Khai thác công nghệ truyền hình phục vụ hoạt động hoằng pháp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một số ý kiến vẫn coi công nghệ truyền hình như một cái gì đó đối lập với Phật giáo.

 

Một số ý kiến vẫn coi công nghệ truyền hình như một cái gì đó đối lập với Phật giáo. Truyền hình “vọng động”, trong khi đạo Phật thì an tĩnh. Truyền hình xoáy sâu vào phần sắc tướng, âm thanh, trong khi việc tu tập hướng đến việc lìa xa sắc tướng, âm thanh. Thực sự truyền hình mà ta xem mỗi ngày hình ảnh biến chuyển như một loại “tâm viên ý mã”, hết sức cụ thể, rõ ràng. Cho nên, đến chùa, chúng ta khó có thể tìm thấy một cái TV, dù rằng một phương tiện có vẻ tương tự, chiếc máy vi tính, thì không hiếm.

Bài viết này nhắm đến mục đích chứng minh công nghệ truyền hình chỉ là một thứ “giấy” của thời hiện đại, và đó là một phương tiện hết sức hữu hiệu trong việc truyền bá Phật pháp.

Hiểu đúng về truyền hình

Hiện nay, chúng ta sử dụng từ “truyền hình” chủ yếu để chỉ khái niệm mà tương đương trong tiếng Anh được biểu thị bằng từ “broadcast”. “Truyền hình” – “broadcast” được hiểu ở đây là truyền hình phát sóng quảng bá, thực ra chỉ là một bộ phận của khái niệm truyền hình thật sự mà thôi. Truyền hình, hiểu theo đúng nghĩa của từ “TV”, viết tắt từ “Television”, hàm chứa trong nó nhiều khái niệm. “Truyền hình” – “Television” bao gồm cả broadcast, các sản phẩm video, cable và gồm cả truyền thông đa phương tiện (multi media).

Một chương trình truyền hình, khi đem phát sóng rộng rãi thì thuộc về broadcast, khi phát hành dưới dạng băng, dĩa thì là sản phẩm video, khi phát đến người xem bằng các phương thức, công nghệ phục vụ riêng cho việc bán chương trình thì được gọi là “cable” (chúng ta thường dịch bằng cụm từ “truyền hình cáp”). Còn khi truyền đến người tiếp nhận qua con đường công nghệ thông tin, thì được coi thuộc lãnh vực multi media. Các khái niệm, từ vựng vẫn còn lộn xộn, không chính xác, không có ranh giới rạch ròi.

Nhưng, qua nội dung trình bày ở trên, thì khái niệm “truyền hình” nếu hiểu đúng là rất rộng. Truyền hình không chỉ là phát hình qua các kênh sóng. Truyền hình là việc truyền tải các chương trình hình ảnh gồm cả âm thanh đến người xem (gồm cả việc nghe), bằng nhiều phương thức: qua làn sóng, qua dây dẫn, qua các bản in sang… Và theo cách hiểu như vậy, truyền hình không có gì là đối lập với đạo Phật, mà trái lại, là một phương tiện mà đạo Phật có thể khai thác, sử dụng.

Cuộc sống “vọng động” biến đổi, nên truyền hình được thực hiện bởi những người đang tham gia vào cuộc đời biến đổi “vọng động” đó, sẽ phản ảnh tính chất “vọng động”, biến đổi đó của cuộc đời. Bản chất của truyền hình không “vọng động”, biến đổi. Nó chỉ là cuộc đời, nếu ghi trên giấy, chúng ta có báo chí, ấn phẩm văn học như tiểu thuyết, bút ký, thơ ca… thì nếu ghi lên phim, băng từ, dĩa, và hiện nay là trên thẻ nhớ, trên ổ cứng…, chúng ta sẽ có truyền hình. Khán giả truyền hình, người  tiếp nhận hình ảnh được ghi lại đó, có thể qua nhiều phương thức: broadcast cable, sản phẩm video hoặc multi media. Tiếp nhận bằng cách gì thì cũng phải qua màn hình, còn phương thức kỹ thuật chỉ là chuyện trước khi đến màn hình. Màn hình có thể là TV, cũng không hẳn phải là TV (dùng để thu đài), mà đó có thể là một monitor video hay máy tính. Những phương tiện đó đều có chung một nhiệm vụ là tái hiện những hình ảnh đã ghi lại, được cung cấp bằng những phương thức khác nhau.

