Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật giáo là tôn giáo lâu đời và lớn nhất ở nước ta, đồng thời Phật giáo cũng có ảnh hưởng sâu rộng...(TLC)

(Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ - tiếp theo TSPL.15)

+ Kiến trúc Phật điện 

Mặt bằng Phật điện phổ biến là một khối nhà hình chữ công gồm tòa Thượng Điện thờ Phật một gian hai chái (còn gọi là hậu cung), tòa Bái Đường song song với tòa Thượng Điện dùng làm nơi hành lễ của Phật tử (còn gọi là Tiền Đường). Tòa Thiêu Hương là tòa nhà nối giữa Bái Đường và Thượng Điện, là nơi để lễ Phật và thắp hương (tên gọi dân gian là tòa ống muống).

Kết cấu các công trình kiến trúc Phật giáo thời Mạc về cơ bản giống với kiến trúc Phật giáo thời Trần. Các cột được liên kết với nhau bằng các vì kèo tạo thành bộ khung đỡ toàn bộ sức nặng của mái nhà. Trên cùng hai cột cái nối với nhau bằng một câu đầu lớn úp chụp từ trên xuống. Cột cái nối sang hai cột quân bằng các xà nách nhỏ. Trên các câu đầu và xà nách là các bộ phận liên kết con rường và đấu vuông thót đáy đỡ hoành. Càng lên cao, con rường càng ngắn lại do mái nhà thu lại. Rường cánh trên cùng, chân mộng được tạo như một chốt khóa vững chắc ăn sang bên kia thân cột được tạo hình đầu dư trang trí hình rồng. Các bộ khung được nối bằng các xà dọc (thường gồm hai xà song song là xà thượng và xà hạ), ngạch, dầm (nối các chân cột với nhau) tạo thành một thể thống nhất và ổn định. Vì kèo kiểu chồng rường phổ biến trong thời kỳ này (nguồn gốc vì chồng rường từ kiến trúc Trung Quốc được du nhập vào nước ta rất sớm) có độ bền vững và ổn định hơn loại vì kẻ chuyền của văn hóa bản địa. Tuy vậy, trong quá trình tiếp thu của từng thời kỳ, vì kèo chồng rường cũng có những biến đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa mang những đặc trưng riêng của từng thời. Các vì chồng rường cuối Trần hai trụ đấu giữa của vì nóc được nâng cao tạo thành một khoảng trống cho các trang trí lá đề, thì sang thời Mạc, các trụ trên vì nóc ngắn, phía trong khoảng trống được bịt kín bằng “ván rốn nhện”. Các quầng sáng nhọn đầu chỉ còn là một đường khắc chìm chạy viền quanh tấm ván đó. Phía trong các đường viền không trang trí những hình rồng trang nghiêm nữa, mà có bố cục sinh động hơn với những hình hổ (chùa Bà Tấm), hình thú (chùa Cói).

Vì kèo chùa nói chung đơn giản do quy mô chùa thời này thường không lớn, gồm 4 hàng cột (2 cột cái ở giữa, hai cột quân hai bên), riêng chùa Cói có 6 hàng cột nhưng có thể hai hàng cột hiên được thêm vào ở thời kỳ sau. Kết cấu kiến trúc chùa Cói dựa trên 4 cột cái ở giữa, tạo thành 2 bộ vì giá chiêng đỡ mái. Bốn cột cái nối ra các cột quân và cột hiên bằng những cốn và xà nách tạo thành dạng kiến trúc một gian hai chái, 4 mái hình vuông. Bộ vì theo kiểu chồng rường, bẩy hiên nhưng tạo cho ngôi chùa có vẻ thoáng đãng hơn và nhẹ nhàng hơn so với thời Trần.

Mái nhà của các tòa thường là 4 mái, hai mái chính chạy dọc và hai mái phụ hai bên. Người ta đắp gờ diềm nổi cao giữa các mặt mái (giữa hai mái chính gọi là bờ nóc, và giữa mái chính và mái phụ gọi là bờ dải). Trang trí hai đầu bờ nóc là những con kìm được đắp cao dưới hình dạng đầu rồng. Góc đao được uốn cong bởi nhiều phiến đất nung mỏng được kê chốt chặt chẽ (khác với kiểu đầu đao lá mái của đình làng) nên bộ mái không có tính bay bổng nhiều. Đây có thể là sự bảo lưu lối cấu trúc cũ từ nguồn gốc phương Bắc, về sau mái đao chùa mới được thực sự uốn cong theo kỹ thuật truyền thống của mái đình.

+ Vật liệu và kỹ thuật xây dựng

Thời Mạc, vật liệu chủ yếu vẫn sử dụng vật liệu gỗ, gạch, đất nung và đá trong xây dựng tháp và chùa. Các công trình truyền thống thường sử dụng vật liệu gỗ (gỗ lim, gỗ đinh, gụ, táu)... cho hệ thống kết cấu khung cột, hệ thống cửa, rui hoành... Ðá thường được sử dụng là đá nguyên khối từ đá ong, đá sa thạch, đá xanh... sử dụng trong nền, bậc cấp, chân tảng.

Một số vật liệu đất nung hiện còn từ thời Mạc không thể không kể đến là các dạng gạch vồ trang trí hình con thú, lá cây độc đáo cỡ 39 x 16 cm, gạch trang trí chữ vạn 40 x 20 cm.

Trên đỉnh nóc là ngói cong máng úp thường gọi là ngói bò. Ngói mũi hài (phía trên mỏng, phía dưới dày nhô lên hình mũi hài) dày và lớn được tìm thấy ở chùa Mui, chùa Trăm Gian với kích thước thường thấy là 32 x 22 x 3cm, mũi ngói cong cao 6,7cm được sử dụng để lợp mái. Các viên ngói có gờ nổi cao để bám chắc vào hệ thống rui mè của sườn nhà. Cuối dốc mái là hàng ngói giọt gianh mũi thẳng rộng 25 cm, dài 40 cm.

Kỹ thuật xây dựng thời Mạc kế thừa từ những thời kỳ trước đặc biệt là thời Trần thể hiện qua giải pháp xây dựng. Chùa chữ “công” phát triển từ hai ngôi chùa chữ “đinh”, thành hai gian chữ nhất nối với nhau bằng ống muống. Bộ vì kèo gỗ theo kiểu chồng rường và bẩy hiên tạo cho công trình có dáng dấp bề thế nhưng thanh thoát hơn.

Những thợ đá tài hoa của một thời Lý Trần đã bị giặc Minh tàn sát và bắt bớ khiến nghề đá dưới thời Lê Sơ và thời Mạc không thể phục hồi. Dường như nghề đục đá phải bắt đầu mới hoàn toàn với một thế hệ nghệ nhân mới. Thời này ta không bắt gặp các kiệt tác bằng đá xanh như thời Lý Trần. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nghề chạm khắc gỗ thời Mạc vẫn tiếp thu được những đường nét tinh xảo thời trước, các kỹ thuật chạm thủng chạm bong được phát triển hoàn hảo. Bí quyết làm cho các kiến trúc gỗ bền vững, hệ khung cân bằng ổn định, bên cạnh việc chọn vật liệu (gỗ to, gỗ tốt, đá cứng hay gạch nung già) hay sự tính toán hợp lý của người xưa về cả hình học, vật lý, cả về mỹ thuật và kỹ thuật thi công xây dựng đã được kế thừa và áp dụng. 

+ Trang trí, điêu khắc

- Tuy những bức chạm đẹp có giá trị về trang trí điêu khắc thời Lê Sơ không có mặt trong các công trình Phật giáo, nhưng bài viết cũng đề cập sơ qua để bạn đọc nắm được dòng chảy liên tục của nghệ thuật mỹ thuật nước nhà. Đầu thời kỳ Lê Sơ, giai cấp phong kiến chưa bị ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc nên hoa văn truyền thống được sử dụng nhiều. Những đường nét tinh tế, chắc khỏe từ thời Trần được kế thừa và đổi mới. Sự chắc khỏe trong hình khối và hình thái biểu hiện hoàn chỉnh của các mẫu hoa văn trang trí cũng như sự hài hòa trong bố cục.

Về sau, điêu khắc thời Lê Sơ sử dụng thủ pháp cân xứng, đăng đối, dường như ở mỗi tác phẩm đều dựa trên trục thần đạo. Hình rồng thời kỳ này về mọi thành tố thì cơ bản vẫn được kế thừa từ thời kỳ trước nhưng có những điểm khác biệt như mồm kiểu mõm thú, dài nhô ra trước, tư thế chính diện hay nghiêng thì hai con mắt vẫn tròn lồi, mũi sư tử, hình thức dữ tợn, chi tiết nghệ thuật không còn lãng mạn mà có tính chất cung đình chính thống, xa rời nghệ thuật dân gian. Hình tượng rồng mang những yếu tố của rồng Trung Hoa (mắt quỷ, miệng lang, sừng hươu, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, thân rắn, vẩy chép, chân cá sấu, móng chim ưng…) 

Loại hoa văn hình sóng nước cũng tương đối phổ biến trong nghệ thuật trang trí thời Lê Sơ (xuất hiện tại các diềm chân bia và bệ tượng). Nghệ thuật trang trí hình sóng mang tính tả thực, hoa văn sóng nước ngoài kiểu uốn lượn hình sin kế thừa thời Lý và Trần có đơn giản hóa trong chi tiết, thì xuất hiện thêm kiểu các ngọn sóng cung tròn đồng tâm nối tiếp nhau tạo thành nhiều lớp, ở chính giữa có hình sóng bạc đầu với những bọt hình hoa, đây là dạng hoa văn mang đậm tính ngoại lai (phổ biến trong nghệ thuật trang trí phương Bắc thời Minh). Hoa văn trang trí thời Lê Sơ khá phong phú, hình mây là sự phát triển của hình mây thời Lý sang thời Mạc và Lê Trung Hưng. Các trang trí hình mây trời thường gặp là những cụm mây xoắn ốc hai đầu, đè so le lên nhau hoặc quấn lấy nhau tạo thành lớp, ngoài ra mây kéo dài hình như ngọn lửa cũng thường gặp ở thời kỳ này. Ngoài ra, trang trí thời Lê Sơ còn có loại hoa văn hình sừng nhọn và u tròn chạm nổi trên bệ đá.

- Sang đến thời Mạc, mỹ thuật trở nên tương đối đa dạng, được thể hiện trên các chất liệu gỗ tinh tế, trên đá tả thực thô vụng, trên gốm điêu luyện phóng khoáng. Trong cách tạo tác, nghệ nhân không bị bó buộc vào quy luật cụ thể nào. Các bộ phận chạm khắc trên cùng một mảng chạm luôn đầy đủ chi tiết cả khi nhìn nghiêng và tỉ lệ không được chú ý nhiều. 

Trong nội thất các công trình chùa thời Mạc, các nghệ nhân tận dụng mọi thành phần kiến trúc để trang trí làm đẹp thêm cho tác phẩm. Các đầu bẩy, đầu dư, cốn, lá gió… được biến thành những trang trí vô cùng đẹp mắt với các đề tài như rồng, phượng (chùa Trà Phương, gạch chùa Trăm gian), lân (bệ tượng chùa Ngo, gạch chùa Bối Khê) sóng nước, mây lửa, hoặc một số con vật như hổ (gạch chùa Sổ, chùa Trăm Gian), hươu (gạch chùa Trăm Gian), voi (gạch chùa Trăm Gian), ngựa (chùa Trăm gian, chùa Đậu, Bà Tấm). Các bức chạm về cảnh sinh hoạt của con người như cảnh dắt ngựa cho quan, cầu hiền, cưỡi hổ báo (chùa Cói). Các tượng gắn trên kiến trúc như nhạc sĩ và vũ nữ thiên thần được tạc trên các đòn tay nhô ra từ đấu ba chạc (chùa Đông - Hà Tây).

Đề tài trang trí liên quan đến lực lượng thiên nhiên (hoa cúc, mặt trời) được chạm giữa các bông hoa sen nở (bệ chùa Cập Nhất - Hưng Yên), hoặc mặt trời chạm riêng biệt, tỏa đao sáng hai bên (chùa Dâu - Bắc Ninh). Các cặp sừng nhọn đặt chéo nhau (tượng trưng cho linh vật) đi đôi với nhau tạo thành lưỡng nghi (âm dương) và các u tròn (tượng trưng cho sự giao kết của lưỡng nghi). Nền dưới các cặp sừng và u tròn thường thấy là loại cây thiên mệnh với những đường nét khúc khuỷu ấp ủ nguồn sinh khí. Tất cả hệ thống đó tạo nên một nguồn năng lượng vô biên làm nảy sinh cây trồng, muôn loài phát triển dưới sự bảo trợ của Phật và Bồ Tát. Lá và hoa sen cũng là một đề tài phổ biến mang tính tinh tế, thanh khiết, chiếc lá sen được chạm trên nền sóng nước, hoặc làm bệ đỡ cho các dạng hồi văn, đôi khi đỡ các cặp sừng và u tròn… Các đề tài vân xoắn (thể hiện cho tia chớp) chạm thủng, hoặc được xếp ken vào nhau, hoặc làm trung tâm mảng chạm, hoặc làm nền cho các linh thú thường đi cùng với các đao mác (tượng trưng cho tia sáng) được tìm thấy phổ biến trong chạm khắc kiến trúc đình chùa. 

