Vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Người ta kể rằng, ở Ấn Độ, trong cái nhộn nhịp của cuộc sống, con người thường nghe văng vẳng tiếng gọi: “Hãy chở ta sang bờ bên kia”. Đó là tiếng gọi của con người khi “cảm thấy rằng mình còn chưa đến đích” (Tagore). Nhưng cái “bờ bên kia” ấy lại gợi chúng ta những liên tưởng thú vị.

Nó không phải là bờ bên kia của một dòng sông, hiện hữu trong giới hạn của đất trời. Nó chính là “bờ ta” nhưng lại tồn tại trong cõi mông lung mà ta cần phải soi rọi, phải hướng đến trong tiếng gọi tha thiết từ cõi lòng mình. Cõi mông lung đó “chính là tâm hồn, tâm thức, tâm linh, là những điều gì diễn ra trong tầng sâu ý thức, trong bộ não, trái tim của con người trước khi thể hiện ra ngoài...”

Nhưng tâm linh là gì? Cho đến nay, vẫn chưa có định nghĩa nào về “tâm linh” “đầy đủ và sáng rõ”. Theo Từ điển tiếng Việt: “Tâm linh là khả năng đoán trước những điều sắp xảy ra theo quan niệm duy tâm” (tr.264). Theo tác giả cuốn Văn hóa tâm linh: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”. Còn với một số tác giả khác, tâm linh “thường được  hiểu như đời sống tinh thần đầy bí ẩn của con người, đối lập với “ý thức” kiểu lý tính thuần túy. Nó bao gồm cái phi lý tính, cái tiềm thức, vô thức, bản năng thiên phú… có thể nhấn mạnh phần trực cảm, linh giác, những khả năng bí ẩn” (nhưng vẫn có ý thức của con người).

Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới cũng đã “mở cánh cửa vào thế giới tâm linh” với những mức độ và biểu hiện khác nhau.

Trước hết, đó là thế giới tồn tại trong những con người có “thân tâm” không “an lạc” - “thân” tạm gửi trong hiện tại mà “tâm” lại hướng về quá khứ. Đó là những nhân vật người lính từng sống sót qua hai cuộc chiến tranh (Quy trong Chim én bay, ông Dần trong Góc tăm tối cuối cùng, Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng…). Với họ, quá khứ luôn là cõi thiêng liêng, được hòa trộn bằng máu, bằng nước mắt và bằng cả những kỷ niệm yêu thương. Quá khứ ấy luôn gọi họ tìm về, không phải để ru mình trong tháp ngà của những vinh quang chiến thắng mà để chiêm nghiệm, để dằn vặt, trở trăn về lẽ đời. Đó là lẽ sinh – diệt, tồn – vong, là sự khổ – lạc… trong “chư hành vô thường” (Kinh Đại Niết Bàn). Chiến tranh xảy ra gây nên biết bao nông nỗi đời người. Nhưng khi chiến tranh đã được “diệt” thì những khúc đoạn khác lại khởi sinh. Cái còn lại trong hiện tại không đủ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những con người đã từng “trở về từ cõi chết”. Vì vậy, người lính lại sống với những gì đã mất bằng đời sống tâm linh.

