùng với sự sinh khởi của Phật giáo Đại thừa, giáo dục Phật giáo, triết học kinh viện và những hoạt động học thuật đã nhận lấy một sự thúc đẩy lớn lao và đây là động cơ để hình thành nên những tu viện không chỉ là nơi tu tập mà đã trở thành những trung tâm giáo dục và huấn luyện về nhiều phương diện. Ở đó không chỉ giảng dạy giáo thuyết, giới luật và những vấn đề bộ phái mang bản chất học thuật, mà những bộ môn nghệ thuật và việc nghiên cứu thế tục khác cũng đã được đưa vào. Không chỉ Tăng sĩ, mà ngay cả người thế tục cũng được tham dự vào giáo dục tự viện Phật giáo. Và có những tu viện con số hiện diện lên đến sáu, bảy trăm người, theo như ghi chép của ngài Pháp Hiển khi đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ V.

Có thế nói giáo dục Phật giáo phát triển thành hệ thống hoàn chỉnh về nhiều phương diện bắt đầu vào khoảng từ thế kỷ thứ 5 với sự có mặt của những đại học Phật giáo quy mô như Nālandā, Vikramśīlā, Uddaṇḍapura, Vilabhī… Trong số những đại học này, Nālandā được xem là nơi có hệ thống giáo dục cao, quy mô và hoàn thiện nhất, với rất nhiều sinh viên theo học và giáo sư giảng dạy, con số lên đến mười ngàn người. Cũng có những sinh viên từ các nước khác đến đây theo học. Và các môn học không chỉ thuần túy về triết học Phật giáo mà còn cả những bộ môn khác như toán, thiên văn, y học, luận lý, triết học, ngôn ngữ… Nālandā đã trở thành một trường đại học đúng nghĩa với hệ thống nhập học và thi cử bài bản. Hệ thống thư viện cũng đã phát triển hoàn chỉnh với số lượng kinh sách đồ sộ. Nālandā cũng là nơi đã đào tạo nên những nhà Phật học danh tiếng như Dharmapāla, Dharmakīrti, Śāntideva, Buddhabhadra…

Đại học Nālandā ngoài việc làm nơi giảng dạy, còn là nơi tranh biện của các bậc thức giả trong giới Phật giáo và những tôn giáo khác. Việc nghiên cứu kinh viện và tranh biện đã đưa giáo dục Phật giáo đạt đến một tầm mức cao, nhưng cũng vì quá chú trọng vào mặt này đã khiến cho Phật giáo xa rời và mất điểm tựa nơi tầng lớp bình dân. Và đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm cho Phật giáo suy tàn nhanh chóng tại Ấn Độ sau sự tấn công của những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ XIII.

Với sự tàn phá của những người Hồi giáo nhắm vào những cơ sở Phật giáo, hàng loạt đại học và tự viện bị đốt phá và chôn vùi, Phật giáo đi đến điểm cuối của thời kỳ suy tàn và hệ thống giáo dục Phật giáo mang tính học thuật và hàn lâm nhất cũng đã chấm dứt. Nhưng trong khi Phật giáo bị khai tử trên chính mảnh đất khai sinh ra nó thì nó vẫn tồn tại và phát triển trên những mảnh đất khác trong khu vực. Và theo như truyền thống buổi đầu, được truyền bá đến nơi nào, tịnh xá hay tự viện Phật giáo đều trở thành những trung tâm giáo dục của Phật giáo.