Rồng thời Mạc đẹp về hình thức và gần gũi về tinh thần giống như rồng thời Lý. Tuy nhiên, hình tượng con rồng đã thoát ra khỏi biểu tượng của vương quyền mà chỉ còn mang ý nghĩa quyền lực huyền bí. Tượng rồng chạm tròn có nhiều loại mang phong cách khác nhau, loại đầu mang phong cách thế kỷ 13, 14 nhưng chắc khỏe hơn, các cụm mây lớn và ít dày đặc, đôi khi chạm khắc rồng đưa chân lên vuốt râu, nhiều sóng cuộn dưới bụng. Loại thứ hai ảnh hưởng phong cách Lê Sơ thì phần mặt nhất là mồm đã được rút ngắn lại bớt dữ tợn hơn (chùa Cói), thân ngắn, mập, kèm trên thân là các đao mảnh chạm bong. Loại thứ ba là hình rồng kết hợp cả hai phong cách trên với mũi to, tai và sừng hai chạc, trán ngắn nhưng dáng khỏe chắc theo kiểu rồng Trần nhưng không có mào, được kết hợp với những mảng vân xoắn lớn (chùa Ngo, chùa Bối Khê). Còn một số hình rồng rải rác mang đầy tính dân gian như thân nhiều đoạn gẫy vuông góc (bệ tượng Quân Âm chùa Hạ - Vĩnh Phúc), nhiều bia với niên đại xác định cũng có những hình rồng khác nhau không ổn định phong cách chung, chỉ có một điểm chung là hay được chạm đi kèm với vân xoắn và đao nhọn điểm xuyết hoa văn chữ S, bộc lộ tư duy dân dã về sức mạnh thiên nhiên ẩn chứa trong hình dạng rồng. 

Một vài đặc điểm khác biệt nhận thấy giữa thời Mạc so với thời kỳ trước là: trang trí thời Lý Trần gồm những đề tài đề cao Phật giáo hoặc thống nhất và mang ý nghĩa cụ thể nào đó. Thời Lê Sơ ảnh hưởng tạo hình của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các linh vật. Sang thời Mạc, bên cạnh các đề tài truyền thống có xuất hiện những mảng chạm mang những nét phản ánh đời thường và tính dân dã mạnh dần.

+ Bài trí tượng thờ

Một số tượng tròn nổi tiếng có niên đại tuyệt đối dưới thời kỳ này đã đóng góp một phần không nhỏ vào kho tàng mỹ thuật nước nhà. Tượng Phật Bà ngàn mắt ngàn tay, biểu tượng của lòng từ bi bác ái tại chùa Hạ, tượng Quan Âm Nam Hải ở chùa Cập Nhất năm 1582, các tượng Tứ Pháp… Các tượng thờ vẫn bộc lộ khuynh hướng tượng Phật chính thống mặc dù nhiều chi tiết đã được biến đổi mang tính dân gian. Phong cách tạc tượng thời kỳ này là sự nối tiếp của tượng tròn thời Lý, những biểu hiện quý tướng của Phật trong vẻ đẹp trầm tư, thân mình sang quý, nếp áo rủ mềm mại. Những điểm dễ nhận nhất của các tượng tròn thời kỳ này là thân ngắn vai xuôi, lưng tròn eo nhỏ. Nhiều pho tượng đẹp tạc bằng gỗ mít, gỗ hoàng tâm, đặc biệt là tượng Quan Âm hiện còn nguyên vẹn cho tới ngày nay với dáng vẻ trầm ngâm suy tư thế sự mà trong sáng, nhân hâu, truyền tải được sự từ bi trong từng nét điêu khắc. Tượng Quan Âm được mô tả trong tư thế ngồi thiền, đứng, trong hình dạng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn (hoặc dạng Việt hóa Phật mẫu Chuẩn đề). 

Hệ thống tượng thời Mạc cũng đa dạng phong phú hơn các thời kỳ trước cho thấy sự phát triển nghệ thuật tạo hình và là sự minh chứng cho sự giao lưu của Phật giáo với các tôn giáo khác. Phật giáo được dân gian hóa thích ứng với yêu cầu của xã hội đương thời. Những tượng Phật theo quan niệm dân gian được thờ phổ biến trong các Phật điện. Ở thời Mạc, ghi nhận được trong điện thờ các dạng tượng Tam thế (chùa Nành, chùa Dâu, chùa Lệ Mật, chùa Trà Phương), tượng Quan Âm (chùa Cập Nhất, chùa Hội Hạ, chùa Thượng trưng, chùa Ngo, Bối Khê, Đa Tốn), Thích Ca cửu long. Bên cạnh đó có tượng Ngọc Hoàng (chùa Vua - Hà Nội, chùa Ngo), tượng Tứ pháp (tượng Pháp Lôi hiện đặt tại chùa Thái Lạc), thiên thần và nhạc công thiên thần, tượng diêm vương… Các hình tượng vua, công chúa dưới hình thức Phật tử. Có thể kể đến tượng Mạc Đăng Dung được tạo tác mang dáng dấp giống với tượng Ngọc Hoàng, phù điêu Nguyễn Thị Ngọc Toàn, vợ Mạc Đăng Dung sử dụng chất liệu đá vôi tại chùa Trà Phương - Hải Phòng.

- Kết luận phần 3

Trong vòng hai mươi năm đầu, mỹ thuật thời Lê Sơ với phong cách phóng khoáng, ngôn ngữ tạo hình trong sáng, là tiền đề nối nguồn mỹ cảm dân gian thời Trần đến những thế kỷ sau. Một điều đáng tiếc trong thời kỳ này, tuy là thời kỳ mở đầu cho nghệ thuật dân gian phát triển lại không có đóng góp của kiến trúc Phật giáo do sự bảo thủ của hệ tư tưởng phong kiến. Về sau, dưới ảnh hưởng của nghệ thuật phương Bắc, tính dân tộc trong kiến trúc thời gian đó bị mờ nhạt, nghệ thuật cung đình phát triển với những cách biệt và ưu thế rõ rệt. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này không kéo dài lâu, về cơ bản, ý thức dân tộc vẫn chi phối tư tưởng xã hội. Tinh thần yêu nước, ý chí độc lập đã là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng nền văn hóa mang tính dân tộc, thoát khỏi những tác động ngoại lai do Nho giáo đem lại. 

Kiến trúc thời Mạc ngoài những nét kế thừa của nền mỹ thuật và kiến trúc thời Lý Trần, đồng thời còn mang đậm những nét riêng biệt của thời Lê Sơ, thời Mạc còn tạo nên một sự đổi khác trong mỹ thuật, đánh dấu bước chuyển tiếp từ nghệ thuật chính thống sang nền mỹ thuật dân dã. Mỹ thuật Mạc vô cùng đa dạng vì thế, xen lẫn những hoa văn cao quý là những họa tiết giản đơn, xen lẫn sự trang nghiêm là nét phóng túng… Thời Mạc, chỉ một giai đoạn ngắn trong lịch sử đã có những tác động đến phương diện kiến trúc nói chung và kiến trúc Phật giáo nói riêng. Nền nghệ thuật dân gian được dịp trỗi dậy mạnh mẽ, các chùa làng được xây dựng và tu bổ nhiều góp phần tạo nên một nền mỹ thuật có giá trị thẩm mỹ cao. Khác với thời Lê Sơ, nghệ thuật hướng ngoại và bế tắc, thời kỳ này đã đưa nghệ thuật dân tộc trở về với vị thế của mình. Điều này, một lần nữa minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, cho dù bị tàn phá, bị lai căng, bị thể chế chi phối… vẫn luôn hướng đến Chân Thiện Mỹ mang sắc thái riêng mình.

Tài liệu tham khảo:

- Lê Mạnh Thát. Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1 (1999), tập 2 (2001), tập 3 (2002), NXB Tp. HCM
- Trần Lâm Biền. Chùa Việt. NXB VH-TT 1996
- Nguyễn Ðăng Duy. Văn hoá tâm linh. NXB VH-TT 2001
- Nguyễn Ðức Nùng và các tác giả. Mỹ thuật thời Lê Sơ. NXB VH năm 1979
- Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân. Mỹ thuật thời Mạc. Viện Mỹ thuật năm 1993

Trần Lan Chi (hết)
[Tập san Pháp Luân - số 16, tr.52, 2005]


(Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ - tiếp theo TSPL.12)

Phần 3:  Kiến trúc Phật Giáo thời Lê Sơ và thời Mạc

Theo dòng chảy lịch sử, thời Hậu Lê cho đến thời Tây Sơn mang trong mình các phong cách kiến trúc và mỹ thuật của nhiều giai đoạn. Sơ bộ, ta phân ra phong cách mỹ thuật các thời kỳ Lê Sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng (vua Lê chúa Trịnh), thời Lê Mạt (Trịnh Nguyễn phân tranh), cuối cùng là thời Tây Sơn. Trong phạm vi bài viết này, nội dung nghiên cứu đi sâu vào kiến trúc Phật giáo thời Lê Sơ và thời Mạc.

- Tình hình phát triển Phật giáo 

a. Thời Lê Sơ: (1428 - 1527) Sau cuộc chiến ròng rã 10 năm, cuộc kháng chiến chống quân Minh đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 15/4 năm Mậu Thân, Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế mở ra triều đại nhà Lê. Nhà Lê trị vì đất nước 99 năm và trải 10 đời vua gồm 

- Lê Thái Tổ (1428-1433);
- Lê Thái Tông (1434-1442);
- Lê Nhân Tông (1443-71459);
- Lê Thánh Tông (1460-1497);
- Lê Hiến Tông (1497-1504);
- Lê Túc Tông (1504);
- Lê Uy Mục (1505-1509);
- Lê Tương Dực (1510-1516);
- Lê Chiêu Tông (1516-1522);
- Lê Cung Hoàng (1522-1527).

Nhà nước phong kiến Lê Sơ được thành lập trong bối cảnh nền văn hóa bị hủy hoại nghiêm trọng, xã hội đầy rẫy những khó khăn. Hai mươi năm giặc Minh đô hộ, những công trình Phật giáo nổi tiếng một thời như chùa Long Đọi, tháp Chương Sơn… đều bị phá hủy. Trong bối cảnh hệ tư tưởng thống trị của triều đình thời Lê Sơ là Nho giáo, Phật giáo cùng các tôn giáo khác lâm vào cảnh tưởng chừng như suy tàn. 

Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và là nền tảng để xây dựng mọi thể chế chính trị và xã hội. Thời kỳ đầu, nhà nước ngăn cấm việc dựng chùa, đúc chuông, tạc tượng mà đẩy mạnh xây dựng cung điện đền đài, lăng mộ, văn miếu... mang nặng tư tưởng Nho giáo. Do đó thời gian này kiến trúc Phật giáo không phát triển. Kiến trúc được xây dựng phổ biến là kiến trúc cung đình, đình làng (ra đời và phát triển rầm rộ theo thiết chế Khổng giáo) và kiến trúc lăng mộ… Dưới thời Lê Thánh Tông, năm 1461 ban hành sắc lệnh “chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới”. Thời Lê Sơ, muốn làm tăng nhân, nhà sư phải thi nhiều cuộc thi tuyển chọn lựa, phải làu thông kinh sử và tuổi tác trên 50. Những cấm đoán của nhà nước như ban hành các đạo luật hạn chế Phật giáo, hạn chế xây dựng chùa chiền và phát triển tăng lữ khiến các ngôi chùa lớn khó có điều kiện ra đời. Tuy nhiên, đạo Phật với sức sống mãnh liệt vẫn được quần chúng và một bộ phận tầng lớp trên tin theo. Các nhà vua như Lê Thánh Tông vẫn vịnh cảnh chùa với các bài thơ tuyệt bút vịnh chùa Trấn Quốc, chùa Pháp Vân… Các lễ hội tâm linh như rước Tứ Pháp vẫn được tổ chức. Chùa chiền vẫn là nơi sinh hoạt của tín ngưỡng dân gian, đạo Phật đã hòa chung vào dòng chảy văn hóa dân tộc không thể tách rời.

b. Thời Mạc: (1527 - 1592) Sau một thế kỷ tồn tại, nhà nước Lê Sơ với hệ tư tưởng Nho giáo đã suy yếu hoàn toàn. Mạc Đăng Dung, một cận thần có thế lực lên ngôi vua, lập ra triều đình nhà Mạc, một giai đoạn mới đầy biến động được mở ra trong lịch sử. Nhà Mạc trải năm đời vua kéo dài 65 năm, năm 1592 rút lên Cao Bằng và suy tàn hẳn vào năm 1677. Năm đời vua gồm Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1546-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592).

Từ thời Mạc, Nho giáo không còn giữ vị trí độc tôn nữa, nhà Mạc tuy vẫn lấy hệ tư tưởng Nho giáo làm chính thống nhưng không hạn chế những tư tưởng phi Nho khác. Kiến trúc Phật giáo bắt đầu có những dấu hiệu hồi sinh sau trăm năm bị hạn chế dưới nhà nước Lê Sơ. Sự lớn mạnh của Thiền tông và các tông phái khác được du nhập rầm rộ trong thời kỳ này đã khiến kiến trúc có nhiều thay đổi đáng kể. Hàng trăm công trình chùa tháp được tu sửa và làm mới thời kỳ này (theo số liệu thống kê của Viện Mỹ thuật là 142 chùa) nhưng con số thực tế còn lớn hơn nhiều. 

