Tìm lại chút hương non xanh mây tía - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Theo từng dốc đá rêu phong, tôi lần bước leo lên, leo lên mãi... dấu chân của vị vua xem ngai vàng như đôi dép rách dường như còn hương thơm phảng phất đâu đây? Tôi cúi xuống, thò tay lên từng bậc đá. Tôi ngửng đầu lên, nhìn quanh. Ôi! sương khói, mây mù... tất cả đều xanh, xanh tía, xanh lam... tầng tầng, lớp lớp... Trời đất mắt vời ngoài biển biếc. Nói cười người ở giữa mây xanh(Nguyễn Trãi). Tịch mịch, cô quạnh. Càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Dường như đã lên đến gần trời rồi thì phải! Cái chỗ mà, Am kề hơi khí lạnh. Cửa mở tít tầng mây (Huyền Quang). Rồi ở đây, ở kia - có rất nhiều nhánh, nhiều cụm, nhiều nụ lan thảo thấp thoáng trong sương? Và còn có biết bao nhiêu là tiếng chim nhẩn nha, tíu tít hồn nhiên giữa cô tịch? Ồ, đây là tứ thơ Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian (Nguyễn Trung Ngạn) chăng? Trời đất sao mà thanh nhàn quá nhỉ? Chim thanh nhàn hay thi sĩ thanh nhàn? Rừng trúc nhiều chim ngủ. Quá nửa bạn nhàn tăng (Huyền Quang)... Còn nữa, còn ở đâu nữa, nơi cái am Vân Yên hay Tử Tiêu mà một vị vua đã cảm khái tán thán, Này trăng, này gió, này người. Hợp thành tam tuyệt dưới trời là đây!(Trần Anh Tông).

Thế rồi, gần hai mươi năm sau tôi mới trở lại. Tôi bần thần, ngơ ngác! Bây giờ Yên Tử đẹp quá! Ôi! Biết bao nhiêu là công phu và tâm huyết! Nhưng, có cái gì đó đã đổi khác. Có ai đó đã nói rằng, cũng cùng lý tận tính, nhưng nếu hiểu chữ lý ấy là vật lý thì phát triển khoa học kỹ thuật; nhưng nếu hiểu chữ lý ấy là đạo lý thì nói mãi chi hồ dã dã trong cảnh đói nghèo, lạc hậu. Hy vọng rằng, cái tinh thần siêu việt, thượng thừa, cái minh triết trong vắt, cao cả của hồn thiền, của minh triết Việt, cần phải được giữ gìn, bảo quản thế nào đó cho hiệu quả hơn! Một ông vua từ bỏ ngai vàng lên non cao động vắng, sống đời bần hàn, Ăn rau trái, mặc áo sồi, coi nửa gian lều bằng nửa thiên cung; và, Khuất tịch non cao. Náu mình sơn dã. Vượn mừng hủ hỉ. Làm bạn cùng ta; rồi cái cảnh sống hằng ngày ở Yên Tử, Mặc cà-sa, nằm trướng giấy. Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương. Quên ngọc thực, bỏ hương giao. Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ- thì quả là, quân tử chi đạo đạm dã - sẽ cho chúng ta một suy gẫm đúng đắn!        

Tôi lại thở dài. Chỉ buồn cho mình thôi! Đã đầu thai nhầm thế kỷ (Vũ Hoàng Chương) mà vẫn cứ muốn đi tìm hồn thơ, hồn thiền! Ôi! Tôi nhớ làm sao là cái cảnh Vân Yên  thuở trước. Cái cảnh mà được tả là, Hồ sen trương tán lục. Suối trúc bấm đàn tranh. Ngự sử mai hai hàng chầu rập. Trượng phu tùng mấy khóm phò quanh... (Huyền Quang). Ai cũng biết, sen thanh khiết, trúc ruột rỗng, mai tiết khí và tùng là quân tử; vậy thì đây đâu phải là nơi cho bọn phàm phu tục tử như chúng tôi héo lánh đến! Hoặc, Chim gọi bạn, cắn hoa cúng Phật. Vượn bồng con, kề cửa nghe kinh (Huyền Quang). Đúng là cõi Phật rồi! Tôi cũng nhớ câu chuyện Thị Bích dựng chuyện tình vằng vặc trăng mai ánh nước làm cho Huyền Quang bị hàm oan. Nhưng trên đàn tế lễ hội Vô Già, Huyền Quang đã nhờ pháp lực mật niệm thần chú làm cho mọi thứ tạp vật (vàng bạc châu ngọc) trên pháp điện đều đã bị cuốn bay mất hết chỉ còn lại hương đăng và lục cúng - mới lấy lại danh dự. Ôi! Cái thuở ấy, vàng bạc châu ngọc được coi là tạp vật! Kinh hãi quá!