Với Quy: “Có một cái gì đó ngoài lý trí bắt chị suy nghĩ, trăn trở. Cái gì? Hình như nó ở đâu đó trong con người chị, trong mọi con người chị hàng ngày tiếp xúc. Hình như nó ở trong đất, trong nước…” (tr.130). Và người phụ nữ ấy đã từng hành động theo “sự mách bảo bí ẩn của tâm linh”– tìm lại nhà những tên ác ôn ngày xưa mình đã giết… Với Kiên, thế giới tâm linh hầu như thường trực trong đời sống của anh. Con người ấy không thể tìm được “phép an trú trong hiện tại” (hiện tại lạc trú) như lời Phật dạy. Nghĩa là anh không thể “sống tỉnh thức trong từng giây phút, biết quý trọng từng giây phút của đời sống”. Đây là trạng thái tinh thần của con người bị khủng hoảng niềm tin một cách trầm trọng. Ứ đọng một cảm giác “buồn nôn” khi đối diện với cuộc sống hiện tại mà “các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bày ra gớm chết” (tr.50), Kiên chỉ còn cách rút vào thế giới tâm linh, sống với quá khứ. Trong Ăn mày dĩ vãng, thế giới tâm linh trở thành nơi “nương tựa” cho người lính khi trở về với cuộc sống thời bình. Cũng như Kiên, Hai Hùng “không nguôi hướng về dĩ vãng” (tr.95). Anh chưa kịp chuẩn bị cho mình tâm thế sống trong hòa bình, lại luôn bị hút theo tiếng gọi bi thương, da diết của quá khứ nên tâm hồn phải “nương” vào cõi tâm linh. Chỉ khi sống trong cõi ấy, anh mới lắng nghe được mọi tiếng nói vang lên trong cõi lòng mình. Đó là tiếng thảng thốt của chính anh; là tiếng trách móc, mai mỉa, oán thương… của đồng đội, vang lên từ những nấm mồ trong nghĩa trang; là tiếng oán trách của Viên; tiếng lên án nặng nề của Bảo; tiếng an ủi của Khiển; cả tiếng thương hại của người đã khuất khi trông thấy dáng vẻ tiều tụy của anh… Thì ra, cái cõi tưởng như là chập chờn, mông lung ấy lại nói được biết bao điều đang ngày đêm giày vò trái tim người lính. Đó là tình yêu thương, nỗi xót xa ám ảnh khi được sống sót trên sự hy sinh của đồng đội. Đó là sự bất mãn đến cùng cực khi đối mặt với “thời buổi tham nhũng đầy trời” (tr.167)... Mức độ cảm thông của bạn đọc đối với tác giả và nhân vật có thể khác nhau. Nhưng sự thật về những mảng hiện thực được khám phá và tái hiện trong đời sống tâm linh nhân vật khiến người đọc không thể không suy ngẫm.         

Khi rơi vào trạng thái “bất an”, con người cũng thường trở về với thế giới tâm linh. Ở đó, họ sẽ hé mở những bí ẩn của lòng mình. Thế giới tâm linh mà ông Hàm (Mảnh đất lắm người nhiều ma) hướng đến là những giấc mơ về người vợ đã chết: “Bà ấy ghé sát vào màn, nhìn vào tận mặt tôi mà hỏi: Vậy cuối cùng ông được những gì? Hả? Tôi chết đi để xem ông được những gì?” (tr.303). Sự xuất hiện và những lời cật vấn của bà trong giấc mơ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với ông. Nếu có thể giải đoán được giấc mơ, người ta sẽ hiểu được nỗi oan ức tột cùng của người đàn bà bị biến thành vật hy sinh cho những kẻ ham mê quyền lực đến đánh mất nhân tính. Và cũng hiểu được nỗi ám ảnh tội lỗi và khát vọng được tha thứ của người đang sống (ông Hàm). Cuối cùng, ông trưởng họ Trịnh Bá vốn “ghê gớm” là thế lại đi tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn ở một bóng ma yếu đuối và tội nghiệp. Ông đã thắp hương khấn vái trước vong linh vợ, tâm sự với vợ, mong vợ về báo mộng. Vì ông tin rằng: “Khói hương sẽ đánh thức “người” đang ở chốn âm sâu lập tức vượt khỏi sự bịt bùng của ba thước đất mà cưỡi mây vượt gió trở về nơi cư gia của thân nhân đang thì thầm nhắn gọi!” (tr.312).

Tin vào sự ngự trị của những đấng siêu hình quyền năng hay những bậc “Thánh nhân” theo tín ngưỡng tôn giáo (đức Phật, đức Chúa Giê su…) cũng là cách để con người tìm về với đời sống tâm linh. Ở đó, họ bộc lộ sự hiền minh của trí tuệ khi vừa xem tôn giáo như một chỗ dựa tinh thần, vừa dũng cảm đối diện với thực tại theo sự dẫn dắt của tâm linh. Mục đích của họ không phải để được “hài xinh” như cô Tấm, được “tre trăm đốt” như anh Khoai hay được những túi vàng như người em khi cho khế… Họ cần niềm tin và sức mạnh tinh thần để hướng về phía trước. Hay nói như Socrate: “Có một “vị thần hộ mạng”, một tiếng gọi trong tâm linh xui dạy ta làm điều phải. Làm điều phải tức là đạt được đạo đức. Và đạo đức tức là hạnh phúc, tức là chân lý”. Vì vậy, trong nỗi đau khổ tột cùng vì chồng lâm bệnh nặng, đứa con trai lại “lếu láo”, vợ ông Kỳ (Ngày thứ bảy u ám) từ bệnh viện trở về gần như đi  theo sự dẫn dắt của tâm linh. Bà tưởng như Trời Phật đã đẩy đưa bà tới trước chùa Quán Sứ cô tịch và lạnh lẽo. Ý thức được mối liên hệ với thế giới tinh thần ấy, bà “sợ hãi và chết lặng”, rồi quỳ xuống khấn vái một cách thành khẩn. Tác giả đã tạo nên “không gian tâm linh” để nhân vật đối diện với sự thật trần trụi (tội ác của chồng bà) và đối diện với sự yếu đuối của bản thân mình (trốn chạy cuộc sống hiện tại). Cuối cùng, bà đã trút được gánh nặng trên vai và trở lại trạng thái thăng bằng.