Các công trình tôn giáo tín ngưỡng bị cấm đoán dưới thời Lê Sơ được khởi sắc trở lại. Đạo Phật trong giai đoạn này phát triển rộng khắp, chủ yếu trong quần chúng nhân dân. Phật giáo mang tư tưởng bác ái, làm điều lành, tránh điều dữ và có những hòa đồng nhất định với các tôn giáo khác đã thỏa mãn được nhu cầu và phù hợp với tư tưởng của nhân dân. Càng về cuối thời Mạc, trong bối cảnh nội chiến liên miên, số lượng chùa chiền được tu sửa càng nhiều, điều này cho thấy nhu cầu thờ cúng Phật giáo là một sinh hoạt tinh thần vô cùng quan trọng và cần thiết ở nông thôn Việt Nam thời bấy giờ. Một số quý tộc thời Mạc đã đóng góp tiền của tu sửa chùa chiền như tu sửa chùa Phổ Minh (Nam Định), làm chùa Nhân Trai (Hải Phòng), Trà Phương (Hải Phòng), Bối Am… Nhiều ngôi chùa làng được xây dựng và trùng tu như chùa Thượng Trưng, chùa Hạ (Vĩnh Phúc), chùa Nành (Hà Nội), chùa Ða Tốn (Gia Lâm), chùa Bối Khê (Hà Tây), chùa Hương Trai (Hà Tây)…

- Những công trình Phật giáo tiêu biểu 

a. Thời Lê Sơ: Chùa chiền trong thời Lê Sơ không được dựng mới nhiều nhưng vẫn được trùng tu tôn tạo. Năm 1434, triều đình cho làm lại chùa Báo Thiên, đại thần Lê Sát tổ chức xây chùa Thanh Đàm và Chiêu Đô (rộng hơn 90 gian). Đời Hồng Đức (1470-1479), vua Lê Thánh Tông mở mang chùa Minh Độ (Hưng Yên). Năm 1499 tu sửa chùa Thầy (Hà Tây) và để lại bệ tượng vua Lý Thần Tông với các hình chạm sóng nước, rồng mây xen kẽ hình con tiện ảnh hưởng phương Bắc… Theo văn bia để lại, chùa làng thời kỳ này cũng được nhân dân quyên góp tu sửa như chùa Kim Liên (Hà Nội) năm 1445, chùa Đại Bi (Bắc Ninh) năm 1490, chùa Vô Vi (Hà Tây) năm 1515, chùa Bối Khê (Hà Tây) năm 1515… Dấu tích mỹ thuật thời Lê Sơ còn lại trên các chùa rất ít ỏi, có nơi lưu giữ được bia (như chùa Kim Liên, Bối Khê), có nơi thì những thành phần kiến trúc tu sửa của thời kỳ sau đã thay thế hầu hết. Những di vật đáng giá về kiến trúc Phật giáo hiện còn là tháp đá Huệ Quang, vốn có từ thời Trần được đại trùng tu thời Lê Sơ, bệ tượng bằng gỗ chùa Thầy…

b. Thời Mạc: Các ngôi chùa khởi dựng trong thời kỳ này hầu hết là những ngôi chùa được dựng nên ở các làng xóm nông thôn, ít có công trình lớn do nhà nước đứng ra xây dựng. Tuy nhiên, cũng hiếm các công trình xây mới hoàn toàn mà thường là trùng tu hoặc làm lại. Những di tích, công trình khởi dựng hoàn toàn còn dấu tích của thời Mạc đến nay còn rất ít, cho nên bài viết có đề cập thêm một số di tích có niên đại xây dựng sớm hơn còn lưu giữ được di vật từ lần trùng tu trong thời Mạc. 

+ Chùa Cập Nhất (Hưng Yên) niên đại trùng tu thời Mạc năm 1530 và 1536. Còn lưu giữ được một số mảng chạm trang trí đề tài rồng, mây lửa tại Thượng Điện, pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng gỗ cao 80cm.

+ Chùa Cói (Vĩnh Phúc) công trình bị phá hủy trong chiến tranh nhưng chúng ta còn lưu giữ được tư liệu ảnh và đạc họa năm 1939 của Trường Viễn Đông Bác Cổ, giúp hình dung toàn bộ kiến trúc ngôi chùa thời kỳ này.

+ Chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) lưu giữ được tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Đây được coi là pho tượng đẹp tiêu biểu cho nghệ thuật thời Mạc.

+ Chùa Đông Ninh (Hải Phòng) kiến trúc hiện nay mới hoàn toàn, di vật thời Mạc còn thành bậc đá trước nhà Tiền Đường với trang trí hai hình sấu, hai thành bậc hai bên chạm mây và sóng nước.

+ Chùa Hòa Liễu (Hải Phòng) còn thành bậc chạm rồng, ba pho tam thế, hai pho Ngọc Hoàng, một pho Quan Âm và Tổ bằng đá. Ngoài ra, động bên phải chùa có một pho tượng bằng đá cũng từ thời Mạc.

+ Chùa Ngo (Hà Tây) được trùng tu lớn thời Mạc còn tòa Thượng Điện 1 gian hai chái, dấu vết còn lại ở 3 đầu dư và 2 đầu bẩy. Chùa có một số tượng đất sét đã hư hỏng, và tấm bia dựng năm 1589.

+ Chùa Nhân Trai (Hải Phòng) niên đại năm 1590, còn lưu giữ các di vật sau: 2 thành bậc đá hình rồng và 4 thành bậc mây xoắn, tượng Ngọc Hoàng và bia đá.

+ Chùa Trà Phương niên đại năm 1562 (Hải Phòng) còn lưu giữ phù điêu đá tương truyền là bà Nguyễn Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung, tượng đá vua Mạc Đăng Dung, 5 bệ tượng Phật, một bia đá lập năm 1562 và hai đôi sấu đá đặt ở nhà bia.

+ Chùa Thượng (Hà Tây) cuối thế kỷ 16, còn một số vì kèo tại Tiền Đường với những mảng chạm đánh vật, mây xoắn và hươu, hai thành bậc đá chạm hình lân.

Một số chùa thực chất là quán đạo như chùa Mui (Hà Tây), lưu giữ được tòa Thượng Điện với các trang trí mang dấu ấn thời Mạc, là công trình có bộ mái duy nhất từ thời Mạc đến nay. Chùa Sổ (Hà Tây) lưu giữ được nhiều gạch trang trí hoa văn, một số điêu khắc đầu dư chạm rồng, tượng Ngọc Hoàng và bia đá dựng năm 1590.

Nhiều chùa thời Lý Trần lưu giữ được một số di vật qua lần trùng tu thời Mạc nhưng không còn nhiều như chùa Chúc Thánh (Hà Tây), còn lưu được các viên gạch trang trí thời Mạc, tượng Quan Âm và bia. Chùa Dâu còn bộ tượng Tam thế, chùa Bối Khê (Hà Tây) còn tượng quan âm, tượng hậu Phật và vài mảng chạm gỗ kiến trúc. Chùa Dương Liễu (Hà Tây) còn 3 vì kèo gỗ ở tòa Thiêu Hương. Chùa Đậu (Hà Tây) có từ thời Lý Trần và được trùng tu lớn vào thời Mạc, di vật hiện còn một số thành phần kiến trúc tại tòa Tiền Đường và ván bưng tầng 2 gác chuông, một số gạch trang trí hình con thú, lá cây. Chùa Phổ Minh còn cây tháp đất nung sau chùa, tượng bà chúa Mạc. Chùa Tổng (Hà Tây) còn ba bộ tam thế gỗ, bia đá ghi rõ đợt đại trùng tu năm 1579. Chùa Thầy (Hà Tây) còn lưu được một vài bộ phận chạm khắc ở vì kèo tòa Thiêu Hương, khám thờ Từ Đạo Hạnh, ba pho Tam thế (được coi là điển hình cho tượng Tam thế thời Mạc) và bia đá năm 1538. Chùa Trăm Gian (Hà Tây) còn bệ tượng Tam thế đất nung lớn trang trí cánh sen, chim thần garuda, trang trí các đề tài rồng, lân, hổ, voi và hoa lá… Chùa Vĩnh Phệ (Hà Tây) còn một số mảng chạm trên đầu dư, ván rốn nhện và trụ giá chiêng, hai bệ tượng Phật bằng gỗ và hai bia đá lập năm 1578 và 1589.

- Đặc điểm kiến trúc 

Mặc dù có một phong cách mỹ thuật Lê Sơ với những đặc trưng so với các thời kỳ khác, nhưng do biến động xã hội và chính sách nhà nước đã khiến cho kiến trúc Phật giáo không có tiếng nói mỹ thuật và kiến trúc thời kỳ này. Như vậy, về mặt kiến trúc Phật giáo, các công trình thời Lê thực chất là không có nhiều và không đủ tư liệu để xác định được những nét đặc trưng kiến trúc. Do đó phần này, bài viết tập trung nghiên cứu về kiến trúc và đặc điểm kiến trúc Phật giáo thời Mạc. 

Trong các ngôi chùa thời Mạc còn lại đến ngày nay thì kiến trúc bị chắp vá nhiều, thời gian và chiến tranh làm cho các công trình có giá trị đã bị hủy hoại. Chỉ dựa vào văn bia, khám thờ, tượng tròn mà các nhà nghiên cứu xác định được niên đại thời Mạc cho phần nhiều di tích. Một vài di tích còn giữ được một số mảng chạm khắc như chùa Giám (Hưng Yên), chùa Nhân Trai (Hải Phòng). Những ngôi chùa còn dấu tích kiến trúc nhiều nhất là một gian Thượng Điện như chùa Ngo (Hà Tây), chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Cói (Vĩnh Phú), tòa Thiêu Hương chùa Đông (Hà Tây). Chùa Cói, ngôi chùa đã bị phá hủy trong chiến tranh nhưng rất may chúng ta đã lưu giữ được các bản vẽ tương đối đầy đủ góp phần phác họa hoàn chỉnh điện mạo kiến trúc chùa thời Mạc.

+ Vị trí, thế đất 

Các công trình chùa thời Mạc chủ yếu vẫn tập trung và phát tiển ở đồng bằng Bắc Bộ (nhất là ở Hưng Yên, Hải Phòng), dọc các triền sông Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, rồi Hà Nội. Sau đó là những vùng ven biển vào tới Thanh Hóa (3 chùa), Nghệ An (3 chùa). Di tích thời Mạc gặp được ở trên diện rộng chứng tỏ vai trò của người Kinh được phát triển ở một địa bàn rộng hơn. Nhiều di tích của thế kỷ 16 đã được mở rộng hơn ra các hải đảo, ven biển, ven sông, tập trung quanh các trung tâm văn hóa kinh tế thời đó, đồng thời có xu hướng phát triển về phía trung du và miền núi. Như vậy, trong nhà Mạc, thời kỳ thương nghiệp phát triển, các đường sông lên đến các miền trung du, miền núi hay ven biển đã mở ra những con đường giao thông thủy, đồng thời cũng mở ra những vùng đất mới xây dựng kiến trúc Phật giáo. 

Các pho tượng và di vật cổ thời Mạc cũng được tìm thấy dọc triền sông Hồng, sông Đáy và các chi lưu. Điều này cho thấy, ngôi chùa luôn được ưu tiên xây dựng gần nguồn nước, gần đường giao thông thuận tiện thời đó. Ngôi chùa vốn trước đây gắn liền với những nơi hành lễ nghiêm trang, trở về hòa nhập với xóm làng, gắn bó với người nông dân lao động. Các khu đất được chọn xây dựng chùa rộng rãi, thoáng đãng không xa khu dân cư. Điều này là một trong những nguyên nhân phát triển kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc“. Kiểu kiến trúc sử dụng không gian nửa kín nửa hở để tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng vẫn gần gũi với nhân dân. Đủ để thỏa mãn yêu cầu tu hành được thiền sư Pháp Loa đã viết trong sách Tam Tổ Thực lục “cảnh không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian, vì gần thì ồn ào, mà xa thì không ai giúp đỡ cho. Cảnh có thể là chỗ yên nghiệp để dưỡng thân, nuôi tính, tâm linh sáng suốt…”.

+ Tổ hợp không gian

Về bố cục mặt bằng, có chùa nhỏ chỉ gồm một tòa Thượng Điện một gian hai chái hoặc chỉ là những ngôi chùa hình chữ công, nhưng phổ biến và điển hình nhất trong thời gian này là lối bố cục mặt bằng kiểu “nội công ngoại quốc”. Trước cổng chùa thường có cổng tam quan và sau chùa có gác chuông hai tầng, kiến trúc tách rời độc lập với khối nhà chính. Đối với các công trình kiến trúc Phật giáo thời kỳ này, ngôi tháp nhỏ thường là tháp mộ không đóng vai trò quan trọng trong tổng thể.

Phật giáo phổ biến tới các làng xã, đồng hóa với các tín ngưỡng dân gian, song hành với các tôn giáo khác tạo nên không gian kiến trúc vô cùng khác biệt với các thời kỳ trước. Lối bố cục chữ “công” manh nha xuất hiện từ thời Lý với nhu cầu chạy đàn, sang thời Trần (được biết qua những mô hình đất nung nung nhỏ chôn theo mộ sư), tòa ống muống được thêm vào tăng diện tích chùa và để hành lễ trong những ngày mưa gió. Nhưng đến thời gian này, sự phát triển của hệ thống tượng thờ và nhu cầu hành lễ đã khiến kiểu chùa chữ “công” ở thời Mạc trở thành phổ biến. Cuối thế kỷ XVI, kiểu chùa “nội công ngoại quốc” bắt đầu xuất hiện (dựa theo văn bia chùa Phúc Lâm - Hà Tây). Kiểu mặt bằng này tạo cho ngôi chùa một sự bề thế, khang trang, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Phật giáo một cách mạnh mẽ, mà vẫn giữ được khuôn viên vuông vắn, tạo nên một không gian cân đối, có chiều sâu, phù hợp với chức năng thờ cúng.