Khi truyền qua Trung Hoa, để tồn tại và phát triển ở một xứ sở có nền văn hóa và tư tưởng triết học lớn mạnh, đặc biệt là Khổng giáo và Lão giáo, giáo dục Phật giáo bên cạnh việc giảng dạy giáo lý, đã phát triển tối đa những môn học về logic để có thể làm phương tiện trong quá trình truyền bá, cũng không loại trừ việc học những môn học như thiên văn, toán và y học mà các Tăng sĩ Đại thừa ở Ấn Độ thường tinh thông. Phật giáo có những thời kỳ phát triển rực rỡ ở Trung Hoa, tuy nhiên vẫn không hề có một trường đại học Phật giáo nào với đầy đủ ý nghĩa của một trường đại học như Nālandā được hình thành ở đây. Dù hình thành nên nhiều tông phái, giáo lý được giải thích theo nhiều khía cạnh khác nhau, vấn đề tranh biện giữa Phật giáo với nhau và giữa Phật giáo với những hệ thống triết học khác diễn ra rất sôi nổi, thì tất cả những hoạt động ấy vẫn chỉ diễn ra trong phạm vi tự viện. Nhưng tuy vậy có những thời kỳ, tự viện không chỉ là những nơi giáo dục dành cho Tu sĩ hay giới Phật giáo, mà còn cho mọi hạng người trong xã hội. Ở Trung Hoa và Việt Nam, ở những thời kỳ khi mà tầng lớp Nho gia nắm quyền thống trị chính trị và tư tưởng, việc học chỉ dành cho một bộ phận người đặc biệt trong xã hội, thì tự viện là nơi giáo dục phổ thông cho quần chúng bình dân. Điều này cũng xảy ra ở Nhật Bản.

Ở Nhật, suốt nhiều thế kỷ, giáo dục đều do Phật giáo kiểm soát. Phật giáo giảng dạy về y học, nghệ thuật, sáng tác kịch nghệ và thi ca, ảnh hưởng đến chính trị và nhiều khía cạnh  khác của xã hội. Phật giáo là một người thầy hướng dẫn mà qua đó quốc gia đã lớn lên!

Ở Hàn Quốc, Phật giáo đã có nhiều thế kỷ hưng thịnh và có ảnh hưởng sâu rộng, ít nhất là từ thế kỷ thứ 10-14. Trong thời kỳ này tăng sĩ được đào tạo và huấn luyện kỹ về nhiều lĩnh vực ở tu viện. Các tu viện Phật giáo bên cạnh giảng dạy cho Tăng sĩ về kinh-luật-luận, còn huấn luyện họ trở thành những người có thể gìn giữ và truyền bá giáo lý và thiết lập một xã hội dựa trên những giá trị Phật giáo. Nhưng trong quá khứ, các tu viện hầu như chỉ dành cho việc huấn luyện Tăng lữ, hàng thế tục không được tham dự vào. Không có tài liệu nào cho thấy rằng giáo dục tự viện được mở rộng cho hàng thế tục ở đây.

Các nước theo Phật giáo Theravada trước hết cũng đi theo hệ thống giáo dục tự viện. Tất cả những quốc gia theo Phật giáo Theravada, những tự viện của họ đều đóng chức năng như những trung tâm giáo dục liên quan đến những vấn đề tôn giáo, đạo đức… Tự viện là nơi huấn luyện Tu sĩ, giảng dạy giáo pháp và truyền bá giáo lý. Ở Tích Lan, về sau giáo dục tự viện không chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu và giảng dạy giáo lý Phật giáo, mà còn là nơi giảng dạy văn học, ngôn ngữ cùng nhiều môn học khác. Và một vài tu viện cũng đã phát triển thành những trường đại học quy mô. Tu viện không chỉ dành cho việc cư trú và đào tạo Tăng sĩ mà còn là trường học của nhiều hạng người. Ở những làng quê, tự viện trở thành trường học dành cho con em trong làng, và ngay cả con cái của những người trưởng làng cũng được giáo dục tại đây. Ở Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cam-bốt, giáo dục tự viện cũng rất có ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội.

Giáo dục Phật giáo ở các nước theo Phật giáo Theravada rất chú trọng vào việc huấn luyện đạo đức cho hàng tại gia, và một trong những sáng tạo đặc sắc của truyền thống này là quy định thời hạn xuất gia cho những người trẻ tuổi, tạo một thời gian nhất định để họ có điều kiện học hỏi giáo lý, tu tập thiền định và phát triển đạo đức. Hình thức này không chỉ là vấn đề giáo dục đạo đức, mà còn là phương cách lưu giữ những giá trị văn hóa và tôn giáo một cách hữu hiệu nhất. Và đây cũng có thể là một cách thức giúp cho các nước theo Phật giáo Theravada giữ gìn được truyền thống tôn giáo của mình khá trọn vẹn.