Đặc biệt, vấn đề này đã được Nguyễn Khải thể hiện qua nhiều sáng tác từ sau 1975 (Cha và con và…, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Điều tra về một cái chết, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu…). Trong Thời gian của người, nhà văn đã nhìn thấy nhu cầu tâm linh của con người qua việc hướng đến những “lãnh vực siêu nhiên”, trong đó có tôn giáo: “Tôi vẫn suy ngẫm rằng con người là một sinh vật không bao giờ tự hạn chế trong những cơ cấu sinh lý. Luôn luôn nó muốn vươn tới cái tuyệt đối, cái vô biên, cái vĩnh cửu… Trong những lãnh vực siêu nhiên này, con người đã tạo ra bằng chính nó và cho nó một hình ảnh lý tưởng về Thượng Đế, về Đấng sáng tạo ra vạn vật, về Vũ Trụ, về Vĩnh Cửu, thoát khỏi những chiều kích thông thường về không gian và thời gian…” (tr.240). Vì vậy, nhân vật của ông đã thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo: “Xác phàm cần lúa gạo, tâm linh cần Thượng Đế. Đói ăn thì chết nhưng đói Thượng Đế sẽ thành thú vật” (Điều tra về một cái chết). Nhưng điều quan trọng là những con người ấy không tin một cách mù quáng vào tôn giáo, để biến nó thành một thứ “độc dược” và bản thân mình thành một “quái tượng”. Với họ, tôn giáo chính là nơi ngự trị của thế giới tâm linh, tạo nên sức mạnh tinh thần cho con người, hướng họ đến với “nền thần học cách mạng”. Đây cũng là vấn đề mới mẻ mà tiểu thuyết thời kỳ này muốn khám phá và thể hiện.

Thế giới tâm linh cũng là nơi có khả năng phát ra những tia sáng bất ngờ. Đó là những khả năng kỳ lạ của con người mà ngày nay khoa học rất quan tâm. Không ít trường hợp, con người có “linh tính” trước khi xảy ra những việc hệ trọng hoặc cảm nhận được những “điềm báo” kỳ lạ từ đâu đó bên ngoài lý trí của mình. Dũng trong Chim én bay có những linh cảm thật lạ. Trên đường đi thực hiện nhiệm vụ (giết tên ác ôn Hai Đích), cậu ta đã tranh thủ lao xuống biển tắm một cách “mê mải”, tắm như chưa bao giờ được tắm với lời giải thích: “Nóng quá, phải tắm một cái, kẻo chẳng bao giờ được tắm nữa” (tr.97). Chỉ ít phút sau, Dũng trúng pháo và chết một cách thảm thương. Sau này nhớ lại, Quy “cứ ngạc nhiên mãi”: “Hình như lúc đó, Dũng đã linh cảm trước một điều gì và việc Dũng đột ngột bỏ xuống tắm giống như một sự từ giã...” (tr.97).

Nhân vật Viên trong Ăn mày dĩ vãng có năng lực tâm linh đặc biệt hơn. Cậu ta thường “có một linh cảm hoặc trực giác trận chiến gì đó rất kỳ quái”. Nghĩa là có thể biết trước điều sắp xảy ra, không chỉ đối với mình mà còn đối với những người khác (trường không gian tâm linh rộng hơn), không chỉ một lần mà nhiều lần (mật độ dày đặc hơn). Điều này đã được kiểm chứng qua thực tế: “Trận nào mà hắn ta tươi tỉnh, thích nói thích cười thì trận đó dứt khoát sẽ xuôi chèo mát mái. Ngược lại, hôm nào hắn tỏ ra lì xì, hỏi không nói, gọi không thưa, động một tí cũng gắt gỏng là y như rằng hôm đó không gặp trục trặc này cũng đụng tình huống khác, có khi cha con ôm đầu máu trở về” (tr.37).