Như vậy, bản chất của truyền hình không có gì là “vọng động”, biến đổi cả. Nếu chúng ta ghi những hình ảnh tĩnh, và xem trên giấy hay màn ảnh đèn chiếu (ngày nay có thể xem trên màn hình video, monitor vi tính), chúng ta có nhiếp ảnh, thì với những hình ảnh có chuyển động trên màn hình TV, video, máy tính… chúng ta có truyền hình. Ở nhiếp ảnh, nếu chúng ta có ảnh chư Phật, chùa chiền, sư tăng, những hình ảnh mà chúng ta vẫn thường sử dụng cho hoạt động hoằng pháp, chúng ta có nhiếp ảnh đạo. Thì với những hình ảnh động với nội dung đạo pháp như trên, dù truyền rộng rãi trong không gian (broadcast), hay xem qua các phương tiện chuyển giao có thu tiền (cable) hay xem trên băng từ, đĩa VCD, thẻ nhớ…, hoặc qua đường truyền công nghệ thông tin, chúng ta sẽ có “truyền hình đạo”, một công cụ hết sức hữu hiệu cho công cuộc hoằng pháp.

Hiểu truyền hình như vậy, Phật giáo chúng ta đã có một dạng “truyền hình đạo”. Hiện nay, các hoạt động truyền bá Phật pháp như: hành lễ, thuyết pháp, hành hương, luận đạo… đã được ghi trên băng hình, trên đĩa hình (VCD, DVD). Cũng đã có những vở cải lương, phim, ca nhạc… về đề tài Phật giáo ghi trên dĩa, trên băng được Nhà xuất bản Tôn Giáo xuất bản. Do đó, “truyền hình đạo” xem như đã được sơ khởi hình thành một phần. Truyền hình, trong thực tế, đã trở thành một phương tiện hoằng dương chánh pháp trong thời đại mới.

Truyền hình, một thứ “giấy” trong thời đại mới

Qua nội dung đã trình bày ở trên, với cách hiểu truyền hình như đã mô tả, thì việc đối lập truyền hình với đạo là ý kiến không thích hợp trong thời đại mới. Phim nhựa 16mm, băng ghi hình analog trước đây, hay dĩa VCD, DVD, băng video số, thẻ nhớ, ổ cứng… hiện nay, không khác gì là những tờ giấy trắng.

Nếu thời đức Phật còn hiện tiền đã có các camera và phương tiện ghi hình, thì ngày nay, chúng ta sẽ có được những bản kinh truyền hình vô cùng sống động và hết sức quý giá. Trong giai đoạn đầu sau khi Phật Niết bàn, kinh điển được lưu hành bằng phương thức đọc tụng. Sau đó, kinh được chép lên lá, được khắc lên đá, lên cây, được in lên giấy bằng mộc bản. Sau kỹ thuật in lên giấy bằng mộc bản, chúng ta có nhiều kỹ thuật in khác như  roneo, typo, offset…, trong phạm vi hẹp có in kim, in laser... Dù in hay viết lên giấy gì, lên lá bối hay giấy Fo A4 hiện đại, in bằng mộc bản, hay máy laser…, những bản kinh, rốt lại chỉ là những “biên bản” trên giấy ghi lại lời Phật, giúp chúng ta tiếp nhận ý Phật. Trong nhiều thế kỷ, chùa là nơi in ấn, tàng trữ, lưu hành, phổ biến những bản kinh giấy; những tác phẩm triết học, văn học Phật giáo trên gỗ, trên giấy các loại, thì tại sao chùa không thể là nơi tổ chức sản xuất, nhân bản, phát hành, lưu trữ những chương trình truyền hình Phật giáo, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật, học thuật Phật giáo trong thời đại mới?

Hiện nay, số người đọc sách chắc chắn đã giới hạn hơn số người xem truyền hình (qua phát sóng, cable, sản phẩm video…). Bên cạnh “văn hóa đọc”, “văn hóa xem” đã được hình thành trong hơn 5 thập kỷ qua và đang phát triển mạnh mẽ. Các thống kê cho thấy, ở hầu hết các nước, số giờ xem truyền hình trung bình của công chúng là khoảng 2-3 giờ một ngày. Ở một số nước phát triển, giờ xem truyền hình trung bình của một người là 4-5 giờ/ngày. Truyền hình ngày càng giữ một vai trò hết sức lớn lao trong đời sống văn hóa của con người. Thời đức Phật, những người con Phật chưa có kỹ thuật in nên chỉ hoằng pháp bằng cách đọc tụng. Nhưng khi kỹ thuật in ấn theo các phương thức cổ truyền bắt đầu phát triển, sách vở trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của con người những thế kỷ trước, thì những người con Phật - những nhà sư và cư sĩ - đã mau chóng khai thác các kỹ thuật in ấn (lúc đó là những kỹ thuật truyền thông tiên tiến hơn cả) để phục vụ cho công cuộc hoằng pháp. Nhờ đó, ngày nay chúng ta còn lại những bản kinh, sách cổ do các tăng sĩ khắc in, lưu trữ trong các chùa.

