Ngày ấy bây giờ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ai đã từng một lần đi qua vùng đất Củ Chi có lẽ sẽ không sao quên được cái không khí trong lành mát mẽ của một vùng quê yên bình bên cạnh phố xá ồn ào náo nhiệt.

Hình như tôi thấy mình rất có lý khi chọn về nơi đây, thay vì ở một ngôi chùa lớn nằm ngay trung tâm thành phố.

Tôi thả bộ trên con đường mòn nhỏ xíu, hít thở thật sâu và thấy lòng hoan hỷ lạ. Đi được một đoạn, tôi chợt nghe có tiếng người rên hư hử ở bên đường. Dừng lại xem, trước mặt tôi là một thanh niên say mèm nằm thở hổn hển và dường như anh ta không còn nhúc nhích nổi, mùi rượu bay lên nồng nặc. Tôi nghĩ thầm: chắc là anh ta say quá! Tôi dùng hết sức đỡ người thanh niên dậy, nhưng thật khó khăn, phải mất một hồi lâu cả hai mới ra khỏi được vệ đường. Tôi mệt lả người, lưng ướt đẫm mồ hôi, định bụng ngồi nghỉ một vài phút rồi sẽ đưa anh ta về chùa. Bất chợt tôi nhìn người thanh niên và trông anh ta quen quen! Tôi lại gần nhìn thật kĩ, hình như là đã gặp đâu đó rồi. Tôi đưa anh ta về chùa, lau người và thay tạm cho anh ta bộ đồ nâu. Rồi tôi phát hiện ra trong túi anh có một số giấy tờ tùy thân và vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng người mang tên trong những giấy tờ này là Minh, một người bạn đồng tu trước đây của tôi. Tôi thay chiếc khăn khô trên trán anh bằng một chiếc khăn khác, mắt không rời người thanh niên đang nằm bất động trên phản gỗ, lòng tôi se lại. Có một điều gì đó thật đớn đau, thật xót xa đang đè nặng cõi lòng mà có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu và cảm nhận được!

Ngày đó tôi và Minh là huynh đệ đồng sư, cả hai đều tiến bộ như nhau trong tu học. Nhưng hai người, mỗi người có một tính cách và thể lực khác nhau nên Thầy cũng theo đó mà đặt để những quan tâm cần thiết. Tôi vốn nhiều bệnh, không hợp với công việc nặng nhọc nên Thầy giao cho tôi làm những việc nhẹ ở chùa. Còn với Minh, vì anh rất cần cù nhẫn nại trong công việc, hay gánh vác những việc nặng trong chùa nên Thầy giao cho Minh trông coi rẫy tiêu nằm dưới chân đồi.

Hoàn cảnh ở chùa lúc này còn khó khăn về mọi mặt, nên Thầy rất thương yêu và quý mến những đệ tử xuất gia của mình. Công việc chăm sóc và thu hoạch tiêu hầu như đều do Minh đảm trách. Dù bận việc nhưng Minh chưa bao giờ bỏ một thời công phu nào, và hầu như anh chưa bao giờ làm điều gì trái ý Thầy. Thầy tin tưởng và kỳ vọng ở Minh rất nhiều.

Dù vất vả và bận rộn nhưng Thầy tôi luôn khuyến khích và sách tấn chúng tôi học hành và tìm hiểu kinh điển. Thế rồi, khi tôi và Minh bước qua tuổi hai mươi, Thầy đã tạo điều kiện để cho chúng tôi tham dự lớp Trung cấp Phật học, dù mọi công việc phải đổ dồn lên đôi vai khắc khổ của Thầy.

Được Thầy sớm trang bị cho tinh thần tiến thủ và nếp sống lục hòa, chúng tôi đã dễ dàng hòa nhập vào môi trường sống mới. Tâm hồn vẫn hồn nhiên trong sáng và luôn cố gắng học tập.

Rồi bốn năm Trung cấp Phật học trôi qua một cách nhẹ nhàng. Cầm tấm bằng giỏi trên tay, cả hai phấn khởi và bắt đầu chuẩn bị tư trang để thi vào Học viện. Nhờ những nỗ lực cần thiết và sự hỗ trợ về tinh thần của Thầy, cả hai chúng tôi đều đỗ vào Học viện. Điều này đã làm cho Thầy tôi hoan hỷ và tin tưởng rất nhiều.

Ngày nhập học đến gần, Thầy tôi chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết để cho hai đứa đệ tử ra đi với niềm tự hào khôn tả. Trước khi đi, chúng tôi vào đảnh lễ Thầy. Thầy căn dặn: “Hai con phải tinh tấn hết mình, hãy học tập và sống đúng với con đường mà mình đã chọn.”

