Huyền thoại Duy-ma-cật hóa giải mọi băn khoăn của tôi

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Kiểm lại những tác phẩm của Thượng tọa Tuệ Sỹ mà tôi may mắn có được, ngoài những tác phẩm dịch và viết trước thời điểm 1975 đã thất lạc, tôi có được cuốn Thắng Man giảng luận dày 415 trang...(DT)



Kiểm lại những tác phẩm của Thượng tọa Tuệ Sỹ mà tôi may mắn có được, ngoài những tác phẩm dịch và viết trước thời điểm 1975 đã thất lạc, tôi có được cuốn Thắng Man giảng luận dày 415 trang, một bản thảo dở dang từ Phật lịch 2543, phủ đầy bụi do một thiện trí thức tình cờ tìm thấy khi Thầy còn lao đao theo dòng lịch sử nổi trôi. Bản thảo, với những cái Thầy gọi là “xong và chưa xong” đó đã được những đệ tử tâm huyết của Thầy trân quý, ấn hành tại hải ngoại. Đến Phật lịch 2546, Phật tử chúng tôi được đón nhận kinh Duy-ma-cật sở thuyết, Phật lịch 2547 là cuốn Thiền và Bát-nhã, Phật lịch 2548 có Tinh hoa Triết học Phật giáo, v.v… Mới đây, Phật lịch 2550, chúng tôi vừa thỉnh được cuốn Huyền thoại Duy-ma-cật.

Không biết các đạo hữu của tôi thì sao? Riêng tôi, tôi từng khổ tâm khi học kinh Duy-ma-cật! Tôi tin rằng không người học Phật nào không công nhận kinh Duy-ma-cật là một kinh Đại thừa chứa đựng mênh mông tư tưởng thâm sâu, uyên áo. Học kinh Duy-ma-cật không thể học theo kiểu thuộc lòng, vì mỗi giai thoại, mỗi câu nói trong đó đều ẩn dụ những huyền nghĩa sâu xa; Phật tử lơ mơ như tôi, không biết đến kiếp nào mới hiểu hết. Tôi biết thế, nhưng mỗi lần đọc kinh Duy-ma-cật, tôi đều không tránh được cảm giác băn khoăn, khó chịu khi lần lượt những Đại đệ tử của đức Thế Tôn đều không dám đi thăm bệnh cư sĩ Duy-ma vì các vị đều từng bị ông cư sĩ này chê trách!

Cảm giác khó chịu này luôn khởi lên song song với sự nghi ngờ “Lẽ nào lại thế! Lẽ nào các vị xuất gia đã tinh thông nghĩa lý thâm diệu của đạo pháp lại trở thành như những đứa trẻ nhỏ khờ khạo trước một người cư sĩ tại gia, dù người đó có tài trí đến đâu! Vậy thì, khi một bản kinh Đại thừa được trình bày như vậy, hẳn đằng sau những hình ảnh cố tình phô diễn này là những ẩn dụ gì đây?”

Tuy khởi được nghi ngờ như thế, nhưng vì quá vô minh nên tôi chẳng hiểu ra được một ẩn dụ nào, nên cuối cùng vẫn chỉ còn lại cảm giác khó chịu. Nhưng vì kinh có những đoạn quá hay, nên tôi không để ngủ yên trên kệ được, mà thỉnh thoảng lại lôi ra đọc. Những đoạn hay như đoạn Thiên nữ rải hoa. Hoa rắc trên thân chư Bồ-tát thì liền rơi xuống đất, mà rắc trên thân các vị Đại đệ tử thì vẫn bám vào áo. Ngài Xá-lợi-phất phủi mãi vẫn không được.

“Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá-lợi-phất:
- Sao Ngài phủi hoa đi?

Xá-lợi-phất đáp:
- Hoa này không như pháp nên phải phủi đi.

Thiên nữ nói:
- Đừng bảo hoa này không như pháp. Vì sao? Vì chúng không có gì phân biệt mà chính Ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp”.(*)

Hoặc đoạn đối đáp giữa ngài Xá-lợi-phất và cư sĩ Duy-ma-cật:

“Duy-ma-cật hỏi Xá-lợi-phất:
- Ngài nghĩ thế nào, ánh mặt trời khi xuất hiện có hiệp cùng bóng tối hay không?

Xá-lợi-phất đáp:
- Chỗ nào có ánh mặt trời thì không còn bóng tối.

Duy-ma-cật lại hỏi:
- Vì sao ánh mặt trời soi rọi cõi Diêm-phù-đề này?

Xá-lợi-phất trả lời:
- Đem ánh sáng soi rọi để xua tan bóng tối.

Duy-ma-cật bảo:
- Bồ-tát cũng vậy, tuy sinh nơi cõi Phật bất tịnh để giáo hóa chúng sinh nhưng không hiệp cùng với sự ngu ám, mà chỉ để diệt trừ bóng tối phiền não của chúng sinh”.(*)

Nhưng ở chương nói về Pháp môn Bất nhị thì tôi không thể hoan hỷ được khi cư sĩ Duy-ma-cật hỏi các vị Bồ-tát hiện diện “Thế nào là Bồ-tát vào cửa Pháp bất nhị?”