Nói chung, qua các thành phần kiến trúc rải rác trên thực địa và tư liệu văn bia cho thấy kiến trúc chùa tháp thời kỳ này về quy mô không to lớn như thời Lý Trần. Các ngôi chùa nhỏ, vóc dáng vừa phải, hòa vào làng xóm chung quanh. Tháp chủ yếu nhỏ lẻ, làm tháp mộ là chính. Điện chính thường là một gian bố cục chính giữa, các gian phụ bố trí bốn bên nhưng kích thước thường chỉ khoảng dài 12 mét mỗi cạnh. Bố cục này là bố cục hoàn chỉnh nhất của một ngôi chùa còn lưu giữ và phát triển đến các thời kỳ sau. Ngôi chùa gồm khối nhà phía trong (Tiền Đường - Thiêu Hương - Thượng Điện) hình chữ công (工), phía ngoài hình chữ khẩu (口) tạo nên hình chữ quốc (国) bao trùm, tuy trên thực tế, hai hình không hẳn lồng vào nhau mà có chung cạnh trên là tòa Tiền Đường. Hai đầu của nhà Tiền Đường nối với hai dãy hành lang chạy vuông góc hai bên nối với dãy nhà phụ phía sau (thường gồm nhà Tổ thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa, nhà Oản là nơi để làm oản cũng trong ngày lễ và nhà nghỉ ngơi cơm nước gọi là Nhà thụ trai) tạo nên một hình vuông khép kín bao ngoài khu thờ Phật.

Được xây dựng tại những khu vực tương đối bằng phẳng, mặt bằng chùa thường dàn trải theo một trục dọc hoặc hướng vào một tâm điểm. Nguyên tắc bố cục chung là cân bằng, quy củ hoặc tự do một cách có hệ thống dễ tạo được sự trang nghiêm cho công trình. Các lớp kiến trúc được dàn theo tuyến ngang và phân bố hai bên trục xuyên tâm này tương đối cân bằng, các lớp nhà ngang liên tục cắt trục dọc tạo cảm giác sâu hơn về không gian. Khu trung tâm thờ Phật trong kiến trúc nội công ngoại quốc thường được đắp nền cao hẳn so với các khối nhà chung quanh, với ý nghĩa vào chùa là lên với Phật, nói lên sự tiếp nối truyền thống xây dựng chùa thờ Phật từ những thế kỷ đầu Công nguyên, đó là từ hình tượng những cây tháp thờ Phật vươn cao. 

Tựu chung lại, nguyên tắc xây dựng chùa tháp từ thời Mạc về sau luôn theo quy tắc khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài, tạo ra một không gian tôn giáo thiêng liêng. Tuy nhiên, ở trong không gian khép kín đấy, mối tương quan hài hoà chính là sự hoà nhập đường nét kiến trúc với các yếu tố thiên nhiên. Ðã vào trong khuôn viên chùa, thì các kiến trúc đều được làm theo dạng mở, kiến trúc chuyển tiếp nhau dần dần.

Trần Lan Chi (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 15, 2005]


 

(Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ - tiếp theo TSPL.11)

Kiến trúc Phật giáo thời Trần - Hồ và Hậu Trần (1225 - 1413)

- Tình hình phát triển Phật giáo thời Trần

Sau khi Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lý, bị Trần Thủ Độ lập kế ép nhường ngôi cho chồng, triều Lý chấm dứt, Trần Cảnh lên ngôi mở ra một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc với 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông. Nhà Trần (1225-1400) trải qua các triều đại sau: 

Trần Thái Tông (1225-1258)
Trần Thánh Tông (1258-1278)
Trần Nhân Tông (1278-1293)
Trần Anh Tông (1293-1314)
Trần Minh Tông (1314-1329)
Trần Hiến Tông (1329-1341)
Trần Dụ Tông (1341-1369)
Trần Nghệ Tông (1370-1372)
Trần Duệ Tông (1372-1377)
Trần Phế Đế (1377-1388)
Trần Thuận Tông (1388-1398)
Trần Thiếu Đế (1398-1400).

Sau đó, Nhà Hồ (1400-1407) trải hai triều Hồ Quý Ly (1400), Hồ Hán Thương (1401-1407) và thời Hậu Trần kháng chiến chống quân Minh (1407-1413) gồm Giản Định Đế (1407-1409) và vua Trùng Quang (1409-1413), do thời gian cai trị quá ít và chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc xảy ra liên miên nên không có công trình Phật giáo nào được xây dựng trong giai đoạn này hoặc không còn dấu tích nào còn lại cho đến ngày nay. Do đó, ta nói đến kiến trúc Phật giáo thời Trần là nói đến kiến trúc chùa tháp được xây dựng hoặc trùng tu toàn phần thời kỳ 1225 đến 1440.

Thời Trần, Phật giáo có những trường phái riêng của Việt Nam với những giáo lý thực tế trên nền tảng căn bản của tôn giáo từ bi, bác ái và vị tha. Phật giáo cũng được truyền bá nhưng ảnh hưởng không sâu rộng bằng thời Lý. Ðạo Nho bắt đầu có ưu thế rõ rệt do nhu cầu của việc trị nước của chính quyền, nhưng Phật giáo vẫn lớn mạnh và là chỗ dựa cho cuộc sống tinh thần của quảng đại quần chúng. Nhiều nhà vua, vương hầu, khanh tướng cũng xuất gia quy y cửa Phật. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông xuất gia lên núi Yên Tử, lập ra Thiền Phái Trúc Lâm - hệ thống Thiền phái đặc trưng đầu tiên của Việt Nam.

Nhà Trần trải qua ba cuộc chiến chống Nguyên Mông, tuy đạt được thắng lợi nhưng các công trình văn hóa của nước nhà đã bị tổn hại rất nhiều dưới sự dày xéo của quân giặc. Đến giai đoạn cuối, chiến tranh với Chiêm Thành xảy ra hơn mười lần khiến đất nước cũng bị điêu đứng một thời gian dài. Chiến tranh đã tàn phá nhiều công trình chùa tháp. Kiến trúc Phật giáo thời kỳ này chủ yếu là trùng tu hoặc xây dựng lại các công trình đã có từ thời trước. Một số trung tâm Phật giáo được mở mang xây dựng hoàn chỉnh như khu chùa tháp tại Yên Tử (Quảng Ninh). Các công trình khởi dựng thời kỳ này thường có quy mô nhỏ như chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), Bối Khê (Hà Tây)...

- Những công trình Phật giáo tiêu biểu trong thời Trần

Các ngôi chùa được xây dựng rải rác ở Đông Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ nhưng tập trung nhất vẫn ở ven các triền sông vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay. So với nhà Lý, phạm vi xây dựng chùa tháp thời Trần đã được mở rộng vào hướng Nam đến Thanh Hóa, Nghệ An.

+ Chùa Phổ Minh (Nam Định) được xây dựng khoảng năm 1262, còn lưu giữ được cánh cửa gỗ bốn tấm bằng gỗ lim, cao 1,9m và mỗi cánh rộng 0,8 m với những trang trí hình rồng, hoa lá và sóng nước. Một số thành bậc cửa bằng đá chạm rồng và sấu. Tháp Phổ Minh bằng đá, dựng trước cửa chùa vào năm 1305.

+ Chùa Bối Khê (Hà Tây) dựng năm 1338, chùa giữ được một số đầu bẩy chạm hình đầu rồng ngậm ngọc, phía ngoài có một hình chim, lưu được bộ vì kèo tại gian giữa tòa Thượng Điện và một số chạm khắc chim thần Garuda ở góc bệ đá và tường gạch, bệ đá hoa sen ba tượng năm 1382.

+ Chùa Thái Lạc (Hưng Yên) còn giữ được một số mảng cốn, ván nong trang trí rất đẹp. Điêu khắc gỗ của chùa này và chùa Bối Khê tiêu biểu cho điêu khắc gỗ kiến trúc Phật giáo thời Trần.

+ Chùa Báo Ân (Gia Lâm, Hà Nội) còn lại những di vật cổ như mảng nền, kết cấu sáu hàng chân cột, một vì rộng 13m và một số hiện vật bằng đất nung mang phong cách trang trí thời Trần. Điêu khắc trang trí có bệ đá hình vũ nữ, một đầu rồng và một số trang trí lá đề là có giá trị.

+ Chùa Vĩnh Khánh và tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) hiện nay, niên đại của tháp Bình Sơn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng theo nhiều tư liệu đáng tin cậy thì tháp Bình Sơn khởi dựng trong thời Trần. Tháp Bình Sơn là ngôi tháp cổ sử dụng chất liệu đất nung có giá trị rất cao về mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo.

- Thiền phái Trúc Lâm hình thành với ý tưởng xây dựng một không gian Phật giáo thanh tịnh đã gắn liền tên tuổi với các danh sơn như Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn (Hải Dương), Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)… Những ngôi chùa tại các nơi này được xây dựng từ thời kỳ trước và được xây dựng thành các trung tâm Phật giáo dưới thời Trần. Dấu vết thời Trần còn lại rất ít, ví dụ như ở Yên Tử, những viên gạch vuông trang trí hoa dây, nền tháp đá thời Trần có cạnh 3m15 với mặt bằng hình lục lăng.

- Các ngôi chùa khác được khởi dựng thời kỳ này như chùa Hương Tích ở núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chùa Hào Xá (Hưng Yên), Chùa Dương Liễu (Hà Tây), chùa Hoa Long, chùa Thông (Thanh Hóa)… Một số ngôi chùa lưu giữ được một vài hiện vật như chùa Long Hoa (Nam Định) có lưu giữ bệ thờ hoa sen, tượng rồng đá. Chùa Dâu có bộ vì nóc thượng điện từ thời Trần. Chùa Thầy còn lưu giữ bộ lưng ngai năm 1346. Chùa Hương Trai (Hà Tây) lưu giữ được bệ đá năm 1358-1369. Chùa Xuân Lũng có tòa sen năm 1386. Chùa Đại Bi có tòa sen ghi năm 1374. Chùa Che (Hà Tây) hiện còn bia đá. Ngoài ra, một số nền tháp thời này đã được tìm thấy như Ghềnh Tháp (Nam Định), Dưỡng Phú (Hưng Yên), Linh Nga bảo tháp và Xuân Hồng (Nghệ Tĩnh).

- Đặc điểm kiến trúc

Nghiên cứu về kiến trúc thời Trần hiện nay có thể dựa vào hai nguồn: thư tịch cổ (chỉ còn ghi chép vắn tắt qua sử sách, bia ký) và thực địa. Trải qua hàng trăm năm biến động, dưới tác động của chiến tranh, ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu, hay thậm chí những lần trùng tu, bao nhiêu công trình đã bị hủy hoại chỉ còn để lại dấu vết hoặc thay đổi hình dạng ban đầu hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn còn một số công trình từ thời kỳ này còn tương đối nguyên vẹn cho đến tận hôm nay như tháp Phổ Minh, tháp Bình Sơn, vì nóc Thượng điện chùa Thái Lạc, Bối Khê...

+ Vị trí, thế đất

Ở thời kỳ đầu, chùa tháp được xây dựng dưới sự chỉ đạo của hoàng cung. Thờ Phật được thờ trong một điện thờ riêng, cây tháp không còn chức năng thờ Phật nữa mà trở lại tính chất là mộ chí của các nhà tu hành đạo Phật hoặc tháp kỷ niệm. Thời Trần cũng như thời Lý, chùa tháp thường được lựa chọn những địa thế trên đồi lớn, núi cao để xây dựng. Vị trí những ngôi chùa xây dựng thời kỳ đó chẳng những xa lánh cuộc sống trần tục mà còn gợi nên không khí trầm mặc, thanh tịnh và u nhã phù hợp với sự thiêng liêng của Thần Phật mà nhu cầu tôn giáo đòi hỏi.

Với địa hình núi cao thì các kiến trúc được xây dựng theo các lớp nền tương tự như thời Lý với các cao độ khác nhau như chùa Yên Tử hay chùa Lấm (Quảng Ninh). Nhiều chùa được dựng trên địa thế rộng như chùa Lân (chân núi Yên Tử), chùa dựa vào chân núi, trước mặt hướng ra suối lớn, vườn chùa rộng rãi chạy dài từ cổng vào. Chùa Hoa Yên được dựng trên hai nền đất bạt ở sườn núi. Các ngôi chùa quay hướng Nam, lấy núi làm hậu chẩm, những dãy núi trùng điệp hai bên như tay long, tay hổ ôm lấy Thái cực. Trước mặt lấy suối Giải Oan làm minh đường.

Về sau, chùa làng phát triển mạnh. Theo văn bia chùa Thiên Phúc (Bắc Giang), nhà nho Lê Quát đã cảm thán rằng: “Việc họa phúc của nhà Phật rung động lòng người sao mà sâu và mạnh đến thế! Trên thì từ vương công, dưới thì đến thứ dân, phàm lo việc Phật thì tuy hết của cải cũng không tiếc gì. Ngày nay cúng tiền vào chùa tháp thì hớn hở như cầm tờ chứng khoán để được báo đáp ngày mai. Cho nên từ kinh thành ở trong cho đến châu phủ ở ngoài, khắp hang cùng ngõ hẻm, người ta không được lệnh mà cứ theo, không thề thốt mà cứ tin, nơi nào có dân cư là nơi đó có chùa Phật, phế rồi lại hưng, đổ rồi lại sửa, chuông trống lâu đài, gần nửa dân cư lao vào đó.” Từ văn bia này và nhiều văn bia khác cũng như thực địa, có thể thấy chùa quy mô nhỏ được xây dựng ở khắp nơi trong thời kỳ này.

Từ một số vị trí hiện nay của các công trình xây dựng vào thời Trần, ta thấy các công trình đều được xây dựng ở các vùng tách biệt với xóm làng, nhưng lại là trung tâm của nhiều vùng lân cận (ví dụ chùa Phổ Minh, chùa Vĩnh Khánh). Thứ hai, các công trình đều được xây dựng ở nơi phong quang thoáng đãng. Ví dụ, chùa Bối Khê nằm giữa vùng đất trù phú cửa ngõ phía Tây của kinh thành Thăng Long, thuộc tả ngạn sông Đáy, từng một thời là con đường giao thông huyết mạch trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước chùa xưa kia có sông Đỗ Động làm nơi tụ thủy, rất đẹp và tạo nên những phong cảnh non nước hữu tình cho cả các công trình xây dựng trên đất bằng. Ngay cả những ngôi chùa đồng bằng cũng rất chú trọng đến lựa chọn vị trí phù hợp với cảnh quan chung. Ví dụ tháp chùa Phổ Minh được dựng trong phủ Thiên Trường xưa (hiện ở tỉnh Nam Định) hòa chung vào tổng thể xung quanh, xóm làng ở phía sau, đồng ruộng phía trước tạo nên điểm nhìn cho toàn bộ công trình.