Cuộc sống êm đềm trôi đi và con người trong dòng quay của thời gian đang bị nhiều điều chi phối. Có kẻ yếu đuối rồi buông xuôi tất cả. Nhưng có người với lòng kiên định, đã cố gắng vươn lên và vượt qua những cam go của cuộc đời. Tuy thế, cũng có những ý chí tưởng chừng vững chắc như bê tông cốt thép cũng đã phải rơi đổ và tan nát trong khoảng không vô tận. Tất cả chợt đến, chợt đi nghiệt ngã khôn lường. Với Minh cũng vậy, dù nhiều năm được un đúc, được tôi luyện, nhưng nghiệp lực lại là điều không thể tránh khi con người ta chưa thật sự trả hết những gì mình đã mượn vay.

Minh trở về chùa sau một năm kể từ ngày mang lời dạy ra đi. Thầy vẫn ngồi trên chiếc tọa cụ đã cũ phải vá nhiều nơi. Bên cạnh Thầy là tôi và hai sư huynh nữa. Minh đắp y quỳ trước mặt Thầy, giọng anh run run.

- Bạch Thầy? Con không thể tiếp tục tu được nữa!

Tại sao lại như vậy? Điều gì đã đốt cháy ý chí sắt đá của Minh. Bao nhiêu năm tháng được rèn đúc trong lối sống từ bi và trí tuệ giờ chỉ còn là gió thoảng, cuối cùng thì Minh cũng không vượt qua nỗi cái sợi dây oan nghiệt trói buộc ngàn đời. Minh sám hối lần cuối và xếp y gởi lại cho Thầy. Hai sư huynh im lặng bỏ đi. Còn tôi, bao nhiêu năm tháng cùng sống với Minh, chưa bao giờ tôi thấy Minh lại yếu đuối như hôm nay. Sao lại như vậy? Sao Minh nỡ đối xử với mọi người như vậy? Sao Minh không nghĩ đến Thầy và chư huynh đệ? Minh đánh đổi tất cả sao? Hàng trăm câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu. Tôi cũng không biết là Minh đáng thương hay đáng trách nữa!

Trời đêm dường như ảm đạm hơn. Những hạt mưa đầu mùa chen nhau rơi lộp bộp xuống mái tôn. Gió vẫn rít từng cơn qua khe cửa sổ, âm thanh nghe đến nhức nhối. Thầy vẫn ngồi đó im lặng, nhưng hình như lưng Thầy đã khòm xuống, nét khắc khổ còn đọng lại trên vầng trán nhăn nheo và đôi mắt quầng thâm sau nhiều đêm mất ngủ. Thầy im lặng nhìn người đệ tử, ánh mắt vẫn tràn đầy từ bi và bao dung.

Hiện giờ, trước mặt tôi là người thanh niện chưa đầy ba mươi nhưng nét phong trần đã biểu lộ trên gương mặt khắc khổ. Những đường ngang đường dọc trên đôi má và vầng trán khô nám chứng tỏ cuộc đời đã cày lên anh những nỗi buồn, những hệ luỵ. Bất giác tôi thở dài ngao ngán và nhớ lại những tháng ngày êm đềm đã qua, những ngày tháng đã động lại trong tâm trí những hình ảnh khó quên. Những năm tháng đong đầy mây trời lồng lộng đã khiến cho tôi hoài niệm trong bồi hồi quay quắt giữa những giọt đắng giọt thương đan chen lẫn lộn. Thật đúng khi người ta nói: “Có những quá khứ êm đềm khiến người ta phí bỏ một đời để nhớ”. Tất cả vẫn còn đọng lại như một nỗi nhớ nhung sâu thắm vô cùng. Dòng đời vẫn luôn trôi chảy miên man trong sự dao động khôn lường. Niềm vui thoáng ẩn hiện đâu đó nhưng rồi nỗi buồn lại đến vây lấy kiếp người. Khi nỗi buồn đến, có một vài người không vượt qua nỗi đã vội ra đi, đã rời khỏi vòng tay người thân để đến một nơi xa xôi nào đó mà chính họ cũng không biết được. Việc đến, đi vẫn biết là lẽ thường tình của cuộc đời có thịnh có suy, có mất có còn… nhưng sao tôi vẫn cứ bị xao động lung lay, vẫn dè dặt, sợ hãi khi nghe hoặc đối diện.

Đường về chùa gần mà xa. Con người có thể phải trải qua nhiều kiếp thăng trầm để trở về nhưng cũng có thể chỉ trong một cái quay đầu! Tôi vẫn thường được nghe nói đó là căn duyên. Và tôi tin rằng, trải qua những luỵ phiền do mình gây tạo, rồi Minh sẽ có được một căn duyên tốt để trở về nơi bến đỗ bình yên ngày xưa.

Huỳnh Sa
[Tập san Pháp Luân - số 16, tr.80, 2005]