Tất nhiên, năng lực tâm linh không phải xuất hiện ở bất cứ người nào. Nó có những quy luật rất kỳ lạ, vượt qua các quy luật tự nhiên của không gian vật lý. Theo các nhà khoa học, điều này cũng có thể lý giải được. Vì cấu trúc di truyền DNA (Deoxyribo Nucleic Acid) của mỗi sinh vật hoàn toàn khác nhau nên “trường không gian tâm linh” của chúng cũng rộng hẹp khác nhau. Theo quan niệm của tôn giáo (Phật giáo), điều này còn phụ thuộc vào cái “Tâm” và “Nghiệp Báo” của mỗi người. Cái “Tâm” giúp con người liên lạc với các cõi giới khác. “Nghiệp Báo” giúp con người “hiểu rõ sức ảnh hưởng của tư tưởng vào môi trường chung, họ sẽ giữ gìn tâm hồn để không bị nhiễm bẩn bởi các dòng tư tưởng ác trong không gian, đồng thời còn chân thành cầu nguyện…, rải tâm từ bi đến muôn loài”. Những “hạnh nghiệp” này sẽ đưa đến kết quả kỳ diệu cho cuộc đời và cho đời sống tâm linh của con người.  

Hiểu tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người, nhất là trên lĩnh vực tinh thần, các nhà văn hôm nay đã khai thác thế giới tâm linh của con người qua mối giao hòa với thiên nhiên. Trong nhiều tác phẩm, ta thường bắt gặp hình ảnh con người trò chuyện tâm tình với các loài cây cỏ, với đất mẹ, hay cảm nhận về sự tồn tại của những giá trị vĩnh hằng trong cuộc sống con người. Không ít nhân vật tìm về với thiên nhiên như tìm về với thế giới tâm linh của mình. Ở đó, họ có thể đạt được sự bình an trong tâm hồn, có thể tìm được trạng thái cân bằng cho đời sống tinh thần.

Quy trong Mảnh đất tình yêu (Nguyễn Minh Châu) muốn tìm lại hình bóng của người bà qua mối dây gắn kết với thiên nhiên: “Tôi đứng nghe tiếng lá reo quanh ào ào. Tôi nhìn lên vòm lá, muốn hỏi từng cái cây trong vườn – loài thảo mộc từng sống cùng thời với bà tôi – những cây nào đã từng đổ bóng xuống cái dáng đi đứng một mình trong vườn của bà tôi, đã từng để rơi lá xanh hay lá vàng xuống vai bà tôi?” (tr.53). Cõi tâm linh với sự hiện hữu của bóng dáng người bà chỉ có thể được gợi nên từ không gian thực với ngôi vườn đầy gió ấy. Bởi khi còn sống, người bà đã thổi tình yêu và linh hồn của mình vào từng cái cây, từng vòm lá. Có thể nói, sự giao cảm, giao hòa ở đây đã đạt đến cõi hòa đồng tuyệt diệu. Với niềm tin yêu và những nỗi âu lo về con người trong cuộc sống hiện tại, Nguyễn Minh Châu luôn hướng con người đến thế giới tâm linh. Vì “thế giới ấy đối trọng với tất cả những gì phàm tục, phản trắc. Nó là chỗ cho con người lấy lại lòng tin, lấy lại thế cân bằng, thoát khỏi sự cô đơn”. Có thể tìm thấy điều này trong rất nhiều truyện ngắn khác của ông: Sống mãi với cây xanh, Cơn giông, Bến quê, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam… Con người ấy khi sắp lìa bỏ cuộc đời vẫn còn có một niềm tin: “Hình như có một đấng Chí tôn nào đó cầm tay dắt cho tôi đi qua hết cái khổ, cái nhục vô cùng của những đời người, những kiếp người”.