+ Tổ hợp không gian

Các công trình chùa tháp liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên, phù hợp với cảnh trí xung quanh tạo nên một kiến trúc tổng thể hoàn chỉnh. Công trình như mọc lên và hòa vào với đất, phù hợp với thiên nhiên và khung cảnh thiên nhiên chung quanh cũng làm tôn thêm vẻ đẹp của kiến trúc rất nhiều. Đối với các công trình không thuộc dạng danh sơn, trong toàn cảnh cũng như từng thành tố cấu thành kiến trúc công trình, sự đăng đối tiếp thu từ kiến trúc thời Lý vẫn được đưa lên vị trí quan trọng hàng đầu.

Tháp thời Trần được dựng khá nhiều trong các công trình kiến trúc Phật giáo với chức năng làm nơi thờ Phật, kỷ niệm hoặc tháp mộ. Ví dụ, tháp Bình Sơn, tháp Phổ Minh là loại tháp được dựng nên với tính chất kỷ niệm, tháp ở Yên Tử thì thuộc dạng tháp mộ. Kích thước của tháp thời Trần nhỏ nhưng giống kiểu dáng tháp thời Lý. Tháp thường gồm nhiều tầng, tiết diện vuông, đôi khi có hình lục giác (tháp mộ thờ Trần Nhân Tông ở Yên Tử), kích thước càng lên cao càng thu nhỏ dần. Tháp giờ không còn là kiến trúc chính nữa mà chỉ là những kiến trúc phụ trong tổng thể một ngôi chùa. Lòng tháp thường hẹp không đủ làm Phật điện nên phải có một điện thờ Phật ở phía sau. Do đó, khác với thời Lý, tháp thời Trần thường có vị trí trước sân chùa, ví dụ tháp Phổ Minh chùa Phổ Minh, tháp Bình Sơn chùa Vĩnh Khánh, tháp Trần Nhân Tông chùa Hoa Yên...  tháp thường được xây trước ngôi chùa.

Ðến cuối Trần, chùa làng phát triển mạnh. Chùa gồm điện thờ Phật, sư Tổ, các phòng Tăng, các tháp mộ ở hai bên và phía sau điện thờ. Từ thời Trần, kiến trúc gỗ đã có những bằng chứng khảo cổ tồn tại. Một số Phật điện và tháp thời Trần còn khá nguyên vẹn cho đến thời nay. Nền điện thờ Phật cao và hình vuông (phát triển từ tháp thờ Phật thời trước). Chùa chỉ còn chức năng tu hành, không còn là hành cung cho vua ngự. Các công trình khiêm nhường về kích thước, vừa phải về quy mô nên mang lại cảm giác ấm cúng và gần gũi với con người hơn nhiều so với các công trình đồ sộ thời Lý.

+ Kiến trúc Phật điện

Kiến trúc gỗ: Kiến trúc gỗ tại một số ngôi chùa như Thái Lạc, Bối Khê, kiến trúc mang dấu ấn thời Trần chỉ còn lưu lại qua Thượng điện, còn ngôi chùa hiện nay được mở rộng rất nhiều qua các thời sau.

Những tòa thượng điện còn lại của ba ngôi chùa là chùa Dâu, Thái Lạc, Bối Khê có chung một kiểu thức kiến trúc với kích thước tương đối tương đồng. Ðiện thờ Phật thời Trần thường có nền là hình vuông và thời Trần đã bắt đầu xuất hiện kiến trúc kiểu chuôi Vồ và chữ Tam. Các nền chùa thường được tôn cao hơn mặt đất bình thường và không lát gạch. Các chùa làng như Thái Lạc và Bối Khê có Phật điện xây trên nền cao trên dưới 1m, mỗi cạnh xấp xỉ 10m, tạo thành một nền đế hình vuông. Căn cứ vào khoảng cách giữa các cột cái với nhau thì kích thước chùa thời này thường nhỏ (ở chùa Bối Khê và Thái Lạc là 3m).

Kiến trúc Phật điện là kiến trúc một gian hai chái, không có tường vách bao. Các tòa thượng điện đều có bốn cột cái lớn ở giữa, 12 cột quân (đồng thời làm cột hiên vì chia gian chỉ có bốn hàng chân cột) xung quanh, do đó hai vì chia gian đều thuộc gian giữa. Kết cấu khung gỗ đỡ hai mái chính ở đằng trước và đằng sau, và hai mái bên, toàn bộ trọng lượng mái chuyển qua cột xuống nền nhà. Mái tỏa ra bốn phái, lan xuống thấp với các đầu đao vươn thành những đóa hoa ở bốn góc cong hất lên. Lối cấu trúc khung gỗ này được duy trì đến các thời sau như một mẫu mực của thức kiến trúc cổ Việt Nam.

Kết cấu kiến trúc điển hình là nền hình vuông, có bốn cột to ở giữa, tạo thành bộ vì theo kiểu giá chiêng gồm một câu đầu tỳ lực lên hai đầu cột cái. Các cột cái nối với nhau bằng những câu đầu to trên đỉnh, các cột quân nối với cột cái bằng xà nách. Bên trên câu đầu, có gắn một bộ phận gọi là giá chiêng thường thấp hơn so với các thời kỳ sau, bộ phận này gồm hai trụ chống đỡ một bộ phận nối gọi là bụng lợn. Các bộ khung giá chiêng có tác dụng giữ cho con chồng hai bên vững chắc và góp phần chống đỡ mái. Ở giữa khung giá chiêng, thời kỳ này người ta thường lắp thêm ván bưng trang trí thường chạm trổ hình lá đề với những phù điêu rồng, tiên nữ tạo thành một đặc điểm dễ nhận biết qua phong cách trang trí trên ván bưng đó. Từ cột cái nối với cột quân có xà nách nằm ngang, bên trên là các con rường chồng lên nhau qua các đấu kê. Từ cột quân ra ngoài hiên, đầu bẩy được chúc xuống theo độ dốc mái. Phái trên xà nách ngang và dọc có những bức cốn hình vuông là nơi hội tụ tinh hoa trang trí của toàn bộ ngôi chùa. Các thành phần gỗ thời kỳ này đều to mập, liên hệ với nhau bằng mộng (phần lồi lõm liên kết các bộ phận của kiến trúc với nhau) tạo ra các cấu kiện chặt chẽ, chắc chắn nhưng có thể tháo lắp và thay thế dễ dàng khi sửa chữa.

Kiến trúc tháp: Ta có thể thấy được hình ảnh kiến trúc tháp thời kỳ này qua hai ngôi tháp điển hình còn giữ được đến ngày nay, đó là tháp Phổ Minh và tháp Bình Sơn.

Tháp Phổ Minh là một công trình bằng đá và gạch gồm 14 tầng và cao 19,51m, mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 5m21, tầng một cao 2m2. Tuy nhiên, có tư liệu cho rằng, 11 tầng dưới là của thời Trần, còn ba tầng trên không có nẹp đá ba góc và trang trí hoa văn là sản phẩm của thời gian gần đây. Mái các tầng nhô ra rất ít, càng lên cao càng thu hẹp lại, chiều cao các tầng càng thấp đi và kết thúc bằng một chóp búp tạo cho dáng tháp thêm thon thả, bốn mặt tháp đều trổ cửa tò vò. Tháp có dáng cao thanh mảnh do bề ngang hẹp, các rìa mái tầng tầng lớp lớp tạo một cảm giác siêu thoát và linh thiêng cho chốn cửa Phật.

Tháp Bình Sơn được xây dựng bằng đất nung già đỏ sẫm, giờ chỉ còn 11 tầng và cao 15m (theo ghi chú các viên gạch xây dựng tháp trong đợt trùng tu di tích cho thấy tháp có thể cao đến 14 tầng). Tháp Bình Sơn có cạnh đáy bệ tháp là 4,45m, cao 1,62m, cạnh tầng thứ 11 cạnh 1m55, dáng tháp chắc đậm. Tầng thứ nhất cao 2,72m, chiều mỗi cạnh rộng 3,3m, bốn mặt trổ cửa tò vò.

+ Vật liệu và kỹ thuật xây dựng

Vật liệu xây dựng:

Kỹ thuật xây dựng thời Trần phát triển rực rỡ do tiếp thu được tinh hoa của nền nghệ thuật thời Lý và được hun đúc trong quá trình lao động của ông cha. Chất liệu mỹ thuật thời Trần để lại phong phú hơn thời Lý, do đó kỹ thuật cũng có những riêng biệt ở một cấp độ cao hơn thời Lý. Đối với các nhà khung gỗ hiện còn như vì kèo thuần gỗ (gỗ mít, gỗ lim), như thượng điện chùa Thái Lạc, Bối Khê, Dâu đã giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát hơn về kiến trúc khung gỗ sớm nhất còn tồn tại cho đến ngày nay.

Chất liệu xây tháp:

Các ngôi tháp thường là sự kết hợp giữa đá và gạch, hoặc làm bằng đất nung. Các chất liệu như đá xanh được sử dụng làm bệ dưới tháp Phổ Minh tạo vẻ đẹp, và tăng độ bền vững cho công trình. Vật liệu được sử dụng ở các tầng trên là gạch nung mỏng, nhẹ. Hồ lô trên đỉnh tháp bằng đồng (giờ đã mất), các dây đồng được sử dụng ràng buộc các kết cấu với nhau. Các loại gạch vuông (22cm x 22cm) và loại dài (45cm x 22cm) được sử dụng để xây lõi tháp Bình Sơn, gạch trang trí bên ngoài có kích thước 46cm x 46cm và những viên gạch hình Thước Thợ (L) để tăng sự chắc chắn cho lớp gạch bên ngoài.

Kỹ thuật xây dựng:

Kiến trúc thời Trần đã để lại kỹ thuật dựng chùa và xây tháp. Khung gỗ của chùa là những thành phần to lớn chồng lên nhau, lấy sức nặng bản thân để tạo nên sự vững chắc. Những vì kèo còn lại của thời kỳ này có những thành phần cấu trúc cơ bản định hình nên kỹ thuật xây dựng nhà khung gỗ của các thời kỳ sau. Thành phần chủ yếu là cột cái, cột quân, xà, con chồng, đấu kê. Các thành phần kết cấu gỗ được liên kết với nhau bằng mộng chốt có thể tháo lắp một cách dễ dàng.

Kỹ thuật xây tháp:

Sự cân bằng của các tháp dùng sức nặng tự thân là chính, các thành phần của tháp được gắn kết bởi các chất keo vữa và mộng. Mộng chốt nối gạch ốp ngoài với khối trụ bên trong và mộng cá chì được dùng để nối các viên gạch với nhau. Ở các tầng gạch phía dưới, người xưa còn  dùng các dây đồng xâu móc qua viên gạch để tăng độ liên kết kiến trúc (tháp Phổ Minh). Keo vữa xây tháp có hai loại, xây lõi gạch bên trong (tháp Bình Sơn) sử dụng keo bằng chất đất mịn vàng có độ kết dính cao và keo để xây ốp bên ngoài bằng hợp chất vôi, mật và giấy dó với độ kết dính rất cao.

Lòng tháp Bình Sơn được xây thành khối trụ vuông, càng lên cao càng thu hẹp tạo nên một cốt lõi hình trụ vững chắc cho công trình. Kết thúc mỗi tầng người ta xây nhô ra mấy hàng gạch để tạo diềm mái, vừa làm đẹp vừa tạo thế cân bằng cho tháp. Đặc biệt, các viên gạch trang trí mặt ngoài tháp được đánh dấu ghi rõ vị trí tầng thứ mấy và là viên thứ mấy trong tầng đó. Việc đánh dấu này phổ biến trong nhiều di tích phản ánh trình độ kỹ thuật và tư duy tổng hợp của thời kỳ này đã rất phát triển.

Ngoài ra, ta không thể không kể đến kỹ thuật làm móng của tháp Phổ Minh, với kinh nghiệm xây móng nền chịu lực. Để xây móng tháp, người ta đào sâu xuống 2,4m, móng được gia cố thành hai lớp, một bằng đá và một bằng sét trộn sỏi nện chặt. Lớp đất sét cũng được chia thành nhiều lớp, lớp sỏi trộn sét đen dưới cùng, các lớp trên là sỏi trộn sét nâu vàng (với độ dày 1,52) m tạo ra lớp móng đầu tiên vững chắc. Trên lớp này, người ta xây móng bằng đá khối kích thước trung bình 1,6m x 1,4m x 0,8m, tạo thành nền móng kiên cố hình vuông mỗi chiều 5,5m. Trên đó, người xưa bắt đầu xây dựng đế tháp và các tầng tháp. Nói chung, việc xây cất ở thời Trần đều sử dụng kỹ thuật cấu ráp các bộ phận kiến trúc với nhau trên căn bản vật lý rất logic.

+ Trang trí, điêu khắc

Trang trí trên gỗ của thời Trần không bay bướm như thời Lý nhưng sự khỏe khoắn hiện ra trong từng nét chạm khắc tinh xảo. Chất dân dã đã được thể hiện trong đường nét và bố cục hình khối tạo cho trang trí thời Trần mang một đặc điểm riêng dễ nhận diện. Đề tài trang trí thời Trần thường mang tính chất chính thống, quyền quý, như rồng, phượng, sấu, hoa mẫu đơn, quầng lửa, sóng nước, hoa sen, hoa dây… Một số yếu tố văn hóa Ấn có thể thấy trong hình tượng các vũ nữ múa, các nhạc công, các tượng chim kiểu Kinnari và chim thần kiểu Garuda...