Vài đặc tính và mục đích của giáo dục Phật giáo

Giáo dục Phật giáo thường vẫn được hiểu như là một nền giáo dục tự viện. Các đại học Phật giáo ở Ấn Độ cũng đều được phát triển lên từ nền giáo dục tự viện này, ngay cả đại học Nālandā.

Vào buổi đầu Phật giáo, kinh điển lưu giữ dưới dạng khẩu truyền nên người học cần phải thân cận thầy và hội chúng để nghe giảng dạy cũng như tụng đọc lại những gì đã ghi khắc được trong tâm trí. Hình ảnh người đệ tử ngồi bên thầy để nghe những gì được dạy khiến ta liên tưởng đến việc giáo dục “quỳ bên chân thầy” của Upanishad. Cách thức giảng dạy thông qua hình thức đối thoại, so sánh và đôi khi cả tranh biện.

Giáo dục Phật giáo là một quá trình tiệm tiến. Nghe giảng dạy, ghi nhớ, suy nghiệm và thực tập (văn - tư - tu) được xem như là một tiến trình giáo dục, không phải chỉ xảy ra trong chốc lát mà là một quá trình diễn tiến thứ bậc. Đức Phật dạy, “Này các Tỳ-kheo, ta không nói rằng việc chứng đạt trí tuệ sâu thẳm đến ngay lập tức, mà nó đến bằng một sự tu tập tuần tự.” Dù sau này Thiền tông có xiển dương học thuyết “đốn ngộ” thì đốn ngộ vẫn không phải xảy đến bất chợt đối với người chưa từng tu học Phật pháp (kiếp quá khứ và đời hiện tại). Đốn ngộ chỉ xảy ra với những người tu tập “tiệm tiến” trước đó!

Mục đích chính của giáo dục Phật giáo là để tạo nên một con người tự do, có đạo đức, có trí tuệ. Giáo dục Phật giáo tạo nên một con người sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội. Giáo dục Phật giáo cũng được hiểu là một quá trình “nuôi lớn Thánh thai”. Việc học như vậy sẽ không có khóa học và không có thời gian hạn định. “Thánh thai” được trưởng thành trong bao lâu điều đó tùy vào sự nỗ lực của mỗi người. Nhưng đó là nói trên mặt lý tưởng, trong thực thế ta có thể xếp mục đích giáo dục Phật giáo theo bốn phần như  Tỳ-kheo Bodhi đã làm:
(1) Giáo dục Phật giáo trước hết là dạy cho người khác biết và hiểu kinh điển Phật. Phật giáo là một tôn giáo có nhiều kinh sách, từ các kinh được đức Phật hay những vị đại đệ tử của Ngài giảng dạy, cho đến những lời dạy của các vị A-la-hán và Bồ-tát, những luận giải của các triết gia Phật giáo. Vì vậy mục đích đầu tiên của giáo dục Phật giáo là học những kinh sách này, và sử dụng chúng như là một thấu kính để hiểu ý nghĩa của lời Phật dạy.
(2) Học kinh như là một phần của tiến trình tu tập. Như vậy mục đích thứ hai của giáo dục Phật giáo là để chuyển đổi bản thân, tức là việc học giáo pháp để làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn, những con người có phạm hạnh và đạo đức hơn, trở thành những con người tử tế, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác.
(3) Giáo dục là để phát triển trí tuệ, hiểu thấu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều luôn chân thật và có giá trị. Cho dù một vị Phật có dạy hay không thì Pháp ấy, những điều ấy vẫn luôn như vậy. Một vị Phật là người phát hiện ra Pháp, những nguyên lý chân thật của thực tại, và tuyên bố chúng với thế gian. Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận chân sự thật, để qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, đào luyện tâm và có thể nhận ra được sự thật.
(4) Giáo dục Phật giáo đào tạo nên những con người có thể đem giáo pháp của đức Phật truyền trao lại cho những người khác. Nghiên cứu Phật pháp là để làm lợi ích cho cuộc đời này, để cho có nhiều người được hưởng lợi ích từ việc thực hành theo giáo pháp ấy. Giáo dục Phật giáo như vậy là đào tạo nên những con người biết phụng sự người khác.