Ông Hai Riềng trong Thời gian của người (Nguyễn Khải) luôn hướng về những cây cao su mà cả cuộc đời mình ông đã gắn bó. Không chỉ hiểu đặc điểm sinh trưởng, cách chăm sóc cây cao su, ông còn hiểu cả tâm tình của nó. Chính tâm linh đã giúp ông nhận biết: “Con người có quan hệ mật thiết với vườn cây. Người buồn cây có vui đâu bao giờ. Mà cây đã buồn là hay đau bệnh, mủ ứa ra mỗi ngày một ít dần đi” (tr.235). Và chính tâm linh đã mách bảo cho ông biết niềm vui, nỗi buồn của cây trong mối quan hệ tương giao với con người. Đó cũng là cách gọi con người trở về với thiên nhiên. Vì vậy, người ta không gọi ông là chuyên viên, chuyên gia hay nhà khoa học về cây cao su mà gọi là “phù thủy”. Chính ông đã làm cho cây cao su, vườn cao su phát triển một cách nhiệm mầu.

Nói đến sự “tương tác tâm linh” giữa con người và thiên nhiên, người viết chợt liên tưởng đến phép tạo “linh ảnh” của Phật giáo Tây Tạng. Tạo linh ảnh “là cách để đi vào những tầng tâm thức ẩn mật…, để biết trước những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, để biết chuyện cách xa vạn dặm”. Một trong những phương tiện để tạo “linh ảnh” là màu sắc. Với họ, “Sắc đỏ tượng trưng lòng từ bi. Sắc lục tượng trưng cho sự an lạc, lòng vô úy, sự xả bỏ. Sắc vàng là màu của ánh mặt trời, là sự tăng trưởng, lớn mạnh, sự già dặn sung mãn. Sắc xanh là màu của tri kiến, của đại trí, của không gian mênh mông”. Phải chăng, khi mở cánh cửa vào thế giới tâm linh, các nhà văn hôm nay đã có sự gặp gỡ với quan niệm độc đáo ấy của người Tây Tạng? Vì không gian tâm linh trong các tác phẩm thường tràn đầy màu sắc.

Với Nguyễn Minh Châu, những sắc màu xanh, vàng, đỏ xuất hiện với tần số cao. Đó là màu của “cỏ lau đồi hoang xanh biếc mơn mởn với những bông hoa như dát bạc vào nền trời mây giông” (Cơn giông). Đó là màu đỏ nhạt của dòng sông Hồng khi vào thu, là màu của vùng phù sa “vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất mầu mỡ” (Bến quê). Đó là màu của “cả một khung trời vừa trở sắc vàng thau” (Sống mãi với cây xanh); là màu xanh, màu vàng của lá từng rơi xuống vai bà trong ngôi vườn đầy gió (Mảnh đất tình yêu)… Với Nguyễn Khải, đó là màu xanh bạt ngàn của rừng cao su và màu đỏ của vùng đất quê hương. Màu xanh của rừng cao su gắn với tình yêu thiêng liêng của ông Hai. Màu đỏ của đất đã trở thành thế giới tâm linh của Quân (Thời gian của người). Tình yêu của Quân với vùng đất đồn điền bỗng hóa thiêng liêng là nhờ cái màu đỏ đầy ấn tượng và cũng đầy ám ảnh ấy. Với anh, “đẹp nhất là những mặt đường dướn lên một vùng đất cao hơn, tươi đỏ như vỏ tôm luộc vào lúc hoàng hôn…” (tr.200). Nếu không có cái màu “tươi đỏ” thiêng liêng đó, liệu Quân có “thiêng liêng hóa” vùng đất này như anh đã thú nhận hay không: “Với tôi, vùng đất này là tất cả, là đất nước, là dân tộc, là gian nan hôm nay và hy vọng mai sau”. (tr.201)

Có thể nói, những màu sắc sống động mà thanh tịnh của tự nhiên sẽ “nhấc” con người ra khỏi không gian thực để trôi vào không gian huyền nhiệm của tâm linh. Ở đó họ sẽ vượt lên sự ô trọc của thế nhân, được đối diện với những gì thiêng liêng nhất, đối diện với chính mình để nảy sinh khát vọng được thanh lọc tâm hồn. Chúng ta có thể tìm thấy khả năng khám phá những bí ẩn trong đời sống tâm linh con người ở nhiều tác phẩm khác: Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Đò thiêng (Phạm Minh), Tiếng vạc sành (Phạm Trung Khâu), Mảnh vỡ của đàn ông (Hồ Anh Thái)…