Các vì kèo gỗ để lại từ đời Trần cho thấy sự phong phú trong nghệ thuật chạm khắc của ông cha ta. Những ván bưng giữa các giá chiêng chạm khắc quần lửa nhọn đầu với đề tài lưỡng long tranh châu. Ở chùa Thái Lạc, thì ván bưng đó chạm khắc hình hai tiên nữ đầu người mình chim, còn ở chùa Bối Khê là phượng hoàng chầu nguyệt. Những trụ đỡ cũng được trang trí với các hình tiên nữ dập dờn trên sóng nước, tay giơ lên đỡ bệ sen, hay hình phỗng (chùa Thái Lạc) và có khi là một đóa mẫu đơn (chùa Bối Khê). Hình tượng tiên nữ thường được chọn làm đề tài trang trí cho các bức ván nong, lúc thì thổi tiêu, kéo nhị hay thổi sáo đánh đàn. Có những bức chạm khác nhạc công thổi sáo và chơi các nhạc cụ dân tộc.

Bố cục cân xứng, đường nét mềm mại, đôi lúc gân guốc nhưng điêu luyện. Những mảng khối đầy đặn ẩn chứa sự chắc khỏe là đặc điểm nổi trội của trang trí thời kỳ này. Ví dụ như cảnh dâng hoa, tấu nhạc trong trang trí chạm khắc ván nong (giữa hai thành xà thượng và xà hạ) chùa Thái Lạc (Hưng Yên). Nhân vật trung tâm là vũ nữ, nhạc công hay có thể là chim thần Kinnari với những lối bố cục đăng đối và bút pháp giống nhau, làm bật lên sự lặp đi lặp lại trong không gian của hình tượng. Sự tương phản về khoảng đặc, khoảng rỗng, giữa sáng và tối đá được trải đều qua phần ván gỗ bằng phẳng với lớp hoa văn ken đặc.

Thứ đến, nét bình dị và hiện thực cũng là một đặc điểm không thể thiếu trong trang trí thời kỳ này. Thậm chí, những hình tượng nghệ thuật mang tính thần thoại như Kinnari vẫn mang những khuôn mặt hết sức thật đẹp, trầm tư của những con người thế tục. Những hình chạm nổ bẹt như hình cây cảnh và dê ngoạm nhánh lá ở hai đầu bệ, hình sư tử và con hổ chạm đá trên bệ thờ chùa Quế Dương (Hà Tây) tựa như những bức họa đơn giản với lối tả thực mạnh mẽ, hình phỗng trên trụ gỗ chùa Thái Lạc với mảng khối chắc khỏe… Nói chung, đề tài mỹ thuật thời Trần rộng hơn ở thời Lý, vì vừa tập hợp hết các đề tài chính thống lại còn có những đề tài gần gũi với dân gian hơn và có tính hiện thực hơn.

Trang trí tháp thời kỳ này đơn giản hơn rất nhiều so với trang trí thời Lý. Các thành bậc cửa vào (quanh tháp Phổ Minh) là hình tượng sấu và rồng quen thuộc. Cửa tháp và các mặt tường trang trí các hình hoa dây. Các tầng trên của tháp Phổ Minh thường thấy trang trí chủ yếu trên mặt gạch với những hình rồng cuộn mây. Trang trí tháp Bình Sơn cũng rất phong phú, ở lớp đế tháp chạm các hình phù điêu sư tử hí cầu, cửa tầng 1 trang trí hình rồng, trên có hình đấu ba chạc xen kẽ giữa các hình sừng tê và hoa lá, nằm gọn trong hình lá đề. Tầng 2 và 3 trang trí hoa dây, đấu ba chạc, cánh sen. Các tầng trên tháp Bình Sơn thì trang trí chủ yếu hình cánh hoa cúc, từ tầng 8 trở lên là hình tháp 5, 6 tầng đang tỏa hào quang tương đối đơn giản xen kẽ hoa chanh, các diềm mái trang trí hoa dây.

Một số đặc điểm về trang trí mỹ thuật phân biệt với thời Lý như sau: hình tượng con rồng thời kỳ này thân thường chạm nổi cao, uốn khúc nhẹ nhàng mềm dẻo và thoải mái, hình khối tròn lẳn, đuôi múp dần. Khác hẳn với hình rồng thời Lý với thân hình thanh mảnh và uốn khúc gò bó. Mào lửa dần mất đi mà có thêm cặp sừng và đôi tay. Hoa sen thời Trần như bệ đá chùa Ngọc Đình (Hà Tây) hay tháp Phổ Minh đều mập và khác với hoa sen thanh dài trong trang trí thời Lý. Cúc dây thời Trần như trên bệ đá chùa Bối Khê hay bia chùa Hướng Đạo (Hưng yên) là dạng hồi văn uốn tròn, thoáng đạt khác với thời Lý cúc dây thường ở trong vòng tròn do đường dây cuốn lại, hai bên dây có hai hàng lá song song. Ngoài tượng tròn, chạm nổi trang trí giống thời Lý, thời Trần có thêm hình trang trí được khắc vạch những nét chìm nông và mảnh như trên đá ở tháp Phổ Minh và các bệ hoa sen khối hộp.

+ Bài trí tượng thờ

Theo sách Tam Tổ Thực Lục cho thấy số lượng tượng Phật được làm rất nhiều, có nhà sư cúng một lần đã cho đúc tới 1300 pho tượng Phật lớn nhỏ. Vua Minh Tông khi mới lên ngôi đã cho đúc ở chùa Siêu Loại ba pho tượng lớn cao 17 thước. Có những tượng kích thước khá lớn như tượng Di Lặc cao 1,6 trượng hoặc hơn nữa. Vào đời Kiến Trung, thứ 7 (1231), “Thượng Hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ”. Nhưng hiện vật về tượng Phật thời Trần cũng như hệ thống bài trí tượng thờ trong chùa như thế nào đến nay vẫn còn chưa xác định được.

Tuy nhiên, ở một số chùa làng, trong điện Phật còn giữ được những bệ thờ bằng đá dài suốt chiều rộng gian giữa khoảng 3m x 1m (4m x 2m) và cao hơn 1m, được người xưa gọi là “Phật bàn” hay “Thạch Phật bàn” là một dạng như nhang án, không có dấu vết đặt tượng bên trên. Có giả thuyết cho rằng có thể người xưa thờ chữ Phật hoặc tranh Phật thay thế cho tượng.

Cho đến ngày nay, chưa tìm được tượng Phật chắc chắn của thời Trần nhưng tìm được khá nhiều bệ ba tượng (thường ghi niên đại cuối thế kỷ XIV). Vậy đến thời Trần, Phật giáo Đại thừa đã khẳng định sự lớn mạnh qua việc thờ ba vị chư Phật Quá khứ, Hiện tại và Vị lai.

- Kết luận phần 2

Trải qua gần 200 năm tồn tại, thời Trần đã đóng góp cho kiến trúc chùa tháp Việt Nam nhiều công trình có giá trị còn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay như tháp Phổ Minh, tháp Bình Sơn… Thừa hưởng một nền kiến trúc đồ sộ thời Lý (từ các công trình, kỹ thuật xây dựng, trang trí…), nền kiến trúc thời Trần giai đoạn đầu mang những ảnh hưởng đặc trưng của kiến trúc thời Lý. Công trình luôn gắn bó với môi trường, cảnh quan đẹp đẽ, vị trí thuận tiện, những bố cục trang trí tinh xảo và cân xứng. Không còn những công trình đồ sộ như thời Lý nhưng những kiến trúc Phật giáo với tầm vóc vừa phải của thời Trần cũng để lại một dấu ấn đáng tự hào trong lịch sử phát triển Phật giáo ở nước ta.

Kế thừa di sản nghệ thuật từ thời Lý, nghệ thuật thời Trần đã phát triển theo một con đường riêng, tạo ra một thời đại phát triển rực rỡ nữa của Phật giáo. Khác với sự tinh vi, trau chuốt trong nghệ thuật thời Lý, phong cách nghệ thuật giai đoạn này giản đơn, khỏe khoắn, như muốn thoát khỏi lễ nghi thể hiện trong từng đường nét chạm trổ và kiến trúc. Trang trí thời Trần đã để lại những nét riêng với hình dáng chắc khỏe, đề tài gần gũi người dân và mang tính hiện thực cao hơn. Tuy nhiên, do chiến tranh của phương Bắc và phương Nam đã hạn chế sự phát triển của kiến trúc thời Trần và mang lại nhiều ảnh hưởng ít nhiều của nền kiến trúc ngoại lai trong các lối bố cục và hoa văn trang trí. Nhưng trên hết, những nét truyền thống dân tộc về cơ bản vẫn được bảo lưu nguyên vẹn trong nền kiến trúc thời Trần, đóng góp không nhỏ vào kho tàng kiến trúc của dân tộc. ❑

Tài liệu tham khảo:
- Lê Mạnh Thát. Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 1 (1999), tập 2 (2001), tập 3 (2002), NXB TP.HCM
- Nguyễn Đức Nùng (chủ biên). Mỹ thuật thời Trần. NXB Văn Hóa Hà Nội 1977.
- Chu Quang Trứ. Mỹ thuật Lý - Trần, Mỹ thuật Phật giáo. NXB Thuận Hoá 1998.
- Trần Lâm Biền. Chùa Việt. NXB VH-TT 1996.
- Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. NXB Văn Học Hà Nội 1979.
- Nguyễn Bá Lăng. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Viện Đại học Vạn Hạnh 1972.
- Nguyễn Duy Hinh. Tháp cổ Việt Nam 1992.

Trần Lan Chi
[Tập san Pháp Luân - số 12, tr.35, 2005]


 

(Kiến trúc Phật giáo qua các thời kì - tiếp theo TSPL.10)

+ Kiến trúc Phật điện

Thời này, chủ yếu các công trình có dạng Tháp là Phật điện - nơi thờ Phật. Các kiến trúc phụ được bố trí xung quanh tháp (thường là công trình chùa có quy mô lớn kiêm hành cung cho vua). Loại nữa có dạng Phật điện có quy mô lớn và không có tháp. Chúng ta không có tài liệu đầy đủ về hình dáng các kiến trúc thời Lý, chỉ có thể phần nào hình dung qua văn bia và một số nền di tích.

Chùa Hướng Nghiêm được mô tả “mái hiên cong cong như trĩ xòe cánh, ngói lợp lớp lớp như vẩy rồng”, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được nhà sư Pháp Bảo viết “Ngắm xem: rường nhà cong cong như cầu vồng mưa quạnh quẽ nhô ra, ngói uyên ương phơi dưới gió như xập xòe muốn lượn, nóc nhà uốn như trĩ bay xòe cánh, đầu chạm trổ như Phượng múa lại chầu. Mái cong lấp lánh dưới mặt trời, hiên lượn quanh co trước gió. Tường vách xung quanh, một cõi bụi trần không lẫn, hành lang bao bọc, bốn mùa hiên cửa thanh hư…” (Sùng Nghiêm Diên Thánh bi ký). Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Lê Văn Hưu cũng ghi “Tường cao ngất trời, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung điện nhà vua”. Các vị vua Lý thấm nhuần giáo lý Phật-đà, không muốn hoang phí xa xỉ vào kiến trúc cung điện, lăng tẩm nguy nga đồ sộ cho riêng mình, mà tập trung vào xây chùa tháp hết sức bề thế, nhìn theo khía cạnh tâm lý người Việt lại có ý nghĩa lớn, biểu hiện cho một sự gắn kết cộng đồng, cũng như lòng từ bi, mối quan tâm đến đời sống tâm linh và đạo đức xã hội thời bấy giờ của triều đình nhà Lý đối với quốc dân.

Bên cạnh kiến trúc các điện Phật, kiến trúc tháp để lại những dấu tích mà ta có thể hình dung ra hình dáng đồ sộ của chúng. Tháp có mặt bằng hình vuông, trong có tượng Phật, các cây tháp đó hòa vào hành lang, giải vũ ở hai bên, những tòa nhà phía sau… để tạo nên một tổng thể vừa dàn trải nhưng đột khởi, vừa thiêng liêng vừa gần gũi. Kiến trúc tháp chùa Phật Tích theo tài liệu khai quật năm 1940 thì có cạnh đáy dài 8,5m, tính theo tỷ lệ tháp cổ thì tháp phải cao đến 42m. Tháp Chương Sơn xây năm 1108 nay đã đổ nát, thì bố cục mặt bằng theo hình vuông và các cạnh dài đến 19m. Kiến trúc tháp Sùng Thiện Diên Linh tại núi Đọi cũng là một công trình lớn “xây mười ba chọc trời, mở bốn mươi hống gió. Vách chạm rồng ổ; xa treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá lợi, tỏa tường quang cho đời thịnh sau này; đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm, hứng móc ngọc dưới bầu trời tạnh ráo. Tầng dưới chia tám tướng khôi ngô; đứng hộ vệ thần dân cầm kiếm… cho nên nhà vua đặt tháp ấy là Sùng Thiện Diên Linh.” (Sùng Thiện Diên Linh bi ký). Tháp Báo Thiên bên bờ hồ Hoàn Kiếm gồm 12 tầng, cao khoảng gần 70m. Hình ảnh của những cây tháp được in trong các viên gạch tháp chùa Phật Tích và trong văn bia cho thấy kiến trúc tháp nhiều tầng chồng lên nhau, càng lên cao càng thu nhỏ, các tầng ngăn cách bằng bộ mái nhô ra bên ngoài. Kiến trúc tháp cao rộng mang lại sự bề thế cho kiến trúc Phật giáo, tạo nên một không khí thiêng liêng. Các cây tháp cao vút lên không trung, như biểu hiện ý chí cao vút trên con đường tìm tới giác ngộ, đồng thời cũng như tỏ tấm lòng triêm ân cao vòi vọi với ơn đức cao dày của Phật Tổ.