Ôi! Hồn thơ, hồn thiền núi non Yên Tử là cái gì vậy? Nó có phải là minh triết; có phải là vô vi, vô tâm, vô niệm, vô ngã, vô thủ, vô xả, vô cấu, vô không, vô hữu...; là tập đại thành tư tưởng của Phật, Khổng, Lão; là chỗ tiếp thu toàn bộ thiền học Khương Tăng Hội, Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường; lại còn là nơi dung chứa toàn bộ Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, minh triết ẩn tàng của Trần Thánh Tông cùng tư tưởng thiền học phóng khoáng, phiêu bồng của Tuệ Trung thượng sĩ - để tạo nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, hay chăng?         

Thuở nhỏ, Trần Nhân Tông có lẽ chưa thâm ngộ gì về Phật học, Tuổi thơ chưa hiểu có cùng không. Xuân đến, trăm hoa rộn cõi lòng. Dung sắc chúa xuân, chừ thấy rõ. Sàng thiền, nệm cỏ, ngắm tàn bông!  Thế mà đã trốn vào Yên Tử đòi đi tu? Rồi khi bị ép làm vua thì ông từ chối, muốn nhường ngôi lại cho em. Đối với người vợ mới cưới ông ta cũng rất lạnh lùng, lạt lẽo! Vậy, kiếp tu đã có sẵn tiền căn rồi. Là Kim Phật. Có hoa sen vàng to như bánh xe mọc nơi lỗ rốn! Và quả đúng như vậy, dù việc nước bận rộn, nhưng nhà vua vẫn còn có thì giờ để tiếp thu tư tưởng thiền học của Tuệ Trung thượng sĩ. Ngài dường như tùy công việc, tùy duyên mà khởi tâm, lấy tâm của muôn dân làm tâm của mình như Trúc Lâm quốc sư dạy bảo cho vua Trần Thái Tông!        