Đến nay, trước sự phát triển những công nghệ mới, phát sinh những nhu cầu mới, nếu người làm công việc hoằng pháp không nhanh chóng nắm bắt, sử dụng, khai thác những phương thức kỹ thuật mới phục vụ cho việc hoằng pháp, lợi sinh thì chúng ta sẽ mất những cơ hội lớn mà thời đại đã mang đến cho chúng ta. Nếu các tác phẩm phục vụ truyền bá Phật giáo trong thời gian ngay sau khi đức Phật nhập diệt là những tác phẩm truyền miệng, đọc tụng; trong thời gian chưa có kỹ thuật in mộc bản là những tác phẩm chép trên lá, trên thẻ tre, khắc trên đá; là những bản in mộc bản từ thế kỷ XIX trở về trước; là những bản in bằng nhiều các kỹ thuật khác nhau trong thế kỷ XX, thì trong thế kỷ XXI, một bộ phận lớn các tác phẩm truyền bá Phật giáo phải là những tác phẩm ghi hình, tức là phải được thực hiện và phát hành bằng công nghệ truyền hình. Có như vậy, những tư tưởng Phật giáo mới có điều kiện để thâm nhập vào đông đảo quần chúng hiện đại, tạo thuận lợi để số đông quần chúng có thể tiếp nhận và hành trì đạo Phật.

Truyền bá Phật giáo qua sách báo, không những đòi hỏi người tiếp nhận phải biết chữ, mà còn đòi hỏi ở họ tập quán đọc. Đó là những yêu cầu không phải là dễ thỏa mãn. Trên toàn thể dân số, tỷ lệ những người đọc được và chịu đọc không phải là đa số. Vì vậy, cần hướng đến tỷ lệ đa số còn lại. Nếu số đông này chưa hưởng được “pháp vị” qua những trang giấy, thì cần giúp họ hưởng được “pháp vị” qua những phương tiện gần gũi và thích hợp với họ hơn, thí dụ như màn hình TV.

Hiện nay, đến chùa, chúng ta có ấn tượng đẹp đối với những tu sĩ ngồi đọc sách, nhất là sách chữ Hán. Nhưng, nếu vị tu sĩ ngồi trước màn hình TV thì sao? Vấn đề ở chỗ trên màn ảnh TV là gì? Như thế, mục tiêu cần được nhắm đến không phải là không có TV ở chùa, mà trái lại, cần có và có ngày càng nhiều những chương trình truyền hình truyền bá giáo pháp trên TV ở các chùa, trên TV ở mọi nhà, đông đảo người xem, cả Phật tử lẫn Tăng sĩ, và nhất là những người chưa đến được với đạo Phật.

Xin dẫn một ví dụ để kết thúc. Lúc nhỏ, người viết được bà ngoại thỉnh từ chùa về cho đọc những tập sách Truyện cổ Phật giáo. Tinh thần những câu chuyện Phật giáo đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ con cháu của bà trong những năm giữa và cuối thể kỷ trước. Đến nay, những tác phẩm đó vẫn còn, nhưng thế hệ cháu cố của bà không chịu đọc nữa vì các cháu bây giờ thích xem truyền hình hơn, và cái TV trước mặt trẻ con ngày nay lúc nào cũng có thể thỏa mãn nhu cầu xem của chúng. Không cần phải mua băng, mua dĩa (với giá tiền rẻ hơn sách rất nhiều), trên hệ thống truyền hình cáp, truyền hình số tổng cộng đã có đến vài chục kênh truyền hình hoạt họa trong số hàng trăm kênh truyền hình. Nếu không có những bản Truyện cổ Phật giáo mới bằng truyền hình, thì rõ ràng, những tư tưởng thâm sâu và bổ ích trong kho tàng truyện cổ Phật giáo chắc chắn không còn cơ hội để đi sâu vào lòng trẻ em ngày nay. Cần phải có ngay Truyện cổ Phật giáo trên những trang giấy mới, bằng những công nghệ của thời đại mới. Đó là nhu cầu tất yếu và khách quan của thời đại mà những người làm công việc hoằng pháp không thể không tính đến.

Trong khuôn khổ có hạn, bài viết này chỉ mới đặt vấn đề nhìn nhận lại truyền hình, xem đó là một phương tiện hữu hiệu để hoằng pháp, thay vì đối lập hoạt động truyền hình với việc tu học. Những vấn đề khác như: Các tôn giáo bạn đã khai thác truyền hình phục vụ hoạt động truyền bá như thế nào? Các quốc gia, tổ chức Phật giáo đã khai thác truyền hình phục vụ hoạt động hoằng pháp ra sao? Những đặc trưng gì cần lưu ý khi khai thác truyền hình phục vụ hoằng pháp?..., sẽ được đề cập đến trong những bài sau, nếu có dịp.

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 25, tr.59, 2006]