Sau khi ba mươi ba vị Bồ-tát lần lượt dùng những hình ảnh và trạng huống tương phản để trả lời câu hỏi một cách rất minh bạch, rất xuất sắc thì ngài Văn-thù-sư-lợi là người cuối cùng mới hỏi lại Duy-ma-cật:

“Chúng tôi, mỗi người đã nói rồi, xin nhân-giả cho biết thế nào là Bồ-tát vào cửa Pháp bất nhị?

Bấy giờ, Duy-ma-cật lặng im không nói.

Văn-thù-sư-lợi tán thán:
Lành thay! Lành thay! Cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào cửa Pháp bất nhị”. (*)

Tôi thấy chỗ này… bất công quá! Chắc gì sự im lặng của Duy-ma-cật đã là câu trả lời tuyệt chiêu? Biết đâu 33 câu trả lời của chư Bồ-tát đã quá đủ, không còn câu nào dành lại cho Duy-ma-cật nên cư sĩ đành… im lặng?

Mãi cho đến hôm nay, khi say mê lần theo từng trang Huyền thoại Duy-ma-cật của thầy Tuệ Sỹ, không ít lần tôi phải buột miệng thốt lên: “Vi diệu quá! Sung sướng quá!”.

Tôi muốn chia sẻ niềm vui bất tận này với quý đạo hữu vì từ nay, đọc kinh Duy-ma-cật, tôi sẽ không còn băn khoăn, khổ tâm nữa! Tất cả đã sáng tỏ.

Chỉ đơn cử trường hợp ba Đại đệ tử hàng đầu của đức Thế Tôn là các ngài Xá-lợi-phất, Ma-ha Ca-diếp và Mục-kiền-liên bị Duy-ma-cật chất vấn đến mức không dám đi thăm bệnh cư sĩ khi đức Thế Tôn đề nghị.

Ngài Xá-lợi-phất đã từ chối, vì một lần Duy-ma-cật gặp Ngài ngồi thiền định nơi vắng vẻ, đã chê trách rằng:

“Bất tất ngồi như vậy mới là tĩnh tọa. Không hiện thân và ý ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện các oai nghi mà không xuất Diệt tận định, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm việc phàm phu mà không xả Đạo pháp, ấy mới là tĩnh tọa…”

Huyền thoại Duy-ma-cật dẫn giải rằng:
“Bậc Thánh đã xuất ly ba cõi, vượt xa ngoài thế giới đầy xáo động này, đó là nguồn an lạc do viễn ly và xuất ly. Nhưng nếu bậc Thánh ấy trở lại thế gian này, hiện thân và ý như phàm phu ngay giữa thế gian này mà tâm tư vẫn xuất ly ngoài ba cõi. Đó là đời sống viễn ly chân thật. Qua đó, những lời phát biểu của Duy-ma-cật là tán dương hay chỉ trích Xá-lợi-phất?” (+)

Ôi, thật thâm sâu! Có thế chứ! Những con mắt vô minh như tôi, đứng trước cồn cỏ che khuất, làm sao thấy được núi Tu-di là cao! Làm sao thấy hết “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” của bậc Thánh!

Rồi đến Ma-ha Ca-diếp, người đệ tử duy nhất được đức Phật trao cho chiếc y phấn tảo của Ngài, cũng là đối tượng của cư sĩ Duy-ma-cật.

“Theo truyền thuyết thường kể, Đại Ca-diếp có tâm ưu ái đặc biệt với người nghèo nên thường chỉ khất thực từ nơi nhà nghèo. Cho đến cả Thiên-đế-thích, khi muốn cúng dường Đại Ca-diếp cũng phải biến hóa thành một bà lão nghèo khó để được Ngài thọ nhận.

Ngay khi ấy, Duy-ma-cật xuất hiện và nói: 
Kính thưa ngài Ma-ha Ca-diếp, có tâm từ bi mà không rộng khắp nên Ngài bỏ nhà hào phú mà xin nhà bần hàn”. (+)

Giai thoại này, Huyền thoại Duy-ma-cật hóa giải chỉ bằng một câu ngắn:
“Nếu nói là phương tiện thị hiện, Phật từ bỏ Tịnh độ mà hiện nơi uế trược thì có khác gì Ca-diếp bỏ nhà giàu để đến với người nghèo?”(+)

Ôi! Đơn giản có thế mà tôi khổ tâm bấy lâu vì không biết làm sao biện minh cho vị Đại đệ tử, từng nhận được Chánh pháp nhãn tạng đức Phật trao truyền và trở thành vị Tổ thiền đầu tiên, gieo trồng bao hoa trái nhiệm mầu cho hàng hậu học.