Như thế là chàng trai thanh niên trải qua hai cuộc chiến kinh hoàng khi tuổi vừa mới 30! Rồi sau khi đất nước đến hồi phát triển rực rỡ nhất, 1293, mới 35 tuổi, vua đã nhường ngôi, giao lại quyền bính cho con là Trần Anh Tông, làm Thái thượng hoàng. Thật là một nghĩa cử cao cả và tốt đẹp, để lại bài học cho muôn đời sau. Sử kể rằng, từ đây, ông thường ngao du đây đó, yêu thích chốn sơn thủy thanh u. Đặc biệt là cảnh Vũ Lâm tươi đẹp: Lòng khe vắt ngược bóng cầu hoa. Ngấn nước, lung linh vệt nắng tà. Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ. Làn mây mơ mộng tiếng chuông xa... Người ta nói, năm này, 1294, Thái thượng hoàng xuất gia ở Vũ Lâm. Thật ra, lúc này ngài mới tập sự xuất gia thôi. Tại sao vậy? Vì cái chứng chỉ tập sự xuất gia nó nằm nơi bài thơ, nó giấu kín tâm sự ở đó! Chiếc cầu chạm vẽ nói lên thân thế hoàng gia của ngài. Cái thân thế ấy in bóng ngược trong lòng khe như mộng, như ảo. Tuổi đã thu rồi, xế chiều rồi, chỉ còn vệt nắng cuối cùng lấp lánh nơi ngấn nước ngoài rìa bờ khe. Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ. Sao lại nghìn non? Đứng ở điểm nào mà thấy cả nghìn non? Đây là tâm thấy chứ không phải mắt thấy. Nghìn non là vạn vật. Vạn vật đã âm thầm, lặng lẽ báo triệu sự vô thường; ngô đồng nhất diệp lạc đã báo thu rồi - huống hồ cả nghìn non rơi lá đỏ? Còn chần chờ, lần lữa gì nữa? Gẫm lại việc nước còn nhiều việc chưa giải quyết xong, còn nặng nề quá chẳng khác gì đám mây kia, đẫm nước, ướt nước không nhẹ nhàng để bốc cao lên được; chỉ nằm đây mà mơ mộng tiếng chuông chùa xa mà thôi! Như vậy, thơ chính là tiếng nói u tịch, kín đáo của lòng mình; tâm cảnh tương quan, duyên khởi - không có ở đâu rõ ràng hơn thế! Cũng trong năm 1294, thấy phương Bắc tạm yên, ngài cầm quân đi đánh Ai Lao. Việc chiến tranh là bất đắc dĩ nên lòng nhà vua đâu có vui, Lạnh lẽo đường xa mơ điện cũ. Rối ren sầu dấy thấm ly nồng... Thế là đã rõ, nếu xuất gia rồi thì không thể cầm quân đi đánh giặc, không thể uống rượu và cũng không thể mơ cung điện cũ!  Đúng là năm 1299, Thái thượng hoàng mới xuất gia, sau đó vào Yên Tử, dựng Chi Đề tinh xá, thọ trì 12 pháp đầu-đà, tự gọi là Hương Vân đầu-đà! Khi vị tỳ-khưu đã thọ trì 12 pháp đầu-đà thì họ nguyện giữ giới luật rất nghiêm túc, nếu không muốn nói là rất khắc khổ, rất thánh hạnh. Từ đây, dường như ngài để tâm toàn bộ cho việc học đạo, hành đạo và dạy đạo - do mở pháp độ tăng, người học đến rất đông; chỉ một lần phải về kinh đô để nghiêm khắc chỉ dạy Trần Anh Tông trong một lần uống rượu say. Năm 1301, Hương Vân đầu-đà cất bước nam du - có lẽ là tam y nhất bát - rời Yên Tử đến Bố Chính,  ngụ ở am Tri Kiến, sau đó lần lượt bộ hành sang đất Chiêm. Và có lẽ đây là sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của ngài đối với đất nước: Tìm sự yên bình lâu dài cho biên giới phía Nam. Ngài đi, lần này, chẳng võng lọng, nghi trượng, chẳng áo mão cân đai, chẳng ngựa xe hầu đón - mà chỉ là một vị sư đầu trần chân đất, ngàn nhà một bát xin ăn, sá gì cô lẻ chiếc thân dặm trùng - để tìm sự bang giao hiếu hòa bền vững. Cũng nhờ vậy mà mấy năm sau, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý như quà sính lễ để cưới Huyền Trân công chúa. 

Chú Thích:
1. Ủng môn sáo ngọc sâm thiên mẫu. Quải thạch châu sơ lạc bán không. (Xin ghi chú: Tất cả những thơ dịch trong bài viết này đều là của người chấp bút).
2. Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại. Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
3. Am bức thanh tiêu lãnh. Môn khai vân thượng tằng.
4. Trúc lâm đa túc điểu. Quá bán bạn nhàn tăng.
5. Thử phong, thử nguyệt, thử dữ nhân. Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt!
6. Cư trần lạc đạo phú - hội 3.
7. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.
8. Vịnh Vân Yên tự phú.
9. Đạo của người quân tử là đạm bạc vậy - Trung dung - Khổng.
10. Tk.XV mới đổi thành Hoa Yên.
11. Vịnh Vân Yên tự phú - Huyền Quang - Thơ văn LT.
12. LSPGVN q.1 của Nguyễn Lang, trang 432.
13. Niên thiếu hà tằng liễu sắc không. Nhất xuân, tâm tại bách hoa trung. Như kim khám phá đông hoàng diện. Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
14. Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành. Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh. Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc. Thấp vân như mộng viễn chung thanh.
15. Theo ĐVSKTT.
16. Thê lương hành sắc thiêm cung mộng. Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi - (Tây chinh đạo trung).
17. Theo thánh đăng ngữ lục.
18. Theo ĐVSKTT.

Minh Đức Triều Tâm Ảnh (còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 58, tr.76, 2009]