Một hình dáng kiến trúc độc đáo của thời Lý được mô tả qua văn bia như sau: “Tôn sùng đạo Phật, hâm mộ thắng nhân, mở chùa Diên Hựu ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước, lo toan thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh chủ, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đoá sen nghìn cánh sen xòe ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Ở sân trước cầu, hai bên tả hữu xây bảo tháp Lưu Ly…” (Sùng Thiện Diên Linh Bi ký). Từ văn bia này cho ta thấy, thời Lý kiến trúc chùa Một Cột mang hình dáng hoa sen mọc trên mặt nước. Ngôi chùa được đặt trên một cột đá cao 20m, ao vuông tượng trưng cho mặt đất. Kiến trúc hiện nay nhỏ hơn kiến trúc trước kia và kết cấu cột gỗ do chiến tranh tàn phá và nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn là biểu tượng kiến trúc không những cho một thời kỳ lịch sử, mà còn cho cả một dân tộc. Các cột đá tìm thấy ở chùa Dạm và cột đỡ tượng Như Lai được miêu tả trong văn bia chùa Linh Xứng cũng thuộc dạng kiến trúc này. Cột chùa Dạm cao 5m gồm chân cột vuông 2m và phía trên cột tròn cao 3m, được gắn liền với một khối đứng giữa một nền tròn đường kính 5m, có ba bậc cao 0,5m, được xây dựng trên một cây cột bằng đá, hoặc tượng Phật ngồi bệ sen, gác chuông hoặc một công trình nhỏ thờ Phật.

+ Vật liệu và kỹ thuật xây dựng

Thời Lý, với vật liệu gạch đá, kiến trúc đã cho phép hình thành nên những cây tháp nhiều tầng. Gỗ, đá, đất nung, đồng... được sử dụng trong các công trình. Đá được sử dụng trong việc xây những phần chịu lực của tháp như tầng đế, cửa cuốn tò vò, trụ góc, và để ghép nền chùa… Những phần trên đòi hỏi nhẹ, người xưa sử dụng các vật liệu như gạch mỏng, đất nung; đặc biệt là phần trên tháp Báo Thiên còn được xây dựng bằng kim loại đồng.

Theo thư tịch, nhiều ngôi tháp có ảnh hưởng vật liệu và phương thức xây dựng từ người Champa. Đó là những viên gạch với độ nung đủ để chạm khắc trang trí ngay trên bề mặt viên gạch, và chất kết dính rất mỏng. Các viên gạch thời Lý còn ghi rõ niên hiệu của vua là thời gian sản xuất, kích thước có nhiều loại, lớn nhất là 40cm x 40cm. Những viên ngói có ngói bản, ngói chiếu, ngói uyên ương…

Qua các di vật còn lại đã cho thấy kỹ thuật xây và chạm khắc đá đã phát triển rực rỡ. Bên cạnh đó, những dấu tích kiến trúc đồ sộ minh chứng cho một trình độ kỹ thuật cao trong xây dựng thời kỳ này. Đó là việc kết hợp đá và gạch gia cố nền móng đã khiến các công trình được xây với chiều cao lớn. Thời Lý chưa thấy chất kết dính, chỉ thấy kỹ thuật xếp, chèn đất, các tảng đá cũng được đục mộng để liên kết với nhau vững hơn. Ngay cả hệ thống nền bó đá giật cấp tại chùa Phật Tích cũng đã được tính toán về kỹ thuật xây dựng và bền vững suốt gần 1000 năm qua do được làm theo lối choãi chân đê với độ chếch khoảng 65 đến 70 độ. Trong từng lớp được chia thành nhiều cấp nhỏ và mỗi cấp lùi vào 1 đến 1,5m tạo nên sự ổn định lớn cho lớp nền.

+ Trang trí, điêu khắc

Các công trình Phật giáo còn lại từ thời Lý - Trần đã có kết hợp cả yếu tố văn hóa Ấn Độ thông qua việc kết hợp nghệ thuật Chàm và một phần văn hóa Hoa và mang đậm chất Phật giáo trong điêu khắc. Các yếu tố văn hóa Ấn có thể thấy trong thẩm mỹ Việt là hình tượng các vũ nữ múa, các tượng chim kiểu Kinnari và chim thần kiểu Garuda... có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được Việt hóa. Nhiều hình trang trí tạo thế thống nhất và mang ý nghĩa Dịch học như sóng nước với mây trời, hoa sen âm với hoa cúc dương.

Tượng tròn hiện còn như tượng sấu đá trên thành bậc chùa Hương Lãng, tượng chim thần trên các con son chùa Chương Sơn (mang ý nghĩa trang trí), tượng sư tử đội đài sen thờ Phật chùa Bà Tấm, tượng thú chùa Phật Tích, hay những tượng A-di-đà, Kim Cương mang tính chất thờ cúng trang trọng.   

Các phù điêu, hoa văn thời này mang nhiều đề tài như rồng chùa Long Đọi, phượng chùa Hương Lãng, tiên nữ chùa Phật Tích, Chương Sơn, sóng nước, hoa lá, con người, cúc dây, hoa sen. Ðường nét thanh tú, mềm mại, không có đường gẫy, được trau chuốt kỹ càng, toàn thể tự nhiên và thoải mái. Các đường lượn có độ cong cực lớn kiểu rồng giun, mức độ sử dụng trang trí bằng đường cong rất lớn. Hình khối thon thả và cân xứng. Con rồng thời kỳ này tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam không pha trộn, đó là con rồng hình rắn, có mào lửa gắn với thân rắn, thân uốn nhiều vòng như hình sin, trên trán thường có chữ S tượng trưng cho các thế lực thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp. Rồng thời Lý thường được bố cục trong khung cảnh sóng nước và mây trời và gói gọn trong một khuôn khổ nhất định như lá đề, hoa sen.

Những hoa văn trang trí được chạm khắc rất tinh vi nhưng đều chứa đựng một khối đại thể đơn giản với bố cục cân xứng hài hòa, dường như không tìm được nét thừa vô lý. Hoa văn thường được chạm trên vách tường, thành bậc cửa, gạch lát, kèo cột… Hoa văn lan tỏa xung quanh hoa văn trung tâm. Bố cục hoa cúc, sóng nước được lặp đi lặp lại thành dải. Bố cục trang trí phân tầng, phân lớp. Bố cục hướng tâm (có hoa văn trung tâm trong một khung khép kín), bố cục hình dải (hoa cúc, dây hình chữ công)...

+ Bài trí tượng thờ

Hệ thống tượng Phật ở thời kỳ này qua sử sách và bi ký để lại có các tượng như Phật A-di-đà, Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật Di Lặc, Kim Cương.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi “Vua sai thợ tạc hơn nghìn pho tượng Phật, vẽ hơn nghìn bức tượng Phật”. Bia chùa Linh Xứng ghi rõ, chính giữa là “Ngũ tứ Như Lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi trên mặt nước”. Bia chùa Quỳnh Lâm ghi “vị sư Không Lộ thượng đức dựng pho tượng Di Lặc cao 6 trượng”. Còn tượng chùa Long Đọi được ghi lại qua văn bia Sùng Thiện Diên Linh như sau: “Lại có đài cao thất bảo, xếp thành một dãy, chính giữa có ngọn núi vàng. Đặt tượng đẹp Đa Bảo Như Lai, bày chân hình xe pháp mấy tầng… Thứ đến hai tòa bạch ngân; bên tả đặt chân dung tượng A-di-đà, phía hữu để xá lợi của sắc thân mầu nhiệm. Chiều cao mở ra thế khỏe; vẻ đẹp phô rõ mái cong. Long lanh ngỡ tuyết trắng đang tan, rực rỡ ắt trăng thu vằng vặc. Thứ nữa có hai tòa điểu văn, bên tả đặt thân mẫu Quảng Bác, phía hữu đặt diệu tướng Bồ-đề…”. Theo tấm bia chùa Diên Phúc mô tả khi ấy, điện thờ Phật có hình vuông. Cao nhất thờ Quan Thế Âm, hai bên thờ Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ-tát. Bậc dưới thờ Tứ vị Thiên vương, hai bên điện thờ có hành lang đặt Bát Bộ Kim Cương, phía ngoài có tam quan thờ Hộ pháp, thờ Thổ thần và Sư tổ. Ngoài tháp thờ Phật thì thời này chỉ còn di vật khảo cổ được là những chân tảng và nền cho thấy sự ra đời của các điện thờ Phật bằng kết cấu gỗ.

Tuy nhiên, chỉ còn tượng A-di-đà tại chùa Phật Tích và tượng Kim Cương tại chùa Long Đọi là còn lại tương đối nguyên vẹn đến ngày nay.

- Kết luận phần 1

Thời Lý có thể khẳng định là một giai đoạn phát triển rực rỡ của kiến trúc Phật giáo. Nền kiến trúc Phật giáo suốt 2 thế kỷ của nhà Lý thể hiện cho sự lớn mạnh chung của nền văn hóa dân tộc, phần nào thể hiện được chủ quyền và độc lập của quốc gia. Trong đó, kiến trúc Phật giáo thời Lý là cơ sở vững chắc và là nền tảng cho kiến trúc Phật giáo về sau. Kiến trúc Phật giáo thời Lý tiêu biểu cho giá trị nghệ thuật của Phật giáo Việt Nam và của cả dân tộc chứ không chỉ riêng cho một thời.

- Kiến trúc thời Lý vừa có quy mô lớn vừa gần gũi với cuộc sống và con người. Kiến trúc có hình dáng, bố cục phong phú nhưng vẫn bảo đảm tính bền vững, phù hợp với một quốc gia nhiệt đới. Dù là những kiến trúc lớn như tháp cao, nhà rộng hay những di vật nhỏ như bia, tượng đá… đều mang một giá trị bền vững rất cao, kết cấu chắc chắn và mang tính thực tiễn rất lớn. Bên cạnh kiến trúc, nghệ thuật tạo hình thời Lý tuy còn ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai nhưng đã tạo được cho mình một chất Việt, thể hiện phong cách dân tộc độc đáo, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
- Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật giáo Việt Nam tập 1 (1999), tập 2 (2001), tập 3 (2002), NXB Tp.HCM.
- Trần Lâm Biền, Chùa Việt, NXB VH-TT 1996.
- Nguyễn Đăng Du. Văn hóa Tâm linh. NXB VH-TT 2001.
- Chu Quang Trứ. Mỹ thuật Lý-Trần, Mỹ thuật Phật giáo, NXB Thuận Hóa 1998.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học Hà Nội 1979.
- Nguyễn Bá Lăng, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Viện Đại học Vạn Hạnh 1972.
- Các tài liệu văn bia thời Lý của Viện Mỹ thuật.

Trần Lan Chi
[Tập san Pháp Luân - số 11, tr.34, 2005]


 

Phật giáo là tôn giáo lâu đời và lớn nhất ở nước ta, đồng thời Phật giáo cũng có ảnh hưởng sâu rộng, bao quát nhất ở các địa phương so với các tôn giáo khác. Vì tôn chỉ của Phật giáo luôn thích hợp với mọi thời đại, như là mang đến tình thương, lòng từ bi, an lạc, hạnh phúc và hòa bình đến cho nhân sinh và toàn thể chúng sinh.

Với lịch sử phát triển trải hơn 2000 năm, Phật giáo từ tôn giáo ngoại lai đã trở thành tôn giáo tâm linh bản địa. Sau khi con người Việt Nam tiếp nhận Phật giáo như một chỗ dựa, một niềm tin về tinh thần thì họ cũng đã trở thành những chủ thể sáng tạo ra biết bao công trình Phật giáo, mang đậm tính dân tộc và ý nghĩa Phật giáo như hệ thống chùa, tháp, tượng Phật... Những sản phẩm đó là sự chắt lọc sức sáng tạo của con người, đồng thời nói lên vị thế và tầm quan trọng của Phật giáo trong lịch sử, cũng như khẳng định ý nghĩa to lớn của tôn giáo này trong thời đại ngày nay-được xem là một phần quan trọng trong hệ thống những Di sản văn hóa vật thể của dân tộc.

Giai đoạn đầu khi Phật giáo được truyền vào nước ta (từ đầu Công nguyên đến thế kỷ IV), Phật giáo chỉ là những am miếu thờ Phật, tương đối gần gũi với những điện thờ tổ tiên theo tín ngưỡng nguyên thủy mà người Việt rất mực coi trọng. Hệ thống các ngôi chùa Tứ Pháp mà ta còn thấy hiện nay, là những ngôi chùa khởi thủy cho việc Phật giáo từ Ấn Ðộ được trực tiếp du nhập vào Việt Nam. Cho đến thế kỷ V-VI, thư tịch cho biết trên đất Giao Châu có đến 20 chùa tháp. Ðến cuối thế kỷ VI cho đến hết thời kỳ Bắc thuộc, những ngôi chùa cũng không để lại dấu vết gì ngoài ghi chép vắn tắt của thư tịch. Dưới những thời kỳ tự chủ của nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Ðinh, Tiền Lê (thế kỷ X), tuy Phật giáo thịnh nhưng do thời gian tồn tại của các triều đại không dài nên không dựng chùa xây tháp nhiều, chỉ còn biết đến qua những di vật như cột đá khắc những câu kệ và chú thời Đinh, và tên chùa Khai Quốc được khởi dựng thời tiền Lý.

Các triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần... nối tiếp nhau và được hưng thịnh một phần nhờ dựa vào giáo lý từ bi, trí tuệ, bình đẳng, giải thoát và tự chủ của Phật giáo. Xã hội biến động dẫn đến những thay đổi nhất định trong bộ mặt kiến trúc dân tộc. Ðối với kiến trúc chùa cũng không nằm ngoài quy luật đó, nghệ thuật trang trí, tạo hình nâng cao, phong cách kiến trúc từng thời kỳ có nhiều biến đổi, mỗi thời kỳ lại mang dáng dấp và thể hiện một cách rõ ràng dấu ấn của xã hội đương thời.