Mối liện hệ giữa thầy và trò trong giáo dục Phật giáo

Trong truyền thống tu viện Ấn Độ cổ đại, mỗi người khi xuất gia sẽ được dẫn dắt và chỉ dạy bởi hai vị thầy: Hòa thượng (Upājjhāya) và A-xà-lê (Ācariya). Hòa thượng là người giảng dạy cho đệ tử những vấn đề quan yếu của giáo pháp đức Phật, trong khi A-xà-lê là người xem xét căn cơ của người đệ tử để thiết lập đệ tử vào con đường chánh đạo.

N. Dutt thì cho rằng A-xà-lê hướng dẫn người nhập đạo thực hành thiền định và tu tập. Còn Hòa thượng là người dạy Tam tạng (Tripitaka) và truyền đạt những kiến thức tổng quát, những phương diện phổ thông của Phật giáo.

Như vậy, giáo dục Phật giáo trong buổi đầu đã hình thành nên mối liên hệ hỗ tương giữa thầy và trò. Bổn phận của người đệ tử đối với thầy và nhiệm vụ của thầy đối với đệ tử được trình bày rất chi tiết và rõ ràng trong Đại phẩm. Và mối quan hệ giữa thầy và trò được coi như quan hệ giữa cha và con, rất mật thiết và đầy tình thương yêu, “Này các Tỳ-kheo, ta cho phép vị thầy tế độ. Này các tỳ-kheo, vị thầy tế độ sẽ gợi lên nơi người ở cùng phòng (đệ tử) thái độ của một người con và người đệ tử sẽ gợi lên ở vị thầy tế độ thái độ của một người cha. Như thế, trong khi sống cùng với nhau, họ có sự kính trọng, tôn trọng, có sự tương kính nhã nhặn với nhau; họ sẽ đạt đến sự lớn mạnh, tăng trưởng, phát triển trong Pháp và Luật này…” Về bổn phận của người đệ tử đối với thầy cũng được trình bày chi tiết trong các luật học dành cho người Sa-di ở trong truyền thống Bắc truyền.

Theo truyền thống giáo dục tự viện, thầy là người chịu trách nhiệm đối với việc phát triển thể chất, đạo đức và tâm linh của đệ tử. Thầy thương yêu đệ tử và giúp họ trong mỗi vấn đề. Thầy cũng quan tâm đệ tử trong khi họ bệnh tật và gặp những vấn đề rắc rối, chịu trách nhiệm cho việc ăn ở và những nhu cầu sống khác của đệ tử, theo dõi sát sao sự phát triển của đệ tử, đặc biệt quan tâm đến việc tuân giữ các giới luật, cũng để tâm đến việc học hành và tu tập của họ. Ngược lại, người đệ tử phải luôn tôn kính thầy, phụ giúp thầy những công việc thường ngày bằng tất cả sự nhiệt tâm, chăm sóc hầu hạ thầy lúc thầy bệnh, gánh vác và chia sẻ những công việc khó nhọc của thầy…

Quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa hai thế hệ kế tiếp mà còn là một chuỗi tiếp nối dài lâu, trải qua nhiều thế hệ. Điều này thể hiện rõ nét hơn nơi Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phật giáo Trung Hoa là sự kết hợp của nhiều tông phái, và sự truyền thừa của mỗi tông phái là một chuỗi nối tiếp chặt chẽ giữa thầy và trò. Trong Thiền tông, sự truyền thừa này có lẽ dễ thấy nhất. Ở đây sự truyền thừa không chỉ là sự tiếp nối mà còn là sự xiển dương tông phái của mình, làm cho lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và cũng làm thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại. Có những người thầy, có khi tên tuổi của mình được biết đến phải nhờ đến những người về sau.

Trong tự viện, người đệ tử để trở thành nên một con người có đủ tài đức thì sự góp phần của người thầy không nhỏ. Nhưng trong mối quan hệ hỗ tương, người đệ tử cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho thầy mình trong việc xiển dương Phật pháp. Một con người dù tài năng đến đâu, nếu không có được sự giúp sức của người khác thì vẫn gặp nhiều hạn chế trong công việc của mình. Bằng chứng dễ thấy là giữa Lục tổ Huệ Năng và ngài Thần Tú. Ngài Huệ Năng được biết đến như ngày hôm nay tất nhiên là do tư tưởng siêu xuất của ngài, nhưng cũng không thể phủ nhận sự góp công của những vị đệ tử về sau, mà cụ thể là Thần Hội. Pháp Bảo Đàn kinh sẽ không được hình thành nếu không có những vị đệ tử tài giỏi tiếp nối! Ngài Thần Tú xuất hiện trong Pháp Bảo Đàn với một hình ảnh khiêm tốn cũng chỉ vì đệ tử của ngài đã không làm gì nổi để xiển dương đường lối của thầy mình!