Hiện nay, khoa học đang tích cực nghiên cứu và phát huy năng lực tâm linh kỳ lạ của con người. Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới cũng đã đi sâu vào thế giới bí ẩn của tâm linh để thể hiện được đời sống tinh thần phong phú, phức tạp của con người. Trong bài viết: Cho một hành trình văn học trở về nguồn, nhà văn Xuân Cang khẳng định: “Con người tâm linh chính là một hiện thực, nguồn gốc mọi sự sáng tạo của con người hành tinh… Tôi tâm đắc với dự báo rằng cơ chế tâm linh sẽ tạo ra sự phục hưng nghệ thuật thế kỷ sắp đến, cả ở Việt Nam”. Và tác giả khuyến khích văn học “trở về với cơ chế tâm linh”. Vì đó chính là “một hành trình văn học về nguồn, một cuộc về nguồn đầy hứa hẹn”.

Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm viết hay hơn, sâu sắc hơn về “cõi mông lung bí ẩn” của con người. Đó không phải là những tác phẩm dẫn dắt con người đi vào cõi “tù mù” của vô thức để rồi lạc bước, không tìm thấy lối ra mà có khả năng soi sáng cõi tâm linh con người, giúp họ “điều tiết mọi hành động” và “hướng tới cái Thiện”. Tất nhiên, để đạt được điều đó không phải là vấn đề đơn giản. Vì nói như Xuân Diệu: “Linh hồn ta còn bí ẩn hơn đêm. Ta không thấu nữa là ai thấu rõ”.■
                   
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Tường Bách (2005), Mùi hương trầm, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.   
Xuân Cang (1994), “Cho một hành trình văn học trở về nguồn”, Văn nghệ, (53).    
Nguyễn Minh Châu (1990), “Tính chất kỳ lạ của con người”, Văn nghệ , (15).   
Doãn Chính (2001) chủ biên, Veda – Upanishad, Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Tiến Dũng (2006), Chủ nghĩa hiện sinh: Lịch sử, sự hiện diện ở Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội.  
Nguyễn Văn Đạm (1999), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
S. Freud (2004) và các tác giả khác, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Đỗ Lai Thúy biên soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 
Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Bình (1995), Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Chương trình KHCN cấp Nhà nước, đề tài KX – 07, Hà Nội. 
Nhất Hạnh (2005), Trái tim của Bụt, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.   
Bùi Hiển (1996), Hướng về đâu, văn học?, Nxb Hà Nội. 
Tôn Phương Lan (2005), Văn chương và cảm nhận, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 
Chơn Quang (2004), Nghiệp và kết quả, Nxb Tôn giáo.
R. Tagore (1973), Thực nghiệm tâm linh (bản dịch của Như Hạnh), Kinh Thi xuất bản.
Nghiêm Tử (1943), Triết học là gì?, Văn mới, (18&19).    

Chú Thích:
1. Bùi Hiển (1996), Hướng về đâu, văn học?, Nxb Hà Nội, tr. 175.
2. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội, tr.14. 
3. Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Bình (1995), Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Chương trình KHCN cấp Nhà nước, đề tài KX – 07, Hà Nội, tr.265. 
4. Nhất Hạnh (2005), Trái tim của Bụt, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.127.
5. Nghiêm Tử (1943), Triết học là gì?, Văn mới, (18&19), tr.58.
6. Chơn Quang (2004), Nghiệp và kết quả, Sđd, tr.56.
7. Tôn Phương Lan (2005), Văn chương và cảm nhận, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.30.
8. Nguyễn Minh Châu (1990), “Tính chất kỳ lạ của con người”, Văn nghệ, số 15.
9. Nguyễn Tường Bách (2005), Mùi hương trầm, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.368.
10. Nguyễn Tường Bách (2005), Mùi hương trầm, Sđd, tr.367.
11. Xuân Cang (1994), “Cho một hành trình văn học trở về nguồn”, Văn nghệ, (53).
12. Tôn Phương Lan (2005), Văn chương và cảm nhận, Sđd, tr. 155.

Nguyệt Tuệ Xương
[Tập san Pháp Luân - số 61, tr71, 2009]