Do đó, nghiên cứu tổng quan về kiến trúc chùa Việt Nam trong tiến trình phát triển Phật giáo cũng như quá trình thích ứng của nó ở xã hội Việt Nam góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị cần gìn giữ của chùa truyền thống và áp dụng những giá trị đó trong các công trình Phật giáo trong tương lai.

Các công trình kiến trúc Phật giáo khởi dựng từ thời Lý hiện còn tồn tại đến ngày nay, qua các di tích và di vật sẽ là đối tượng nghiên cứu chính của bài viết. Danh mục các công trình được liệt kê trong các di tích tiêu biểu của từng thời kỳ, gồm những công trình nổi tiếng được khởi dựng trong thời kỳ đó. Các nhà nghiên cứu thường chia công trình theo đặc trưng mỹ thuật từng thời trên các trang trí cấu kiện. Do đó, phần nghiên cứu kiến trúc các công trình Phật giáo cho từng thời chủ yếu nghiên cứu các công trình mang phong cách mỹ thuật đặc trưng theo niên đại xây dựng và trùng tu toàn phần mới nhất. Đó là những ngôi chùa hiện còn tồn tại với những phong cách kiến trúc và mỹ thuật đặc trưng nhất của từng thời kỳ thể hiện qua khu trung tâm. Phân loại theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật đi trước thì có phong cách mỹ thuật thời Lý, phong cách mỹ thuật thời Trần, phong cách mỹ thuật thời Lê Sơ, phong cách mỹ thuật thời Mạc, phong cách mỹ thuật thời Nguyễn... gắn liền với nó là những công trình mang dáng dấp và hình thức khác nhau. Ví dụ một ngôi chùa như chùa Láng khởi dựng từ thời Lý thì được liệt kê trong các công trình kiến trúc khởi dựng vào thời Lý. Nhưng kiến trúc khu trung tâm chùa Láng hiện nay chủ yếu được làm mới dưới thời Nguyễn, do đó bài viết xếp chùa Láng vào các ngôi chùa mang phong cách Nguyễn và không nghiên cứu trong kiến trúc Phật giáo thời Lý.

Phần 1- Kiến trúc Phật giáo thời Lý (1010-1225)

- Tình hình phát triển Phật giáo thời Lý

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Đại La, lập nên nhà Lý. Nhà Lý tồn tại hơn 200 năm với tám đời vua (Lý Bát đế) không kể Lý Chiêu Hoàng (1225). Tám đời vua gồm:

Lý Thái Tổ (1010-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127), Lý Thần Tông (1127-1138), Lý Anh Tông (1138-1175),

Lý Cao Tông (1176-1210),

Lý Huệ Tông (1211-1224).

Thời Lý, đất nước độc lập và thống nhất, những tư tưởng tích cực của đạo Phật như từ bi, vô ngã đã có được một chỗ đứng vững chắc nhất trong lịch sử. Các thiền sư Lý Khánh Vân và Lý Vạn Hạnh góp phần đưa sự tổng hòa giữa văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa thành văn hóa Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo, thế kỷ XI, Phật giáo trở thành quốc giáo, nhà sư Thảo Đường được vua Lý Thánh Tông chọn làm quốc sư và đã lập ra thiền phái thứ 3 tại Việt Nam.

Phật giáo được trọng vọng, được truyền bá rộng rãi trong quần chúng, chùa chiền được khởi dựng rất nhiều, song các di tích và di vật hiện còn rất ít. Như trong đời vua Lý Thái Tổ, ngài đã cho xây dựng hơn 300 ngôi chùa và sửa chữa các ngôi chùa đã hư nát. Riêng năm 1031, triều đình đã phát tiền kho làm chùa quán ở 950 nơi. Ỷ Lan hoàng hậu cũng xây dựng hơn 100 ngôi chùa… Không những vua, vương hầu khanh tướng xây dựng và tu bổ hàng loạt công trình khắp nơi mà nhân dân cũng một lòng góp công, góp của vào việc xây dựng chùa tháp.

- Những công trình Phật giáo tiêu biểu trong thời Lý

Các di tích Phật giáo thời Lý chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều nhất là ở Thăng Long, Bắc Ninh và Nam Định.

+ Chùa Diên Hựu hay gọi là chùa Một Cột (Hà Nội), khởi dựng năm 1049 dưới đời vua Lý Thái Tông tại Thăng Long. Chùa nhỏ nhắn, thanh thoát nhẹ nhàng, mang hình dáng một bông hoa sen. Chùa ngày nay được xây dựng lại năm 1955.

+ Chùa Phật Tích - Vạn Phúc tự (Bắc Ninh), khởi dựng năm 1057. Di vật hiện còn là tượng A Di Đà bằng đá, một hệ thống tượng đá gồm 10 con giống như voi, lân, trâu, ngựa…, ba lớp nền bằng đá, những di vật mang họa tiết trang trí lá đề, hoa sen, rồng, phượng… Đầu tượng đá Kim Cương, chim thần đánh trống cơm.

+ Chùa Dạm - Thần Quang tự (Bắc Ninh), ngoài cột đá chạm rồng vờn sóng nước chùa Dạm, hiện chỉ còn bốn cấp nền xẻ vào sườn núi bó đá với bực thềm giữa dài 16 mét, đầu tượng Kim Cương bằng đá.

+ Chùa Long Đọi - Diên Linh tự (Nam Định) khởi dựng từ năm 1054 dưới đời vua Lý Thánh Tông. Tháp Sùng Thiện Diên Linh (1118 – 1121) xây dưới đời Lý Nhân Tông. Chùa bị phá hủy hoàn toàn từ thế kỷ XV, sau đó được dựng lại vào thời Mạc, kiến trúc hiện nay là thời Nguyễn, hiện đang trong giai đoạn trùng tu lại. Các di vật còn lại là bia Sùng Thiện Diên Linh, tượng Kim Cương, nền tháp Sùng Thiện Diên Linh.

+ Chùa Chương Sơn (Nam Định), các di vật hiện còn như nền tháp bằng đá, lan can đá tạc hình vũ nữ thiên thần, những thớt tròn đá chạm rồng có hoa dây, rồng và hoa sen, tượng đầu người mình chim Kinnaras và tượng Phật bằng đá.

+ Chùa Bà Tấm - Sùng Phước tự (Hà Nội), hiện còn hai đầu sư tử đội tòa sen bằng đá, thành bậc đá có tượng con sấu và chạm hoa dây chim phượng.

+ Chùa Láng – Chiêu Thiên tự (Hà Nội) chùa được xây thời Lý Thần Tông, toàn bộ chùa ngày nay được xây lại vào thời Hậu Lê. Chùa đã được trùng tu lại nhiều lần, kiến trúc khu trung tâm hiện còn là kiến trúc thời Nguyễn, chùa mới được trùng tu năm 1989.

- Đặc điểm kiến trúc

+ Vị trí, thế đất

Nét đẹp sơn thủy hữu tình hài hòa với kiến trúc Phật giáo làm tôn giá trị kiến trúc lên và gắn bó với kiến trúc lâu dài đã được sử dụng triệt để trong thời Lý. Như lời nhà sư Pháp Bảo được khắc trong văn bia chùa Linh Xứng “Hễ có cảnh đẹp núi non thì không nơi nào là không xây dựng chùa chiền” .

Địa thế chùa Long Đọi được Phạm Công Bật ghi trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh như sau “Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng, mặt sông như lụa biếc trải ra, lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm xanh thêm sáng. Bên hữu khống chế bình nguyên trông tới lũy xưa Càn Hưng. Bên tả men theo sông, quanh Hán Thủy để ra khơi…” .

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được nhà sư Pháp Bảo mô tả “Phong cảnh vẫn nguyên, hai cửa khuyết khống chế phía trước, ba dòng sông ủng hộ phía sau. Thanh tĩnh, tĩnh mịch, thực là nơi trụ trì của nhà Phật, nơi gửi gắm tâm tư của Bồ-tát…” (Sùng Nghiêm Diên Thánh bi ký).

Chùa Linh Xứng cũng được nhà sư này viết về phong cảnh địa thế như sau “Chân núi quanh co bên bờ nước, đâu phải núi đồi Dĩ, Hổ, lại không vách đứng tường cao bóng lam ngùn ngụt, sắc thủy đậm đà, quanh quất làng xa…” (Linh Xứng bi ký).

Từ các văn bia để lại và từ dấu tích, từ thực địa, ta thấy đặc điểm xuyên suốt cho các đại và trung danh lam thời Lý là chọn địa hình cao. Các chùa tháp thường được xây trên các triền núi nơi có phong cảnh đẹp, lấy núi làm chỗ dựa, xung quanh là đồng bằng. Ví dụ chùa Dạm trên núi Dạm (Bắc Ninh), chùa Phật Tích trên núi Lạn Kha (Bắc Ninh)… Các lớp nền chùa Dạm, Phật Tích cho thấy, các cấp nền dựa vào thế núi, được người xưa bạt thành những tầng bậc bằng phẳng và rộng rãi để xây chùa và dựng tháp. Với những núi thấp thì chùa, tháp chính thường được xây dựng trên đỉnh núi như chùa Long Đọi và tháp Diên Linh trên núi Đọi (Nam Định), tháp Chương Sơn trên núi Ngô Xá (Nam Định)… Nếu không có núi người xưa cũng tìm nơi đất cao để xây dựng chùa tháp như chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Hương Lãng (Hưng Yên)…

Núi đồi cao, cây cối, phong cảnh chung quanh tạo nên không gian thanh bình, tịch mịch và tăng thêm phần trang nghiêm, thoát tục cho công trình. Nhưng những người kiến tạo chùa cũng chọn những địa điểm cao giữa một vùng đồng bằng rộng xung quanh, khiến công trình Phật giáo mang một giá trị thực tiễn là chinh phục người dân trên một diện rộng, để đạo không tách biệt mà có những gắn bó và ảnh hưởng nhất định với đời.

Một đặc điểm nữa dễ nhận thấy là các chùa tháp đều gắn bó với sông nước ao hồ nhất là sông tạo nên những phong cảnh “sơn thủy hữu tình”. Những công trình ở địa thế xa sông cũng thường thấy được xây dựng những con ngòi nối với sông. Đặc điểm này cũng mang một giá trị thực tiễn lớn vì ven sông thường là nơi tập trung dân cư và sông là hệ thống giao thông thuận tiện thời bấy giờ giúp cho việc đi lại và chuyên chở vật liệu xây dựng công trình.

+ Tổ hợp không gian

Các nhà nghiên cứu đi trước đã dựa vào thực địa và thư tịch có thể chia chùa thời Lý làm 4 loại khác nhau, loại thứ nhất là kiểu chùa dựng trên 1 cây cột (chùa Một Cột) phát triển đến kiến trúc tháp. Chùa loại hai là chùa có quy mô lớn kiêm hành cung để vua nghỉ ngơi khi du ngoạn. Loại chùa thứ ba không có tháp, không phải hành cung nhưng cũng rất lớn, phát triển theo chiều sâu theo trục thần đạo và nâng cao dần, khu điện thờ bố cục gần giống mặt bằng của tháp. Cuối cùng là các chùa nhỏ nằm trong thôn xóm cơ bản chỉ là cái am cho nhà sư tu dưỡng, và sau đó được mở mang trong khuôn khổ gọn nhỏ.

Khuôn viên của các công trình Phật giáo thời kỳ này thường có những bố cục cân xứng, hài hòa với môi trường xung quanh, đưa kiến trúc và cảnh quan thành một thể thống nhất. Sắp xếp bố cục nhà cửa, tháp, hành lang được nhắc đến trong văn bia chùa Linh Xứng là một ví dụ điển hình “Chùa ở phía Nam núi. Trai phòng ở hai bên…Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân.” (Linh Xứng bi ký)

Dưới thời Lý, chùa tháp dạng Ðại hoặc Trung Danh lam được kiến tạo rất nhiều và tương đối đồ sộ so với các thời kỳ sau. Rất nhiều tháp được xây dựng như tháp Tường Long, Chương Sơn, Long Ðọi, Linh Xứng... Dạng kiến trúc này có thể dựa theo việc bố trí tháp mà phân thành hai loại:

+ Loại tháp là trung tâm, những cây tháp thời kỳ này là kiến trúc chính của toàn cảnh chùa và chính thức là điện thờ Phật, trong lòng tháp có đặt tượng Phật, tháp thường xây trên lưng chừng hoặc giữa đỉnh núi, lấy núi làm nền để tôn thêm vẻ bề thế của mình. Các kiến trúc phụ làm Tăng phòng được bố trí xung quanh cây tháp. Kiến trúc của các ngôi chùa thời Lý là các ngôi tháp. Tháp chính là chùa, đồ sộ, và chiếm giữ một tầm nhìn rộng lớn.

+ Dạng bố cục kiến trúc nữa có thể kể đến nhờ vào tư liệu khảo cổ học là chùa có các công trình dựa vào thế núi, sắp xếp theo lớp trước sau đi sâu vào trong và lên cao dần. Ví dụ chùa Tiên Du Phật Tích tại Bắc Ninh, lớp nền thứ nhất bày tượng các con giống, lớp thứ hai đặt các Tăng phòng, lớp thứ ba xây tháp thờ Phật.

Tổ hợp không gian thay đổi tùy theo địa hình, nhưng chủ yếu công trình vẫn cân xứng, đăng đối quy tụ về một tâm điểm là cây tháp thờ Phật hoặc đăng đối theo một trục dài.

Các công trình kiến trúc thời này đều có hướng quay về hướng Nam, hướng phù hợp với khí hậu bản địa.

Trần Lan Chi (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 10]