Trường hợp Đại thần thông Mục-kiền-liên mới thật là vi tế. Học Phật, chúng ta đều biết rằng đức Thế Tôn từng nhiều lần từ chối sử dụng thần thông để thuyết pháp vì “Không ích gì khi có khả năng biến hóa một người tí hon thành khổng lồ hoặc làm thân hình bốc lửa các thứ. Chỉ đáng tán thưởng khi phép lạ là khả năng biến một con người hung ác thành một bậc Thánh từ tâm quảng đại. Đó là phép lạ của sự giáo dục. Đó là Giáo Giới Thị Đạo.” (+)

Nhưng để có đủ mọi phương tiện uyển chuyển, đức Thế Tôn đã ngầm trao đặc quyền sử dụng thần thông cho Mục-kiền-liên mà thôi. Nhưng khi Duy-ma-cật chất vấn Mục-kiền-liên lại không là lúc Ngài sử dụng sở trường mà Ngài đang thuyết pháp cho hàng cư sĩ về các pháp tu để nhận thức được thân này là không thực, là tồn tại với một tự ngã. Đây chính là một dụng ý tuyệt chiêu của tinh thần Đại thừa. Duy-ma-cật đến trước Mục-kiền-liên mà nói rằng:

“Thưa ngài Mục-kiền-liên, Pháp không chúng sinh vì xa lìa cấu bẩn của chúng sinh. Pháp không thọ mạng vì xa lìa sinh tử. Pháp không có con người vì tiền tế và hậu tế đều cắt đứt. Pháp thường tịch nhiên vì diệt các tướng. Pháp lìa ngoài tướng vì không sở duyên. Pháp không ngôn thuyết vì lìa các quán. Pháp không hình tướng vì như hư không… Pháp như vậy, làm sao thuyết?”

Nhưng thực tế, suốt 49 năm hoằng hóa, đức Phật đã không ngừng thuyết pháp và trước khi nhập diệt, Ngài bảo các đệ-tử: “49 năm qua, ta chưa từng nói lời nào”. Vậy lời Duy-ma-cật chất vấn Mục-kiền-liên có phải là chê trách không? Hay đây chính là lời tán thán về “Phép lạ của sự giáo dục” trong tinh thần:

“Người thuyết pháp thì không diễn thuyết, không khai thị. Người nghe thì không nghe, không sở đắc. Như con người huyễn giảng pháp cho người huyễn nghe. Sự thuyết pháp như vậy quả là thần thông diệu dụng”. (+)

Sự dẫn giải thật cô đọng:
“Duy-ma-cật không đợi lúc Mục-kiền-liên đang hiện thần thông để đối biện, mà đến ngay lúc Mục-kiền-liên đang thuyết pháp. Chính ở đó Duy-ma-cật chỉ lối đi vào cảnh giới thần thông của Phật”. (+) 

Cứ tuần tự, nhẩn nha như thế, từng trang Huyền thoại Duy-ma-cật đã hóa giải mọi vấn đề, cho thấy trong mọi môi trường, người cư sĩ trí tuệ vô song đó đều “cùng làm việc” với chư Bồ-tát và các Đại đệ tử của Phật, chứ không phải là chê trách nhau. Quý Ngài cùng làm việc trong chủ trương đưa ra những hình ảnh và ngôn từ tương phản, hầu làm sáng tỏ hơn những tư tưởng quá thâm sâu, uyên áo trong giáo pháp Đại-thừa, mà với những phương cách bình thường khó đạt được. Như trên sân khấu phải có vai người thiện, kẻ ác, có người khôn, kẻ dại thì người xem mới nhìn ra chân lý. Có thế, khán giả vô minh như tôi mới được hoan hỷ, thỏa dạ ra về bằng lời dẫn giải của thầy Tuệ Sỹ về chương Pháp môn Bất nhị. Đó chính là chương tôi cảm thấy bất công sau khi ba mươi ba vị Bồ-tát trả lời câu hỏi về Bất-nhị, chẳng được công nhận gì; còn Duy-ma-cật chỉ im lặng mà được ca ngợi là không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào cửa Bất-nhị!

Thì đây, Huyền thoại Duy-ma-cật nhẹ nhàng nói thế này:
“Nếu Văn-thù không cất tiếng ngợi khen, dễ có ai khám phá ra ngôn ngữ của vô ngôn trong sự im lặng của Duy-ma-cật? Nếu bậc giải Không đệ nhất không tỏ ra khiếp đảm ở đây, phàm phu nào khám phá được cảnh giới tịch mặc vô ngôn trong ngôn ngữ lý luận ly kỳ của Duy-ma-cật?” (+)

Như kẻ mù vừa được sáng mắt, như người lần mò trong tối tăm vừa được dắt ra khỏi hang động, tôi đọc mãi câu này không chán, tưởng như từng nét chữ với hình thù rõ rệt đã dính vào mỗi tế bào.

Ghi chú
(*) Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ
(+) Huyền Thoại Duy-ma-cật, Tuệ Sỹ

Diệu Trân.
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.25, 2007]