Chú Thích:
1. Rorbet Nola & Gulro Irzik, Philosophy, Science, Education and Culture, The Netherlands: Published by Springer, 2005, tr.4
2. W. Kornblum, Sociology in a changing world, Orlando, 1988, tr. 536
3. Dẫn lại từ  An introduction to Sociology của Vidya Bhushan & D.R. Sachdeva, New Delhi: Kitab Mahal, 2004, tr.714-715
4. Wit Wisadavet, “The Buddhist philosophy of education: Approaches and Problems” trong The Chulalongkorn Journal of Buddhist Studies, Vol. 2, No. 2, 2003, tr. 159
5. Encyclopedia of sociology, Vol 2, edited by Edga. F. Borgatta & Rhonda J. V. Montgomery,  New York, 2000, tr. 741-754
6. Xem mục “Education” trong  Encyclopedia of Buddhism, Vol 2, compliled & edited by Subodh Kapoor, New Delhi:  Cosmo Publications, 2001, tr.501
7. The Book of the Disciplines, Vol IV (Mahāvagga), Translated by J. B. Horner, London: Campridge, 1971, tr.15
8. Rekka Daswani, Buddhist Monasteries and Monastic Life In Ancient India, New Delhi:  Munshiram Manoharla, 2006, tr.161
9. Lal Mani Joshi, Studies in The Buddhistic Culture of India, New Delhi: Motilal Banarsidass, 2002, tr. 123
10. Con số này vẫn không thống nhất: ngài Nghĩa Tịnh cho rằng có hơn 3 ngàn tăng sĩ ở Nālandā; Ngài Huyền Trang thì nói con số lên đến 10.000 người (có lẽ do sự khác biệt về thời điểm đến giữa hai ngài); R. K. Mokerjee trong Universities In Ancient India thì viết rằng có 1.500 thầy giáo và 8.500 sinh viên tại Nālandā.
11. Lal Mani Joshi, Studies in The Buddhistic Culture of India, New Delhi: Motilal Banarsidass, 2002, tr.134-141
12. Jeong-Kyu Lee, The Role of Religion in Korean Higher Education, Journal of Religion & Education, Vol. 29, No. 1, University of Northern Iowa, tr.52-53
13. Encyclopedia of Buddhism, Vol 2, compliled and edited by Subodh Kapoor, New Delhi: Cosmo Publications, 2001, tr.510
14. Encyclopedia of Buddhism, Vol 2, edited by  Robert E. Buswell, Jr. , tr 247
15. A. K. Coomaraswamy, Buddha and the Gospel of Buddhism, New Delhi: Munshiram Manoharla, 2003, tr.146
16. Dẫn lại từ Buddhist Sociology, của Nadasena Ratnapala,  Delhi:  Sri Satguru, 1993, tr.129
17. Bhikkhu Bodhi, Bikkhuni education today: Seeing challenges as opportunities, Paper presented at 2009 International Conference for Buddhist Sangha Education, Taiwan, 2009
18. Rekka Daswani, Buddhist Monasteries and Monastic Life In Ancient India, New Delhi: Munshiram Manoharla, 2006, tr. 166-167. Rekka Daswani đã dẫn lại vấn đề này từ Samantapāsādikā của Buddhaghosa.
19. Dẫn theo Rekka Daswani, tr. 167
20. The Book of the Disciplines, Vol IV (Mahāvagga),  translated by J. B. Horner, London: Campridge, 1971, tr. 58-58; để biết chi tiết các bổn phận giữa thầy và trò trong đời sống tự viện xin xem thêm từ trang 59-67.
21. Về bổn phận giữa thầy và trò, xin xem thêm kinh Thiện Sanh (Sigālovāda), bài kinh số 31, Trường bộ kinh III.

Thích Nguyên Hiệp(còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 64, tr3, 2009]